Mồng Ba Tết - Thánh hóa Công Ăn Việc Làm
Bài Ðọc I: St 1,26 - 2,3
"Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều đầy mặt đất và
thống trị nó".
Bài trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người
theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp
mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất".
Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh
Chúa, Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ
có nam có nữ.
Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy
sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó; hãy bá chủ cá biển,
chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Thiên Chúa phán:
"Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt
đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ
xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể
sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy
mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là
ngày thứ sáu.
Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn
thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi
hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc
phúc và thánh hóa ngày thứ bảy, vì trong đó Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - -
Hoặc: St 2, 4b-9. 15
"Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa
đàng, để họ trồng tỉa".
Bài trích sách Sáng Thế.
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có
bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng
ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để
trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.
Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi
sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một
vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên
Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa
vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa
đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - - -
Hoặc: 2Cor 9, 8-11
"Thiên Chúa đã cung cấp bánh để nuôi họ".
Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín
hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư
tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt, vừa được dư dật dể làm
các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: "Người đã rộng tay bố thí cho kẻ
nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời".
Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh để nuôi
mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển
hoa quả sự công chính của anh em. Như thế, anh em được giàu có mọi bề, để thi
hành mọi việc bác ái; qua tay chúng tôi, phúc đức đó sẽ làm phát sinh lời cảm
tạ Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp ca: Tv 103, 1-2a,
14-15, 24, 27-28
Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của
Ngài. (24c)
Xướng 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa
là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng,
ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. - Ðáp.
2) Ngài khiến cỏ xanh mọc ra cho súc vật, và cây cối để
con người xử dụng, để từ trong đất con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan
hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp lánh dầu thơm, và bánh cơm tâm can người
được bỗ dưỡng. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài
đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. -
Ðáp.
4) Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban
lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở
tay ra thì chúng no đầy thiện hảo. - Ðáp.
Alleluia và Câu Xướng Trước
Phúc Âm: Tv 67, 20
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày
kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi. - Alleluia.
Hoặc: Mt 11, 28
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: Hỡi tất cả những ai
khó nhọc và gánh nặng, "hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho". -
Alleluia.
Phúc Âm: Ga 5, 16-20
"Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con
biết mọi việc mình làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, các người Do thái gây sự với Chúa Giêsu, vì
Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Cha Ta
làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế, các người Do thái
càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày sabbat,
lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Thật, Ta bảo
thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì, nếu không thấy Chúa
Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa
Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ
còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán
thục".
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - -
Hoặc: Mt 6, 31-34
"Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các
con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ
lấy gì mà mặc?" Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các
con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước
Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho
các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày
mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - - -
Hoặc: Mc 4,26-29
"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ,
hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước
Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất, người đó ngủ hay thức,
đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay
biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi
kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm :
Quí vị và các bạn thân mến. Hàng ngàn năm qua, nước
Việt Nam của chúng ta, trên căn bản, là một nước nông nghiệp. Các tục lệ giỗ
tết, hội hè, đình đám, truyền thống, tổ chức xã hội, sinh hoạt hằng ngày của
dân chúng, đều lấy văn hóa nhà nông làm cột trụ, để đứng vững và mở rộng. Ðẳng
cấp xã hội ngày xưa được phân chia theo thứ tự: Sĩ Nông Công Thương. Vì nước ta
là một nước văn hiến, nên bao giờ cũng tôn trọng theo gương kẻ sĩ. Người khoa
bảng xuất thân từ dân giã thôn quê vẫn được mọi người ứu ái, tôn trọng và noi
theo. Chỉ cách đây gần 100 năm, thôn ấp Việt Nam chiếm trên 90 phần trăm diện
tích đất đai. Vì ở quần cư, cho nên lệ làng bao giờ cũng có ảnh hưởng rất lớn
với người dân. Và cái đình là nơi cúng thần, nơi hội họp để các chức quyền
quyết định mọi công việc lớn nhỏ, và cũng là nơi giải trí cho dân làng. Người
dân Việt Nam coi việc đón năm mới âm lịch quan trọng nhất, vì lúc này công việc
đồng áng tạm ổn định. Có hai vụ cấy là vụ chiêm vào cuối năm và vụ mùa chính
vào quý ba. Giữa hai vụ mùa và vụ chiêm, thường trồng các loại cây lương thực,
hoa quả khác như ngô, đậu, khoai, dưa. Vụ mùa có tết Trung Thu cho trẻ em, và
vụ chiêm có tết Nguyên Ðán cho cả dân tộc. Mỗi năm, cứ vào dịp tết Nguyên Ðán,
vì theo văn minh nông nghiệp, cho nên trên bàn thờ gia đình Việt Nam đều có
chưng bày mâm ngủ quả với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo, cùng những ý nghĩa
sâu xa. Mâm ngủ quả làm cho ngày tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn. Mỗi loại
quả đều mang một ý nghĩa riêng. Nải chuối phật thủ như bàn tay che chở; bưởi,
dưa hấu, trăng tròn mát lành, hứa hẹn một năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng,
quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt. Nhưng ngoài ý nghĩa
tượng trưng của mỗi một loài trái cây, mâm ngủ quả còn là của lễ đầu mùa nói
lên tấm lòng của người Việt Nam đối với đất trời. Hoa quả của ruộng đất, và
công lao của con người. Phải chăng đó không phải là ý nghĩa đích thực của mâm
ngủ quả, mà gia đình dân Việt Nam nào cũng muốn thể hiện trong ngày đầu xuân.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến. Hôm nay, mồng 3 tết, ngày
thánh hóa công ăn việc làm. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam mời gọi chúng ta
dành ngày hôm nay để suy nghĩ về ý nghĩa của lao động và cầu nguyện xin Chúa
thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta. Ngoài cái nhìn sâu xa của dân tộc, ánh
sáng mạc khải còn soi rọi vào công ăn việc làm một ý nghĩa linh thiêng. Lao
động không phải là một trừng phạt vì tội lỗi, mà là một vinh dự. Con người được
vinh dự trở thành cộng sự viên của Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo. Ðó là ý
nghĩa của 30 năm cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazaréth. Con Thiên Chúa
cũng đã đổ mồ hôi xót con mắt vì chén cơm manh áo. Ngài đã mặc cho từng lao tác
của con người một ý nghĩa và giá trị cao cả. Chính trong ý nghĩa này mà trong
những ngày đầu năm, các tín hữu kitô chúng ta cần nhìn vào công ăn việc làm của
chúng ta qua các bổn phận hằng ngày được chúng ta chu toàn với tất cả trách
nhiệm. Chúng ta biết rằng mình đang tham dự vào công cuộc sáng tạo và cứu rỗi
của Chúa.
Lạy Chúa, với tất cả tin yêu và phó thác, chúng con xin
dâng lên Chúa trọn cuộc sống với những vất vả lao nhọc, vui buồn của chúng con.
Xin cho chúng con luôn ý thức rằng chính qua những bổn phận hằng ngày mà chúng
con làm vinh danh Chúa và cộng tác vào công cuộc cứu rỗi của Con Một Chúa.
(Mai Hương - Radio Veritas Asia)
12/02/13 THỨ BA TUẦN 5 TN
Mồng Ba Tết. Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm Mt 25,14-30
GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG
“Ông
đưa cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo
khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)
Suy niệm:
Thiên Chúa ban cho mỗi người trí khôn và khả năng khác nhau. Tin Mừng ví những
thứ đó như những nén bạc Chúa ban làm vốn liếng, người thì năm nén, người hai
nén, người một nén. Ít nhiều không quan trọng. Điều thiết yếu là mỗi người đều
ra sức dùng chúng để sinh lời cho của Thiên Chúa. Được giao nhiều thì phải sinh
lời nhiều; giao ít, sinh lời ít. Ý thức như thế, người Ki-tô hữu lao động không
như người tù khổ sai, nhưng như người được Thiên Chúa tuyển chọn để xây dựng
Nước Trời. Trong công trình của Chúa, không có việc nào là hèn kém, chỉ có
những tâm hồn cao thượng hay hèn kém khi lao động cho Thiên Chúa mà thôi.
Mời Bạn: Đừng để bạn rơi vào hai cạm bẫy làm quá sức hoặc làm
chưa đủ. Vì làm quá, công việc dìm ngập bạn, bóp nghẹt tâm hồn bạn.
Còn nếu làm chưa đủ, nghĩa là làm tồi bổn phận, thì hãy nghe Lời Chúa nhắc nhở:
“Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như
thể làm cho Chúa” (Cl 3,23).
Chia sẻ: Phần thưởng của việc lao động không
phải là lợi nhuận nó đem lại, mà ở chỗ chúng giúp chúng ta trở người lao động
của Thiên Chúa, người tiếp nối công trình của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Làm việc liên lỉ như Chúa Cha hằng làm việc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường nghĩ rằng lao động là ‘hình phạt’ do
tội, nhưng hôm nay chúng con biết rằng, lao động là cộng tác vào công trình của
Chúa. Vì thế, xin Chúa thánh hóa những công việc con làm trong năm mới này để
tìm ý Chúa và tạ ơn Chúa sau khi kết thúc mỗi việc. Amen.
www.5phutloichua.net
Mưu
sự tại nhân - Thành sự tại Thiên
(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Từ
lâu người Việt Nam đã biết có ông Trời. Tin ông Trời. Cầu khẩn ông Trời. ông
Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm.
Tuy không rõ Ông Trời thế nào nhưng không ai lại không kính Trời. Ai cũng sợ
Trời và cố gắng làm vui lòng Trời. Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài. Ông
Trời quyền phép vô cùng. Thế nên,
Mưu
sự tại nhân – Thành sự tại Thiên.
Trời
cho ai nấy hưởng
Sống
nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.
Khi
làm ăn mùa màng không được như ý thì người ta cầu trời:
“Lạy
trời mưa xuống
Lấy
nước tôi uống
Lấy
ruộng tôi cày
Lấy
đầy bát cơm
Lấy
rơm đun bếp”
Làn
mưa từ Trời sẽ mang lại niềm vui cho công việc, cho cuộc sống con người:
“Nhờ
Trời mưa thuận gió hoà
Nào
cày, nào cấy trẻ già đua nhau
Người
Việt cũng luôn tin vào Trời rất công bình, hoạ phúc công minh; Ông Trời như một
ông chủ luôn thưởng phạt công minh:
“Trời
nào có phụ ai đâu
Hay
làm
thì giầu, có chí thì nên”
Hôm
nay Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng
ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển mọi loài. Ngài là Đấng cho
mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài là Đấng ban lại cho chúng ta sự
thành công trong công việc mà thánh vương Đa-vít đã từng nói: “Nếu Chúa chẳng
xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.
Lịch
sử nhân loại đã từng chứng minh có biết bao công trình mà không có bàn tay
Thiên Chúa, hay cố tình loại trừ Thiên Chúa sẽ khó hoàn thành, đôi khi còn bị
huỷ diệt.
Đó
chính là sự kiện xây tháp Babel. Con người đã từng không chấp nhận thua Thiên
Chúa. Họ muốn chống lại Thiên Chúa nên hợp lực với nhau để xây tháp tới Trời.
Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Công trình của họ đã bị dang dở. Họ chia rẽ nhau
ngay khi công việc còn dở dang.
Gần
đây nhất là sự kiện con tàu Titalic. Con tàu của sự kiêu hãnh của con người có
thể chống lại phong ba bão tố. Người ta tưởng rằng với sự văn minh của nhân
loại, người ta không cần ơn Trời vẫn có thể đi biển bình yên. Thế nhưng, con
tàu đó đã bị chìm xuống đại dương cùng với sự ngạo nghễ của con người khi đâm
vào một tảng đá ngầm mà không ai học được “chữ ngờ”.
Thế
nên, việc cầu Trời, khấn trời dù ở khung trời văn minh hay chốn hồng hoang vẫn
là cần thiết. Con người luôn bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Con người
như cảm thấy mình quả nhở bé so với vạn vật được tạo thành. Sự khiêm tốn đòi
hỏi con người phải cần đến Đấng Tạo Thành, cầu xin Đấng Tạo, Khấn vái Đấng Tạo
Thành. Sự khiêm tốn để nhìn nhận những gì mình có không phải do tài năng của
mình, không phải do mưu trí của mình mà có mà là do ân ban của Thiên Chúa.
Tất
cả là hồng ân. Thiên Chúa luôn tưới gội hồng ân của Ngài xuống trên con người.
Thiên Chúa luôn làm biết bao việc kỳ diệu cho con người. Con người chỉ là loài
thụ tạo được thừa hưởng muôn ơn lộc Chúa ban mà thôi.
Hôm
nay, ngày xin ơn thánh hoá công ăn việc làm. Chúng ta dâng lên Chúa những ưu tư
hoài bão của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho một năm
“mưa thuận gió hòa”, mùa màng trĩu hạt. Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành
cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.
Amen
Mùng
ba ra mắt
(Lm Giuse Đinh lập Liễm)
I.
CÔNG VIỆC BA NGÀY TẾT
Người
Việt nam chúng ta rất qúi trọng ba ngày Tết. Ba ngày này được coi như là linh
thiêng. Mỗi ngày được phân chia cho một công việc. Công việc ba ngày Tết là:
Mùng
một tết cha,
Mùng
hai tết mẹ,
Mùng
ba tết thầy.
Tại
sao lại chia ra như vậy? Vì muốn cho ba ngày tết có đầy đủ ý nghĩa:
Nhà
cha là nhà bên nội, ngày mùng một linh thiêng nhất nên ai cũng về từ đường bên
nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.
Cũng
vậy, ngày mùng hai, lại kéo cả nhà về bên ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý
nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết nhất.
Ai
cũng hiểu, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn việc dạy dỗ cho nên người
hữu dụng chính là thầy dạy học của mình; do đó, ngày mùng Ba thì học trò đồng
môn rủ nhau đi viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ
chút lòng thành. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện
làm ăn, nghề nghiệp trong bầu khí vui tươi, bổ ích.
Do
mọi việc xã giao, chúc tụng được tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để
“ra ngoài ngày” (tức từ mùng bốn trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt
tình cảm, tôn kính, qúi trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở
nhà vừa để không trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách. Do đó có qui ước
truyền thống “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, nên bạn bè
muốn đến vui chơi trong ba ngày Tết đều nhất thiết phải hẹn trước.
(Nguyễn
hữu Thiệp, Dân ta ăn Tết, 1995, tr 135-136)
II.
MÙNG BA RA MẮT
Do
“Mùng Ba tết Thầy” nên ngày này cũng là ngày ra mắt Tổ sư, Tiên sư nghề nghiệp
mình.
Sáng
sớm ngày ấy, ai làm nghề gì thì đem đồ nghề ra khởi động nghề ấy. Khởi động lấy
lệ, mang tính hình thức. Đại khái, nhà nông thì mang lưỡi hái ra quơ cắt một ôm
cỏ đem về cho trâu ăn (nhưng chưa làm động thổ). Người buôn bán thì mở cửa hàng
bán tượng trưng vài món lấy ngày. Thợ thầy cũng đem kéo, búa ra cắt đập ít cái
để “gọi là”. Nói chung, mọi công việc đều có tính cách tượng trưng, gọi là ra
mắt Tổ nghề, mong Tổ sư và Tiên sư hộ độ suốt năm làm ăn phấn phát. Tất nhiên,
trong những ngày này, bàn thờ các ông Thần tài, Thổ địa và Tổ nghề đều rất tươm
tất, hương đăng không tắt, hoa trái lúc nào cũng đầy ắp.
Sau
lễ ra mắt, người ta lại tiếp tục ăn Tết. Nhà giầu ăn tết đến hết ngày mùng 7
hoặc hơn. Người lao động nghèo tranh thủ khai trương sớm (Sđd, tr 137-138).
III.
THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN
Hội
thánh Công giáo Việt nam luôn đồng hành cùng dân tộc cố gắng làm phát huy những
gì tốt đẹp phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu “Mùng Ba ra mắt”, các người
thợ trình diện với Tổ sư ngành nghề của mình về công việc làm ăn trong năm, Hội
thánh Việt nam cũng muốn dành ngày mùng ba Tết để thánh hoá công việc làm ăn.
Chúng ta hãy trình lên Chúa công việc làm ăn trong năm, để xin Chúa chúc lành
và ban ơn phù giúp để mọi công việc của chúng ta phù hợp với thánh ý Chúa.
Đọc
chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người
“giống hình ảnh Ngài” (St 1,26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài
người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài
người có uy quyền bá chủ trên vạn vật:”Ta hãy dựng nên loài người giống hình
ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng
sống động trên địa cầu” (St 1,26).
Như
vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng
đại:”cộng tác vào việc sáng tạo” của Thiên Chúa. Giữa ý niệm lao động và giáo
thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết.
E.
Krebs đã không ngần ngại tuyên bố:
”Khái
niệm căn bản về giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú
ban cho loài người nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo, Ngài là Đấng tự do và
khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó
cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài có từ đời đời”(Die
wertprobleme, tr 43; theo J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 350).
Mọi
sự trên thế gian này là của Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người quản trị, đổi
mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân đệ
nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng
ngày của Thiên Chúa trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng. Chúng
ta là nguyên nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất.
Chính vì thế Haessle viết:
“Nguời
thợ là hình ảnh đặc biệt của Thiên Chúa... sản xuất và sản xuất trong niềm vui
là con người đã đem năng lực của mình ra hành dộng để thực hiện một đời sống
trọn vẹn hơn và làm cho mình nên giống Thiên Chúa dầu họ có ý thức hay không.
Đời sống “làm việc” tức là hành động và phản ảnh sức hoạt động tuyệt đối...
Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối... người thợ là nguyên nhân kết
thành xét như chính họ làm cho những sự vật trở thành chính nó và hoàn hảo hơn.
Con người đã truyền sức lực, tư tưởng, nhân vị mình cho chúng. Nguyên nhân
tương đối là phản ảnh trung thực của nguyên nhân tuyệt đối”.
(J.
Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 63-64)
Công
đồng Vatican 2 cũng xác quyết sự làm việc là góp phần sáng tạo và hoàn thành ý
định của Thiên Chúa trong lịch sử:
“Thực
vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng
như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ
lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp
công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”
(Gaudium et Spes, bản dịch của GHHV Piô X, Đà lạt).
Nếu
lao động là được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì đây là
vinh dự lớn lao của con người, vì “nhân linh ư vạn vật”. Theo ý nghĩa đó, ta có
thể kết luận mà không sợ sai lầm:”LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG”.
KẾT
LUẬN
Trong
ngày mùng Ba Tết hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được biết thánh
hoá công việc làm ăn của chúng ta, đặc biệt trong thánh lễ này.
Trước
hết, như bài Tin mừng thánh lễ hôm nay, ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta
những nén bạc cơ bản làm vốn: sự sống, sức khỏe, trí khôn, thiên hướng, những
kinh nghiệm của cộng đồng, tri thức của người đi trước, những nhu cầu phát
triển của thời đại...
Sau
đó, xin Chúa ban ơn nâng đỡ tinh thần và nghị lực để chu toàn mọi trách nhiệm
liên quan đến công việc.
Đồng
thời cũng xin luôn ý thức công việc làm ăn của bản thân và của mọi người là
thước đo về công bằng và phát triển của xã hội. Ai cũng có quyền được làm việc
và quyền được chuẩn bị chu đáo để có việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả
năng.
Như
vậy, khi nguyện ước công ăn việc làm của mình được Thiên Chúa thánh hoá, người
Kitô hữu đang khao khát diễn tả, qua thực tiễn lao động của bản thân, hình ảnh
một Thiên Chúa hoạt-động-không-ngừng và đã trao cho loài người quyền được làm
giầu đẹp thêm cho cuộc sống.
Thánh hóa
công ăn việc làm
(Mt
25, 14-30)
(Giuse Trần Công Thượng)
Kính thưa
cộng đoàn,
Từ thuở khai
thiên lập địa Thiên Chúa sáng tạo con người và ủy thác cho con người nhiệm vụ
cai trị trái đất. “Ngài đặt con người vào vườn Eđen để cày cấy và canh giữ đất
đai”. (St 15,2) Như vậy, Thiên Chúa gắn liền lao động với con người, coi lao
động như một sứ vụ, một tương lai. Con người tiếp tục công cuộc tạo dựng lưu
truyền đời sống và biến đổi thiên nhiên.
Lao động là
hoạt động đặc thù của con người, giúp con người tạo ra của cải vật chất và tinh
thần, góp phần phát triển khoa học, văn hóa và đạo đức. Vì vậy, lao động mang
một ý nghĩa lớn đối với đời sống con người.
Chính Đức
Giêsu là một người lao động. Ngài làm nghề thợ mộc tại làng Nazaret, một nghề
tầm thường trong xã hội bấy giờ, để dễ dàng gần gũi với người lao động nghèo.
Tin Mừng của Ngài là “Tin Mừng của lao động”, vì người rao giảng Tin Mừng ấy
chính là một người lao động. ngài thuộc về thế giới lao động, ưa chuộng lao
động, tôn trọng sự lao động của con người. Trong lời giảng của Ngài ta thấy
toát lên chân lý căn bản về vấn đề lao động, một chân lý đã được diễn tả trong
tất cả truyền thống, ngay từ sách sáng thế. (X. Tông huấn Lao động của con
người, của Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II, ngày 14.9.1981). Các bài giảng của
Ngài cũng thật gần gũi với người lao động.
Gương mẫu và
giáo huấn của Chúa Giêsu đã ảnh hưởng tới các môn đệ theo Ngài, đặc biệt là
thánh Phaolô. Thánh nhân không ngừng nêu gương và khuyên nhủ các tín hữu về giá
trị của lao động. Khi ngỏ lới các kỳ mục ở Êphêsô, thánh Phaolô nói: “Chính anh
em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay
này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người
đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã
dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20, 34-35). Trong thư gửi tín hữu
Thêxalônica, thánh nhân khẳng định: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm
ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh
em”(2Tx 3,8) hay ngài chỉ thị “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10).
Tất cả chúng
ta là những người lao động. Hằng ngày chúng ta vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho
trời trên đồng ruộng, vất vả trong các nhà máy, miệt mài với những trang sách,
tất bật ngược xuôi ngoài chợ. Đó là vinh dự cũng là một trách nhiệm Thiên Chúa
trao cho chúng ta để cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới này.
Hôm nay, mồng
3 Tết - những giây phút đầu tiên của năm mới, Mẹ Giáo Hội dành cho con cái một
ngày đặc biệt cầu xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Đây là dịp thuận
lợi để chúng ta suy nghĩ về sứ vụ lao động của mỗi người, dâng lên Thiên Chúa
thành quả lao động trong một năm qua đồng thời có những quyết tâm cho năm mới.
Năm mới,
chúng ta đưa ra bao nhiêu dự tính cho công việc phải làm. Nhưng những dự tính
đó có thành công hay không, chúng ta không hoàn toàn quyết định. Quả thế, cổ
nhân nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tuy nhiên, với niềm tin vào ơn
Chúa giúp, chúng ta phải cố gắng hết mình để chu toàn công việc.
Bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn các nén bạc. Ông chủ đi xa,
trao cho các đầy tớ những nén bạc: người năm nén, người 2 nén, người một nén.
Người thứ nhất và người thứ hai đã cố gắng và hăng say làm việc để sinh lời cho
ông chủ. Đó là những người có tinh thần trách nhiệm: trách nhiệm với ông chủ và
trách nhiệm với bản thân. Người thứ ba thì ngược lại: vì lười biếng, nghi ngờ
ông chủ nên anh đã chôn giấu số bạc đã được giao, phụ lòng tin tưởng của ông
chủ. Và kết quả, khi ông chủ về, người thứ nhất và người thứ hai được vào hưởng
niềm vui của chủ vì đã trung tín, còn người thứ ba vì biếng nhác nên bị quăng
ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Qua dụ ngôn
Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều gì trong ngày cầu xin Chúa thánh hóa
công ăn việc làm hôm nay.
Thiên Chúa là
chủ tể mọi loài mọi vật, con chúng ta là những tôi tớ của Ngài. Ngài trao cho
mỗi người chúng ta những nén bạc là: đức tin, sức khỏe, tài năng, cơ hội, nghị
lực, tiền của, ân nhân, nền giáo dục…Mỗi người được trao những nén bạc khác
nhau, kẻ nhiều người ít, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta phải cố gắng hết mình
để sinh lời tùy theo cuộc sống và hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta sử dụng tài
năng, sức khỏe, tiền của, cơ hội Chúa ban để làm việc và tạo ra của cải vật
chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội hầu làm vinh danh Chúa và
mang lại lợi ích cho tha nhân.
Ngày đầu năm
mới này, chúng ta ngẫm xem Chúa trao cho mình bao nhiêu nén bạc. Dưới cái nhìn
đức tin, có lẽ cuộc đời chúng ta chìm ngập trong hồng ân của Chúa quan phòng và
khôn ngoan. Ngài ban cho chúng ta đủ điều kiện để làm tốt công việc phù hợp với
khả năng của mình. Năm mới này, chúng ta phải quyết tâm bắt chước người đầy tớ
thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn, cố gắng làm việc tốt để sinh lời từ “nén
bạc” Chúa trao. Muốn vậy, chúng ta phải sử dụng những ơn riêng như lời khuyên
của thánh Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng
mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ
thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục
vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta
tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 4,10-11). Đồng thời chúng ta
cũng quyết tâm xóa bỏ tư tưởng biếng nhác, nghi ngờ của người đầy tớ thứ ba để
luôn làm việc theo tinh thần Tin Mừng. “Bất cứ làm việc gì, chúng ta làm tận
tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng chúng ta
sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người ”. (x.Cl
3,23-24)
Lạy Chúa
Giêsu, khi ở trần gian, Chúa là một người lao động để nêu gương nên thánh cho
chúng con trong công việc lao động thường ngày. Trong năm mới này, xin cho
chúng con biết học nơi Chúa, luôn cố gắng và siêng năng làm việc để những nén
bạc Chúa trao không trở nên vô hiệu.
Lạy Chúa
Giêsu, biết bao người khổ công trên đồng ruộng, tất bật trong các nhà máy, xuôi
ngược trên thương trường mà không đủ ăn, bao người lo lắng vì thiếu việc làm -
trong giây phút đầu năm mới này, xin chúc lành cho hoa màu ruộng đất, cho các
phương tiện làm ăn, cho các công việc chúng con đang làm và sẽ làm, hầu mong
cuộc sống chúng con luôn hòa nhịp với lời thánh vịnh:
“Bốn mùa Chúa
đổ hồng ân
Ngài gieo mầu
mỡ ngập tràn lối đi”.
(Tv
65,12).
Suy
niệm Lời Chúa
(Lm. Nguyễn Thể Hiện)
Lãnh
vực công ăn việc làm là một trong những lãnh vực quan trọng trong đó chúng ta
thể hiện mối tương quan đích thực của chúng ta với Thiên Chúa. Chính khi thực
hiện các trách nhiệm của mình trong đời sống thực tế hàng ngày, chúng ta tự
diễn tả mình là ai trong tương quan với Thiên Chúa; và ngang qua việc thực hiện
các trách nhiệm của mình trong đời sống thực tế hàng ngày mà chúng ta sẽ được
Thiên Chúa đưa vào hưởng niềm hoan lạc của chính Ngài.
1.
Một dụ ngôn được nói cho chúng ta và nói về chúng ta
Với
dụ ngôn những yến bạc, Đức Giêsu công bố rằng chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào
Thiên Chúa như những đầy tớ phải chịu trách nhiệm trước mặt Người; rằng mọi sự
chúng ta có đều là của cải Thiên Chúa ký thác cho chúng ta; rằng chúng ta không
được tuỳ tiện sử dụng những thứ chúng ta có theo ý riêng mình, song là phải
theo đường hướng mà Thiên Chúa muốn; rằng Thiên Chúa sẽ đòi chúng ta phải tính
toán sổ sách với Người về những điều thiện hảo đã được trao phó cho chúng ta;
và rằng sự thành công hay thất bại của cuộc đời chúng ta tuỳ thuộc vào cách
hành xử của chúng ta trong những gì Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.
Qua
cách hành xử và số phận của hai người đầy tớ tốt lành và trung tín, Đức Giêsu
cho thấy đâu là cách hành xử đúng đắn của chúng ta trong cuộc sống hiện tại.
Còn qua cách hành xử và số phận của tên đầy tớ xấu xa và biếng nhác, Ngài cho
thấy một kẻ xấu xa sẽ đi đến chỗ bị huỷ diệt như thế nào.
2.
Điều quan trọng là mối tương quan giữa ông chủ và các đầy tớ của ông
Những
người đầy tớ không được tự tại nơi mình, nhưng là ở trong một mối tương quan
tuỳ thuộc và phục vụ đối với ông chủ. Chính bản thân họ thuộc về ông chủ, những
điều thiện hảo được ký thác cho họ là của ông chủ và những gì họ có thể làm ra
cũng xuất phát từ tài sản của ông chủ chứ không phải hoàn toàn xuất phát từ bản
thân họ. Như thế là trong những phương diện khác nhau, họ đều được nối kết chặt
chẽ với ông chủ. Mà nếu vậy, cách hành xử của họ sẽ vừa tuỳ thuộc vừa biểu lộ
cái quan niệm mà họ có về ông chủ của mình.
Hình
ảnh những người đầy tớ trong dụ ngôn này cũng là hình ảnh của chúng ta trong
tương quan với Thiên Chúa. Hình ảnh này cho thấy rằng chúng ta, và cùng với
chúng ta là tất cả những gì chúng ta có, đều là thụ tạo của Thiên Chúa; rằng
chúng ta không thể tự tại nơi chính mình; rằng mọi khả năng của ta đều đến từ
bàn tay Thiên Chúa.
Nhưng
không phải là mọi người đều được đón nhận cùng những ân huệ y như nhau; ông chủ
giao phó của cải của mình cho các đầy tớ nhiều hay ít là tùy khả năng của họ.
Ông biết rõ từng đầy tớ của mình. Tình yêu tôn trọng tự do và điểm độc đáo
riêng của mỗi người. Thật phi lý nếu chúng ta đòi Thiên Chúa phải ký thác tài
sản của Ngài cho mọi người theo lối bình quân chủ nghĩa cứng nhắc và phi nhân.
3.
Cách hành xử và số phận của hai người đầy tớ tốt lành
Hai
người đầy tớ tốt lành lập tức bắt tay vào việc. Họ sử dụng những điều thiện hảo
đã được ký thác cho mình phù hợp với ý muốn của ông chủ. Họ đặt mình dưới những
mục tiêu của ông chủ và lưu tâm đến những bận tâm của ông chủ. Hoạt động của họ
hữu hiệu. Họ đến trình diện với ông chủ trong tư thế đàng hoàng của người đã
thực hiện tốt những gì được trao phó cho mình.
Và
họ đã nhận được niềm vui trào tràn. Ông chủ đã tuyên bố họ là những đầy tớ tốt
lành và trung tín. Người đầy tớ tốt lành là người hoàn toàn đón nhận vị trí của
mình trong tương quan với ông chủ và đặt mình trong tư thế phục vụ ông chủ. Anh
ta không chạy theo những ý tưởng riêng của chính mình hoặc những tâm trạng
riêng của mình, anh ta không giữ khoảng cách xa với ông chủ, nhưng hành động
theo những mục tiêu và những mối quan tâm của ông chủ. Người đầy tớ trung tín
là người phục vụ ân cần và luôn ý thức rằng những điều anh ta có trong tay là
những điều được ký thác cho anh.
Sau
khi hai người đầy tớ đã chứng tỏ những phẩm chất tốt lành và trung tín, ông chủ
có thể tin tưởng mà trao phó cho họ những nhiệm vụ lớn lao hơn. Ông cho họ vào
hưởng hạnh phúc dư tràn: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (25,21.23).
Nhiều lần Tin Mừng Mt nói về sự “vào Nước Trời” (thí dụ 5,20; 7,21; 18,3), về
sự “vào cõi sống” (18,8.9; 19,16), còn ở đây thì là “vào niềm vui”. Nước Trời
có nghĩa là cõi sống và niềm hoan lạc vô biên dành cho những ai thuộc về Nước
ấy. Ông chủ không giữ khoảng cách với những người đầy tớ tốt lành, nhưng ông
đón nhận họ vào cõi sống của ông, vào sự hoan lạc đầy tràn của ông. Chúng ta
không thể đạt tới cùng đích đó và không thể đi vào trong sự hoàn thành phúc lạc
cuộc đời chúng ta chỉ dựa trên sức lực của riêng chúng ta, cũng không phải là
ngang qua một cuộc hành trình do chúng ta chọn lựa và quyết định, nhưng chỉ là
trong sự phục vụ Đức Chúa. Hai người đầy tớ tốt lành, cho dù khác nhau về kết
quả công việc, đã đều được hưởng cũng một niềm hạnh phúc như nhau. Điều đó cho
thấy niềm hạnh phúc mà họ được hưởng không được ban phát tuỳ theo điều họ đã
làm được, mà là tuỳ theo lòng tốt của ông chủ và lòng trung thành của họ.
4.
Cách hành xử và số phận của anh đầy tớ xấu xa
Ngay
từ đầu, anh đầy tớ này đã có một mối tương quan sai lạc đối với ông chủ của anh
ta. Anh ta coi ông chủ là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, và anh sợ ông chủ
(25,24.25). Anh ta biết mình tuỳ thuộc ông chủ, nhưng anh ta không đặt mình
dưới quyền bính của ông trong tin tưởng và chuyên cần. Anh ta sống sự tuỳ thuộc
của mình vào ông chủ như một sự gì nặng nề, và anh ta bực tức với ông chủ như
là với một người chuyên đi áp bức người khác, bắt người khác làm việc cho mình
và bóc lột người khác. Trong mắt anh ta, ông chủ là người hà khắc xấu xa. Và
anh ta từ chối dịch vụ mà ông chủ muốn anh ta thực hiện. Anh ta không thi hành
ý muốn của ông chủ. Tuy anh ta không phung phí của cải đã được trao cho anh ta,
anh ta cũng không dùng của cải ấy để tư lợi hay tiêu xài, nhưng anh ta lại đã
để cho những của cải mà ông chủ đã ký thác cho anh ta thành ra vô dụng, rồi đem
trả lại cho ông chủ đúng như anh ta đã nhận từ ông.
Kết
cục, ông chủ gọi anh ta là tên đầy tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng, một người
đã hoàn toàn đánh mất chính mình và đánh mất quyền lợi của mình khi không thực
hiện bổn phận mình. Như anh ta đã từng cố ý giữ khoảng cách thật xa với ông
chủ, thì bây giờ, ông chủ sẽ giữ khoảng cách thật xa với anh ta. Anh ta đã
không đặt mình trong sự hiệp thông sâu xa và hữu hiệu với ông chủ, nên ông chủ
phải để anh ta bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi không có niềm vui, không
có hạnh phúc, không có sự sống, mà chỉ có khóc lóc nghiến răng vì phải chịu sự
huỷ diệt kinh hoàng. Chỗ tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc nghiến răng… chính là
sự huỷ diệt dành cho những kẻ bị truất quyền hưởng Nước Trời (x. Mt 8,12). Bị
loại khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa, bị loại khỏi ánh sáng, bị loại khỏi sự
hiện diện đầy tình yêu của Thiên Chúa, thì không chỉ có nghĩa là không được
tràn đầy hạnh phúc, không được sống viên mãn, mà còn là phải ở trong tình trạng
khốn khổ, đau đớn, tuyệt vọng và tăm tối.
Chúng
ta chỉ có thể đạt tới cùng đích tối hậu của mình nếu chúng ta đặt mình phục vụ
Thiên Chúa, bằng cách sử dụng đúng đắn, theo ý Thiên Chúa, tất cả những gì
Thiên Chúa ban tặng và trao phó cho chúng ta: sự sống, thời gian, khả năng, cơ
hội, của cải… Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta những thực tại tốt lành đó,
và chúng ta sẽ phải trả lời về việc sử dụng chúng.
Chúng
ta thực hiện cuộc sống mình không phải là trong sự sợ hãi đối với Thiên Chúa,
nhưng là trong tin tưởng, phó thác và yêu mến Người. Chính vì vậy mà chúng ta
cầu xin Người thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta. Lời cầu nguyện như thế
sẽ được nhận lời, nếu trong lời cầu nguyện đó, chúng ta tuyên xưng mình chỉ là
đầy tớ của Người, luôn chỉ muốn sử dụng, phù hợp với ý muốn của Người, tất cả
những điều thiện hảo đã được ký thác cho mình, luôn đặt mình dưới những mục tiêu
của Người và luôn lưu tâm đến những bận tâm của Người.
Lời
cầu nguyện đó sẽ được mang vẻ đẹp của chính lời nguyện xin của Đức Thánh Trinh
Nữ, Mẹ chúng ta: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời
Ngài!” (Lc 1,38).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét