Trang

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Vị Giáo Hoàng cuối cùng hay Khởi đầu Kỷ Nguyên Mới?


Vị Giáo Hoàng cuối cùng hay Khởi đầu Kỷ Nguyên Mới?

Theo Những Lời Tiên Tri của thánh Malachia

1. Từ ngày 12.2.2013 vừa khi Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 tuyên bố ý định từ nhiệm, những lời ‘Tiên tri’ về ngôi vị Giáo Hoàng lại tràn ngập tin tức và bài vở trên truyền thanh, truyền hình, trên báo chí, và nhất là trên internet.

Tất cả đều là những bài cũ, lặp lại luận điệu cũ. Tài liệu được nhắc tới nhiều nhất là quyển ‘Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng’ của thánh Malachia. Quyển nầy có 111 câu về 111 Giáo Hoàng và câu kết. Câu kết nầy đã gây hoang mang không ít, đặc biệt khi Đức Benedicto 16 đã là Vị Giáo Hoàng thứ 111 của Những Lời Tiên Tri.

Câu Kết đó là: “Trong cơn bách hại cuối cùng, Tòa Thánh Roma được trị vì bởi ‘Phêrô dân Roma’, Ngài chăn dắt đoàn chiên qua nhiều gian truân, do đó Thành Phố Bảy Đồi sẽ bị tàn phá, và Đấng Thẩm Phán đáng kính sợ sẽ phán xét dân Ngài. Hết.”

Nguyên văn: “In persecutione extrema S.R.E. sedebit Petrus Romanus, qui pascet oves in multis tribulationibus: quibus transactis civitas septicollis diruetur, et Judex tremedus judicabit populum suum. Finis.”

Câu trên đã được nhiều phe phái, đặt biệt những tổ chức chống Giáo Hội Công Giáo Roma, mặc tình giải thích, xuyên tạc, và phổ biến rầm rộ.

Đang khi đó, vì thường không tin vào những lời tiên tri bói toán, giới Công Giáo hầu như làm ngơ. Nhưng giáo dân bình thường thì ngày càng thêm hoang mang và giao động trước những tuyên truyền được coi là ‘nói có sách, mách có chứng’. [Sách lại do một ông Thánh Công giáo viết!].

* *

2. Quyển Sách Tiên Tri và Tác Giả.

- Phần Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng đã được in và phổ biến năm 1595 trong bộ Lịch sử Dòng Benedicto của Arnold de Wyon, [tên bộ sách là Lignum vitae, Ornamentum et decus Ecclesiae, với phần Tiên tri Prophetia S. Malachiae, Archiepiscopi, de Summis Pontificibus]. Bộ sách hiện vẫn còn.

Trong 111 Vị, mỗi Vị được Tiên báo bằng 2 hoặc 3 chữ, có 7 Vị được 4 chữ.

Trong bộ sách, bản văn Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng được ghi tác giả là một vị Tổng Giám mục người Ái nhĩ Lan (Irish) tên Máel Máedóc Ua Morgair, được la tinh hóa thành Malachia. Ông sống thời 1094 - 1148, và được chính thức phong thánh năm 1199. Vì vậy phần Tiên tri về Giáo Hoàng được cho là của Thánh Malachia.

- Theo bộ sách, câu đầu tiên được tiên tri để chỉ Đức Giáo Hoàng Celestino II, Giáo Hoàng năm 1143-1144.

Theo năm xuất bản 1595, thì sau năm 1595, Vị Giáo Hoàng đầu tiên được tiên báo là Đức Leo XI, Giáo Hoàng năm 1605, Vị thứ 78 trong 111 Vị.

- Nhiều trào lưu đã cố ý dựa vào khoảng cách giữa câu tiên tri thứ nhất (năm 1143) và năm in sách, 1595, mà cho rằng có sự bịa đặt của hậu sinh. Những người khác lại cho rằng tác giả Malachia là được gán ghép, nên không đáng tin. Nhiều người khác lại dựa vào Malachia đã được phong thánh mà cố quyết là Giáo hội không thể chối bỏ những lời tiên tri và những diễn giải (võ đoán) của chính họ. Và nhiều cáo buộc khác.

Sau đây là một số nhận định.

3. Giá trị Bản Văn.

- Trên nguyên tắc, khi một bản văn đã được phổ biến thì bản văn đó không còn lệ thuộc tác giả. Tự nó, bản văn có một giá trị độc lập, dầu tác giả của nó là ai.

Vì vậy, Thánh Malachia có phải là tác giả thực sự của 112 câu Tiên tri đó hay không, chuyện đó không quan trọng cho giá trị của Bản văn. Không cần nhiều lời.

Bản văn Tiên tri về 111 Giáo Hoàng, và câu kết, đã phổ biến từ năm 1595. Vậy thì chỉ tìm hiểu tính cách xác đáng của những câu Tiên tri đó kể từ năm 1595 tới nay. Không cần bận tâm phần trước.

- Từ sau năm 1595 tới nay, ta có 34 câu Tiên tri về những Vị sẽ nối tiếp nhau làm Giáo Hoàng Roma. Tính tới hôm nay, trước ngày 1.3.2013, đã trọn 34 câu cho 34 Vị Giáo Hoàng nối tiếp nhau lên ngôi trong vòng 408 năm qua, từ Vị lên ngôi năm 1605 tới Vị từ nhiệm ngày 28.2.2013.

- Với Câu Kết, có vẻ như Tác giả nói về Vị Giáo Hoàng thứ 112. Tuy nhiên, cách thức, văn phong, đều khác hẳn. Trong 111 câu trên, câu dài nhất là 4 chữ. Câu kết nầy lại gồm 27 chữ. Trong 111 câu trên, mỗi Vị Giáo Hoàng tương lai được tiên báo bóng gió bằng cách chơi chữ... Câu kết nầy lại chỉ gọi thẳng tên Vị Giáo Hoàng đang trị vì là Petrus Romanus, ‘Phêrô dân Roma’. Phêrô là tên của Vị Giáo Hoàng đầu tiên, do chính Đức Giêsu đặt, và chưa có Giáo Hoàng nào dám ‘lộng quyền’ tự chọn tên đó.

Như vậy, Câu Kết nầy không tiên báo về Vị Giáo Hoàng sẽ được chọn sau ngày 28.2.2013.

* *

4. Độ chính xác của Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng.

Trong 34 Lời Tiên Báo liên tục cho 408 năm sau khi phổ biến, dầu việc giải thích đôi khi lắc léo, hình như không có câu nào không giải thích được.

Các lời giải thích hầu hết dựa vào một hoặc hai đặc điểm của vị Giáo Hoàng tương lai. Các đặc điểm thường là Dòng họ, Nơi sinh, Huy hiệu, hoặc Chức vụ trước khi được bầu thành Giáo Hoàng. Thực ra, đây cũng chính là những đặc điểm để giới thiệu một nhân vật.

Thí dụ về các Vị gần đây nhất:

Đức Gioan XXIII, 1958-1963, đã được tiên báo: ‘Chăn chiên và Thủy thủ’: Pastor et Nauta. Thực ra, trước khi là Giáo Hoàng, ngài là Giáo chủ (chăn chiên) của thành phố nổi Venice (thủy thủ). Hơn nữa, trong khi ở Venice, Ngài thành lập Hội Đồng Đại Kết, với huy hiệu có Thánh giá và Chiếc tàu.

Đức Phaolô VI, 1963-1978, có huy hiệu với 3 bông Huệ. Huệ là loại hoa được giới tu sĩ quý trọng nhất. Ngài được Tiên báo là ‘Hoa của muôn hoa’: Flos Florum.

Đức Gioan Phaolô II, 1978-2005, đến từ giai cấp Lao Động của Cộng sản Đông Âu. Vì với cộng sản, Lao động trở thành giai cấp, và vì Ngài từ Đông Âu, nên được báo là ‘Từ Lao động của Mặt Trời’: De Labore Solis.

* *

5. Tính Chất tổng quát của các Lời Tiên tri.

Trước hết, cần xác định tính chất của Những Lời được coi là ‘Tiên Tri’.

Cách tổng quát, các Lời Tiên Tri gồm hai loại:

Loại Tiên tri có tính chất Tôn giáo: các Lời Tiên tri nầy được ghi nhận là do Đức Giáo Chủ Khai Đạo, hoặc do một số vị được Tôn giáo đó chính thức công nhận. Bên Công giáo có các Lời Tiên tri trong Sách Thánh (Cựu Ước và Tân Ước), hoặc do Đức Mẹ hiển linh... Loại nầy liên hệ trực tiếp tới lòng tin của tín hữu.

Loại 2 gồm tất cả mọi ‘Lời Tiên tri’ khác. Loại nầy không có tính chất tôn giáo, và không liên hệ trực tiếp, cũng không có giá trị đối với tôn giáo.

Nguồn gốc của những Lời Tiên tri nầy thường do những người tự cho mình có khả năng, có giác quan hoặc hiệp thông đặc biệt. Vì vậy, ta có đủ loại ‘Lời Tiên tri’, về mọi phương diện, mọi tầm cở, và nhất là đủ mọi cấp độ giá trị, đủ mọi cấp độ chính xác... do đủ hạng người. Ta có từ Trạng Trình, Nostradamus, Malachia, tới đủ loại tiên tri, bói toán, chiêm tinh, huyền bí, ngoại cảm, đồng bóng, thần giao cách cảm, vân vân và vân vân... kể cả những người thấy mình tình cờ đoán trúng vài sự kiện.

* *

6. Tính Chất Bản văn Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng.

Bản văn Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng không hề được Giáo hội Công giáo công nhận.

Tuy nhiên, vì sự chính xác, cũng như về tầm độ các sự kiện, đặc biệt vì tính liên tục trong thời gian dài suốt mấy trăm năm, Tác giả của Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng, tạm gọi theo thói quen là Thánh Malachia, phải được kể ngang hàng với hai Vị nổi tiếng là Nostradamus (1503-1566) và Đức Trạng Trình (1491-1585).

Tuy không biết chắc về Tác giả của Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng, nhưng để đạt được trình độ thông thiên đó, Nostradamus và Đức Trạng Trình đã tinh thông về Khoa Chiêm Tinh.

* *

7. Khoa Chiêm Tinh phương Tây.

Vì Malachia là người phương Tây, ta nói sơ về Khoa Chiêm Tinh phương Tây.

Khoa Chiêm Tinh nghiệm đoán ảnh hưởng của ‘vận hành các tinh hệ trong Vòng Hoàng Đạo’ đối với trái đất, đối với nhân loại, và đối với cuộc sống của từng con người.

a. Vòng Hoàng Đạo: Theo tài liệu, cách đây gần 5.000 năm, dân Babylon đã chia vòng bầu trời quay quanh trái đất thành 12 phần bằng nhau. Các tinh tú trong mỗi phần lại được tưởng tượng thành một hình dạng riêng, gọi là tinh hệ, và theo đó mà đặt tên cho phần trời.

Ví dụ: tinh hệ Song Sinh trên bầu trời và hình ảnh tưởng tượng của con người.

Vòng Hoàng đạo gồm 12 Tinh hệ.

b. Mười Hai Kỷ Nguyên. Vận hành một vòng của Vòng Hoàng Đạo quanh trục Xuân phân được gọi là Năm Thiên văn. Năm Thiên văn dài bằng 25.920 năm của Trái đất.

Năm Thiên văn cũng được chia theo 12 phần, và được gọi là 12 Tháng Thiên văn, hoặc 12 Kỷ Nguyên. Một Kỷ Nguyên dài 2160 Năm Trái đất.

Tuy nhiên, vì các tinh hệ lớn nhỏ khác nhau, và vì không có ranh giới giữa các tinh hệ, nên các Kỷ Nguyên xê dịch giữa 1800 tới 2300 năm, thay vì 2160 năm.

Vì vậy, và cũng vì thời khoảng đó quá dài đối với đời sống từng con người, nên mỗi Kỷ Nguyên đã thường được đơn giản hóa thành 2000 năm.

Nói cách đơn giản, theo chiêm tinh phương Tây, hiện nay

Từ năm 2000 tới năm 4000 dl, là Kỷ Nguyên Bảo Bình.
2000 năm vừa qua là Kỷ nguyên Song Ngư, hai con cá.
Trước đây 3000 và 4000 năm là thời Dương Cừu, con trừu, chiên.
Trước đây 5000 và 6000 năm là thời Kim Ngưu, bò vàng.

* *

8. Các Kỷ Nguyên và Cuộc sống Con Người.

Nhìn tổng quát 6000 năm vừa qua, ta có thể thấy một số ảnh hưởng của các tinh hệ, của các kỷ nguyên, trong các nền văn hóa xưa.

a. Kỷ nguyên Kim Ngưu, Bò Vàng, 4000-2000 ttl, cách đây 5 và 6 ngàn năm trư

Ở Ai cập, nhiều tấm đá thời 3100 ttl, [cách đây hơn 5000 năm], vào giữa thời Kim Ngưu, có khắc hình những vị Vua đầu Bò. Đây cũng đã là thời cường thịnh của Kỷ nguyên nầy.

Những con Bò có dấu hiệu đặc biệt cũng đã được dân Ai Cập thờ kính như hiện thân của Đấng Tạo hóa. Sách Thánh Kitô giáo cũng có nhắc tới.

Đang khi đó, cũng trong kỷ nguyên nầy, Ấn Độ cũng đã thờ Bò, và còn lưu truyền trong đạo giáo và văn hóa tới hiện nay.

Ở phương Đông, vào thời nầy, dân Tộc Việt đã phát minh ra kỹ thuật dùng trâu kéo cày, cải tiến hoàn toàn nghề trồng lúa nước, và cuộc sống, văn hóa...

b. Kỷ nguyên Dương Cừu là thời của Trừu, Chiên, 3 và 4 ngàn năm trước, từ năm 2000 tới năm 1 ttl.

Ở thời Dương Cừu, Trừu trở thành vị Thần bảo vệ các Vua Ai Cập. Hiện nay, tại cố đô Luxor của Ai Cập, vẫn còn con đường với hơn 3000 tượng ‘thần Trừu bảo vệ Vua’ khổng lồ.

Đang khi đó, vào giữa thời Dương Cừu, thoát ly từ Ai Cập, dân Do Thái thành lập quốc gia, và dùng Trừu làm lễ vật trung gian liên lạc với Thượng Đế. [Dân Do Thái có tích Môisen phá hủy Bò Vàng (thời Kim Ngưu), và khởi đầu thời cường thịnh của kỷ nguyên Dương Cừu].

Vào cuối thời Dương Cừu, Đức Giêsu cũng được gọi là Con Chiên của Thiên Chúa, và làm Trung gian Cứu chuộc Nhân loại.

Cũng thời kỳ nầy, ở vùng Thiểm Tây khô cằn giá lạnh phía tây Hoàng Hà, dân du mục, nuôi dê trừu, đã tụ tập. Năm 1046 ttl, vào giữa kỷ nguyên Dương Cừu, họ thành lập Nhà Chu ở vùng Sông Vị. Họ trở thành tộc Hoa, với nền văn hóa du mục tiêu biểu.

c. Kỷ nguyên Song Ngư. 2000 năm vừa qua là thời Song Ngư, 2 Cá. Theo khoa chiêm tinh, đây là thời của Đức Giêsu, với biểu tượng là Con Cá. [Nơi đây chỉ nói về khoa chiêm tinh, không liên hệ tới tôn giáo. Biểu tượng thực sự của Kitô giáo là cây Thánh Giá, với nhiều ý nghĩa cao siêu, huyền diệu khác].

Theo giải thích, sở dĩ có biểu tượng con Cá, vì vào thời Kitô giáo phát triển ở vùng ngôn từ Hy lạp, những chữ đầu của Danh hiệu Đức Giêsu, ‘Ιησούς Χριστός Θεού Υιός Σωτήρ’, ráp lại thành chữ ΙΧΘΥΣ [Íchtuýs]. ΙΧΘΥΣ có nghĩa là con Cá.

Viết theo mẫu tự la tinh: Iesous Christos Theou Uios Soter. Nghĩa là ‘Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Tinh’. [Theo truyền thuyết, vào thời kỳ đầu, vì việc giữ Đạo Kitô bị ngăn cấm, Kitô hữu đã dùng hình con Cá làm mật hiệu nhận ra nhau].

Nhiều hình ảnh Đức Giêsu cũng được vẽ trong khuôn hình Cá.

[Cũng như Môisen phá hủy Bò Vàng (thời Kim Ngưu) và khởi đầu thời cường thịnh của kỷ nguyên Dương Cừu, thì Đức Giêsu, là con Cừu của Thiên Chúa, đã chết để kết thúc kỷ nguyên Dương Cừu, và sống lại để khai lập kỷ nguyên Song Ngư].

* *

9. Hàm Ý Chiêm Tinh trong Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng.

a. Những người biết về Chiêm tinh phương Tây đều biết năm 2000 dl là năm được đoán định cho giao thời giữa hai kỷ nguyên Song Ngư và Bảo Bình.

Vì vậy, không phải tình cờ mà Nostradamus đã nhấn mạnh quá đáng tới năm 2000 dl vừa qua. Đối với Ông, chuyện năm 2000 sẽ xảy ra sau Ông hơn 400 năm. Và sao nó to lớn, mập mờ, xáo trộn. Mọi sự như kết thúc, như giao tranh, như hỗn loạn, như hoang tàn, ghê rợn... Vì vậy Ông đã diễn tả quanh năm 2000 bằng những đoạn sấm đầy xáo động, mông lung, hỗn loạn.

Điều đáng tiếc là cách diễn tả của Nostradamus đã khiến con cháu Ông hiểu lầm. Vì chỉ nhìn cục bộ, vì không đặt những lời Tiên tri của Nostradamus trong toàn bộ chiêm tinh trời đất mênh mông vô tận, nên con cháu Ông đã diễn giải sai lạc thành năm 2000 sẽ Tận thế. - Nostradamus còn nói về những năm 3000, 4000... thì sao lại có thể tận thế vào năm 2000?

Sự sai lầm còn được tô đậm thêm, để con cháu Ông khai thác trục lợi... Những diễn giải sai lạc đã gây tai hại ở nhiều phương diện cho vô số người. Việc chuẩn bị rầm rộ cho ‘Tận thế’ vào năm 2000 sẽ luôn là một hiện tượng cuồng dị giữa những kiến thức đương đại về vũ trụ bao la và trường kỳ [tính bằng triệu, bằng tỷ năm].

Thực ra, dưới khía cạnh Chiêm tinh, tất cả những gì Nostradamus nhấn mạnh cũng chỉ để diễn tả cái nhìn và tâm trạng của Ông khi Ông hoảng loạn trong ‘cảm nhận’ về thời cuối cùng của Kỷ nguyên Ông đang sống. [Theo nhiều tài liệu, khi những ‘nhà Tiên tri cấp nhỏ’ loan báo về ngày ‘Tận thế’ cận kề, thì đó chính là cảm nhận về ngày ‘Tận số’ của chính họ].

b. Cũng không phải tình cờ mà Những Lời Tiên tri về Giáo Hoàng cũng kết thúc vào chính thời kỳ cuối cùng kỷ nguyên Song Ngư nầy.

Cảm nhận hoảng loạn của Vị Đại Tiên tri Nostradamus về ngày cuối cùng của Kỷ nguyên Ông đang sống, cũng chính là cảm nhận của Malachia khi Malachia viết câu cuối cho Kỷ nguyên Song Ngư, Kỷ nguyên của Đức Giêsu. Hai người chỉ khác nhau ở chỗ: Nostradamus tiên tri về đủ mọi thành phần, nên Ông đã bị diễn giải cho ‘toàn thể nhân loại’, cho ‘Tận thế’. Malachia chỉ chú tâm tới các Vị Giáo Hoàng, nên đã bối rối khi diễn tả cảnh Giáo hội, Giáo Hoàng và Giáo đô Roma.

Ta đọc lại câu kết của Malachia:

“Trong cơn bách hại cuối cùng, Tòa Thánh Rôma được trị vì bởi ‘Phêrô dân Rôma’, Ngài chăn dắt đoàn chiên qua nhiều gian truân, do đó Thành Phố Bảy Đồi sẽ bị tàn phá, và Đấng Thẩm Phán đáng kính sợ sẽ phán xét dân Ngài. Hết.”

Trong khi 111 câu trước chỉ có dài nhất là 4 chữ bóng gió, thì Câu Kết 27 chữ nầy là một đột biến trơ trẻn, xô bồ, quái dị.

Thế nhưng, câu nầy cũng diễn tả tâm trạng hỗn loạn giống như của Nostradamus khi Nostradamus nói về thời Cuối Kỷ nguyên. [Còn được gọi là Thời Mạt Pháp, Hạ Nguơn].

Theo đúng văn phong, Malachia không dài dòng như Nostradamus. Nhưng mỗi chữ, từng chữ của Malachia là một bản Tóm Lược của tất cả những cuối thời, của tất cả những hỗn loạn, những quỉ vương, những thế chiến, những thống khổ, những động đất, những tàn phá, những tận diệt, những phán xét... do những diễn giải cường đại và uy hiếp từ Sấm Nostradamus, cho năm đáng thương 2000 dl vừa qua.

Nhưng rồi năm 2000 đã qua đi trong êm thắm. Những hỗn loạn trên chỉ là cách diễn tả, và được diễn giải phóng đại, phản ứng của Nhà Tiên Tri trước những cảm nhận hoảng loạn về buổi kết thúc một Kỷ nguyên. Tất cả đã không xảy ra trên thực tế.

c. Như vậy, qua ý thức năm 2000 là năm chuyển tiếp, ta đọc Lời Tiên Tri của Malachia trong cảm nhận chập choạng của thời chuyển tiếp: giữa cảnh vừa nhớ Giáo Hoàng tiên khởi cũ, vừa có Giáo Hoàng tiên khởi mới, lại vừa có thêm Giáo Chủ.

- “Tới đây là thời cuối cùng. Tòa của Phêrô, (Toà của Vị Giáo Hoàng Song Ngư suốt 2000 năm), lại do một Phêrô Mới trị vì. (Sao lại thêm một Giáo Hoàng tiên khởi mới? Đúng là loạn lạc! Như vậy,) Đoàn chiên sẽ chịu nhiều gian truân, Giáo Đô thần thánh sẽ bị tàn phá! (Nhưng sao cũng có Giáo Chủ? Vậy là) Giáo Chủ đang thẩm kết mọi sự! Thế là Hết!”

Quả thực là Hết.

Nhưng chỉ hết một Kỷ Nguyên!

d. Theo kinh nghiệm của nhân loại, những tác động tới Tâm Hồn Con Người sẽ không bao giờ qua đi.

Kỷ nguyên Kim Ngưu đã qua hơn 4000 năm, nhưng nền văn hóa nông nghiệp Lúa nước vẫn phát triển cho nhân loại, nhưng hơn một tỷ người Ấn Độ vẫn thờ Bò Thần của họ.

Kỷ nguyên Dương Cừu đã qua hơn 2000 năm, nhưng ảnh hưởng nền văn hóa du mục vẫn còn đây, nhưng Do Thái giáo vẫn còn đó, nhưng Kitô giáo vẫn nối tiếp Do Thái giáo. [Do Thái giáo là Cựu Ước, Kitô giáo là Tân Ước, mà cũng bao gồm Cựu Ước].

Kỷ nguyên Song Ngư đang qua, nhưng làm sao mất được hơn một tỷ tín đồ? Vậy thì làm sao có thể mất được Giáo đô, làm sao có thể không còn Giáo Hoàng? Dầu có qua thêm 4000 năm nữa, (như kỷ nguyên Kim Ngưu), thì số tín đồ lại càng gia tăng.

Vấn đề chỉ là một Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên Bảo Bình, đang khởi đầu.

* *

10. Kỷ nguyên Bảo Bình là gì?

Thực ra, không chỉ Chiêm tinh phương Tây, mà nhiều Nhà Tiên Tri lớn, và những Tôn giáo lớn, cũng đều đã chờ đón Kỷ nguyên Bảo Bình đang tới.

Đã có nhiều tiên báo tập trung quanh năm 2000 dl, là năm được coi sẽ kết thúc Kỷ nguyên Song Ngư và khởi đầu Kỷ nguyên Bảo Bình.

Theo một số truyền thuyết, thì năm 2000 dl cũng là lúc Đức Giêsu Phục Lâm, xuống thế lần thứ hai. Có nhiều giải thích truyền thuyết nầy.

Giải thích thông thường nhất là Đức Giêsu sẽ xuống phán xét loài người. Như vậy, có nghĩa là ngày Tận thế. Có giải thích Ngài trở lại trần gian để chỉnh đốn công cuộc Cứu Thế của Ngài, để tuyển chọn số tín đồ thích đáng cho một cuộc sống mới... - Đây cũng là căn cội của các tiên báo về đại họa tận diệt vào năm 2000 dl vừa qua.

[2. Hiện nay là thời Đức Phật Di Lặc ra đời. Câu niệm thường nghe là ‘Nam mô Đương lai Giáo chủ Di Lặc Tôn Phật’. Ngài sẽ đem hạnh phúc và thịnh vượng cho Nhân loại. - Tượng Ngài một tay cầm hồ lô, tượng trưng cho yên lành, một tay cầm viên ngọc, tượng trưng cho thịnh vượng. Miệng và mắt tươi cười, yêu đời. Tai lớn là sống lâu. Bụng lớn là đại phúc, phước lớn. Đứng chân cao chân thấp là an nhiên thoải mái, không câu nệ... Ngài đang tới. Thời Bảo Bình đang tới.

3. Theo Đạo Cao Đài, nay là Thời của Hội Long Hoa, thời tuyển lựa của Hạ Nguơn sắp qua, thời Thượng Nguơn đang tới.

4. Theo sấm Đức Trạng Trình, nay cũng là thời Thánh Chúa thịnh trị. - Bài sấm Rồng Nằm Bể Cạn có 2 câu: ‘Chó nọ vẫy đuôi mừng Thánh Chúa, Ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày’. Hoặc ‘Đời nầy Thánh Kế vi Vương, Gồm no đạo đức văn chương trong mình’.]


5. Theo sấm Nostradamus, đang xuất hiện một vị Vua Mới, một cách cai trị mới. Các nhà giải đoán phương Tây coi Vua Mới nầy là vị Khai sáng Kỷ nguyên vàng son cho nhân loại. - Đoạn sấm 2/7: ‘Pour eux neuf Roy, nouvel edict leur forge’. Đối với họ, đây là vị Vua mới, đạo luật mới rèn luyện họ.

* Như vậy, Kỷ nguyên Bảo Bình, từ năm 2000 tới năm 4000 dl, là thời Nhân loại được hưởng Thanh bình, Thịnh vượng, Đồng tâm, và Hạnh phúc đích thực, như được các Giáo Chủ giáo hóa, như thời các Thánh Chúa thịnh trị, như mọi người trông chờ.

* *

11. Hãy Reo Mừng!

Như vậy, qua chiêm tinh, theo Tiên tri Malachia, và theo hiện tình thời sự, kỷ nguyên Song Ngư chính thức kết thúc tối ngày 28.2.2013. Ngày 1.3.2013 chính thức khai nguyên Kỷ nguyên Bảo Bình.

Những diễn giải bi quan về câu kết của Malachia cũng sẽ êm thắm qua đi, như những diễn giải kinh hoàng về Sấm Nostradamus cho năm 2000 vừa qua.

Mọi sự vẫn tiếp diễn trên hành trình thăng tiến của nhân loại. Giáo Hội Công Giáo vẫn yên lành đem Sứ Điệp Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho Mọi Người.

Nhân loại đang hân hoan bước vào một Kỷ Nguyên mới, Kỷ Nguyên Thanh bình, Thịnh vượng, Đồng tâm, và Hạnh phúc đích thực.

Hãy Reo Mừng!

- Xin lạy mừng Đức Tân Giáo Hoàng năm 2013. Ngài đầy Ơn Phước, và Ngài sẽ yên lành chăn dắt Đàn Chiên Chúa trong thịnh vượng.

Chúa Chiên Lành đã thương dẫn Cha đi. Cha còn sợ chi?

Xin dâng Lời Cảm Tạ!

Ngày 14.2.2013
Nguyễn Đức Sách 2/17/2013 (vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét