Các chiến lược tân phúc âm hóa
Thượng
Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa tuy không đưa ra được một viễn tượng mới và một
chiến lược tổng thể để tân phúc âm hóa, nhưng thực sự đã đẩy mạnh một cách tiếp
cận khác hẳn, rất phong phú, có tính mục vụ đối với đời sống Công Giáo ngày
nay.
Cách
tiếp cận trên gồm các thành tố chính sau đây: tạo bối cảnh cho hoạt động mục
vụ; nhìn Thiên Chúa theo cái nhìn mạc khải của Chúa Giêsu; tiếp nhận lối nhìn
của Chúa Giêsu bằng việc hồi tâm và đích thân bước chân theo Người; nối rộng
tầm nhìn ấy qua các mối liên hệ gần gũi nhất hàng ngày, nhất là liên hệ gia
đình; qua việc tham dự vào các cộng đoàn nhỏ (cộng đoàn căn bản); biến đổi giáo
xứ qua việc hồi tâm, huấn luyện môn đệ và nối vòng tay lớn; xây dựng hợp tác
qua các mối dây đại kết và các phong trào Giáo Hội; và sau cùng, một Giáo Hội
đổi mới.
Có
thể gọi những thành tố ấy là những ngọn nến nhỏ, mà nếu cùng đốt lên được,
chúng sẽ tạo thành ngọn lửa mới của mùa gặt tân phúc âm hóa.
Bén rễ trong đức tin
Hiển
nhiên, việc sút giảm trầm trọng tỷ lệ những người thường xuyên liên hệ với Giáo
Hội tại các nước đang phát triển là nguyên nhân chính đem lại lời kêu gọi tân
phúc âm hóa. Người ta đưa ra nhiều lý thuyết để giải thích đà sút giảm này. Tuy
nhiên, nguyên nhân chính được nêu đích danh hiện nay chính là chủ nghĩa duy thế
tục với rất nhiều chủ nghĩa phụ họa đi theo như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa
tương đối và chủ nghĩa duy vật. Những chủ nghĩa này đang lên bản sắc không
những cho thế giới phát triển nói chung, mà điều khủng khiếp hơn, nó còn lên
bản sắc cho cả các tín hữu nữa. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng công khai nói
đến “sa mạc” của thế giới hiện đại, trong đó Thiên Chúa không còn được nhắc tới
nữa.
Thành
thử, tân phúc âm hóa mời gọi con người hiện đại tái khám phá ra Thiên Chúa qua
mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu Kitô. Trọng tâm của tân phúc âm hóa là đích
thân cảm nhận được Chúa Giêsu Kitô một cách mới mẻ trong mọi chiều kích của
Người: trong Lời Chúa, trong bí tích, trong cộng đoàn và nơi người nghèo.
Thượng Hội Đồng thường nói tới Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu phái tới để giúp
ta đích thân tham dự vào thực tại Thiên Chúa.
Tất
cả những điều trên đều là chiến lược giúp ta hồi tâm, đều là các chiến lược
nhằm kêu gọi người Công Giáo hồi tâm sâu xa và giúp họ hiểu ra rằng đời họ là
một đời cảm nghiệm hồi tâm. Các thừa tác vụ Lời Chúa, nhất là các thừa tác vụ
phụng vụ và cầu nguyện, đem tín hữu tới việc tiếp xúc sống động với Chúa Giêsu
Kitô. Các chiến lược hồi tâm này giúp người Công Giáo nhận ra ơn tha thứ, ơn
chữa lành, ơn canh tân và tình yêu vô điều kiện vốn là thành phần trong cảm
nghiệm sống của họ. Việc hồi tâm này diễn ra trong khi người Công Giáo cảm
nghiệm Thánh Lễ, các bí tích và việc cầu nguyện hàng ngày.
Người
Công Giáo tiếp nhận được tầm nhìn mới qua cảm nghiệm đời sống Công Giáo của họ.
Lời Thiên Chúa mở rộng tầm nhìn này; việc cử hành bí tích, nhất là bí tích
Thánh Thể, thâm hậu hóa tầm nhìn hồi tâm ấy trong tâm hồn người Công Giáo. Điều
này mời gọi họ có thái độ thờ phượng hoàn toàn khác với thói quen tẻ nhạt “đi
lễ cho xong” trong vòng 45 hay 50 phút xưa nay của họ.
Đôi
khi các nghị phụ của Thượng Hội Đồng cũng nói tới nhu cầu hồi tâm nơi các vị
giám mục và hàng giáo sĩ nữa. Điều này có thể khiến nhiều người ở cả bên trong
lẫn ở bên ngoài Giáo Hội phải ngỡ ngàng: làm thế nào các nhà lãnh đạo Giáo Hội
lại có thể không hiểu cái cốt lõi của cảm nghiệm đức tin này? Tuy nhiên, có
nghị phụ đã minh nhiên nói tới việc hàng giáo sĩ quá dễ dàng trở thành các viên
chức chứ không phải những nhà truyền giáo, chỉ chú tâm vào những nhu cầu tổ
chức bề ngoài hơn là lo lắng xây dựng mối liên hệ với Thiên Chúa.
Nhiều
nghị phụ khác nói tới việc phải tập chú vào hàng ngũ giáo dân, cả trong các vai
trò chuyên nghiệp như giáo lý viên lẫn trong cuộc sống hàng ngày làm chứng nhân
Chúa Kitô của họ. Tân phúc âm hóa sẽ không tài nào hiểu nổi nếu không có các
giáo lý viên, những người giáo dân lo vun trồng Lời Chúa và chi tiết hóa nó
trong huấn giáo của Giáo Hội, trong cuộc sống tín hữu, một cách đầy bản vị và
mạnh mẽ. Các nghị phụ coi diễn trình dự tòng (Nghi Lễ Khai Tâm Kitô Giáo Cho
Người Trưởng Thành) như là một trong các hồng phúc vĩ đại của Công Đồng Vatican
II, một diễn trình hồi tâm và lớn lên được coi như điển hình hàng đầu của mọi
diễn trình giáo lý.
Quan
điểm trên phát sinh ra hàng loạt các can dự thiêng liêng trên cả hai bình diện
bản thân và giáo xứ, tất cả nhằm đem người Công Giáo tới con đường hồi tâm chắc
chắn hơn. Các giáo hội địa phương và các giáo xứ có thể tập chú vào các kinh
nghiệm canh tân, các biến cố cầu nguyện, các buổi thờ lạy trong Chúa Thánh
Thần, cùng với các buổi tĩnh tâm và “đại phúc” của giáo xứ để đẩy mạnh cảm thức
hồi tâm này. Dĩ nhiên, cả các buổi cầu nguyện hàng ngày cũng phải trở thành một
phần của cảm nghiệm hồi tâm liên tục để mỗi ngày một trở nên môn đệ của Chúa
Giêsu. Phải cần nhiều năm người ta mới khai triển hết các hệ luận của chiều
hướng hồi tâm này.
Gia đình và cộng đoàn
Không
một phiên họp nào của Thượng Hội Đồng qua đi mà gia đình lại không được nhắc
đến. Các nghị phụ coi cha mẹ và gia đình là các nhân tố không thể nào miễn
chuẩn được đối với việc tân phúc âm hóa. Gọi gia đình là “giáo hội tại gia”,
các nghị phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm nghiệm sống đức tin và hồi
tâm trong gia đình, coi nó như yếu tố chủ chốt trong việc chuyển giao đức tin.
Chắc chắn lòng đạo bình dân thuộc lãnh vực này. Lòng đạo này chính là các hình
thức sùng kính bộc phát và sâu sắc từng xác định ra nền văn hóa Công Giáo và cả
bản sắc các gia đình trong nền văn hóa ấy nữa, trong đó, cò lòng sùng kính Đức
Maria, lòng sùng kính các thánh và Kinh Mân Côi.
Dù
nhiều nghị phụ gi nhận có nhiều khó khăn như các áp lực đối nghịch nhằm phá
hoại cảm thức hợp nhất của gia đình, những gia đình bị tan vỡ, nhiều gia đình
không có tính hạt nhân, cũng như nhiều gia đình sống trong cảnh ly dị hoặc ly
thân, các ngài vẫn cho rằng đây không hẳn là lý do khiến ta không chia sẻ đức
tin trong gia đình; ngược lại, các ngài còn khuyến khích ta càng nên chia sẻ
đức tin với nhau hơn nữa.
Nhiều
giám mục từ các nước đang phát triển nhấn mạnh rằng các cộng đoàn Kitô giáo nho
nhỏ mà có nơi gọi là các cộng đoàn căn bản đã trở thành nhân tố chủ yếu trong
việc phát triển và duy trì đức tin. Các ngài nói đến cung cách người Công Giáo
góp tay vào việc củng cố đức tin của người khác, do đó, trở thành một phần của
hệ thống trợ giúp lớn hơn nhằm đem kinh nghiệm hồi tâm đến với người khác. Các
giáo xứ tại các nước đã phát triển nên học hỏi lợi ích do các cộng đoàn đức tin
này tích góp được xưa nay.
Về
phương diện tổ chức, các nhóm nhỏ có thể thực hiện được điều mà các giáo xứ, vì
quá lớn và thường có tính ẩn danh, nên không thể thực hiện được. Các nhóm nhỏ
này đem lại cho cảm nghiệm sống Công Giáo một khuôn mặt bản vị. Ngoài ra, chúng
còn là điểm đầu tiên của vòng tay lớn nối liền với những người không phải là
tín hữu, mời gọi được con số mỗi ngày một lớn hơn những người xưa nay chưa hề
lưu tâm bước vào liên hệ đức tin với ta. Một số người có thể thấy mình khó mà
bước vào một nhà thờ giáo xứ, nhưng bước vào nhà một người hàng xóm, xem ra dễ
dàng hơn.
Những
nhóm nhỏ này, nhờ trình bày Lời Chúa một cách nhất quán và kéo dài hơn, nên có
thể giúp tín hữu cảm nghiệm được sức mạnh của Lời Chúa qua suy niệm, thảo luận,
đích thân chia sẻ và cùng nhau cầu nguyện. Biến việc đọc Lời Chúa (lectio
divina) thành một phần trong việc chia sẻ của nhóm có thể là cách tốt nhất để
nối kết người Công Giáo với cảm nghiệm chiêm niệm và thờ lạy, vì Lời Chúa sẽ
dẫn dắt họ tới việc ý thức được đầy đủ và sẵn sàng tiếp nhận hành động của
Thiên Chúa trong đời họ.
Biến đổi giáo xứ
Hầu
như trong phiên họp nào, THĐ cũng đều nhắc đến giáo xứ như hạt nhân của đời
sống Công Giáo và việc canh tân. Các nghị phụ từ khắp mọi châu lục đều nói đến
vai trò chính yếu của giáo xứ trong việc tân phúc âm hóa. Nếu Công Đồng Vatican
II có nhấn mạnh tới tầm quan trọng và sức mạnh của phụng vụ đối với đời sống
Công Giáo, thì nó cũng đã xác nhận tính trung tâm của giáo xứ, nơi Thánh Thể
được cử hành một cách công khai và thường xuyên trước một cộng đoàn tín hữu.
Các nghị phụ của THĐ khuyến khích việc cử hành đầy sốt sắng và nhiều ý nghĩa
này, coi nó như gia trị chủ chốt trong cảm nghiệm Công Giáo. Các ngài nói đến
việc chào mời và bao gồm mọi người, coi chúng như một phần trong cảm nghiệm
giáo xứ. Nhìn đời sống Công Giáo theo chiều kích tương quan, người Công Giáo
mới có thể nhìn ra giáo xứ như là cộng đoàn tụ tập chính đối với các cộng đoàn
đức tin nhỏ hơn (các gia đình và các nhóm nhỏ), những cộng đoàn vốn là đối
tượng của tân phúc âm hóa.
Giáo
xứ cũng phải cổ vũ đức ái, coi nó như phương cách chủ yếu qua đó, tân phúc âm
hóa nhận được những chứng tá thuyết phục nhất. Nếu Ba Ngôi là cảm nghiệm tình
yêu bao la của Thiên Chúa, thì hẳn Ba Ngôi sẽ hướng dẫn để ta biểu lộ tình yêu
ấy cho toàn thể nhân loại. Các nghị phụ đặc biệt nêu cao công trình của Mẹ
Têrêxa và nhiều sáng kiến khác nhằm nuôi dưỡng người nghèo và chăm sóc người
túng thiếu, coi chúng như những điển hình cho thấy thực tại đức tin đã được
biểu lộ ra sao trong đức ái. Chúa Giêsu luôn thực hiện lời giảng của Người song
hành với các phép lạ, những việc lạ lùng để biểu tỏ sức mạnh giải thoát và sự
tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi người, nhất là những ai không được quí trọng
trong xã hội.
THĐ
thường đề cập tới nhu cầu phải vươn tay ra tới những ai không có đức tin hay
những ai đã trở nên “mệt mỏi” trong đức tin của họ. Phần lớn việc này là của
giáo xứ và các phong trào khác có liên hệ với giáo xứ. Không văn kiện nào được
chú ý bằng tông thư “Về Việc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Hiện Đại” của Đức
Phaolô VI. Tông thư này cho rằng phúc âm hóa là sứ mệnh chủ yếu của Giáo Hội,
là lý do biện minh cho sự hiện hữu của Giáo Hội. Dù việc tân phúc âm hóa đặc
biệt tập chú vào những người đã tiếp nhận đức tin rồi, chứ không phải những
người chưa minh nhiên nghe nói về Tin Mừng, nhưng nó vẫn nhìn nhận rằng ta
không thể chủ trương bất cứ phạm trù cứng ngắc nào trong một thế giới hết sức
linh hoạt như thế giói ngày nay, một thế giới mà trong đó, con người thay đổi
gắn bó như cơm bữa.
Làm
thế nào các giáo xứ có thể vươn tay ra xa hơn các thành viên của mình, điều này
vẫn còn là một thách đố lớn đối với họ. Một số giáo xứ bị mang tiếng là chỉ
loanh quanh nghĩ tới phụng vụ và giáo lý; nhưng không hiếm các giáo xứ mang
được hình ảnh biết vươn tay ra quá bên kia các thành viên của mình để nắm lấy những
người đã thôi không còn thực hành đức tin của họ nữa hay những người sẵn sàng
đáp lại một lời mời.
THĐ
không quan niệm các giáo xứ và các giáo phận như những đơn vị làm việc riêng rẽ
trong lãnh vực tân phúc âm hóa. Ý niệm nổi bật của THĐ là: quả thật “tất cả
chúng ta đều cùng nhau có mặt ở đây”; ta không cần các phong trào và giáo xứ
biệt lập.
Nới rộng tầm nhìn
Thêm
vào đó, THĐ cũng rất cởi mở đối với các chiều kích đại kết và liên tôn của tân
phúc âm hóa. Nhiều đại diện Thệ Phản đã tham dự THĐ, tất cả đều hân hoan và hỗ
trợ nói đến động thái của Giáo Hội Công Giáo đối với việc tân phúc âm hóa. TGM
Rowan Williams, người cầm đầu Hiệp Thông Anh Giáo lúc đó, đã đọc một trong các
bài diễn văn chính tại THĐ. Ngài nói tới tầm quan trọng của việc giúp đỡ người
ta tạo được mối liên hệ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trong khi thực hành chiêm
niệm.
Cuộc
đối thoại liên tôn phần lớn đã tập chú vào Hồi Giáo và nhu cầu chia sẻ các niềm
tin và quan tâm chung để phát huy việc hiểu biết lẫn nhau. Vì các giám mục của các
nước phần đông theo Hồi Giáo thường ghi nhận: nhiều khó khăn đã và đang xẩy ra
cho tín hữu Kitô Giáo, trong một xã hội mà việc trở lại Kitô Giáo bị coi là một
tội ác, do đó, khuyên người ta trở lại thường đem theo án tù.
Còn
các giám mục Á Châu thì suy nghĩ về vị trí độc đáo của Kitô Giáo giữa các tôn
giáo từng đã phát triển từ lâu, trước khi Chúa Giêsu Kitô ra đời, và các giá
trị chung mà người Công Giáo chia sẻ với các tín ngưỡng cổ xưa này cũng như tư
thế đối thoại mà người Công Giáo bắt buộc phải có khi tương tác với tín hữu các
tôn giáo khác.
Ý
niệm cho rằng tân phúc âm hóa bắt đầu có từ thời Vatican II được nhắc tới luôn
tại THĐ. Thực thế công trình nền tảng của Công Đồng trong bốn hiến chế chính về
phụng vụ, Giáo Hội, mạc khải và Giáo Hội trong thế giới hiện đại quả đã cung
cấp sơ đồ để Giáo Hội tự phát biểu mình một cách mới mẻ trước thế giới hiện
đại, mà vẫn phù hợp với truyền thống sâu xa nhất của mình. Lời kêu gọi mạnh dạn
sống đức tin trong khi đối thoại với nền văn hóa hiện đại và với mọi tôn giáo
đã vang dội lại niềm tin tưởng mà Đức GH Gioan XXIII đã đem tới khi ngài yêu
cầu hãy mở tung mọi cửa sổ của Giáo Hội Công Giáo để nhiều luồng khí mới hơn
tràn vào.
Như
thế, THĐ trông chờ một dân Công Giáo đổi mới, biết dùng cảm nghiệm của mình mời
gọi người khác bước vào đức tin, chứ không phải chỉ là những người tiếp nhận
đức tin qua nền văn hóa Công Giáo. Cảm nghiệm này hướng về Chúa Giêsu và cộng
đoàn đức tin do Người khởi đầu. Vì sống trong thế gian, người Công Giáo đem vào
thế gian sức mạnh do các mối liên hệ của đức tin đem tới, chia sẻ các mối liên
hệ này một cách tự do ngay trong gia đình họ và mời gọi người khác tham dự vào
niềm vui của đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.
Một
khi các mục tiêu và đường hướng trên đây bén rễ, thì tầm nhìn chủ yếu của đức
tin Công Giáo và dân Chúa, những người đã gặp được vị cứu tinh của mình nơi
Chúa Giêsu, sẽ biến cải không những hàng tỉ người vốn tự nhận mình là Công
Giáo, mà quan trọng hơn, còn rất nhiều người khác ở bên ngoài cộng đồng đức tin
của mình.
2/7/2013-vietcatholic.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét