Trang

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Giáo triều của Đức Thánh Cha Benedict XVI được ghi dấu bằng các giáo huấn và lời kêu gọi trở về với đức tin


Giáo triều của Đức Thánh Cha Benedict XVI được ghi dấu bằng các giáo huấn và lời kêu gọi trở về với đức tin

VATICAN (CNS) -- Trong gần 8 năm của giáo triều, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã làm cho thế giới phải thán phục vì ngài là bậc thầy luôn luôn hướng dẫn người Công Giáo về nguồn gốc của đức tin và kêu gọi xã hội hiện đại không nên quay lưng lại với Thiên Chúa.

Nêu lý do sức khỏe và tuổi tác, Đức Thánh Cha 85 tuổi, tuyên bố ngày 11 tháng 2 là ngài sẽ từ nhiệm kể từ ngày 28 tháng 2 và sẽ tận hiến cuối cuộc đời cho việc cầu nguyện.

Là chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, ngài đã dùng tất cả mọi phương tiện truyền thông sẵn có: sách vở, báo chí, và Twitter, các bài giảng và các thông điệp, để giảng dậy giáo lý cho các tín hữu về nền tảng của các tín lý và những thực hành của Kitô giáo, từ các bài giảng của Thánh Âu Tinh đến việc làm dấu Thánh Giá.

Sau khi đã phục vụ trong giai đoạn của lứa tuổi 30 là một cố vấn có ảnh hưởng trong Công Đồng Vatican II (1962-65), ngài đã chọn ưu tiên khi làm giáo hoàng là sửa sai những gì ngài cho là quá phóng khoáng trong việc bình giải Công Đồng Vatican II, và chú tâm đến các bài đọc nhấn mạnh sự tiếp diễn của công đồng với truyền thống mấy ngàn năm của giáo hội.

Dưới sự hướng dẫn của ngài, Vatican tiếp tục đề cao các giới hạn luân lý của giáo hội về các vấn đề như chăm sóc sức khỏe vào cuối cuộc đời, hôn nhân và tính dục đồng phái.

Nhưng sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi xã hội bên ngoài ít chú trọng đến một vấn đề độc nhất, nhưng lo lắng nhiều hơn về nguy cơ đánh mất mối tương quan căn bản giữa con người và Đấng Sáng Tạo.

Ngài thường xuyên lưu ý Tây Phương là trừ khi xã hội thế tục hóa của họ có thể tái khám được các giá trị tôn giáo, thì họ không thể hy vọng có được những đối thoại chân thật với Hồi giáo và các nền văn hóa của các tôn giáo khác.

Trong các thông điệp và các cuốn sách về "Chúa Giêsu thành Nazareth", Đức Thánh Cha đã trau dồi sứ điệp này, và ngài yêu cầu các độc giả khám phá những sự liên hệ thiết yếu giữa tình yêu hy sinh, công trình bác ái, sự tận hiến cho chân lý và Phúc Âm của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha người Đức không cố gắng đạt được sự ái mộ của quần chúng của vị tiền nhiệm của ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhưng hàng triệu người đã đến Rôma để thấy ngài và từ khắp nơi trên thế giới đã đến để thấy nụ cười của ngài, để nghe những lời bộc xuất và khả năng nói từ con tim của ngài.

Bùi Hữu Thư2/12/2013 – vietcatholic.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét