Thứ Tư
27/02/2013
Tuần II
Mùa Chay Năm C
Tiên tri Jeremiah cầu nguyện |
BÀI
ĐỌC I: Gr 18, 18-20
"Hãy đến, và
chúng ta hành hạ nó".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Thiên
hạ nói rằng: "Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia:
vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên
tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó
và đừng để ý đến các lời nó dạy".
Lạy
Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp
dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan
thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ.
Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 30, 5-6. 14. 15-16
Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17b).
1)
Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con
nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung
thành, xin cứu chữa con. - Đáp.
2)
Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một
lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con. - Đáp.
3)
Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của
con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những
người bách hại. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ge 2, 12-13
Chúa
phán: "Vậy từ đây các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta, vì Ta nhân hậu
và từ bi".
PHÚC ÂM: Mt 20, 17-28
"Họ đã lên án tử
cho Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường,
Người nói với họ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho
các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho
dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến
ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng
với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi
đó. Người hỏi: "Bà muốn gì". Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy
truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài,
trong Nước Ngài". Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các
ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?" Họ
nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống
chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban,
nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười
người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo:
"Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm
lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai
muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì
hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục
vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".
Đó
là lời Chúa.
SUY
NIỆM : Họ Ðã Lên Án Tử Cho Ngài
Tác phẩm nổi tiếng: "Quo vadis? - Thầy đi
đâu?" của văn hào Henryk Sienkiewicz, người Công giáo nước Balan. Tác phẩm
này đã được giải thưởng văn chương Nobel năm 1905, và đã được chọn để đóng
thành bộ phim có cùng tựa đề: "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" Câu chuyện
được kể lại như sau:
Theo truyền khẩu giáo
dân thời Giáo hội sơ khai, dưới thời hoàng đế Néron bách hại đạo Chúa dữ dội,
thì thánh tông đồ Phêrô, thủ lãnh của Giáo hội quyết định bỏ trốn ra khỏi thành
Rôma. Trong đêm tối, Phêrô bỗng khựng lại vì ông nhìn thấy từ xa một người có
vẻ quen thuộc đang tiến ngược chiều về phía mình. Phêrô dụi mắt nhìn cho kỹ hơn
và khi người đến gần thì ông hết sức vui mừng và ngạc nhiên hỏi: "Thưa
Thầy, Thầy đi đâu?" Vậy người đang tiến lại ngược chiều với Phêrô là Chúa
Giêsu, Ðấng đã chịu đóng đinh trên Thập Giá mấy mươi năm về trước. Chúa Giêsu
ôn tồn trả lời cho Phêrô như sau: "Phêrô, vì con sợ gian khổ nên con chạy
trốn, nên Thầy phải vào thành Rôma để chết thay con". Nói xong Chúa Giêsu
biến mất. Phêrô hiểu ý bèn quay gót trở lại thành Rôma, chấp nhận mọi gian khổ,
củng cố đức tin các tín hữu cho đến năm 67 thì bị bắt. Sau đó thánh Phêrô được
diễm phúc đi lại trên con đường Thập Giá của Thầy mình. Không phải đường lên
núi sọ ở Giêrusalem, nhưng là đường đến hí trường Calipoula trên đồi Vatican . Khi
đến nơi, Phêrô cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên đã xin
phép cho được đóng đinh ngược đầu chúi xuống đất.
Anh
chị em thân mến!
Tác
phẩm và bộ phim cùng tên "Quo vadis? - Thầy đi đâu?" bộc lộ phản ứng
tự nhiên của người đồ đệ Chúa Giêsu là tránh né đau khổ, mong được địa vị quyền
hành, được ngồi bên hữu Chúa. Khi còn sống, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các đồ
đệ con đường Thập Giá: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác Thập giá hằng
ngày mà theo Ta". Thế nhưng lúc đó các ông không hiểu và tranh nhau, ganh
tị với nhau.
Bài
Tin Mừng hôm nay cho thấy những phản ứng ngược chiều của các tông đồ trước biến
cố Thập giá của Chúa. Chúa Giêsu đã trình bày lý tưởng của con đường Thập giá
cho các môn đệ biết: "Này, Ta lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị rơi vào tay
các trưởng tế và các luật sĩ, họ sẽ luận xử tử Ngài. Rồi họ sẽ phó Ngài cho dân
ngoại nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh, song ngày thứ Ba Ngài sẽ sống lại"
(Mt 20,17-19). Nhưng các tông đồ thì nghĩ ngược lại: kẻ thì xin được ngồi bên
tả, bên hữu Ngài. Kẻ thì ghen tị bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền
hành khi theo Chúa.
Chuyện
đã xảy ra cho các tông đồ vào thời Chúa Giêsu cũng có thể xảy ra cho những kẻ
tin Chúa ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa Giêsu với điều
kiện không có Thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy Thập giá mà không có Chúa
Giêsu Kitô. Sự đau khổ mà không có Chúa Kitô là một đau khổ không ý nghĩa cứu
rỗi. Một sự đau khổ đè bẹp con người, một sự điên dại mà ai nấy đều muốn tránh
xa.
Người
đồ đệ đích thực không thể và cũng không nên tách rời Thập giá ra khỏi Chúa
Giêsu Kitô. Những đau khổ và những hy sinh chỉ có ý nghĩa, nếu biết liên kết
với Chúa Giêsu Kitô, được lãnh nhận vì Chúa và với Chúa Kitô mà thôi.
Ðức
cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy
Vọng" giải thích thêm kinh nghiệm thiêng liêng này như sau: Ai cũng kính
trọng những người được in năm dấu thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh
trên mình bằng hy sinh. Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa
bỏ mình vác Thánh giá thì chưa kể là theo Thầy được. Ðó là điều kiện tiên quyết
để đi theo Thầy. Con nghĩ rằng: con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa
thấy con bỏ qua nhiều dịp như: tươi cười với người nói móc họng con; thinh lặng
trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người phản bội; không nói một lời
hóc búa, không trả đũa.
Mọi
giây phút đều có dịp hy sinh. Con có uống nổi chén đắng của Thầy không? Con hãy
thưa: con tình nguyện uống chén đắng đến giọt cuối cùng và là chén đắng của
Thầy, vì Thầy đã uống trước con. Chén càng đắng, càng đầy thì chứng tích tình
yêu của con càng rõ ràng. Ðó là chứng tích tình thương của Chúa muốn cho con
chia sẻ với Ngài và cũng là dấu Chúa tín nhiệm con càng thắm thiết say nồng.
Chúa
mời gọi tất cả và từng người đồ đệ hãy theo Ngài trên con đường Thập giá, nhưng
không dừng lại ở đây. Vì ngày thứ ba Ngài đã sống lại trong vinh quang. Như
vậy, đau khổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Chỉ có ai chấp nhận đi trọn con
đường Thập giá với Chúa, vì Chúa, thì mới hưởng được niềm vui và bình an của
Chúa Kitô Phục Sinh.
Lạy
Chúa, xin thương nâng đỡ con trên con đường theo Chúa và tha thứ cho những lần
con đã làm mất lòng Ngài, tha thứ cho con những lần con đã làm cớ vấp phạm cho
những người xung quanh xúc phạm đến Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần II MC
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lãnh đạo
bằng phục vụ và chịu đau khổ.
Con
người ham quyền hành, chức tước, và địa vị quan trọng trong xã hội; vì khi họ
nắm quyền hành, họ sẽ được ra lệnh; khi có chức tước, họ sẽ được mọi người biết
tới; và khi làm lớn, họ sẽ được dân chúng hầu hạ. Để đạt được những điều này,
nhiều người đã dùng mọi cách để có ưu thế trước, ngay cả việc dùng những thủ
đọan để hạ bệ người khác. Điều này được coi là thông thường với các nhà lãnh
đạo thế gian, nhưng bị Thiên Chúa ngăn cấm với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Các
Bài đọc hôm nay xoay quanh hai cách lãnh đạo khác nhau này. Trong Bài Đọc I,
tiên tri Jeremiah khó chịu khi làm việc lành cho dân, đã không được họ biết ơn
thì chớ, lại còn bị các nhà lãnh đạo trong dân hội họp nhau, để lập mưu hãm hại
ngài. Trong những trường hợp như thế, nhà lãnh đạo tôn giáo dễ nản chí, bỏ
cuộc, và ngay cả xin Thiên Chúa báo thù. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu loan báo
Cuộc Khổ Nạn sắp tới của Ngài lần thứ ba, người mẹ của hai môn đệ Giacôbê và
Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai con được “một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi
bên hữu trong Nước Chúa.” Điều này gây chia rẽ giữa các môn đệ. Chúa Giêsu phải
dạy dỗ để các ông hiểu cách lãnh đạo của người môn đệ Chúa: phải phục vụ mọi
người và hy sinh chịu gian khổ.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Lấy óan đền ơn.
1.1/
Người ngôn sứ phải chịu bắt bớ đau khổ: Điều này hiển nhiên, vì họ phải nói những gì
Thiên Chúa nói; và những điều Thiên Chúa nói, nhiều khi là những điều con người
không thích nghe. Các ngôn sứ giả nói những điều thiên hạ muốn nghe, nên được
mọi người yêu thích. Còn Jeremiah, ông phải nói những gì thiên hạ không muốn
nghe như loan báo: chiến tranh, phá hủy và lưu đày. Vì thế, không lạ gì mà ông
phải chịu đau khổ. Họ nói với nhau: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính
kế hại Jeremiah. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết; thiếu hiền nhân, không
thiếu ý kiến; thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời
nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói." Họ quên rằng Thiên
Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất: họ có thể làm cho
Jeremiah chịu đựng đau khổ, nhưng không ngăn cản được những gì Thiên Chúa sắp
đổ xuống trên họ.
1.2/
Người ngôn sứ dễ mất kiên nhẫn khi phải đương đầu với bạc bẽo, vong ân: Qua đời sống của các
tiên tri, chúng ta học được bài học đau khổ của các ngài: một đàng vì thương
dân, không muốn dân phải chịu đau khổ, nên cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương
xót, và đừng đổ đại họa xuống trên dân; một đàng tức giận vì sự ngoan cố của
họ, đã không chịu ăn năn trở lại, mà còn tính kế lập mưu để làm hại những người
thương yêu lo lắng cho họ. Tiên tri Jeremiah bày tỏ sự bất mãn của ông với dân
lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói
đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin
Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng,
để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”
2/
Phúc Âm: Tham quyền và củng cố địa vị.
2.1/
Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ: Người Do-Thái, trong đó có các
Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ
và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa quyền uy không dùng
sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường gian khổ để cứu độ con người! Đây là
lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ
không hiểu và cũng không muốn chấp nhận con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai
phải chịu đau khổ?
(1)
Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai trên vai: Tiên tri Isaiah đã
loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính người đã bị đâm vì chúng ta
phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta
được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa
53:4-5).
(2)
Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều
lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước,
Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu
tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm
được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.
2.2/
Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai con mình: Điều bà mẹ của
Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét theo tiêu chuẩn con
người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương lai yên ấm! Hơn
nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn cắt
nghĩa cho Bà: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống
nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." Vì ham
muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén đắng” mà Chúa
Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám trả lời với Ngài
như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa Giêsu, phải kiên
nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.
2.3/
Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều
thường xảy ra cho tất cả mọi người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên
nhân chính gây nhiều thiệt hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách
sửa chữa kịp thời, cộng đòan sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều
này, Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì
dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.
Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”
Chúa
Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý
tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa
mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở
đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh
chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài
để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người."
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả
trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Người môn đệ Chúa phải đề
phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, và ngay
cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.
-
Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải khác với những nhà lãnh đạo khác,
vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy sinh phục vụ và chịu đựng gian
khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải để đạt những lợi lộc vật chất
ở đời này.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY
Mt 20, 17 - 28
1 Ghi nhớ : Chén của Thầy, các
ngươi sẽ uống.
2 Suy niệm : Phúc Âm hôm nay họa lại con đường từ Galilê
đến Jêrusalem. Trên con đường này có hai tốp người không cùng hướng.
Tốp
thứ nhất có Chúa Giêsu và các môn đệ. Người đang dẫn họ lên Jêrusalem, bỏ lại
sau lưng một Galilê phồn vinh sung túc, để
chuẩn bị chịu nạn, chịu chết.
Tốp
thứ hai, có mẹ và các con Giêbêđê, họ đang đối diện với Chúa Giêsu và các môn
đệ. Họ đang đi ngược lại, để xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên hữu, một ngồi
bên tả Chúa Giêsu trong nước Chúa. Họ đang hướng về Galilê.
Hướng
khác nhau thì mục tiêu cũng khác nhau. Một bên là cố gắng từ bỏ, một bên là cố
tìm cách để giành lấy. Một bên là bỏ đi để được, một bên là muốn được mà không muốn mất. Đây thật sự là đặc trưng
của hai đường lối: đường lối của Thiên Chúa và đường lối của con người.
Theo
ý định của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải xuống thế làm người, từ bỏ ngôi vị Thiên
Chúa với tất cả vinh quang để trở nên một kẻ thấp hèn vô danh vô phận, rồi tiếp
đó phải đón lấy thân phận của một tử tội được xếp vào hạng bét nhất trong số
những tử tội để bị vùi lấp, bị loại trừ, để rồi Thiên Chúa sẽ cho sống lại,
nhận lấy vinh quang.
Đường
lối của con người được diễn tả trọn vẹn nơi ý định của mẹ và các con Giêbêđê,
thích được ngồi mát ăn bát vàng
Người
Kitô hữu là người đi trên con đường Đức Kitô đã đi, nhưng xem ra chúng ta thích
đi theo hướng mà mẹ con Giêbêđê đi hơn là hướng Chúa Giêsu và các môn đệ đang
đi. Thế nhưng, hôm nay Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết Chúa cha muốn chúng
ta phải đi theo hướng nào. Phải theo chân Chúa Giêsu mà thôi.
3 Sống Lời Chúa: Hãy theo Ta.
4 Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dõi bước theo Ngài.
27/02/13 THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Mt 20,17-28
Mt 20,17-28
UỐNG CHÉN THẦY SẮP UỐNG
Bà
mẹ các con ông Dê-bê-đê thưa với Chúa :”Xin Thầy cho truyền cho hai con tôi đây,
một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả, trong nước Thầy.” Đức Giê-su bảo
:”Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp
uống không ?” (Mt 20,21-22)
Suy niệm: Đã
ba lần Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa, thế mà các tông đồ vẫn nhìn Nước
Trời như một vương triều trần thế. Không phải ngẫu nhiên mà hai tông đồ này xin
chỗ ngồi danh dự hai bên tả hữu của Chúa Giê-su. Giữa các môn đệ có một chiến
tranh lạnh ngấm ngầm xuất phát từ quan niệm công thần đã ngự trị trong tâm tư
họ từ lâu: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con được gì bù lại?” (Mc
10,28): họ khao khát quyền lợi, quyền lực. Chúa Giêsu đã khó khăn lắm mới đổi
được não trạng của các tông đồ: Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh
quang, điều đó cũng tốt thôi nếu đó là ý muốn của Chúa Cha; nhưng liệu họ có
dám dự phần với Ngài trong đau khổ, trong chén đắng, trong cái chết gần kề của
Ngài không?
Mời Bạn:
Bạn sẽ trả lời thế nào nếu Chúa hỏi bạn câu hỏi đó? Bạn có tâm tình nào khi
phục vụ giáo xứ, phục vụ anh chi em? Bạn dám chấp nhận quên mình, không tìm
tiếng khen, hay chút lợi lộc. Sống đạo, bạn không chờ đợi được một chỗ ngồi
cao, nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.
Sống Lời Chúa:
Làm một việc hy sinh, kết hợp với Chúa Giêsu chịu khổ nạn trên Thánh Giá để xin
ơn hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm, dám chọn những gì giúp con
trở nên bé nhỏ hơn, nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người theo gương khiêm hạ
của Chúa, và theo Chúa trên con đường thánh giá Chúa đã đi qua.
Anh em không được như vậy
Suy niệm:Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị. Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế. Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời. Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn, đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả, và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai. Vẫn là chuyện những cái ghế. Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa. Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình. Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không. Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ. Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
“Các người không biết các người xin gì!” Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi. Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ: quyền lực, tiếng tăm, vinh dự… “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài, khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống. Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang. Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không, nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi. Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ, nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình, đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời, khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25). “Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời. Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời: kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27). Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28). Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy. Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình, cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu, Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy, vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con những điều riêng tư thầm kín nhất trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh, Thầy đã gọi các môn đệ là anh em. Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình xuống phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn
Nguyễn Cao Siêu, S.J.
“Họ đã lên án tử
cho Người”.Tinh thần phục vụ
Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó của Người, giữa nhóm mười hai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Càng gần tới thành Giêrusalem, cuộc tranh luận càng sôi nổi hơn. Họ bàn tán xôn xao: Thầy sắp thực hiện kế hoạch mà Thầy đã ôm ấp bấy lâu. Kế hoạch này xem ra khó hiểu đối với họ, nhưng thôi, đó là công việc của Thầy, hãy để Thầy lo liệu, và họ bàn luận với nhau về tương lai của họ sau khi Thầy được đăng quang. Họ phân chia nhau ngôi thứ, ai lớn ai nhỏ như thế nào đây. Ai là người có công nhiều, ai là người có công ít hơn. Và cuộc tranh luận này không chỉ gói gọn giữa nhóm Mười Hai, mà còn mở rộng ra đến cả người nhà của họ nữa. Hai ông Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, đưa mẹ đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Thấy mẹ con bà Dêbêđê hành xử như vậy, mười môn đệ kia tức tối ra mặt. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu dạy cho các ông bài học về tinh thần phục vụ mà các môn sinh của Chúa phải có.
Khác với cách thức cai trị của vua quan trần thế là những người đã dùng uy quyền để ổn định dân nước, những người lãnh đạo trong Nước Trời phải dùng quyền hạn mà Thiên Chúa ủy thác cho để phục vụ lợi ích của tha nhân. Ðịa vị càng cao càng phải hạ mình để phục vụ người khác nhiều hơn: "Ai muốn làm đầu các con thì phải làm đầy tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người."
Lời dạy của Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta và mời gọi chúng ta xét mình. Chúng ta tự hào mình là người có công, là những người cộng tác vào công cuộc mở mang Nước Chúa ở trần gian. Ðôi lúc chúng ta cũng bỏ công sức, thời giờ, tiền của vào các việc tông đồ truyền giáo. Chúng ta có nhiệt tình, chúng ta lao tâm khổ tứ, chúng ta ăn ngủ không yên, nhưng thử hỏi, chúng ta dấn thân như vậy vì Chúa, vì phục vụ anh em hay vì một cái gì khác. Mỗi người chúng ta hạ cố tự vấn lương tâm mình trong mùa Chay này.
Lạy Chúa, con rất muốn hoạt động cho Danh Cha cả sáng, cho Nước Cha trị đến, cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tuy nhiên, đôi lúc con cũng muốn mặc cả với Chúa, con làm cho Nước Chúa điều này thì xin Chúa hãy làm cho bản thân con điều nọ. Con phục vụ người khác và con cũng muốn mình được người ta phục vụ. Xin Chúa dạy con biết lột bỏ quan niệm trần tục này để mặc lấy tinh thần của người tôi tớ khiêm hạ mà tận tình phục vụ anh chị em vì lòng yêu mến Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
27 THÁNG HAI
Khát Khao Kết Hợp Mật Thiết Với Đức Kitô
Trong suốt cả Mùa Chay, lời mời gọi này của phụng vụ vẫn âm vang
trong lòng chúng ta: “Hãy nhớ rằng người là tro bụi, và người sẽ trở về bụi
tro” (St 3,19). Nếu chúng ta đủ khiêm tốn nhìn nhận thân phận của mình, chúng
ta có thể nhận hiểu tính khẩn thiết trong tiếng gọi của Thiên Chúa: “Hãy sám
hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Ước gì tiếng gọi đó vẫn luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong
suốt Mùa Chay. Ước gì tiếng gọi đó làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta, thay
đổi cách cư xử của chúng ta. Uớc gì tiếng gọi đó thúc giục chúng ta biết khao
khát cầu nguyện nhiều hơn nữa và kết hiệp với Đức Kitô mật thiết hơn nữa trong
chính nội tâm của mình. Ước gì tiếng gọi đó giúp chúng ta nhận hiểu nhu cầu
phải hy sinh và tiết chế. Ước gì – đối với chúng ta – tiếng gọi đó của Thứ Tư
Lễ Tro trở thành vừa là một đòi hỏi của con tim vừa là một ân phúc dồi dào nhận
được từ Thiên Chúa. Ước gì tiếng gọi đó thúc đẩy chúng ta biết chú ý đến các
nhu cầu của người khác: bạn hữu, gia đình và cả những người ở xa. Ước gì tiếng
gọi đó thôi thúc tất cả chúng ta dấn thân thực hiện những công việc từ thiện cụ
thể.
Một Mùa Chay nữa lại đến. Đây là “thời gian thuận tiện” để quay về
với Thiên Chúa. Đây là “ngày cứu độ”. Tuy nhiên, ‘thuận tiện” hay “cứu độ” đến
mức nào còn tùy thuộc vào thái độ đáp trả của chính chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27-2
Gr 18, 18-20; Mt 20, 17-28.
LỜI SUY NIỆM: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ
bị nộp cho các thượng tế và kinh sự. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho
dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba, Người
sẽ trổi dậy” (Mt 20,18-19).
Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó và phục
sinh của Ngài. Chúa biết trước mọi sự: những đau đớn tột cùng về thân xác; Ngài
sẽ bị phản bội; Ngài sẽ bị trao vào tay “Giáo quyền” lẫn “Thế quyền” và
bị kết án tử, đóng đinh vào thập giá. Tuy nhiên Ngài không chấm dứt ở đó; Ngài
tiên báo là Ngài sẽ Phục Sinh, và Ngài đã Phục Sinh. Giúp cho mọi Ki-tô hữu
luôn biết sau đau khổ sẽ có vinh quang, sau thất bại sẽ có chiến thắng và sau
sự chết sẽ có sự sống lại. Nếu chúng ta trung thành với Giáo Huấn của Chúa, và
đem ra thực hành.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
27
Tháng Hai
Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa
Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập
Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập
giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo
nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận
thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính
líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần
như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên
môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa
đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa
Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người
ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình:
đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi
của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của
ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự
phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên
thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn
năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông.
Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh
sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô
trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta lkhông thể hiểu được
tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu
Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự
tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh
vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo
trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn
là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào
thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc
với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người
xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào
thập giá.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 27-2
Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi
(c. 1862)
P
|
Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.
Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.
Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét