Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

17-02-2013 (P II) : CHÚA NHẬT I MÙA CHAY năm C


CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY C
17/02/2013
(Phần II)


KHÔNG CHỈ NHỜ CƠM BÁNH
Trong mùa Chay, ta hãy để Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Hãy cùng với Ðức Giêsu sống trong cô tịch, cầu nguyện và ăn chay, để có khả năng nhận ra các cơn cám dỗ quen thuộc.
Suy nim:
Làm người ở đời là chấp nhận thân phận cám dỗ. Con người vừa mang trong mình khát vọng vươn tới Tuyệt Ðối, vừa thấy mình luôn bị một mãnh lực kéo trì, nên đời người lúc nào cũng phải chiến đấu giằng co, chỉ một chút lơi lỏng yếu mềm là sa ngã. Con người cao cả khi thắng được cám dỗ trong ngoài. Lúc buông theo cái tôi dễ dãi tầm thường, tôi chẳng là tôi. Chỉ khi tôi vượt quá tôi, tôi mới thật là mình. Tôi chỉ là tôi khi tôi vươn tới Chân, Thiện, Mỹ.
Trong mùa Chay, ta hãy để Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Hãy cùng với Ðức Giêsu sống trong cô tịch, cầu nguyện và ăn chay, để có khả năng nhận ra các cơn cám dỗ quen thuộc. Biết mình bị cám dỗ thật là một ơn, vì ma quỷ chẳng phải là một con vật có đuôi lộ liễu. Những cám dỗ của Ðức Giêsu cũng là của tôi hôm nay. Cám dỗ đầu tiên đánh thẳng vào điểm yếu của Ngài. Sau một thời gian dài nhịn ăn, Ngài thấy đói. Cái đói làm tê liệt, và đụng đến bản năng sinh tồn. Ðiều duy nhất cần đối với người đói là tấm bánh. Ðức Giêsu đã thắng được cơn cám dỗ này. Ngài không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh. Lợi nhuận trong kinh tế là điều quan trọng, nhưng không được quên các giá trị văn hoá, luân lý, tôn giáo... Lắm khi cái đói vật chất vẫn chi phối chúng ta. Người ta dễ hiểu sai câu: “Có thực mới vực được đạo.” Chúng ta vẫn bị cồn cào bởi những thèm thuồng. chính đáng và không chính đáng, cá nhân và tập thể, nhưng đừng để mình thoả mãn cơn đói bằng mọi giá.
Cám dỗ thứ hai là một cám dỗ thô bạo và hấp dẫn: bái lạy ma qủy để được quyền lực và vinh quang. Có nhiều người nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão này. Bao đế quốc, bao nhà độc tài đã trôi đi trong dòng lịch sử. Ðức Giêsu chẳng muốn nhận quyền từ ai khác ngoài Cha. Chỉ Cha mới là Ðấng duy nhất để Ngài thờ phụng.
Cơn cám dỗ thứ ba có vẻ đạo đức, kỳ thực lại là dấu hiệu của sự thiếu lòng tin. Tôi đưa mình vào tình huống hiểm nghèo, để bắt Chúa hành động. Nhảy xuống từ nóc Ðền Thờ mà không chết, quả là ngoạn mục! Chúng ta vẫn thích Chúa làm chuyện ngoạn mục cho đời ta. Chúng ta không thích sống trong lòng tin êm ả, như đứa con biết rõ Cha thương mình, không đòi kiểm chứng.
Tiền bạc, của cải, sắc đẹp, khoái lạc, bằng cấp, tự do, quyền lực, uy tín, danh dự, chủng tộc, khoa học, kỹ thuật: tất cả những giá trị trên đều đáng quý. Nhưng nếu tôi tôn chúng lên hàng Tuyệt Ðối viết hoa, và thờ chúng như một ngẫu tượng, thì tôi và thế giới sẽ như kim tự tháp lật ngược. Ước gì Chúa giúp tôi tự cởi trói mình mỗi ngày, để tôi càng lúc càng tự do đến gần Ðấng Tuyệt Ðối.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, bị cám dỗ là thân phận của con người, nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa. Cuộc sống hôm nay cho chúng con bao cám dỗ ngọt ngào, làm khuấy động những thèm khát nơi chúng con. Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu. Cám dỗ thống trị bằng quyền uy hay tri thức. Cám dỗ sống buông thả theo bản năng tự nhiên. Cám dỗ nào cũng hứa cho chúng con ít nhiều hoan lạc, nhưng thật ra lại làm chúng con nghèo nàn vì tự giam mình trong cái tôi ích kỷ.
Xin cho chúng con thắng được các cơn cám dỗ nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ chay tịnh và làm chủ bản thân. Xin cho chúng con dám lội ngược dòng với thế gian,
để đi vào con đường hẹp của Chúa, con đường nghèo khó khiêm nhu, con đường hy sinh phục vụ. Ước gì chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa, sau những lần chiến đấu vất vả cam go. Và ngay cả khi yếu đuối ngã sa, xin cho chúng con can đảm đứng lên, vững tin vào lòng Chúa tín trung tha thứ. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


17/02/13 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – A 
Lc 4,1-13

CHÚA CŨNG BỊ CÁM Dỗ
Chúa Giê-su đáp lại :”Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4,4)

Suy niệm: Mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng trong thân phận con người, Chúa Giê-su cũng vẫn bị ma quỉ cám dỗ. Đáng lưu ý là ma quỉ tấn công Chúa bằng những cơn cám dỗ không khác những gì chúng ta vẫn mắc phải: - cám dỗ về thoả mãn những nhu cầu: biến đá thành bánh; - cám dỗ thể hiện quyền lực: thống trị thế giới; - cám dỗ tận hưởng danh vọng: phô trương quyền năng bằng phép lạ.
Ông bà tổ tông loài người cũng đã bị cám dỗ như thế và đã thất bại. Chúng ta cũng vẫn bị cám dỗ như thế, và không ít lần chúng ta đã thất bại. Bí quyết của Chúa Giê-su là : Đã có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa”.
Mời Bạn: Tìm hiểu phương pháp Chúa Giê-su chiến đấu và chiến thắng cám dỗ: – yêu mến Chúa Cha – nhận biết và thi hành thánh ý Chúa Cha – đọc và suy niệm Lời Chúa để biết thánh ý Chúa. Bạn có muốn chiến thắng cám dỗ như Chúa Giê-su đã làm không? Hãy noi gương Người, hay đúng hơn, hãy cùng với Người chiến đấu.
Chia sẻ: Cám dỗ của chúng ta trong thời đại ngày nay thường xảy ra dưới hình thức nào? Thảo luận về chiến thuật của Chúa Giêsu chống lại cám dỗ.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa và chiêm ngắm cung cách hành động của Chúa Giêsu. Và bạn nhớ thực hiện theo Lời Chúa dạy nhé.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống, vì Lời Ngài là sức sống của con.

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".
Cám dỗ
(TGM. Ngô Quang Kiệt)

Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.
+ Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.
Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướngngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
+ Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.
Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.
+ Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.
Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn.
Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giụccon người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn đã gặp nhiều cơn cám dỗ, bạn đã chống trả những cơn cám dỗ như thế nào?
2. Có những việc lúc đầu bạn thấy là tốt. Mãi sau này bạn mới biết là xấu. Bạn có nghĩ đó là âm mưu của ma quỷ không?
3. Bạn có ý thức rằng ma quỷ vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trongthế giới ngày nay không?
4. Mùa Chay này, bạn sẽ làm gì để phòng chống âm mưu ma quỷ?

Cú nhẩy ngoạn mục

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ - Thiên Phúc)
Vua nước Thục có tính tham lam. Vua Huệ Vương, nước Tần, muốn xâm chiếm nước Thục, nhưng vì khe núi hiểm trở, không thể đem quân sang đánh. Huệ Vương sai lấy đá tạc hình con trâu để gần địa giới nước Thục, mỗi ngày bỏ vàng sau đuôi con trâu và phao tin đồn rằng: “Trâu đãi ra vàng”. Tiếng đồn ấy đến tai vua Thục. Ông liền sai xẻ núi lấp khe và cho năm người lực sĩ vào rừng kéo con trâu về.
Huệ Vương sẵn lối đi, đem quân tiến đến cướp được nước Thục. Vua Thục vừa mất nước, vừa hại cả mình, để lại trò cười cho thiên hạ. Thế chẳng phải là tham chút lợi nhỏ mà để thiệt mất cái lợi to ư?
Vua Thục vì tham vàng mà mất nước, và số vàng kia cũng lọt vào tay quân thù. Thiên hạ cười chê ông dại khờ. Nhưng thật ra thì ai cũng đã hơn một lần khờ dại như ông. Ai cũng đã không ít lần bị cám dỗ giống ông, nếu không phải là vàng thì cũng là của cải, sắc dục, danh vọng, quyền uy.
Bị cám dỗ là thân phận của con người. Đức Giêsu đã từng bị cám dỗ, vì Người muốn chia sẻ trọn vẹn kiếp người, Người muốn nên đồng số phận với con người, và Người đã thắng cơn cám dỗ để nêu gương cho con người.
Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói. Cơn cám dỗ về manna (Xh 16) mà dân Chúa đã bị thử thách trong hoang địa. Đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thỏa mãn những khao khát của thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Vâng, con người còn có những giá trị cao quý khác cần phát huy, đừng hạ thấp mình xuống mức độ sơ đẳng nhất của: cơm, áo, gạo, tiền.
Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền hành thế gian. Cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng (Xh 32,42) của dân Israel nơi hoang địa. Không chỉ hôm nay mà rất nhiều lần trong cuộc đời, Đức Giêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên “tôi tớ” của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em.
Đây cũng là cơn cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa. Vì Người thường hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu, chúng có tên là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng… Đức Giêsu nhắc cho chúng ta lời Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người” (Lc 4,8).
Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng(Xh 17), đòi thấy những cú nhẩy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: Đó là cơn cám dỗ trên nóc đền thờ Giêrusalem. Cũng chính nơi đây, Đức Giêsu sẽ chịu một cơn thử thách hết sức nặng nề: đó là cơn cám dỗ muốn thoát cái chết: “Nếu có thể được, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Lc 22,42). Dường như Chúa Cha “đã bỏ rơi” Người. Cuối cùng thì Đức Giêsu đã không dùng quyền năng của mình để trốn tránh thân phận con người phải chết. Người đã từ chối nhẩy một cú đẹp mắt, cũng không xuống khỏi thập giá một cách ngoạn mục. Người tin tưởng vào tình yêu của Cha, Người tuyệt đối trung thành và trọn vẹn vâng theo ý Cha.
Đức Giêsu đã chiến đấu với các cơn cám dỗ và Người đã hoàn toàn chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta trong những cơn thử thách. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn; thử thách nào cũng đòi phải chọn lựa. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra cái đắng đót chua cay trong cái vỏ ngọt ngào hấp dẫn đó không! Chúng ta có dám chọn theo Chúa hơn là theo ma quỷ? Chọn yêu anh em hơn là yêu chính mình? Chọn điều thiện hơn là cái ác?
Lạy Chúa, chúng con sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần chiến thắng, sẽ kinh nghiệm nhiều hơn sau mỗi cơn thử thách. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con thất vọng sau mỗi lần vấp ngã, đừng bao giờ chúng con bỏ cuộc sau những lần thất bại.
Xin cho chúng con luôn tin tưởng chỗi dậy, tiếp tục chiến đấu cho dù phải hy sinh mạng sống, vì chính Đức Giêsu đã sẵn lòng chịu chết để trung tín với Chúa Cha.
Xin ban thêm sức mạnh để chúng con chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ ăn chay và cầu nguyện. Amen.

Lectio: Chúa Nhật I Mùa Chay (C)

Chúa Nhật, 17 Tháng 2, 2013
Chúa Giêsu chịu cám dỗ
Chiến thắng bằng cầu nguyện và Kinh Thánh
Lc 4:1-13

 1.  Bài Đọc
 a)  Lời nguyện mở đầu: 
·                     Lạy Chúa, vào lúc bắt đầu mùa Chay này, một lần nữa Chúa mời gọi con suy niệm về câu chuyện Chúa chịu cám dỗ, để con có thể khám phá ra tâm điểm của cuộc chiến đấu tâm hồn, và hơn hết, để con có được kinh nghiệm về việc chiến thắng tội lỗi.
Lạy Chúa Thánh Thần, “xin hãy đến viếng thăm tâm trí chúng con” bởi vì thường xuyên nhiều tư tưởng đã sinh sôi nảy nở trong tâm trí chúng con và chúng làm cho chúng con cảm thấy mình có khả năng làm huyên náo với nhiều âm thanh.  Nguyện xin ngọn lửa tình yêu cũng thanh tẩy các giác quan và tâm hồn chúng con để chúng có thể trở nên ngoan ngoãn và sẵn sàng cho tiếng nói của Lời Chúa.  Xin hãy soi sáng chúng con (accende lumen sensibus, infunde amorem cordibus – xin hãy thắp sáng các giác quan, xin hãy đổ đầy tình yêu vào trong tâm hồn chúng con) để cho các giác quan chúng con được thanh tẩy bởi Chúa, xin hãy cho chúng sẵn sàng đối thoại cùng Chúa.  Nếu ngọn lửa tình yêu Chúa rực cháy trong lòng chúng con, trên sự khô cằn của chúng con, nó có thể làm tràn ngập với sự sống đích thật, là sự viên mãn của niềm hân hoan.
 b)  Phúc Âm
1 Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! " 4 Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh." 5 Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." 8 Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." 9 Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! 10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." 12 Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." 13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. 
·                    c)  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng:
 Để lắng nghe trong im lặng thì cần thiết cho linh hồn, cho thần trí, cho tri giác và cũng như sự im lặng bên ngoài, với sự chăm chú lắng nghe những gì
Lời Chúa có ý định muốn thông tri. 
 2.  Suy Gẫm
a)  Ý chính của bài đọc:
 Với sự tinh tế của người kể chuyện, Luca đề cập trong đoạn 4:1-44 một số khía cạnh thừa tác vụ của Chúa Giêsu sau khi Người chịu phép rửa, trong số đó có những cám dỗ của ma quỷ.  Trong thực tế, ông nói rằng Đức Giêsu “Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, rời bỏ vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày” (Lc 4:1-2).  Phân cảnh này của cuộc đời Đức Giêsu là phần mở đầu thừa tác vụ của Người, nhưng nó cũng có thể được hiểu như là thời điểm chuyển tiếp từ sứ vụ của Gioan Tẩy Giả sang sứ vụ của Đức Giêsu.  Trong Tin Mừng Máccô, việc thuật lại về những cám dỗ thì khái lược hơn.  Tin Mừng Mátthêu nói rằng Đức Giêsu “được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4:1), những chữ cuối này bổ túc cho kinh nghiệm của những cám dỗ để tạo ảnh hưởng cùng lúc thuộc thiên đàng và thuộc ma quỷ.  Câu chuyện kể của Luca sửa đổi văn bản của Mátthêu theo cách để cho thấy rằng Đức Giêsu “được tràn đầy Chúa Thánh Thần”, tự mình rời bỏ vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa bốn mươi ngày, ở đó “Người bị ma quỷ cám dỗ” (4:2).  Ý nghĩa mà Luca muốn đưa ra là những sự cám dỗ của Chúa Giêsu là những điều mà ma quỷ khởi xướng chứ không do Chúa Thánh Thần sắp xếp (S. Brown).  Như thể Luca muốn làm tỏ rõ sự khác biệt giữa bản thân ma quỷ với bản thân Chúa Thánh Thần.
 Một yếu tố khác đáng được lưu ý là thứ tự những cám dỗ mà Luca sắp xếp là:  hoang địa – phong cảnh các nước trong thiên hạ – góc tường cao nhất của đền thờ Giêrusalem.  Trong Tin Mừng Mátthêu, thay vào đó, thứ tự lại khác: hoang địa – góc tường cao nhất – núi cao.  Những nhà chú giải Kinh Thánh thảo luận về việc sắp xếp ban đầu, nhưng họ đã không thành công trong việc tìm ra một câu trả lời đồng thuận.  Sự khác biệt có thể được giải thích bắt đầu với sự cám dỗ lần thứ ba (điểm tột đỉnh):  đối với Mátthêu, “ngọn núi” là đỉnh cao của sự cám dỗ bởi vì trong sách Tin Mừng của ông, ông đặt tất cả mọi quan tâm của mình vào chủ đề núi (chúng ta chỉ cần phải nhớ Bài Giảng Trên Núi, bài giảng dạy của Chúa Giêsu như là “Môisen mới”); thay vào đó, đối với Luca, cuộc cám dỗ cuối cùng xảy ra trên nóc đền thờ Giêrusalem bởi vì một trong những quan tâm lớn nhất của Tin Mừng của ông là thành phố Giêrusalem (Đức Giêsu trong câu chuyện kể của Luca thì đang trên đường hướng về Giêrusalem, nơi ơn cứu độ nhất định được hoàn thành) (Fitzmyer).        
 Người đọc một cách chính đáng có thể tự hỏi mình câu hỏi:  Trong Tin Mừng Luca, cũng giống như trong Tin Mừng Mátthêu, có thể có những nhân chứng cho những cám dỗ của Chúa Giêsu hay không?  Câu trả lời chắc chắn là không.  Từ câu chuyện kể của Luca, có vẻ rõ ràng rằng Chúa Giêsu và ma quỷ đã mặt đối mặt với nhau, không một ai khác.  Những câu trả lời của Chúa Giêsu nói với ma quỷ được trích ra từ Kinh Thánh, chúng là những lời trích dẫn từ Cựu Ước.  Đức Giêsu phải đối mặt với những cám dỗ, và đặc biệt là về việc thờ phượng mà ma quỷ toan tính từ chính Chúa Giêsu, trông cậy vào Lời Chúa như là bánh hằng sống, như là sự bảo vệ từ Thiên Chúa.  Lòng trông cậy vào Lời Chúa nói trong Sách Đệ Nhị Luật, được các nhà chú giải Kinh Thánh xem như là bài suy gẫm sâu xa về Lề Luật Môisen, cho thấy ý định của thánh sử Luca là nhắc lại bài học cuộc đời của Chúa Giêsu với chương trình của Thiên Chúa muốn cứu rỗi nhân loại.
 Những sự cám dỗ này có xảy ra trong lịch sử không?  Tại sao có một số người, trong số các tín hữu và người ngoại đạo, cho rằng những sự cám dỗ như thế chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Chúa Giêsu, một câu chuyện sáng tác?  Những câu hỏi như vậy rất là quan trọng trong một bối cảnh như của chúng ta đi tìm kiếm dấu vết các câu chuyện trong Tin Mừng, từ nội dung lịch sử đến đức tin của nó.  Một cách chắc chắn, không thể đưa ra một lời giải thích văn chương và ngây thơ, cũng không thể nghĩ rằng những chuyện này có lẽ đã xảy ra trong một cách khác thường.  Lời diễn giải của Dupont dường như cho chúng ta một câu trả lời có thể đủ để chấp nhận được:  “Đức Giêsu nói về kinh nghiệm mà Người đã trải qua, nhưng được diễn giải sang một ngôn ngữ tượng trưng, được thích nghi để đánh động tâm trí của người nghe” (Les tentationes, 128).  Hơn là một sự thật bề ngoài, sự cám dỗ được coi như là kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống của Đức Giêsu.  Đối với tôi, dường như đây là lý do chính đã hướng dẫn Luca và các thánh sử khác trong việc chuyển tải những cảnh đó.  Quan điểm của những người cho rằng sự cám dỗ của Chúa Giêsu là hư cấu hoặc được sáng tác là thiếu căn bản; cũng chẳng có thể nào đồng ý với ý kiến của Dupont, khi ông nói rằng đây chỉ là “cuộc đối thoại thuần túy tâm linh giữa Chúa Giêsu và ma quỷ” (Dupont, 125).  Nhìn vào Tân Ước (Ga 6:26-34; 7:1-4; Dt 4:15; 5:2; 2:17a), rõ ràng là những cám dỗ là một sự thật hiển nhiên trong đời sống của Chúa Giêsu.  Lời giải thích của R. E Brown thì thật là thú vị và có thể được chia sẻ như sau:  “Mátthêu và Luca sẽ trở thành bất công đối với tính chất xác thực lịch sử bằng cách bi kịch hóa cảnh cám dỗ, và bằng cách che dấu sự cám dỗ thực sự bằng cách đặt để lời gây hấn này trên môi miệng Người” (Tin Mừng theo thánh Gioan, 308).  Trong sự tổng hợp, chúng ta có thể nói rằng lịch sử của những cám dỗ của Chúa Giêsu hoặc nguồn gốc trong những kinh nghiệm này của Chúa Giêsu đã được mô tả với một “ngôn ngữ bóng bảy” (Dupont) hay là “được bi thảm hóa” (R.E. Brown).  Thật là cần thiết để phân biệt nội dung (cuộc cám dỗ trong kinh nghiệm của Chúa Giêsu) từ cái vỏ chứa của nó (ngôn ngữ bóng bảy hay được bi thảm hóa).  Chắc chắn rằng hai lời giải thích này còn chính xác hơn những lời giải thích chúng theo một cảm quan văn học khéo léo.
 Ngoài ra, Luca với những cảnh này, có ý định nhắc nhở chúng ta rằng những cám dỗ được gửi đến với Chúa Giêsu qua một yếu tố bên ngoài.  Chúng không phải là kết quả của một cuộc khủng hoảng tâm lý hay là bởi vì Người có một xung đột cá nhân với một ai đó.  Nói đúng hơn, sự cám dỗ dẫn đưa trở lại “những cám dỗ” mà Chúa Giêsu có kinh nghiệm trong thừa tác vụ của Người:  sự thù địch, chống đối, chối bỏ.  Những “cám dỗ” như thế thì có thật và cụ thể trong cuộc sống của Người.  Người đã không dựa vào quyền năng thiêng liêng của mình để giải quyết chúng.  Những thử thách này là một hình thức của “ma quỷ cám dỗ” (Fitsmeyer), một lời xúi giục để sử dụng quyền năng thiêng liêng của Người để hóa đá thành bánh và chứng tỏ bản thân trong những cách lập dị.
 Sự cám dỗ kết thúc với câu nói này:  “Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác” (4:13).  Do đó, ba cảnh có những cám dỗ thì được coi như là sự biểu hiện của tất cả các cám dỗ hoặc thử thách mà Chúa Giêsu phải đối mặt.  Nhưng điều căn bản là Đức Giêsu, dù rằng Người là Con Thiên Chúa, vẫn phải chịu đối mặt và chiến thắng “cám dỗ”, và hơn thế nữa:   Người đã chịu thử thách về lòng trung thành của Người với Chúa Cha và đã được chứng thực như thế.
 Một nghiệm xét cuối cùng liên quan đến sự cám dỗ lần thứ ba.  Trong hai cám dỗ đầu, ma quỷ kích động Chúa Giêsu dùng mối quan hệ Cha-Con thuộc thần tính của Người để phủ nhận sự hữu hạn của loài người:  Người không tùy thuộc vào bánh như tất cả các phàm nhân; sau đó đòi hỏi Người một đấng toàn năng ảo tưởng.  Trong cả hai trường hợp này, Chúa Giêsu không trả lời cho câu nói:  Tôi không muốn!  Nhưng kêu cầu đến Lề Luật Của Thiên Chúa, Cha của Người:  “Có lời chép rằng… có lời nói rằng…”  Một bài học tuyệt vời.  Nhưng ma quỷ không chịu bỏ cuộc và lại đưa ra lời khiêu khích thứ ba, mạnh mẽ hơn cả:  cứu Người khỏi chết.  Trong một lời, gieo mình từ nóc tường cao của đền thờ có nghĩa là một cái chết chắc chắn.  Ma quỷ trích dẫn lời Kinh Thánh, Thánh Vịnh 91, để dụ dỗ Chúa Giêsu dùng phép thuật và sự ngoạn mục của sự che chở của Thiên Chúa, và trong trường hợp cuối cùng, dẫn đến sự phủ nhận cái chết.  Đoạn Tin Mừng của Luca đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ:  việc sử dụng sai lầm Ngôi Lời của Chúa, cố thể là dịp cám dỗ.  Trong ý nghĩa nào?  Cách tôi liên kết chính mình với Kinh Thánh bị đặt trong tình trạng khủng hoảng, đặc biệt là khi tôi sử dụng nó chỉ để giảng đạo đức cho người khác là những kẻ đang gặp khó khăn hay trong tình trạng khủng hoảng.  Chúng tôi đề cập đến một số bài giảng dạy tinh thần giả định được trình bày cho những kẻ đang gặp khó khăn:  “Bạn đang đau khổ ư?  Chẳng có điều gì khác bạn có thể làm được ngoại trừ cầu nguyện và tất cả mọi việc sẽ được giải quyết”.  Điều này có nghĩa là bỏ qua nỗi thống khổ triền miên mà một người gánh chịu và thường xuyên tùy thuộc vào dữ kiện sinh hóa hay là khó khăn tâm lý xã hội, hoặc đặt mình trước Thiên Chúa một cách nhầm lẫn.  Nó sẽ mạch lạc hơn nếu nói:  Hãy cầu nguyện và xin Chúa hướng dẫn bạn trong việc cầu viện đến việc dàn xếp loài người qua một vị thông thái hay một người bạn hiểu biết và khôn ngoan để họ có thể giúp bạn làm dịu đi hay chữa lành nỗi thống khổ của bạn.  Người ta không thể đề nghị những câu nói trích từ Kinh Thánh, trong một cách kỳ diệu, cho những người khác, mà bỏ qua việc sử dụng sự hòa giải của con người.  “Sự cám dỗ thường xuyên là đem cuốn Thánh Kinh ra làm sách đạo đức của chính mình, thay vì lắng nghe những lời giảng dạy đạo đức của Kinh Thánh (X. Thévenot).
 Trong thời gian này của Mùa Chay, tôi được mời gọi tiến gần đến Lời Chúa với thái độ sau đây:  chuyên cần không mệt mỏi và cầu nguyện Lời Chúa, đọc nó với sự liên kết liên tục hiệp nhất với các truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội và trong sự đối thoại với các vấn đề của nhân loại ngày nay.
 3.  Cầu Nguyện
 a)  Thánh Vịnh 119
 Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.

Chúng ta hãy đổi mới bản thân trong Chúa Thánh Thần
Và khoác lên con người mới
Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
Được tạo ra theo ý Thiên Chúa Cha
Trong công lý và trong sự thiêng liêng đích thực. (Thánh Phaolô)
Họ không làm điều ác,
nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.
Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Chúng ta hãy sống lệ thuộc vào Đức Giêsu Kitô
và trung tín phục vụ Người
với một tâm hồn trong sạch cùng một lương tâm ngay lành.  (Luật dòng Cát Minh)
Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.
Để con không xấu hổ
khi nhìn lại các mệnh lệnh của Ngài.

Chúng ta hãy sống lệ thuộc vào Đức Giêsu Kitô
và trung tín phục vụ Người
với một tâm hồn trong sạch cùng một lương tâm ngay lành.  (Luật dòng Cát Minh)
Con thành tâm dâng lời cảm tạ
vì được biết những quyết định công minh.
Thánh chỉ Ngài, con xin tuân giữ,
xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con.

Chúng ta hãy đổi mới bản thân trong Chúa Thánh Thần
Và khoác lên con người mới
Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
Được tạo ra theo ý Thiên Chúa Cha
Trong công lý và trong sự thiêng liêng đích thực. (Thánh Phaolô)

b)  Lời nguyện kết
 Lạy Chúa, chúng con tìm kiếm Chúa và chúng con ước ao được diện kiến Chúa, xin ban cho chúng con một ngày nào,
Tấm màn che sẽ được tháo gỡ, để chúng con có thể chiêm ngưỡng thánh nhan Ngài.
Chúng con tìm kiếm Chúa trong Kinh Thánh được nói với chúng con về Chúa và qua bức màn của trí tuệ, kết quả của việc tìm kiếm người.
Chúng con tìm kiếm Chúa trong những khuôn mặt rạng rỡ của anh chị em chúng con, trong những dấu tích của cuộc Thương Khó Chúa, trong thân thể của những người khổ đau.
Mỗi một tạo vật được đóng ấn của dấu tích Chúa, mọi việc mặc khải ánh sáng vẻ đẹp vô hình của Chúa.
Chúa được mặc khải trong sự phục vụ của người anh em, Chúa tỏ mình ra với anh em bằng tình yêu trung thành không bao giờ suy giảm.
Không phải vì mắt trần mà là tâm trí có viễn cảnh về Chúa, với lòng đơn sơ và chân thật chúng con cố gắng thưa chuyện với Ngài.
 4.  Chiêm Niệm
   Để nối dài việc chiêm niệm, chúng tôi đề nghị lời suy gẫm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI:
“Mùa Chay là thời gian đặc biệt dành cho cuộc hành hương nội tâm hướng về Đấng là cội nguồn của lòng thương xót.  Đó là cuộc hành hương, trong đó chính Ngài cùng đồng hành với chúng ta qua sa mạc của sự nghèo đói, hỗ trợ chúng ta trên con đường hướng về niềm vui mãnh liệt của Lễ Phục Sinh.  Ngay cả trong “thung lũng đen tối” mà tác giả Thánh Vịnh nói đến (Tv 23:4), trong khi bị cám dỗ cho thấy rằng chúng ta bị phân tán hoặc là đề nghị một hy vọng hão huyền trong công việc ở tay chúng ta, Thiên Chúa chăm sóc chúng ta và hỗ trợ chúng ta.  […]  Mùa Chay muốn dẫn dắt chúng ta trong quan điểm về sự vinh quang của Đức Kitô trên mọi sự dữ áp chế loài người.  Trong việc tìm đến với Thầy Chí Thánh, trong việc chúng ta quy hướng về Người, trong kinh nghiệm về Lòng Thương Xót của Người, chúng ta khám phá ra “cái nhìn” xuyên thấu vào sự sâu thẳm của chúng ta và có thể khuyến khích mỗi người chúng ta”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét