THỨ SÁU
15/02/2013
Thứ Sáu
Sau Lễ Tro
BÀI
ĐỌC I: Is 58, 1-9a
"Có phải đó là
việc ăn chay mà Ta mong muốn không?"
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Ngươi hãy
hô to, và đừng ngừng tiếng; hãy làm cho tiếng ngươi vang dội như tiếng kèn, và
loan báo cho dân Ta biết sự bất trung của họ, cho nhà Giacóp biết tội lỗi của
nó. Vì hằng ngày họ tìm kiếm Ta, và ước mong biết đường lối Ta, như một dân tộc
thực hiện công lý và không bỏ lề luật Chúa. Họ hỏi Ta về quy tắc công lý và ước
mong đến gần Thiên Chúa: "Tại sao chúng con ăn chay mà Chúa không thấy?
Tại sao chúng con hãm mình mà Chúa không hay biết?" Phải, trong ngày ăn
chay, các ngươi lo dàn xếp công việc làm ăn, các ngươi hối thúc mọi người làm
công. Phải, các ngươi ăn chay trong sự cãi vã, ẩu đả và đánh nhau hung tợn. Các
ngươi đừng ăn chay như xưa nay, là cố la lớn tiếng cho người ta nghe. Có phải
đó là việc ăn chay mà Ta mong muốn, có phải như thế là ngày hãm mình không? Gục
đầu như bông sậy, mặc áo thô, nằm trên đống tro, có phải đó là ăn chay, là ngày
làm cho Chúa hài lòng không? Nào ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế
này sao, là huỷ bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị
áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng; hãy chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ
phiêu bạt không nhà; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ áo mặc,
ngươi đừng khinh bỉ người cùng xác thịt như mình. Như thế, sự sáng ngươi tỏ
rạng như hừng đông, các vết thương ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý ngươi sẽ
đi trước mặt ngươi, vinh quang Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, khi ngươi
kêu cầu, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: "Này Ta đây".
Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 18-19
Đáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung (c. 19b).
1)
Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả
đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2)
Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội
phản nghịch cùng một Chúa. - Đáp.
3)
Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng.
Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng
tan nát khiêm cung. - Đáp.
CÂU
XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ed 33,11
Chúa
phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và
được sống".
PHÚC
ÂM: Mt 9, 14-15
"Khi tân lang ra
đi, bấy giờ họ mới ăn chay".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn
đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái
thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu nói với họ:
"Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở
với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay". Đó là lời
Chúa.
SUY
NIỆM : Thái độ
dứt khoát
Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của
Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để
nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên
bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người
môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn
phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này
được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những
luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt
phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự
miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và
của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ
của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là
Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo
truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ
đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn
cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi
người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ
chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý:
họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu,
khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là
thời của hân hoan.
Làm
môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là
sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa
Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn,
một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại
tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của
Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống,
nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Sáu sau Lễ Tro
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lý do
của việc ăn chay
Con người hành động cho một mục đích. Rất
nhiều khi con người cùng làm một hành động cho những mục đích khác nhau; chẳng
hạn việc ăn chay. Tại sao con người ăn chay? Có người ăn chay để khoe khoang,
để được người khác khen ngợi là đạo đức. Có người ăn chay chỉ để chu tòan Lề
Luật, để khỏi phạm tội. Có người ăn chay để lấy điểm để Thiên Chúa, để xin Ngài
phải ban ơn mình đang muốn. Đâu là ý hướng tốt lành của việc ăn chay.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên những ý hướng khác
nhau của con người trong khi thực hành việc ăn chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri
Isaiah nói lên những ý hướng ăn chay mà Thiên Chúa không ưa thích; đồng thời
cũng đưa ra những ý hướng ăn chay mà Ngài ưa thích. Trong Phúc Âm, các môn đệ
của Gioan Tẩy Giả có lẽ coi việc ăn chay như là chu tòan Lề Luật, họ thắc mắc
với Chúa Giêsu: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ
ông lại không ăn chay?”
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích.
Điều quan trọng khi hành động là phải có ý
hướng tốt lành; nếu không có ý hướng tốt lành, một việc đạo đức không những
không sinh lợi cho con người, mà còn gây thiệt hại cho họ nữa. Vì thế, bổn phận
của các nhà lãnh đạo tinh thần là phải dạy dỗ dân mục đích của các việc đạo
đức, để họ biết thi hành với ý hướng tốt lành.
1.1/
Ăn chay không đúng cách: Mục đích của việc ăn chay không phải là để lấy điểm trước mặt
Thiên Chúa; để rồi khi người ăn chay xin gì, Thiên Chúa phải ban cho điều đấy.
Khi thấy Ngài không nhận lời van xin, thì họ trách Chúa: "Chúng tôi ăn
chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?" Chúng
ta cần nhớ việc ăn chay không phải để điều khiển Thiên Chúa. Con người có ăn
chay hay không chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng việc ăn chay là cho lợi ích của
con người. Con người không thể nại cớ ăn chay để xin Thiên Chúa ban ơn.
Một
ví dụ sẽ làm sáng tỏ điều này. Chúng ta thương xót người ăn mày và giúp đỡ họ,
vì chúng ta quan tâm đến hòan cảnh khó khăn của họ. Họ không thể làm việc vì
cụt chân, cụt tay, hay mang thương tích; nhưng phản ứng của chúng ta sẽ thế nào
khi khám phá ra họ đánh lừa chúng ta? Họ giả thương tích bằng cách băng bó,
nhưng sau thời gian ăn xin, họ là người lành mạnh và dùng tiền xin được của
chúng ta để ăn uống, nhậu nhẹt!
Thiên Chúa không nhận lời cầu xin vì con người
không có ý hướng tốt lành khi ăn chay, như tiên-tri Isaiah nói: “Chính ngày các
ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại
ăn chay không đúng cách.” Tiên tri đưa ra 2 ví dụ:
(1)
Không ăn chay lòng tham muốn: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức
mọi kẻ làm công cho mình.” Ăn chay là để san sẻ miếng ăn cho người khác; thế mà
người ăn chay đã không san sẻ miếng ăn, lại vẫn còn lo thu tích lợi lộc cho
mình và bóc lột người khác. Thế mà họ gọi như vậy là ăn chay ư?
(2)
Không ăn chay miệng lưỡi, đôi tay: “Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,
để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.” Ăn chay không chỉ là bớt ăn uống, nhưng còn
là bớt nói những lời xúc phạm đến tha nhân, và làm thiệt hại họ phần hồn cũng
như phần xác. Chúng ta không khỏi nhịn cười khi thấy một người giữ chay, nhưng
lại vác súng đi ăn cướp!
Thiên Chúa chất vấn con người: “Phải chăng đó
là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?
Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như
thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?”
1.2/
Ăn chay đúng cách: Ngược lại với các lối ăn chay trên, tiên-tri liệt kê những cách
ăn chay tốt lành mà Thiên Chúa ưa thích:
(1)
Trả tự do, công bằng cho tha nhân: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là
thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho
người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?”
(2)
Chia cơm sẻ áo cho những anh chị em túng nghèo: “Cách ăn chay Ta ưa thích chẳng phải
là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh
em cốt nhục?”
Nói tóm, ăn chay đúng cách là cố gắng sống
đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, qua việc thi hành những gì
Ngài dạy trong thương linh hồn 7 mối và thương xác 7 mối. Khi một người sống
đúng những quan hệ này, họ sẽ được Thiên Chúa đóai thương và nhận lời cầu xin,
như tiên-tri Isaiah nói: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết
thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh
quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận
lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!"”
2/
Phúc Âm: Ăn chay có lúc.
2.1/
Không phải lúc nào cũng ăn chay: Ăn chay không phải là trào lưu, thấy người
khác làm rồi mình cũng bắt chước làm theo; và rồi cảm thấy khó chịu vì bị thiệt
thòi khi thấy người khác không làm như vậy. Trình thuật kể các môn đệ ông Gioan
tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn
chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"
2.2/
Các môn đệ sẽ ăn chay khi Chúa Giêsu rời bỏ họ: Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ
khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi
tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới
mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm.” Qua
câu trả lời, Chúa Giêsu muốn lưu ý họ những điều sau:
(1)
Mục đích của ăn chay là sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là
chàng rể đang ở với Giáo Hội là cô dâu; các môn đệ là khách dự tiệc cưới. Nếu
các môn đệ đang có Chúa và lắng nghe lời dạy dỗ của Ngài, cần gì họ phải ăn
chay! Khi nào Chúa Giêsu rời bỏ họ về trời, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Việc gì cũng
phải có thời gian của nó, và phải được làm với ý hướng tốt lành.
(2)
Để có thể lãnh nhận những giáo lý mới của Chúa Giêsu, họ cần phải có một
tinh thần mới. Nếu họ cứ giữ tinh thần cũ như chiếc áo đã rách, họ không thể
đón nhận những giáo lý mới của Chúa, được ví như miếng vải mới.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc ăn chay, để rồi khi thực hành, chúng
ta phải làm với ý hướng tốt lành.
-
Ăn chay không phải là để khoe khoang, cũng không phải để xin ơn; nhưng là để
sửa chữa những thói quen bất công và tập sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa
và tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
15/02/13 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15
Mt 9,14-15
RƯỢU MỚI TRONG BẦU DA MỚI
“Chẳng
lẻ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng
khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi , bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm: Mọi
tôn giáo, mọi trường phái tu đức trên thế giới, đều luôn coi khổ hạnh là một
đòi buộc nhất thiết phải có trên con đường tu luyện, phát triển tâm linh. Khổ
hạnh giúp con người vượt ra khỏi lối sống cũ mòn của thói quen, để khai mở một
con đường mới vượt lên trên sức ì của bản tính tự nhiên. Ăn chay là một hình
thức khổ hạnh thông thường nhất bởi lẽ nó đụng chạm đến toàn thể cuộc sống con
người. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài là chàng rể trong bữa tiệc thiên quốc mà thế
giới hướng về. Ngài đã khai mở một “con đường hoàn toàn mới,” là chính Ngài:
“Thầy là đường là sự thật và là sự sống”. Cho nên, kể từ đây, mọi sự và cả việc
ăn chay, cầu nguyện cũng phải được quy hướng về Ngài mới có giá trị.
Mời Bạn:
Mọi việc làm có ý nghĩa nhiều hay ít, phần lớn là do ý hướng của người làm việc
đó. Sống thánh thiện trước mặt Chúa không chỉ là không làm việc gì xấu. Ngay cả
những việc xét khách quan là tốt (làm việc bác ái từ thiện chẳng hạn) nếu như
được làm với ý hướng sai lệch (làm vì tự ái, hư danh…) thì cũng mất đi ý nghĩa,
giá trị. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới; cũng thế, việc tốt phải làm với ý
hướng tốt, nghĩa là qui hướng tất cả về Chúa.
Sống Lời Chúa:
Thánh hoá đời sống hằng ngày của mình bằng cách trước khi làm bất cứ việc gì
bạn dừng lại và dâng lên Chúa công việc bạn sắp làm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là đường là sự thật và là sự sống, con xin
quy hướng mọi sự trong cuộc sống của con về Chúa. Xin Chúa đón nhận và thánh
hóa cuộc đời con. Amen.
CHÀNG
RỂ BỊ ĐEM ĐI
Ăn chay đối với Kitô hữu là thái độ chuẩn bị ngày Thầy
trở lại. Ăn chay làm ta nhẹ nhàng để chờ ngày gặp Chúa diện đối diện... Ước gì
việc ăn chay làm ta gặp Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.
Suy niệm:
Có một sự
khác biệt về lối sống giữa Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu. Gioan sống khổ hạnh nơi hoang địa, ông lôi kéo người ta đến
với ông. Ông dọa tội nhân về cơn thịnh nộ mà
Thiên Chúa sắp giáng xuống. Còn Đức Giêsu thì
đến với những kẻ tội lỗi, bị xã hội loại trừ, ăn
uống vui vẻ với họ vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 11, 18-19). Sau khi Gioan đã bị tống ngục (4, 12) các môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động (11, 2-6). Chắc họ khó chịu khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không ăn
chay, không có vẻ khắc khổ, nhiệm nhặt như họ
hay như người Pharisêu, nên họ hỏi thẳng Thầy
về chuyện này (c. 14). Thầy Giêsu trả lời họ
bằng một câu hỏi khác (c.15): “Khách dự tiệc
cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao?” Dĩ nhiên là không rồi!
Câu nói
của Thầy Giêsu cho thấy bầu khí Thầy-trò trong nhóm là bầu khí vui tươi ấm áp, bầu khí của một tiệc cưới.
Thầy là chàng rể, còn trò là khách dự tiệc. Thời gian Thầy ở với các môn đệ là thời gian hạnh phúc cho
họ. Trong Cựu Ước, hình ảnh chàng rể để chỉ
Thiên Chúa (Is 62, 4-5), Đấng kết duyên cầm sắt
với dân Ítraen (Hs 2, 21-22). Còn ở đây Đức
Kitô kín đáo nhận mình là chàng rể. Chàng rể là
nhân vật chủ yếu của tiệc cưới. Tiệc cưới ấy
chính là Nước Trời được Ngài khai mở (Mt 22, 1-14; 25, 1-13). “Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ…” (c.15). Đây không phải là
một lời tiên báo rõ ràng về cuộc khổ nạn, nhưng
là một ám chỉ đến cái chết bất ngờ sắp xảy ra. Chàng
rể Giêsu chẳng ở luôn với các môn đệ (Mt 26, 11). Có ngày họ sẽ không còn thấy Thầy nữa, “bấy giờ họ mới ăn
chay.”
Ăn chay
đối với Kitô hữu là thái độ chuẩn bị ngày Thầy trở lại. Ăn chay làm ta nhẹ nhàng để chờ ngày gặp Chúa diện đối diện.
Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường việc ăn chay.
Ngài đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ
(Mt 4, 2). Hội thánh sơ khai cũng gắn liền cầu
nguyện với ăn chay (Cv 13, 2-3) Thánh Phaolô
vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27). Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ.
Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung
của Hội thánh. Ước gì việc ăn chay làm ta gặp
Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói, sau khi ăn chay
bốn mươi ngày trong hoang địa.
Sau
khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem, Chúa cũng đói đến mức
phải tìm trái nơi cây vả.
Chúa
đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari, và Chúa đã nếm cái
khát của người bị mất máu trên thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con, nên Chúa đã
bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói, Chúa đã làm phép
lạ bánh hóa nhiều vì sợ người ta xỉu dọc đường, Chúa đã bảo nhà ông trưởng hội đường cho cô bé mới hồi sinh
được ăn. Đói khát là chuyện bình thường
của thân xác con người, và Chúa chẳng
bao giờ coi thường những nhu cầu chính đáng của nó. Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,
con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất mà còn khao khát
những giá trị tinh thần của Nước Trời. Xin
dạy chúng con chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng, và đừng khép cửa lòng như ông nhà giàu xây thêm kho.
Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước
lạnh được trao đi, một tấm bánh giữa đêm
khuya cho người bạn mượn, và chút vụn
bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày
mà chúng con không
hay. Xin giúp chúng con bắt chước
Chúa trong bữa tiệc cuối cùng dám bẻ ra
và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân. Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.
Tại sao phải ăn chay.
Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “ Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.(Mt. 9, 14-15)Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay suốt cả mùa chay. Nói đúng nghĩa ăn chay là nhịn ăn uống. Người ta có thể tưởng rằng Giáo hội có lý nhắc nhở một điều quan trọng cho chúng ta cần ăn chay vì ăn quá nhiều như ở Mỹ làm mình phì nộn và nhồi tọng đủ thứ trong khi bao nhiêu người trên thế giới thiếu ăn mỗi ngày. Nhưng không phải vì những lý do đó mà Giáo hội khuyến khích ăn chay. Giáo hội có nhiều lý do khác.
Giáo hội đánh giá rằng ăn chay là cách tốt nhất để chúng ta mở lòng hướng về Thiên Chúa và tiếp rước Ngài. Giáo hội tin tưởng rằng trong khi thiếu ăn uống, tự nhiên chúng ta thấy mình là tạo vật yếu đuối cần phải nương tựa vào Đấng gìn giữ, bảo đảm sự hiện hữu của muôn loài. Ăn chay nhất thiết làm cho chúng ta cảm nghiệm ngay trong xác thịt mình thấy rằng đời sống chúng ta và bản chất chúng ta đều bởi Thiên Chúa ban.
Giáo hội khuyến khích ăn chay vì lý do thứ hai: ăn chay là phương thế tốt nhất để chuẩn bị chúng ta mong đợi Đức Ki-tô lại đến. Tất cả chúng ta đều biết tại sao nhiều người ăn mất ngon khi gặp cơn bối rối hay gặp cảnh chia ly. Sau một cơn cãi lộn, người ta không còn muốn ăn uống. Khi mất chồng, vợ bỏ ăn nhiều ngày. Ăn chay còn biểu lộ chúng ta hoàn toàn liên kết với Đức Ki-tô mà chúng ta yêu mến. Chúng ta ăn chay như thể là tưởng nhớ Đức Ki-tô và ra sức trông mong Người.
Đó là ý nghĩa của lời Chúa trong Tin mừng hôm nay. Đức Giê-su đã ở với chúng ta, nhưng chúng ta không hoàn toàn kết hợp với Người. Người đã đến giữa chúng ta, nhưng một ngày kia, Người lại đến trong vinh quang. Trong khi ăn chay, chúng ta tỏ hết lòng thiện chí được thấy Người lại đến để chúng ta hợp nhất với Người trọn vẹn cho đến muôn đời.
J.Y.G
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
15 THÁNG HAI
Trẻ Và Già Cùng Chung Sức Làm Việc
Khi
nêu chứng tá đức tin của mình cho người trẻ, người già đang thể hiện một tinh
thần phong phú mà sự suy sụp về thể lý do tuổi già không thể làm phai nhạt đi:
“Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn – để
loan truyền rằng Chúa thật là ngay thẳng” (Tv 92, 15 – 16). Người trẻ có bổn
phận học tập nơi gương mẫu của người già, nhất là phải biết lắng nghe các ngài:
“Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại” (Hc 8, 9). “Hãy hỏi cha ngươi và
người sẽ nói cho ngươi biết, hãy hỏi các bậc lão thành và các vị sẽ chỉ bảo
nguơi” (Đnl 32, 7). Người trẻ cũng có bổn phận phải giúp đỡ người già: “Con ơi,
hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm
người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức
mà khinh dễ người” (Hc 3, 12 – 13).
Giáo
huấn của Tân Ước cũng phong phú không kém. Thánh Phao-lô đề ra lý tưởng cho
cuộc sống trưởng thành bằng những lời khuyên hết sức cụ thể về sự tiết độ, đàng
hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại (Tt 2, 2).
Một mẫu gương tuyệt vời có thể được nhìn thấy nơi ông già Si-mê-on, người đã
sống trong niềm ngưỡng vọng được nhìn thấy Đấng Mê-si-a. Ông cụ Si-mê-on đã rao
giảng về Đức Kitô như là sự sống sung mãn và là niềm hy vọng cho tương lai của
chính ông cũng như cho mọi người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Is
58, 1-9a; Mt 9, 14-15
LỜI SUY
NIỆM: Bấy giờ, các môn đệ ông
Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn
chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay” (Mt 9,14)
Người Ki-tô hữu
đang sống trong Mùa Chay là để chuẩn bị cho sự sống của riêng mình. Chúng ta
không thể có những cái nhìn xoi bói đối với những người thân cận trong việc
chay tịnh của họ. Nhưng phải biết tự kiểm đời sống của mình trong quá khứ về
công ăn việc làm, về những suy nghĩ, tính đoán, những ước muốn và những hành
động, ngôn từ đối với: gia đình, người thân cận và chính bản thân mình để tỉnh
ngộ, mà sám hối, cầu xin ơn tha thứ qua phép Giải Tội. Để sớm nhận lại ơn
Thánh, hầu nối lại sự thân tình với Thiên Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
15
Tháng Hai
Bài Ca Vạn Vật
Một
tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà trí thức bi quan với
Thánh Phanxico thành Assisi .
Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài
ca vạn vật: "Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời,
vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết". Nhà trí thức bi quan
lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò
má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của
căm tức thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí
thức bi quan trút bỏ trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục của ông mà ông
cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với
Thánh nhân như sau: "Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng.
Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị
mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy
khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?
Người
anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chững kiến cảnh lụt lội, màn trời
chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ
khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người
anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi
níu rừng cây cỏ và con người không?
Người
anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng
kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có
biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì
thiên tai?
Nghe
tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình
chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và
biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều
thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó
là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống
mỗi ngày.
Nhưng
điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành
khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự
Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu
thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã
chẳng nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi
dào hơn". Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân
cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi
anh em hãy cố gằng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.
(Lẽ Sống)
Thứ Sáu 15-2
Thánh Joan ở Valois
(1464 - 1505)
T
|
Joan là một thiếu nữ tật nguyền, ngài bị gù lưng, đi khập khiễng và bị rỗ. Mặc dù ngài phải đau khổ vì tàn tật, nhưng ngài đã kiên nhẫn chấp nhận sự bất lực ấy và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.
Khi chồng của ngài lên ngôi vua, Louis XII, hành động đầu tiên của ông là xin đức giáo hoàng tuyên bố hôn nhân ấy vô hiệu và chưa thành. Do đó, Joan không được làm hoàng hậu của nước Pháp; ngài được ban cho tước hiệu Nữ Công Tước của
Thánh Joan từ trần ngày 4 tháng Hai năm 1505 khi 41 tuổi. Ngài được phong thánh vào năm 1950
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét