Trang

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

12-02-2013 : THỨ BA TUẦN V MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Ba 12/02/2013
Thứ Ba Tuần V Mùa Thường Niên Năm lẻ
Mc 7,1-13


BÀI ĐỌC I: St 1, 20 - 2, 4a
"Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta".

 Trích sách Sáng Thế.

            Thiên Chúa phán: "Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời". Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.

            Thiên Chúa lại phán: "Đất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

            Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người nghỉ việc tạo thành. Đó là gốc tích trời đất khi được tạo thành. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Đáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bÄng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Đáp.
3) Nào chiên nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Đáp.

 ALLELUIA: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 PHÚC ÂM: Mc 7, 1-13
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy". Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: 'Hãy thảo kính cha mẹ', và 'ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử'. Còn các ngươi thì lại bảo: 'Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)', và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tìm cái cốt yếu
Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến. Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ...
Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: "Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm". Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 5 TN, Năm lẻ


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp.

Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành, Ngài tạo dựng mọi sự tốt lành, và không có sự gì Ngài tạo dựng xấu xa cả; nhưng tại sao có những sự dữ trong thế giới? Một trong những nguyên nhân chính là sự lạm dụng tự do, điều tốt lành do Thiên Chúa trao ban cho các thiên thần và con người. Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa, và sự lạm dụng tự do làm cho ra xấu xa của con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự tạo dựng chim trời, cá biển, thú vật, và nhất là con người của Thiên Chúa. Tác giả nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự đều rất tốt lành và Ngài chúc lành cho tất cả các tạo vật. Trong Phúc Âm, các Biệt-phái và Kinh-sư tố cáo các môn đệ của Chúa vi phạm Lề Luật của tiền nhân, vì các ông không chịu rửa tay trước khi ăn. Chúa Giêsu vạch ra các tội lỗi của họ: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.

1.1/ Ngày thứ năm, Thiên Chúa tạo dựng chim trời và cá biển: Khi theo dõi các chương trình của đài Discovery hàng tuần, chúng ta không khỏi ngạc nhiên đến độ sửng sốt về các lòai thảo mộc, chim trời, cá biển, và các lòai thú vật trong trời đất. Chúng quá đẹp, quá nhiều giống lọai khác nhau, và quá hữu ích cho con người. Một điều làm chúng ta phải sửng sốt là mặc dù chúng trở thành của ăn cho nhau và cho biết bao con người, nhưng chúng là nguồn lương thực không bao giờ cạn, vì lời chúc lành của Thiên Chúa trong trình thuật hôm nay: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất."

1.2/ Ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng con người: Việc tạo dựng con người được coi là tuyệt đỉnh của sự tạo dựng vì những lý do sau:

(1) Khi tạo dựng các lòai khác, Thiên Chúa chỉ cần phán là chúng có; khi tạo dựng con người, Thiên Chúa lấy ý kiến của những vị cùng ở với Thiên Chúa trên trời khi Ngài phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” Hai chữ tác-giả dùng khác nhau ở đây: (1) hình ảnh (selem), là một bản in chính xác của những gì nguyên thủy; và (2), giống như (demut), chỉ sự tương tự hay gần giống nhau. Con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, và có những đức tính gần giống như Ngài.

(2) Con người có quyền trên các lòai thọ tạo khác: Trình thuật hôm nay nói rõ mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Trong trình thuật sau này, các thú vật được dẫn tới Adam để ông đặt tên cho chúng: “Ông gọi chúng là gì, tên của chúng như vậy.” Khi một người đặt tên cho ai, người đó có quyền trên người được đặt tên.

(3) Thiên Chúa sáng tạo gia đình đầu tiên và chúc lành cho họ: Khi tạo dựng các sinh vật khác, tuy không thấy tác-giả nói tới giống lọai (đực hay cái) của chúng, nhưng được giả định phải có cho việc sinh sản. Khi đề cập tới việc tạo dựng con người, tác giả nhấn mạnh tới phái tính và lời truyền cũng như lời chúc lành cho gia đình. “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất."”

(4) Mọi sự được tạo dựng cho sự xử dụng của con người: Con người không chỉ có quyền trên muôn vật, mà muôn vật còn được đặt dưới quyền xử dụng của con người. Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!

1.3/ Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi: Ngày này cũng được Thiên Chúa dựng nên cho con người với mục đích để con người cùng nghỉ ngơi với Thiên Chúa. Chúng ta cần chú ý đặc biệt đến lý do khi Thiên Chúa tạo dựng ngày này, vì nó sẽ trở thành đề tài cho những xung đột giữa Chúa Giêsu và các biệt-phái cùng các kinh-sư. Tác giả viết: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.”

2/ Phúc Âm: Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.

2.1/ Luật Kosher thanh tẩy của người Do-Thái: Khi nói tới Luật, người Do-Thái nghĩ ngay đến Thập Giới của Thiên Chúa ban cho họ qua Moses; nhưng bên cạnh đó, còn nhiều những luật mà họ gọi là “Luật truyền miệng,” hay “luật bất thành văn.” Những luật này, sau một thời gian được các tiền nhân giữ, đương nhiên trở thành luật và được ghi chép lại trong ít thế kỷ trước khi Chúa Giêsu ra đời.

(1) Những gì được họ coi là không thanh sạch: Có rất nhiều điều được coi là không sạch bởi người Do-Thái: người đàn bà mới sinh con, người phong cùi, xác chết, người Dân Ngọai, và rất nhiều những rau cỏ cũng như các thú vật không được ăn vì không sạch. Tất cả những đồ vật mà những lọai người này đụng vào, đều trở nên không sạch. Vì thế, họ có những khỏan luật mô tả những gì không sạch, và những điều luật làm sao để giải quyết những gì không sạch.

(2) Vệ sinh và tội lỗi: Đối với họ, thanh sạch không phải chỉ là chuyện vệ sinh, nhưng là chuyện liên quan đến tội lỗi và Lề Luật. Kẻ nào vi phạm có thể bị trừng trị theo Luật và ngay cả có thể bị tử hình

2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài chắc chắn không đả phá việc giữ vệ sinh trước khi ăn; nhưng Ngài muốn vạch ra cho họ thấy những phi lý quá trớn về sự quan sát luật thanh sạch của họ:

(1) Giữ đạo thành thật bên trong hay giữ luật cách giả hình bên ngòai? Tôn giáo hệ tại việc giúp con người sống mối liên hệ chân tình với Thiên Chúa, chứ không phải ở việc giữ một số lễ-nghi cách hời hợt bên ngòai. Chúa Giêsu dùng lời của Tiên-tri Isaiah tố cáo họ: "Ngôn sứ Isaiah thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

(2) Luật của Thiên Chúa phải được coi quan trọng hơn luật của con người: Chúa tiếp tục chỉ trích họ: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông… Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp và trao cho con người quyền điều khiển. Chúng ta có bổn phận bảo vệ mọi sự tốt đẹp theo như ý định của Thiên Chúa.

- Thiên Chúa không tạo dựng điều xấu xa. Những điều này xảy ra là do quỉ thần và lạm dụng tự do của con người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

07/02/12 THỨ BA TUẦN 5 TN
Mc 7,1-13

SỐNG THẬT ĐI…!
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7,6)
Suy niệm: Vở kịch “Tốt-xấu-giả-thật” của nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần “dẫn dắt khán giả đi vào vấn đề cốt lõi của đời sống hôm nay: cái giả nhiều quá, cái xấu nhiều quá! Làm sao để có cái thật, làm sao để có cái tốt?” Sứ điệp của tác phẩm là: “Chỉ có sự thật và lòng tốt có trong mỗi người mới làm cho cuộc đời này tốt hơn, thật hơn, con người sống với nhau tử tế hơn” (x. Lê Quí Dương, “Sống Thật Đi, Cuộc Sống Sẽ Đổi Thay”, Tuổi Trẻ 26.12.2011, tr. 13). Không rõ thời Chúa Giêsu hàng dỏm, hàng nhái, bằng giả,… có nhiều không chứ thói đạo đức giả đã thành tệ nạn nơi những người Biệt phái. Chúa Giêsu đả phá thái độ đó vì họ: “tôn kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng thì xa Chúa, gạt bỏ điều răn Thiên Chúa, duy trì truyền thống người phàm.”
Mời Bạn: Thiện căn ở tại lòng ta.  (Nguyễn Du). Gốc rễ của sự thiện nằm sâu trong tâm hồn bởi thế để sống đạo thật sự trước hết phải bồi dưỡng, thanh tẩy, chỉnh đốn nội tâm của mình. Phải sống thật trước cái nhìn của Chúa chứ không phải chỉ lo tô điểm cái vỏ đạo đức trước mặt người ta.
Chia sẻ: Trong các dịp đại lễ, cùng với việc tổ chức lễ bái, rước xách đẹp đẽ hoành tráng bên ngoài, chúng ta có để ý chuẩn bị phần thiêng liêng như: tĩnh tâm, học hỏi, cầu nguyện không?
Sống Lời Chúa: Lòng tôi luôn gắn bó với Chúa. Tôi năng tìm gặp Chúa nơi nội tâm của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ con người thật của con. Xin cho con biết nhận ra và khiêm tốn sám hối vì những lỗi lầm thiếu sót của mình. Xin Chúa giúp con sống với Chúa và với anh em với tình yêu chân thành không giả dối.
www.5phutloichua.net

TRUYỀN THÔNG
Suy nim:

            Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13). Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm, truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo. Song song với truyền thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9) . Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).
            Đây là một điều đáng tiếc, vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13). Trái lại, họ muốn dân Do thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình, sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu. Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê mà còn muốn sống theo những truyền thống dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế. Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu đã không rửa tay trước khi ăn. Thật ra chẳng phải người Do thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn. Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15). Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài, người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim. Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giê su muốn nhấn mạnh.
            Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn, 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do thái giáo. Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này. Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa. Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13): “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”
            Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa? Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả? Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi? Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến.
Cầu nguyn:
            Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
            Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
12 THÁNG HAI
Hồn Lành Trong Xác Mạnh
Tập luyện thể dục thể thao, đó là chúng ta trân trọng thân xác của mình. Chúng ta đạt được tình trạng khỏe mạnh thể lý hết sức có thể, với hoa quả của nó là niềm khoan khoái lớn lao. Trong nhãn giới đức tin, chúng ta biết rằng nhờ phép Rửa, trọn vẹn con người – cả hồn lẫn xác – đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần ngự trong anh em sao… và vì thế anh em không còn thuộc về chính mình nữa? Anh em đã được trả giá để chuộc lại. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (ICr 6, 19 – 20).
Thể thao gắn liền với việc phấn đấu để thắng một cuộc thi đấu hay đạt được một mục tiêu nào đó. Nhưng với đức tin, chúng ta biết rằng “triều thiên không thể hư nát” của cuộc sống vĩnh cửu thì giá trị hơn nhiều so với bất cứ giải thưởng nào trên trần gian. Triều thiên đó là ân huệ của Thiên Chúa, song đó cũng là kết quả của việc chuyên cần đào luyện nhân đức hằng ngày. Và, theo Thánh Phao-lô, đây là một cuộc thi đấu thực sự quan trọng. Ngài nói: “Anh em hãy tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1Cr 12, 31). Thánh Phao-lô muốn nhắc nhở chúng ta hãy hướng lòng trí về những ân huệ góp phần tăng triển Nước Thiên Chúa. Nếu chúng ta kiên trì trong cuộc chạy đua này, những ân huệ ấy sẽ đem lại một giải thưởng sinh ích lợi vĩnh cửu cho chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Mồng Ba Tết Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm
St 1, 20-2, 4a; Mc 7, 1-13

LỜI SUY NIỆM: Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông” (Mc 7,9).
Tất cả mọi điều răn của Thiên Chúa ban cho loài người là để mưu cầu hạnh phúc cho con người trong cuộc sống ở đời này lẫn đời sau, giúp cho mọi con người khi sống với nhau biết yêu thương và được thương yêu. Hôm nay trong ngày mồng ba tết của dân tộc. Người Ki-tô hữu Việt Nam dâng lên Thiên Chúa mọi công ăn việc làm, xin Ngài thánh hóa.  Ước gì trong mọi công ăn việc làm của mỗi người đều mang đến lợi ích cho mình và cho người trong yêu thương và phục vụ để cuộc sống được nâng cao trong thánh thiện.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12 tháng Hai
Những Kho Tàng Quý Giá
Giá trị của những đồ cổ thường gia tăng với thời gian.
Dạo tháng 5 năm 1990, một chiếc xe Rolls Royce do Anh Quốc chế tạo năm 1907 đã được bán đấu giá là 2,860,000 đô la tại bang Florida bên Hoa Kỳ. Ðây là giá bán một chiếc xe cổ cao nhất từ trước tới nay. Chiếc xe này đã từng được gia đình cự phú Rochefeller sử dụng.
Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là giá bán một bức tranh của danh họa người Hòa Lan là Vincent Van Gogh. Bức tranh họa lại chân dung của một người bạn thân cuqả danh họa là bác sĩ Gachet, được thực hiện năm 1890, tức là cách đây đúng hơn 100 năm. Trong một cuộc đấu giá tại phòng triển lãm ở New York bên Hoa Kỳ, bức tranh đã được bán đấu giá là 82,500,000 đô la. Ðây là giá bán cao nhất từ trước tới nay đối với một tác phẩm nghệ thuật.
Cũng dạo đó, tại Tây Ðức, người ta đã đem bán đấu giá cả những tác phẩm của nhà độc tài Hitler. Một bức tranh sơn nước của ông đã được bán với giá là 6,134 đô la. Ngay cả một ấn bản của tác phẩm Mein Kampf, trong đó Hitler đã vạch ra chương trình hành động gian ác của ông và các cộng sự viên của ông cũng được đem bán đấu giá. Người mua có lẽ không nghĩ đến giá trị nghệ thuật cho bằng muốn giữ làm kỷ niệm di tích có liên quan đến tội ác và một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.
Tất cả những người môn hạ đích thực của Ðức Kitô cũng là những nhà nghệ sĩ mà các tác phẩm đều vượt thời gian. Tác phẩm mà các ngài để lại chính là cả cuộc sống được họa lại theo khuôn mẫu của Ðức Kitô. Những tác phẩm ấy không bao giờ được đem bán đấu giá, bởi vì chúng vô giá. Không có tiền bạc nào có thể mua được công đức và các hy sinh của các Thánh. Người ta chỉ có thể chiêm ngắm bằng đôi mắt của đức tin. Có những cuộc sống xả thân quên mìnhmà mọi người đều biết đến, có những cuộc sống âm thầm trong gian lao thử thách mà chie mình Thiên Chúa mới chân nhận giá trị. Hiển hách hay âm thầm, cuộc đời của những vị thánh là những tác phẩm mà giá trị vẫn muôn tồn tại qua muôn thế hệ.
Mỗi một người Kitô chúng ta, trong cố gắng mô phỏng Ðức Kitô, cũng là những nghệ sĩ cách này hay cách khác đều để lại những tác phẩm cho hậu thế. Chúng ta không để lại tài sản, chúng ta không để lại những tác phẩm nghệ thuật, mà chính là cả cuộc sống của chúng ta. Trong âm thầm theo Chúa, phục vụ tha nhân, chịu đựng vì đức tin, làm chứng tá cho Tin Mừng: chúng ta luôn được mời gọi để lại cho hậu thế kho tàng vô giá nhất: đó là Niềm Tin. Âm thầm hay rực sáng, Niềm Tin đó phải là kho tàng quý giá nhất mà mọi người chúng ta đều được mời gọi để sống, để bồi đắp, để vun trồng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 12-2
Thánh Phêrô Baptist và Các Bạn
(c. 1597)

N
agasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.
Cha Phêrô Baptist Blasquez sinh năm 1542 trong một gia đình quyền quý ở Tây Ban Nha; ngài gia nhập dòng Phanxicô ở quê nhà. Ngài làm việc vài năm ở quần đảo Phi Luật Tân, và năm 1592 ngài được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ. Vào tháng Mười Hai 1596, ông ra lệnh bắt giam Cha Phêrô Baptist, hai vị linh mục Phanxicô khác, hai thầy, một giáo sĩ, 17 người Nhật thuộc dòng Ba Phanxicô và ba vị linh mục dòng Tên.
Tất cả bị kết án tử hình vào đầu tháng Giêng ở Miyako, họ bị đưa về Nagasaki trong chuyến hành trình bằng đường thủy lâu đến bốn tuần lễ. Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo. Tất cả được phong thánh năm 1862.
Lời Bàn
Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả (xem Lời Trích bên dưới). Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một côäng đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tử đạo. Những người Công Giáo này, thường xuyên đến với nhau, đọc Sách Thánh và lần chuỗi mai khôi để giữ vững đức tin. Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.
Lời Trích
Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật: "Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi. Qua những gì tôi nghe được ở đây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa. Do đó, vì tình yêu Thiên Chúa, chúng tôi xin các bạn hãy tha thiết cầu nguyện cho chúng tôi."
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét