Trang

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

06-02-2013 : THỨ TƯ TUẦN IV MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Tư 06/02/2013
Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ
Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo (lễ nhớ)
Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo


BÀI ĐỌC I: Dt 12, 4-7, 11-15
"Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến".

 Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
            Anh em thân mến, khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu, và anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: "Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con".
            Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí, Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt? Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Đường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.
            Anh em hãy sống hoà thuận với hết mọi người, hãy ăn ở thánh thiện, chẳng vậy không được nhìn thấy Thiên Chúa. Anh em hãy coi chừng, đừng để mất ơn Chúa, đừng để một rễ cay đắng nào mọc chồi gây xáo trộn và làm cho nhiều người bị nhiễm độc.
 Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 13-14. 17-18a

Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.
2) Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Người hiểu biết chỗ gây hình của chúng tôi, Người nhớ rằng tro bụi là tụi chúng tôi! - Đáp.
3) Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, từ thuở này đến thuở kia cho những ai kính sợ Người, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Người. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 1-6
"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
            Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm được phép lạ nào, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh và giảng dạy.
Đó là lời Chúa.
Mc 6,1-6


SUY NIỆM : Cuộc sống âm thầm
Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:
- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.
Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".
Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"
Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ - Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 4 TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải coi trọng những người trong gia tộc.
Con người hay bị chi phối bởi thành kiến: chủng tộc, giai cấp, nghề nghiệp, xóm làng, gia đình … Những thành kiến này ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của một người với người khác. Để có thái độ khách quan, con người cần phải vượt qua những bức tường thành kiến này mới có thể nhìn thấy những cái hay của những người trong gia đình, cộng đòan, hay cùng quê hương xứ sở.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những mối tương quan của con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cha và con. Như người cha phải sửa phạt con cái, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt con người. Mục đích của việc sửa phạt không phải vì ghét bỏ, nhưng để giúp đức tin của con người ngày càng vững mạnh hơn, để họ có thể đương đầu với những cám dỗ và thử thách của cuộc đời. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng, và quê hương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dạy dỗ và sửa phạt vì lo lắng cho tương lai của con.
1.1/ Hai kiểu mẫu giáo dục: Người tị nạn Việt-Nam chắc chắn đã nhiều lần bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu giáo dục con:
(1) Kiểu giáo dục Âu-Mỹ: Không được dùng bạo lực với con nít như: mắng chửi, đe dọa, và đánh đòn. Phải dùng những cách để trẻ con nhận ra lỗi lầm của nó như đứng ra một nơi riêng và tạm thời không cho tham gia vào những sinh họat chung. Phải chăng những cách thức này hiệu quả cho tất cả mọi trẻ?
(2) Kiểu giáo dục Kinh Thánh và Việt-Nam: Tác-giả Thư Do-Thái khuyên: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” Động từ Hy-Lạp dùng ở đọan này là “mastigo,w = đánh đòn; kỷ luật; trừng phạt.” Một người có thể cho cả 3 nghĩa đều thích hợp ở đây. Nhưng trong các Sách Khôn Ngoan và Sách Tiên Tri, các hình phạt của Thiên Chúa dành cho những người không tuân theo lệnh của Ngài, không phải chỉ đơn thuần là các cách thức giúp con người nhận ra lầm lỗi; nhiều lần các tác giả đã nói đến cây roi (Pro 10:13, 13:24, Isa 9:4), đổ máu, và ngay cả cái chết. Truyền thống Việt-Nam cũng theo truyền thống Kinh-Thánh khi nói: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.”
Người cha vô trách nhiệm là người cha không huấn luyện và sửa dạy con mình, và để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Một đứa trẻ vô kỷ luật sẽ không thể thành công trên đường đời. Tương tự, cái đau khổ nhất của con người là khi Thiên Chúa để mặc họ muốn làm gì thì làm. Một khi Thiên Chúa để mặc, ma quỉ sẽ vào và thao túng người đó; họ sẽ trở thành nô lệ cho ma quỉ.
1.2/ Tâm lý của người bị sửa dạy: Đa số con người đều không muốn cho ai nói động đến, sửa dạy, và sửa phạt mình. Tác giả Thư Do-Thái cũng nói lên điều này: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.” Mục đích của việc sửa dạy là nhắm tới lợi ích tương lai của đương sự. Chẳng hạn, khẩu hiệu huấn luyện các binh lính: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Tương tự trong việc huấn luyện đức tin: “Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.” Để con người có thể vượt qua mọi đau khổ của cuộc đời, đức tin con người cần được thử luyện như vàng thử lửa.
Hơn nữa, việc sửa dạy không phải chỉ nhắm tới cá nhân đương sự mà thôi, nhưng còn nhắm tới lợi ích của cộng đòan, và những người đương sự sẽ có trách nhiệm nữa: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê quán của Ngài.
2.1/ Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách quan họ đã phải thốt lên: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hòan cảnh xã hội.
2.2/ Họ khinh thường Chúa Giêsu vì 2 lý do:
(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá của các Tông-đồ, nghề thợ mộc được coi như nghề lao động tay chân và ít học thức. Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ những người làm những việc này. Nói theo kiểu Việt-Nam, “con vua thì lại làm vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”
(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta không phải con bà Maria, và là anh em của các ông James, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Có lẽ Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố này xảy ra, nên không thấy họ nhắc tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ. Những tên được đề cập tới có lẽ là các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn nói: một người sinh ra từ một gia tộc tầm thường như thế, không thể nào làm được những công việc như Chúa Giêsu đã làm.
2.3/ Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ không được nhờ, không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường của những người trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và giúp đỡ những người thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của họ, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để lại cho các ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1) chính quê hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có thể thành công trong cuộc đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của chúng ta có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt những khi chúng ta lầm lỗi.
- Thành kiến làm chúng ta mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo tòan sự công bằng, chúng ta cần lọai bỏ thành kiến và chú trọng tới những gì người khác làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này với những người trong gia đình và cộng đòan.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN 
Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6, 1 - 6
1. Ghi nhớ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simôn sao"?
2. Suy niệm: Khi thực hiện các phép lạ, Chúa mời gọi con người đáp lại hành động của Chúa bằng niềm tin. Sau khi Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở Caphanaum, dân làng Nagiareth cũng đã nghe biết nhưng khi đối diện với Chúa Giêsu, họ không nhận ra nơi Chúa Giêsu có một chút nào quyền năng mà chỉ là con ông thợ mộc Giuse tầm thường, một bà Maria đang ở với họ.
"Gần chùa gọi bụt bằng anh" chính là tâm trạng của dân làng Nagiareth, chính thái độ tự phụ tự cho mình là biết mọi sự về con người Giêsu đã làm cho họ đánh mất cơ hội đón nhận ân ban của Chúa.
Tuy nhiên, Chúa không chịu thua lòng tự phụ của con người, thánh Maccô ghi lại, mặc dù có nhiều người không tin nhưng Chúa vẫn đặt tay và chữa lành bệnh nhân. Tình thương của Thiên Chúa luôn bao phủ con người và mời gọi con người đón nhận bằng niềm tin
3. Sống Lời Chúa: Khiêm tốn nhận ra Chúa nơi anh em
4. Cầu nguyện:  Lạy Chúa, là người Kitô hữu, nhiều khi chúng con tự phụ cho rằng mình là "con riêng" của Chúa mà khinh dễ anh chị em. Xin cho chúng con biết yêu mến và nhận ra Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
www.giaophanvinhlong.net
06/02/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo 
Mc 6,1-6

CẢM NHẬN ĐIỀU KỲ DIỆU
" Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì ?" (Mc 6,2)
Suy niệm: Dân làng Nadarét ngạc nhiên về sự khôn ngoan, về quyền năng của Đức Giêsu, thế nhưng họ lại không tin Ngài, không thán phục Ngài. Bởi vì lòng họ đầy thành kiến về quá khứ, về gốc gác họ hàng của Ngài. Họ quá gần Ngài nên không nhận ra sự cao cả, tư cách Con Thiên Chúa của Ngài. Phần Đức Giêsu, sách Tin Mừng nói rằng: “Ngài ngạc nhiên về sự cứng tin của họ.” Có lẽ hôm nay Đức Giêsu sẽ tiếp tục ngạc nhiên về việc cứng tin của ta, sau khi đã biết và đã cảm nghiệm bao việc kỳ diệu Chúa đã làm cho mình.
Mời Bạn: Vượt qua sự quen thuộc trong cuộc sống để tập nhận ra: - sự mới mẻ tươi vui của Chúa Giêsu Thánh Thể trong một nghi thức thánh lễ quen thuộc; - hình ảnh cao đẹp của Thiên Chúa nơi một người quen ta vẫn gặp mỗi ngày; - hồng ân Thiên Chúa yêu thương tuôn tràn trong đời thường “một ngày như mọi ngày”.
Sống Lời Chúa: 1. Tham dự thánh lễ hôm nay thật sốt sắng. Cố gắng nhận ra ý nghĩa sâu đậm của từng lời kinh, từng cử chỉ, nhất là cảm nếm được niềm vui thanh thoát khi đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể.
2. Nhận ra khía cạnh tích cực của một người quen mà bạn thường có ác cảm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiện diện thật bình thường trong một thứ lương thực quen thuộc: tấm bánh, ly rượu. Chúa cũng hiện diện nơi những con người bình thường và tầm thường quanh chúng con. Xin cho chúng con, đừng vì lớp vỏ quen thuộc mà không nhận ra Chúa. Amen.
www.5phutloichua.net

QUÊ QUÁN CỦA NGƯỜI
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

Suy nim:
            Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi. Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát. Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo… Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy. Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng. “Bởi đâu ông này được như thế? Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2). Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ. Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó. Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài? Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu. Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ. Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông, những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ. Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu. Chính cái biết này đã ngăn cản khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ. Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được. Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.
            Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, dân làng Nadarét đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người. Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn. Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".
Quen quá hóa lờn

Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc. 6, 1-2)
Hẳn một ngày nào đó bạn đã có một kinh nghiệm này về chụp ảnh: để lấy hình một đài kỷ niệm hoặc một tòa nhà, bạn phải lùi lại xa. Đứng gần quá bạn chỉ trông thấy được một khối khổng lồ, nặng nề như muốn đè bẹp ta. Khi lấy ảnh quá gần, ta chỉ thấy được những tiểu tiết, không có được cái nhìn khái quát.
Những tương quan xã hội, gia đình, bằng hữu của ta cũng chịu chung số phận như vậy. Gần nhau quá nhiều dễ làm ta mất ý thức về người khác, nên dễ lờn, dễ coi thường… có khi lại chỉ nhìn thấy một vài khuyết điểm nhỏ nhoi của họ, mà không nhận ra bao điểm tốt khác.
Những người làng Nadarét đã có một cái nhìn quá gần, quá thiển cận về Chúa Giêsu. Đúng là “Gần chùa gọi Bụt bằng anh!”.
Từ mệt mỏi đến chán nản
Làm sao giải thích hiện tượng này?
Chủ yếu là bởi tại ta chỉ là những con người phàm trần, những người lớn. Phải, ta mau chán, mau quen lờn khiến cho cái mới dễ trở nên cũ, không còn hấp dẫn, như ta vẫn thường nói “có mới nới cũ” là vậy đó. Thực ra chỉ có các trẻ em – và những ai giống như chúng – mới có thể giữ cho cái nhìn ngỡ ngàng và cảm phục của mình luôn mới mẻ. Tuổi trẻ thường ngưỡng mộ các anh hùng, hoặc tuổi trẻ tài cao, như ta vẫn nói. Thế rồi, sau một thời gian, ta lại vội vã thu mình vào khung cảnh thường nhật và nếp sống đã quen, hầu che dấu đi những nỗi chán nản thất vọng của ta. Ta không còn ngưỡng mộ ai khác, ngay cả chính bản thân mình nữa.
Từ lòng tin đến nhận biết
Thế nên câu Phúc âm sau đây tuy vắn vỏi nhưng thật có tầm quan trọng: “Người lấy làm lạ vì họ không tin!”…
Đức tin không những là cần thiết để đón nhận lời Chúa Giêsu quả quyết Người là Con Thiên Chúa và là Con Người. Đức tin là cần thiết cốt để hiểu biết rõ Đức Kitô, cũng như để nhận biết mọi con người vậy.
Ta chỉ biết rõ một người, nếu như ta có lòng tin vào họ. Con người dù là nam hay nữ đều là một huyền nhiệm. Phải tin vào huyền nhiệm đó, nghĩa là tin vào cái thực thể phong phú, không bao giờ nắm bắt hết được, tin vào cái chiều sâu khôn lường của một nhân vị. Đó chính là nền tảng của mọi nhận thức vậy.
Nhận biết một người là tin trưóc rằng người ấy là một con người.
Tiếp đó, chúng ta mới sẽ có thể tin bằng tất cả sự thật rằng nơi con người này là Đức Giêsu Kitô còn có một huyền nhiệm khác nữa – huyền nhiệm là Con Thiên Chúa.
 www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
6 THÁNG HAI
Đối Diện Với Sự Thật Chứ Không Quanh Co Lẩn Tránh
            Giữa bao chuyển biến và bao vấn đề đang nổi lên trong thời đại chúng ta, không thể có bất cứ gì cho phép ta sút giảm lòng tôn trọng đối với sự thật. Sự thật cần phải được tôn trọng một cách hoàn toàn và tuyệt đối. Không thể hàm hồ đối với sự thật. Tiếng gọi này đặc biệt dành cho những người làm việc trong lãnh vực truyền thông. Phải trung thành với sự thật!
            Thật vậy, nhận hiểu mãnh lực và tốc độ thông tin liên lạc của thời đại hôm nay, người làm công tác truyền thông không thể không cảm thấy gánh nặng trách nhiệm đối với toàn xã hội. Vì thế, họ phải là những con người của sự thật.
            Thái độ đối với sự thật của một nhà báo, chẳng hạn, là chính chuẩn mực cho biết anh ta là nhà báo đích thực đến mức nào. Lương tâm nghề nghiệp của anh ta như thế nào – điều đó tùy thuộc vào sự ngay thẳng của anh, tùy thuộc vào mối ràng buộc của anh đối với sự thật. Anh phải không ngừng nắm giữ lấy hai sự trung thành trong công việc của anh. Trước nhất, anh phải trung thành với sứ mạng của chính mình trong tư cách là một người cung cấp sự thật. Thứ hai, anh phải trung thành với sự tín nhiệm của công chúng – sự tín nhiệm mà anh kiến tạo được với độc giả hay khán giả của anh.
            Nhà báo phải quyết liệt và thẳng thắn vạch trần những sai lầm và giả dối. Sứ mạng ấy càng đặc biệt khẩn thiết trong liên hệ với những vấn đề hiện nay của chúng ta. Nhìn thẳng vào sự thật và gạt bỏ mọi dối trá, đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta giải quyết những vấn đề của chúng ta hôm nay.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Phaolô Miki và Các Bạn Tử Đạo (Dt 12, 4-7.11-15; Mc 6, 1-6)
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo” (Mc 6,1).
Chúa Giêsu trở về quê quán của Chúa, không đơn thuần là trở về thăm gia đình và bà con xóm giềng của Chúa. Bởi chuyến trở về này, Chúa về cùng với các môn đệ của Chúa và đến ngày Sabát Chúa đã vào hội đường để giảng dạy. Như vậy Chúa trở về với tư cách là một vị Thầy. Chúa Giêsu đã tự đặt mình vào những thử thách trong sứ vụ của mình. Trong mọi công tác tông đồ giáo dân của mọi Ki-tô hữu, cũng khó tránh những thử thách mà Chúa Giêsu đã phải chịu trên quê quán của Ngài. Nên trong mọi cọng tác tại quê quán, tại giáo xứ chúng ta cần phải mềm mại biết tự uốn nắn; có tinh thần khiêm tốn, và xem mọi công việc là của Chúa, bản thân mình chỉ cọng tác. Mọi thành quả là ân ban của Chúa.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân                                                                                              Ngày 06-02
Thánh PHAOLÔ MIKI và các bạn tử đạo (1597)

Thánh Phanxicô Xavier là nhà truyền giáo đã đem Tin Mừng cho nước Nhật. Nửa thế kỷ sau các Kitô hữu vẫn còn giữ đức tin của mình, khi năm1597 một cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Lúc ấy Hideyeshi, một viên chức có thế lực đã dựa vào tiếng la hét điên khùng của một thuyền trưởng Tây Ban Nha rằng, các thừa sai đang dọn đường cho cuộc chinh phục Nhật bản của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để khích động cuộc bách hại. Vua Taicosme tin điều đó. Sáu linh mục dòng Phanxico bị bắt giữ cùng với những người Nhật thuộc dòng ba Phanxicô giúp việc truyền giáo.
Trong số những người Nhật này có ba nhi đồng tuổi thừ 12 tới 15 là Lu-y , Antôn và Toma Cosaki. Người ta đề nghị Lu-y nên trốn đi nhưng Lu-y từ chối. Em nói với cha mẹ đang khẩn khoản xin em chạy trốn cái chết :- Chúa sẽ cho con đầy đủ can đảm để chiến đấu.
Khi vị quan xét hứa ban cho em của cải, nếu em bỏ đạo. Em khinh bỉ tuyên bố : - Thánh giá tôi không sợ, vì tình yêu Chúa tôi còn ao ước nữa là khác .
Ba tu sĩ dòng tên góp vào sổ các vị tử đạo là: Phaolô Miki, Gioan Gottô và Giacôbê Kissi. Họ bị dẫn tới công trường Mêaco. Nhà vua truyền lệnh cắt mũi, cắt tai các tù nhân và chở xe qua các thành phố chính rồi đóng đính vào thập giá tại Nagasaki. Nhìn ba chị em máu me bê bết, nhưng vẫn thản nhiên tươi cười, dân chúng cảm động. Các Kitô hữu phủ phục xin ban phép lành và trong cơn nhiệt hành, có người còn xin lính gác cho được lên chung một chiếc xe nữa mà không được. Phaolô Miki và Gioan tẩy giả, bề trên dòng Phanxicô, vẫn rao giảng suốt dọc đường xe đi qua. Cuộc du hành thảm khốc chiếu tỏa ánh sáng tình yêu. Các vị tử đạo không ngừng cùng gọi các linh hồn trở về với Chúa.
Cuối cùng các vị đã tới đỉnh Calvê, nơi họ được đồng hóa với đức Kitô, chính vì Ngài mà họ chịu chết. Trên một ngọn đồi quay ra biển, các cây thập tự đang chờ đợi họ.
Bé Lu-y hỏi xem cây thánh giá nào của mình. Em hăm hở chạy tới. Khi chịu đóng đinh. Em không dứt nụ cười.
Người ta nghe rõ một giọng nói nhiệt thành lặp lại lời người trộm lành: "Lạy Chúa xin nhớ đến con".
Một tu sĩ dòng Tên từ trên thánh giá, đã giảng bài cuối cùng và thêm : - Tôi tha thứ cho những người chủ mưu gây nên cái chết của tôi. Tôi khấn nguyện cho họ được lãnh phép rửa tội.
Bạn trẻ Antôn cố gắng dùng sức tàn để hát lên lời ca: Hỡi trẻ em hãy ca tụng Chúa. Nhưng Ngài đã không đủ thời gian để ca hết bài. Một lưỡi đòng đã đâm thủng tim Ngài.
Tất cả 26 vị được tôn phong hiển thánh năm 1862.
(Daminhvn.net)

06 Tháng Hai : Hướng Về Nagasaki

Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào năm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.
Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh vào năm 1862.
"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái".
Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật.
Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.
Ước gì sự xác tin, lòng can đảm va sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 6-2

Thánh Phaolô Miki và Các Bạn

(c. 1597)

Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh. 
Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng. 
Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết: "Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả."
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút. 
Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862.

Lời Bàn

Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.

Lời Trích

"Vì Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách hy sinh mạng sống cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu đã được mời gọi -- và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn -- để làm chứng cho tình yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó, Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu.
"Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét