Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

11-02-2013 (Mồng Hai Tết) : KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ


Mồng Hai Tết - Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

Hc 44,1.10-15; Tv 127; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6.

Bài đọc 1                                Hc 44,1.10-15

1          Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
            cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
10        Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,
            công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11        Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
            đó là lũ cháu đàn con.
12        Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước ;
            nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13        Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
            vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14        Các ngài được mồ yên mả đẹp
            và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15        Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
            và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.



Đáp ca                                    Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6 (Đ. c. 1)

Đáp  Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
            ăn ở theo đường lối của Người.

1          Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
            ăn ở theo đường lối của Người.
2          Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
            bạn quả là lắm phúc nhiều may.                                   Đ.

3          Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
            khác nào cây nho đầy hoa trái ;
            và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
            xúm xít tại bàn ăn.                                                        Đ.

4          Đó chính là phúc lộc
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
5a        Xin Chúa từ Xi-on
xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.                              Đ.

5b        Ước chi trong suốt cả cuộc đời
            bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,
6          được sống lâu bên đàn con cháu.
            Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.                  Đ.



Bài đọc 2                                Ep 6,1-4.18-23

1 Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. 2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : 3 để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. 4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng ; 20 tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì.22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.
23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.



Tung hô Tin Mừng                Tv 111,1-2

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. 
            Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa,
            những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
            Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường,
            dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Mt 15,1-6

1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” 3 Người trả lời : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.


www.kinhthanhvn.org
Ngày mồng 2 tết, kính nhớ ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã qua đời.
(Radio Veritas Asia 10/02/2005) - Quí vị và các bạn thân mến. Một tác giả nọ đã tóm lược lại luân thường đạo lý của dân tộc Việt Nam bằng những vần thơ sau đây:

Tổ tiên rồi đến ông bà,
dưới là cha mẹ, sau là cháu con.
Thờ cha kính mẹ vuông tròn,
giữ tròn chữ hiếu dạy trong luân thường.
Làm người ăn ở khiêm nhường,
kính trên nhường dưới và nhường người trên.
Luân thường đạo lý chớ quên,
thế hệ con cháu giữ nền móng xưa.
Tuần hoàn hết nắng lại mưa,
có vay có trả mới vừa lòng nhau.
Cuộc đời trả trả vay vay,
vay đi trả lại, biết ngày nào xong.
Chi bằng hãy nhớ làm lòng,
ân đền nghĩa trả mới mong tâm bình.
Tâm bình mới có an bình,
an bình mới có mối tình thâm sâu.
Thánh hiền đã dạy từ lâu,
gieo nhân gặp quả là câu luân thường.
Luân thường đạo lý làm gương,
dạy trong sách thánh, con đường ta đi.

Quí vị và các bạn thân mến,
Hôm nay ngày mồng 2 tết, chúng ta kính nhớ ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã qua đời. Báo hiếu là đạo của dân tộc. Người Việt Nam có thể tuyên xưng nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhưng nền tảng chung của mọi người vẫn là thờ kính ông bà tổ tiên. Ðạo thờ ông bà, như chúng ta vẫn thường nói, không phải là tín ngưỡng riêng của một nhóm người không theo một tôn giáo nào, mà là đạo lý chung của mọi người Việt Nam, mà từ ngàn xưa, tổ tiên ông bà chúng ta đã trau dồi và truyền lại cho con cháu. Ðón nhận đạo lý ngàn đời ấy của dân tộc, cho nên năm 1974, các Ðức Giám Mục Việt Nam đã cho phổ biến một thông cáo xác định và đề cao các lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên. Thông cáo có đoạn viết như sau: "Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi, có tính cách thế tục, lịch sự, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính, và tưởng niệm các tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động". Một cách cụ thể, các Ðức Giám Mục Việt Nam cổ võ việc thiết lập bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên, đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên, tổ chức những ngày cúng giỗ cũng như tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là Phúc Thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng. Tựu trung, báo hiếu là đạo làm người, không những đã được ghi khắc trong trái tim con người, mà còn được Thiên Chúa mạc khải thành lề luật: "Ngươi hãy thảo kính cha mẹ". Ðạo làm người này quan trọng đến độ chỉ đứng sau việc thờ phượng Thiên Chúa. Xét cho cùng, đạo làm người này gắn liền với đạo thờ phượng Thiên Chúa. Có nhận ra cha mẹ, ông bà, tổ tiên, con người mới có thể nhận biết căn nguyên và chủ tể của mình là Thiên Chúa.
Khởi đầu một năm mới, chúng ta được mời gọi xác định lại vị trí của mình. Kính nhớ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là tuyên xưng niềm tin và nói lên niềm tri ân với Ðấng là căn nguyên của sự sống, là chủ của thời gian.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì hồng ân sự sống mà Chúa đã ban tặng cho chúng con qua trung gian của cha mẹ, ông bà, tổ tiên chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng chính qua đạo hiếu mà chúng con tôn thờ Chúa.

Xin Chúa i a chúc lành, cho đời cha mẹ của con.
Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn.
Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời,
và ơn cha mẹ, suốt đời coi nhẹ khổ đau.
Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời.
Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.
An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha.
Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà.
Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời,
dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha.
Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời.
Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.
(Lời bài hát Cầu cho Cha Mẹ, của tác giả Phanxicô)

(Mai Hương)

11/02/13 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Mồng Hai Tết. Kính nhớ Tổ Tiên
Mt 15,1-6

Suy niệm: Những chuyến xe chở đầy khách về quê ăn Tết, những bữa họp mặt đông đủ cả nhà vào cuối năm, những lần mừng tuổi, chúc Tết cha mẹ, ông bà, những nén hương nghi ngút tưởng nhớ tổ tiên... Tất cả cảnh tượng rộn ràng này cho thấy ngày Tết, ngày vui gia đình, ngày lễ hội của đạo hiếu. Niềm vui thiêng liêng của ngày Tết sẽ vơi đi nhiều nếu người ta không tìm lại được khung cảnh đầm ấm của gia đình.
Mời Bạn: Gia đình, hai tiếng gợi lên trong ta bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp thân thương nhất. Xã hội gọi gia đình là nền tảng, là hạt nhân của mình; Giáo Hội gọi đó là Hội Thánh tại gia. Nhưng căn nhà gia đình đang chao đảo vì những sóng gió từ bên ngoài, những xói mòn từ bên trong. Cávc vị mục tử cổ võ việc duy trì, canh tân giờ kinh nguyện gia đình để chấn hưng đời sống đạo tại gia. Cả cha mẹ, con cái đều có bổn phận  làm đẹp căn nhà gia đình của mình, một phận sự mà không ai có thể thay thế được. Hãy là người bảo vệ phẩm giá hôn nhân và gia đình bắt đầu từ chính gia đình bạn.
Sống Lời Chúa: Trong ngày Mồng Hai Tết, kính nhớ tổ tiên, toàn gia đình viếng mộ người thân trong gia tộc, thắp hương, cầu nguyện cho các vị tiền nhân; cùng kiểm điểm về việc giữ đạo hiếu trong nhà trong năm qua; hoà giải với nhau nếu có những bất hoà và đề ra những quyết tâm sửa đổi cụ thể.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình (x. trang 58).
www:5phutloichua.net
Mừng xuân với những liên hệ
Dịp Tết, ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối quan hệ. Nếu không có nhưng liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình. Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui. Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:
Người ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Ta cần có cha mẹ để mặt ở đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia sẻ buồn. Ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Ta cần có thợ may để có quần áo. Ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể tất cả những gì ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.
Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể ta. Những mối liên hệ chính là chiếc tay vịn giúp ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.
Đời ta có nhiều liên hệ. Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú. Có những liên hệ chiều sâu tạo bản chất cuộc đời. Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời ta. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, ta không có mặt ở đời. Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời ta được mọc lên xanh tươi. Ông bà cha mẹ đã tư nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng ta đơm bông kết trái. Ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời sống ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời. Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở. Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây. Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.
Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những tranh đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.
Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời ta. Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho ta.
Sự sống là món quà nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất.
Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc ta về lòng biết ơn, cho ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.
Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc. Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đình vững chắc. Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà cha mẹ là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.
Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch. Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ. Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội.
Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội, muốn ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.
Lòng hiếu thảo với tiên nhân
(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Sách khải huyền có viết:" Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi"(Kh 14, 13). Lời Kinh thánh giúp ta hiểu rõ của những người đi trước đã nhắm mắt lìa đời trong ân nghĩa Chúa. Niềm tin Kitô giáo dậy nhân loại, dậy mỗi người Kitô hữu rằng bổn phận của người còn sống có bổn phận và nghĩa vụ đối với những người đã khuất, đặc biệt đối với các bậc tiền nhân, tiên tổ, ông bà, cha mẹ. Đây cũng là điều răn thứ bốn trong mười thập giới của Đạo công giáo. Riêng đối với người Việt Nam vấn đề đạo hiếu có một tầm quan trọng đối với cá nhân, gia đình và họ hàng thân tộc.
NGƯỜI VIỆT NAM MANG NẶNG CHỮ HIẾU:
Đối với người Việt Nam chữ hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính sẵn có của con người. Người Việt Nam vốn lấy đạo đức làm căn ban cho cuộc sống, cho bản thân, cho gia đình và cho dòng tộc của mình. Con cái thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống, khi cha mẹ đã khuất, người con hiếu thảo là người con luôn tưởng nhớ tới cha mẹ bằng việc cầu nguyện, xin lễ cho những người thân đã mất. Người Việt thường có bàn thờ gia tiên để tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện bằng nhiều cách như khi cha mẹ còn sống, con cái kính trọng, nuôi dưỡng, vâng phục cha mẹ và khi các vị đã mất, con cái cháu chắt lại tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân trong những ngày giỗ, ngày kỵ, này tết nơi gia đình, nơi dòng tộc của mình. Người Việt Nam cũng không chỉ đóng khung trong gia tộc, gia đình mà họ còn đi xa hơn biết ơn cả đối với những người đã hy sinh để xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.
Tấm lòng tốt, sự biết ơn là một nét độc đáo trong nền văn hóa và đạo đức của người Việt Nam. Chính vì thế, người Kitô hữu Việt Nam đã cảm nghiệm sâu xa giới luật thứ bốn của đạo công giáo và hài hòa với truyền thống tôn kính, tưởng nhớ, ghi ơn những người đã có công với đất nước, quê hương, dân tộc.
NIỀM TIN KITÔ GIÁO:
Người Kitô hữu thể hiện chữ hiếu Kitô giáo bằng nhiều cách:khi cha mẹ còn sống, con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ đã khuất lòng hiếu thảo được thể hiện bằng việc cầu nguyện, dâng lễ, làm việc lành dành riêng cho cha mẹ đã qua đời. Việc chăm sóc mồ mả, nhớ ngày giỗ, ngày kỵ, hương nhang, nến đèn cho người chết cũng là một cách biểu tỏ lòng biết ơn đối với những kẻ đã khuất, đã chết. Xưa có quan niệm theo Chúa, theo đạo công giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà cha mẹ, quan niệm ấy đã lỗi thời vì xưa kia đã có ngộ nhận như thế. Nay, người công giáo là người nhận mọi người là anh em. Theo Chúa, theo đạo, người Kitô hữu như được dọn trước để mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Người Kitô hữu không chỉ đóng khung trong gia đình, gia tộc, họ hàng của mình mà họ còn có nhiều tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì đạo Chúa bao gồm tất cả mọi người không loại trừ bất cứ ai. Trong tình yêu của Chúa mọi người đều là anh em với nhau. Đức ái Kitô giáo không phân biệt, không loại trừ bất cứ người nào.
Ngày mồng hai tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, đây là một việc làm thật đáng trân trọng và hữu ích vì trong những ngày tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc sum vầy, êm ấm để ăn tết, tưởng nhớ, dâng lễ và cầu nguyện cho những bậc tiền nhân là một nghĩa cử cao đẹp và là một nhắc nhớ cho mọi người hãy sống hiếu thảo, hãy thực hành giới luật thứ bốn của thập giới Kitô giáo. Sống đạo hiếu là nét son văn hóa và nét nổi bật đức tin của người Kitô hữu Việt Nam.
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dậy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài (Lời nguyện nhập lễ, lễ Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ). 


Xuân Đẹp Ngời Đạo Hiếu (Mt 15, 1-6)
(J.B. Nguyễn Quốc Tuấn)
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ.
“Biển cả mênh mông đong sao đầy tình mẹ
Gió trời lồng lộng ngăn không nổi công cha”
 (Danh ngôn đạo đức)
Đạo hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nó được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Những ngày vui tươi đầu xuân cũng là thời điểm thuận tiện để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể lý và tâm linh. Người Kitô hữu ý thức Đạo hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn chữ Hiếu cũng đồng thời ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong thái độ yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.
1. Đạo hiếu theo Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội
Tiếp sau bổn phận của con người đối với Thiên Chúa được nêu lên trong Thập giới (mười điều răn), Kinh Thánh đã coi thái độ hiếu thảo với cha mẹ là nền tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với con người (Is 49, 15; 63, 16…).
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).
Đạo hiếu đối với bề trên được khởi đi từ việc thấu hiểu và đáp trả xứng hợp công ơn của các ngài là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ ta trên đường trọn lành. “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7, 27-28). “Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20).
Biểu lộ của lòng hiếu thảo thể hiện qua sự chú tâm lắng nghe lời chỉ bảo của cha mẹ trong sự vâng phục, khiêm kính. “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn hụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ… Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6, 20-22). “Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách” (Cn 13, 1).
Lòng hiếu thảo là một hành vi nhân linh đặc biệt quan trọng có giá trị kiện toàn bản thân ta nên công chính thánh thiện hơn mỗi ngày. “…Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi…” (Hc 3, 14-15).
Tân ước đề cao Đạo hiếu qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn trọn hảo bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (Lc 2, 51-52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa. “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử”.
Thư 1Tm 5, 8 xác quyết bổn phận sống đạo hiếu là đòi buộc của đức tin: “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5, 8).
Công đồng Vatican II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV, số 48).
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta: “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).
2. Niềm vui chưa trọn vẹn
Trong ngày đầu xuân, thật hạnh phúc khi chúng ta được đoàn tụ trong bầu khí yêu thương của gia tộc để bày tỏ đạo hiếu với tổ tiên. Nhưng niềm vui của chúng ta chưa thể trọn vẹn được, khi vẫn còn đó bao cụ già neo đơn, bao bậc làm cha, làm mẹ phải đau xót khốn cùng vì bị con cái hắt hủi, bỏ rơi giữa ngày đời tàn hơi, xế bóng…
Chúng ta vui sao được trước thực trạng xã hội, trong đó, một bộ phận đông đảo những người trẻ đang chạy theo lối sống tự do mất định hướng, cố tình ngoảnh mặt trước các chuẩn mực truyền thống và quan niệm sự vâng phục các đấng bậc sinh thành như một thứ bó buộc tiêu cực đối với họ.
Nếp sống đề cao tính cố kết gia tộc trong bản sắc văn hóa của các làng xã Việt Nam dường như đang bị phai nhạt dần. Các cặp vợ chồng trẻ mới thành hôn có xu hướng thích “ra riêng” (gia đình độc lập) hầu có thể thoát ra ngoài “chiếc vòng kim cô” của đại gia đình nhiều thế hệ. Điều này đang có nguy cơ dẫn tới việc các thế hệ sau ngày càng có biểu hiện xem nhẹ vai trò của những người đi trước. Và hậu quả là, họ cố tình “bỏ ngoài tai” những giáo huấn vốn được kết tinh từ kinh nghiệm sống của ông bà, cha mẹ, thầy cô.
Ngày Tết là thời điểm thật thuận tiện để những người con, người cháu cháu chúng ta tự vấn lại bổn phận và thái độ sống cần thiết đối với các bậc tiền nhân. Năm cũ qua đi, có biết bao lần ta đã làm phiền lòng những người đã phải vật lộn một nắng hai sương, lam lũ giữa dòng đời cay đắy với bao nhiêu mồ hôi nước mắt chỉ vì mong muốn, dìu dắt ta nên người. Biết bao lần ta đã vi phạm trầm trọng chuẩn mực đạo hiếu chỉ vì muốn được tự do sống theo ý riêng mình…
Năm mới, ta hãy sống sao cho đẹp Chữ Hiếu.
3. Sống đẹp Chữ Hiếu
Nhiều giáo xứ đang phát huy truyền thống tốt đẹp, đó là tổ chức long trọng thánh lễ kính nhớ tổ tiên tại nghĩa trang giáo xứ vào ngày Mồng Hai Tết. Trong ngày này, con cháu, dâu rể… dù ở phương xa phải bận bịu trăm công nghìn việc, vẫn cố gắng sắp xếp quy tụ về bên phần mộ gia tộc, cùng nhau thắp lên nén hương lòng kính hiếu và chung lời nguyện xin cho người quá cố được sớm an nghỉ trong Chúa. Thật là nghĩa cử đẹp đẽ, nói lên Đức ái Kitô giáo được biểu lộ qua đạo hiếu.
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm sẽ cháy mãi và bừng lên nơi tâm hồn của những người con hiền, cháu thảo như một lời tri ân đáp trả nồng nhiệt công ơn của các đấng bậc đã sinh thành, dưỡng dục ta.
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm cho tổ tiên sẽ lan tỏa trong đời bạn, đời tôi để chúng ta luôn sống xứng với truyền thống Đức tin rạng ngời của tiền nhân.
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ.
Ước mong nén hương lòng đầu năm trước người quá cố đang và sẽ thức tỉnh những ai có biểu hiện xem thường chuẩn mực đạo hiếu.
Và nguyện ước cho nén hương lòng đầu năm trước tổ tiên là tất cả tâm thành của ta hướng về Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho ta có được tổ tiên ông bà cha mẹ. Nhờ sống trọn, sống đẹp Đạo Hiếu, chúng ta góp phần tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đạo Trời.
Suy niệm Lời Chúa

Giáo hội dành ngày mùng hai tết để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và cũng là để nhớ đến công ơn của các ngài. Giáo hội nhớ đến và cầu nguyện cho các ngài là bởi vì, tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục và xây dựng cuộc đời cho chúng ta. Các ngài tận tụy dậy dỗ mình sống đời sống làm người, và đặc biệt nhờ các ngài mà mình được biết Chúa và yêu mến Ngài. Công lao của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ thật bao la trời biển.
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Quả thật, truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Chính vì vậy mà để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ của mình như thế nào. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu:
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”.
Và hơn nữa, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô cũng nhắc: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo”.
Và đặc biệt trong bài Tin mừng, Đức Giêsu nhắc lại với Pharisiêu, với kinh sư và với con người mọi thời rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Rõ ràng, đối với Chúa Giêsu, việc hiếu thảo đối với cha mẹ là điều hết sức quan trọng và là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu.
Như thế, việc thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân, nhưng đó là thánh ý của Thiên Chúa, đó là lệnh truyền của Thiên Chúa, và đó là đòi buộc của Thiên Chúa.
Ngày đầu xuân Giáo hội nhắc lại sự đáp trả, báo ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là việc làm rất ư cần thiết. Thế nhưng, ta phải có những thái độ nào, phải có những cách hành xử như thế nào, để đạo “thờ cha, kính mẹ” cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa? Đó có phải chỉ là cấp tiền nuôi dưỡng cha mẹ? Hay đó có phải chỉ là đến ngày, đến tháng vào xin một thánh lễ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên là xong?
Trong sách xưa có một bài về đạo hiếu rất hay và cũng phù hợp với tinh thần Kitô giáo:
Hiếu hữu tam:
Đại hiếu tôn thân
Kỳ thứ phất nhục
Kỳ thứ năng dưỡng
Tạm dịch là:
Đạo hiếu có ba điều:
Hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ
Hai là không làm nhục cha mẹ mình
Ba là có thể nuôi dưỡng cha mẹ mình.
Vậy, thế nào là tôn vinh cha mẹ? Thế nào là không làm nhục cha mẹ? Và thế nào là dưỡng nuôi cha mẹ mình?
1. Tôn vinh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa và con người
Theo quan niệm của Kitô giáo, thì sự tôn vinh cha mẹ ở cấp độ cao nhất đó là sự tôn vinh cha mẹ, làm rạng rỡ cha mẹ ở trước mặt Thiên Chúa. Niềm vinh dự lớn lao của cha mẹ đó là được tôn vinh trước mặt Thiên Chúa. Thành ra, người có hiếu lớn nhất đó là người sống ngay lành, làm điều tốt trước mặt Thiên Chúa: sống theo thánh ý Chúa, sống theo luật Chúa đó là tốt nhất. Do đó khi sống đạo tốt, đó là mình thể hiện cái hiếu lớn nhất đối với cha mẹ.
Mặt khác, tôn vinh cha mẹ không chỉ trước mặt Thiên Chúa mà còn là tôn vinh, làm rạng danh cha mẹ trước mặt người đời. Mình không thể nói là có hiếu với cha mẹ khi mà đời sống của mình bê bối đủ điều. Mình không thể nói là có hiếu nếu mình cứ sống một cuộc sống mua gian bán lận, một cuộc sống thiếu yêu thương bác ái đối với người khác, một cuộc sống muốn loại trừ những người khác. Do đó, cái hiếu đối với cha mẹ, đó còn là việc thể hiện một đời sống tốt trước mặt người đời. Bởi vì khi mình sống tốt trước mặt người đời là mình đang làm rạng danh, đang tôn vinh cha mẹ mình.
Hơn thế nữa, cái hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, không chỉ là tôn vinh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa và tôn vinh cha mẹ trước mặt người đời, nhưng còn là thể hiện cái hiếu qua việc tôn vinh cha mẹ trước mặt chính mình. Tôn vinh cha mẹ trước mặt chính mình đó là khi mình biết vâng lời cha mẹ, tôn kính cha mẹ. Do đó, mình không thể nói là có hiếu trong khi mình cứ luôn cãi lời cha mẹ, không biết tôn kính cha mẹ.
2. Cái hiếu thứ hai đó là không làm nhục cha mẹ
Trước hết chúng ta xét đến tương quan với Thiên Chúa, đó là đừng làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa. Nghĩa là, khi xa lánh tội lỗi, không làm điều xấu đó là mình thể hiện cái hiếu đối với cha mẹ. Chúng ta không thể là người có hiếu nếu cứ sống trong tình trạng lầm lạc, trong những đam mê, những thú vui tội lỗi. Khi chúng ta phạm tội đó là mình đang làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, và như thế thì không thể nói là mình đang sống trọn chữ hiếu với cha mẹ được. Và chúng ta không chỉ đừng làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa mà còn không làm nhục cha mẹ trước mặt người đời. Mình đừng để cho người đời vì mình mà chửi cha mẹ mình. Con cái đi làm điều bậy bạ để rồi cha mẹ phải lãnh lấy hậu quả, bị người đời coi thường, khi đó chúng ta không thể là người sống có hiếu được.
3. Và cái hiếu thứ ba đó là có thể nuôi dưỡng cha mẹ
Nuôi dưỡng hay chu cấp cho cha mẹ ở đây không chỉ là về những nhu cầu vật chất nhưng là còn về tinh thần.
Trước mặt Thiên Chúa, mình cầu nguyện cho cha mẹ đó là nuôi dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống hay đã qua đời, lời cầu nguyện của chúng ta cho cha mẹ thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.
Trước mặt người đời, người có hiếu là người có thể phụng dưỡng cho cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần, đem lại niềm vui, đem lại niềm hạnh phúc cho cha mẹ.
Như vậy, cái hiếu lớn nhất của mỗi người đó là tôn vinh cha mẹ, làm rạng danh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, trước mặt người đời và trước mặt chính mình.
Cái hiếu thứ hai đó là không làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, không làm nhục cha mẹ trước mặt người đời.
Cái hiếu thứ ba đó là nuôi dưỡng cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, trước mặt người đời.
Làm được như thế đó là mình sống trọn lòng hiếu thảo đối với cha mẹ như lòng Chúa mong muốn.
Lắng nghe lời Chúa trong ngày đầu năm này, ước gì mỗi người một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình qua ông bà cha mẹ, để hết lòng tri ân và cảm tạ các ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện để mình duyệt xét lại lòng thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc thảo kính này, không chỉ là dâng một ít quà hay một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng lòng thảo hiếu này, cần được kéo dài trong suốt cuộc đời mỗi người.
Xin Chúa cho mỗi người có được lòng mến yêu, có được một tinh thần thảo hiếu, để chúng ta có thể luôn biết thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét