Trang

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Di sản của Đức Bênêđíctô XVI


Di sản của Đức Bênêđíctô XVI


Dư luận thế giới mấy ngày qua tiếp tục có chiều hướng tích cực đối với quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI. Những tờ báo Công Giáo cấp tiến như America cũng có nhiều bài tích cực đề cập tới việc từ nhiệm này.

Linh mục Christiansen, Dòng Tên, cựu chủ nhiệm, sau khi liệt kê một số “sở đoản”, đã kể ra khá nhiều đóng góp đáng kể của Đức Bênêđíctô XVI. Về sở đoản, ngài bị người Công Giáo cánh tả coi chừng dè dặt, các thay đổi lớn về phụng vụ như bản dịch mới và hình thức cử hành thánh lễ đặc biệt bằng tiếng La Tinh bị nhiều vị cử hành hoài nghi chỉ trích, và việc hoà giải xem ra với bất cứ giá nào với phe Lefèbre khiến nhiều người lo ngại và nhất là việc ngài không muốn buộc các vị giám mục phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vụ xách nhiễu tình dục bị chỉ trích rất nhiều.

Về sở trường, thông điệp Caritas in Veritate, với đòi hỏi thay đổi cơ cấu, để mang lấy hình thức “bác ái chính trị” và lời yêu cầu phải có một thẩm quyền hoàn cầu để điều hòa lãnh vực tài chánh, được coi là cấp tiến nhất kể từ thông điệp Pacem in Terris của Đức GIoan XXIII cách nay 50 năm. Và dù không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ngài đã tiến hành những cuộc công du hết sức thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Đất Thánh. Bài diễn văn của ngài với giới lãnh đạo Anh tại Đại Sảnh Westminster là một chiến thắng cả về ngoại giao lẫn bản thân.

Liền ngay sau những phản ứng dữ dội của Hồi Giáo đối với bài diễn văn đọc tại Regensburg, ngài đã can đảm lên đường công du Thổ Nhĩ Kỳ và đã thành công dựng lại mối liên hệ tốt đẹp với thế giới Hồi Giáo. Tại Mỹ và Anh, lời ngài xin lỗi các nạn nhân của xách nhiễu tình dục phần lớn đã giúp làm dịu lại mối liên hệ đang căng thẳng với các nước này.

Có một điều gì đó cần phải nói đến sự tương phản giữa các quyết định chính thức của Đức Bênêđíctô XVI và các nhậy cảm về mục vụ của Ngài. Một đàng, ngài lên án “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” nhưng đàng khác ngài lại biết nhận ra các khát vọng thiêng liêng của giới trẻ “không đi nhà thờ” và yêu cầu họ hãy thách đố để Giáo Hội biết sống trung thực. Dù việc thiết lập các tòa bản quyền đặc biệt để chào đón các anh chị em cựu Anh Giáo đã làm nhiều người khó chịu, kể cả một số vị trong Giáo Triều, nhưng ngài đã nhanh chóng tái lập được các liên hệ thân hữu với TGM Anh Giáo Rowan Williams.

Thiên bẩm mục vụ của Đức Bênêđíctô XVI thấy rõ trong các bài nói về các thánh lúc đọc kinh Sai Thiên Thần hàng ngày. Ngài không những trình bày kiến thức và lượng giá về các vị, mà còn có khả năng khám phá ra sự liên hệ của các vị đối với người thời nay nữa. Những cuộc gặp gỡ vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài với các linh mục sở tại lúc nghỉ hè cho thấy ngài hiểu rất rõ các thực tại của thừa tác mục vụ hàng ngày. Cũng thế, nhiều bài diễn văn lúc các giám mục tới thăm “ad limina” cho thấy ngài đích thân quan tâm đến giáo hội hoàn vũ, một quan tâm hết sức mới mẻ, không phải chỉ là những điểm được Giáo Triều “mớm cho”.

Củng cố nền chính thống của Giáo Hội

Linh Mục James Martin, Dòng Tên, cũng ca ngợi thiên phú của Đức Bênêđíctô XVI trong các sứ điệp tuyệt diệu lúc đọc Kinh Sai Thiên Thần. Ngài sẽ được tưởng nhớ như một vị giáo hoàng luôn tìm cách củng cố nền chính thống của Giáo Hội bằng nhiều phương cách khác nhau: nhiều thông điệp quan yếu, rất sâu sắc và có sức lôi cuốn về thần học, nhiều cuộc xuất hiện công khai trước công chúng, và dù rất bận rộ, vẫn cho xuất bản 3 cuốn sách về cuộc đời Chúa Giêsu, được nồng nhiệp tiếp đón. Dù không phải là một “siêu sao truyền thông” như vị tiền nhiệm, ngài vẫn có đặc sủng riêng của một học giả lâu đời và nhậy bén.

Di sản lâu dài của ngài không hẳn là các hành động được truyền thông ghi nhận đặc biệt như các cuộc thương thảo lâu dài với Hội Thánh Piô X, phản ứng cương quyết đối với các sai lầm của người sáng lập ra Đạo Binh Chúa Kitô, hay bài diễn văn tại Regensburg, mà là cuốn Chúa Giêsu Thành Nadarét. Có thể nói đây là chứng tá cảm động nhất về một con người vốn làm tâm điểm cho đời ngài. Nó là kết tinh của nhiều thập niên nghiên cứu và cầu nguyện, giải đáp cho câu hỏi quan trọng nhất của Kitô hữu: Chúa Giêsu là ai? Nhiệm vụ hàng đầu của ngài chỉ có thế: dẫn khởi để người ta tìm tới với Chúa Giêsu.

Không như vị tiền nhiệm, là người đã quyết định tiếp tục thi hành sứ mệnh chăn chiên tối cao ngay trong đớn đau bệnh hoạn, Đức Bênêđíctô XVI đã từ nhiệm trước khi thực sự rơi vào bệnh hoạn đến không còn khả năng thể lý và tinh thần nữa. Sự tương phản này hình như đã được nhiều người “đoán định”, trong đó có cựu bề trên cả Dòng Tên là Linh Mục Peter-Hans Kolvenbach, SJ, vị bề trên cả đầu tiên của Dòng đã từ nhiệm. Có lần, ngài thổ lộ với các vị cố vấn của mình rằng: đệ đơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe với Đức Gioan Phaolô II chắc chắn sẽ bị từ chối, nên ngài đã đợi đến thời Đức Bênêđíctô XVI mới dám đệ đơn. Quả thực đơn của ngài đã được chấp thuận!

Như thế, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II đã đạt tới hai kết luận hoàn toàn khác nhau đối với cùng một câu hỏi: vị giáo hoàng bệnh hoạn có nên từ nhiệm hay không? Đối với Đức Gioan Phaolô II, hình ảnh vị giáo hoàng đau đớn, bệnh hoạn có giá trị thiêng liêng đối với tín hữu; đối với Đức Bênêđíctô XVI, việc cần làm mới quan trọng. Biện phân luôn có tính bản thân là thế. Thiên Chúa nói khác nhau với những con người khác nhau dù họ giáp mặt với cùng một vấn nạn. Người đã hành xử như thế với các vị thánh. Thánh Phanxicô Assisi chẳng hạn, khi gặp nguy cơ mắc bệnh về mắt vì theo bác sĩ, ngài hay khóc lúc cử hành Thánh Lễ, đã quyết định cứ tiếp tục cử hành thánh lễ như thường lệ. Trái lại, Thánh Inhaxiô đệ Loyola cũng gặp nguy cơ như thế, nhưng vì bác sĩ khuyên, nên đã hạn chế lòng sùng kính của mình, để đủ sức khỏe mà làm việc phải làm. Cả hai đều đã đáp lại điều các ngài tin là ơn Chúa thúc đẩy.

Một hành vi huấn giáo

Vincent J. Miller, một cộng tác viên của America, nhìn quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI cách khác. Ông coi đây là hành vi huấn giáo cuối cùng của vị giáo hoàng hiện tại. Ông bảo: Đây không hẳn chỉ là việc rút khỏi thời biểu bận rộn của công vụ, mà là một hành vi dạy dỗ của huấn quyền, một huấn giáo làm vang dội một mạch tư tưởng quan trọng nhưng rất dễ bị bỏ qua của triều đại ngài. Đức Bênêđíctô XVI muốn nhấn mạnh tới bộ mặt nhân bản của ngôi vị giáo hoàng và các đòi hỏi của lịch sử. Ngài khiêm nhường thừa nhận rằng ngài không còn khả năng thể lý và tinh thần nữa để lãnh đạo Giáo Hội lúc Giáo Hội phải giáp mặt với các thay đổi nhanh chóng và bị rúng động bởi nhiều vấn nạn sâu xa liên quan tới đời sống đức tin.

Từ đầu triều đại của mình, dưới cái bóng của Đức Gioan Phaolô Cả, Đức Bênêđíctô XVI đã duy trì một lối ứng xử kín đáo. Dĩ nhiên, ngài không có sức lôi cuốn của vị tiền nhiệm, nhưng các cử chỉ của ngài thường là hữu ý. Tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên, ngài quay mặt khỏi đám đông đang hò la “Ben-ne-det-to” vang dội để im lặng bái qùy thờ lạy Thánh Thể. Và gần nửa triệu người tại Trường Đua Ranwick tháng 7 năm 2008 không thể nào quên cái thinh lặng mênh mông bỗng như từ trời phủ xuống không gian Sydney khi ngài bái gối trước Thiên Chúa làm người đang ngự trong Mặt Nhật chói lói.

Việc ngài từ nhiệm quả đang tiếp nối cái mạch tư duy ấy: thu nhỏ giáo vụ, bắt nó phụ thuộc truyền thống. Các thông điệp của ngài cho thấy rõ việc ngài đặt tiếng nói thuộc thẩm quyền riêng dưới các chứng tá khái quát của truyền thống. Ngài tiếp tục viết các tác phẩm thần học của mình, nhưng chỉ cho công bố chúng ở các cơ quan truyền thông thế tục, thận trọng tránh không gán cho các tác phẩm ấy một thế giá huấn quyền nào.

Đức Bênêđíctô XVI không đi theo các triều giáo hoàng hiện đại từ Đức Piô IX, nhất là với Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng hiểu chức vụ tối cao của mình như một điều thánh thiêng đến không thể rời xa dù cho đau đớn bệnh hoạn, vì coi việc này như một thứ tử đạo. Đức Bênêđíctô XVI không nghĩ như thế mà chọn rời xa khi thấy mình không đủ năng lực tiếp tục.

Nhiều người cho rằng ngài đã thu nhỏ ngôi vị giáo hoàng. Việc từ nhiệm này quả cho thấy đó là ý định của ngài thực sự. Và chính lúc lìa bỏ chức vụ, ngài đã tái định nghĩa ngôi vị giáo hoàng vậy.

Cái hậu của một cựu giáo hoàng

Nhưng việc từ nhiệm này ảnh hưởng lâu dài như thế nào đối với đời sống Giáo Hội? Linh Mục Thomas J. Reese, SJ, cho hay: việc này có thể giúp các vị giáo hoàng già nua hay bệnh hoạn sau này dễ từ nhiệm hơn. Nó cũng có thể khuyến khích các vị hồng y chọn lựa một vị giáo hoàng trẻ hơn với hy vọng vị này sẽ tự ý từ nhiệm lúc 75 hay 80 tuổi. Tuy nhiên, với tiền lệ này, rất có thể có việc trong tương lai, người ta dám làm áp lực buộc các vị giáo hoàng phải từ chức vì các lý do không phải là sức khỏe.

Một câu hỏi khác: liệu Đức Bênêđíctô XVI có gây ảnh hưởng nào đối với cuộc bầu tân giáo hoàng sắp tới hay không? Linh mục Reese cho hay việc này khó tránh khỏi, vì dù sao, trong số 118 vị hồng y cử tri, hết 67 vị do ngài bổ nhiệm. Đương nhiên, những người được ngài bổ nhiệm phải là những người đồng ý với ngài trong các vấn đề chính yếu của Giáo Hội. Ngoài khía cạnh ấy ra, ngài sẽ không trực tiếp can thiệp vào chính diễn trình bầu cử bởi lẽ đến lúc có mật nghị bầu cử, ngài đã đang ngụ tại Castel Gandolfo rồi. Hơn nữa, đã 85 tuổi, ngài không hội đủ điều kiện của một hồng y cử tri nữa.

Nếu thế, Giáo Hội sẽ xử sự như thế nào đối với một vị cựu giáo hoàng? Linh mục Reese cho rằng Giáo Hội Công Giáo không có chỗ cho hai vị giáo hoàng. Thành thử, sau khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI không còn là giáo hoàng nữa, mà chỉ còn là hồng y. Lúc đó, theo Linh mục Reese, ngài sẽ không mang phẩm phục trắng của giáo hoàng nữa, mà là phẩm phục của một hồng y, không được gọi là giáo hoàng, Bênêđíctô, hay đức thánh cha, mà là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Thiển nghĩ đây chỉ là ý kiến của linh mục Reese. Mà ý kiến này không hẳn xác đáng, vì ông Clinton hay ông Bush vẫn được người ta xưng hô là tổng thống, kính thưa tổng thống, dù đã mãn nhiệm.

Linh mục Reese cũng cho rằng: sau khi tân giáo hoàng được bầu, ngài nên tham dự lễ đăng quang cùng với các hồng y đã về hưu khác và tuyên thệ trung thành với tân giáo hoàng, và sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì được tân giáo hoàng trao phó. Tuy nhiên, những việc này khó có thể xẩy ra vì tuổi già sức yếu. Người ta lo ngại là ngài có thể viết hay lên tiếng phát biểu điều gì đó khiến giới truyền thông có thể khai thác gây chia rẽ giữa vị cựu giáo hoàng và vị đương kim Giáo Hoàng, và do đó, vô tình gây chia rẽ trong hàng ngũ Giáo Hội. Nhưng với căn tính trí thức của Đức Bênêđíctô XVI, nỗi lo ngại này chắc chắn sẽ không diễn ra. Ngài đã có cái sáng suốt của nhà trí thức, nhận chân giới hạn của mình trong việc lãnh đạo Giáo Hội, tự ý quyết định ra đi và tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng cầu nguyện, sau khi đã tự vấn lương tâm trước mặt Chúa nhiều ngày tháng, thì không thể đảo ngược hành trình tự do này để có thể làm hại Giáo Hội, một định chế ngài đã suốt đời yêu mến phục vụ.

Vũ Văn An 2/13/2013-vietcatholic.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét