Trang

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

20-02-2013 : THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY


Thứ Tư 20/02/2013
Tuần I Mùa Chay Năm B


BÀI ĐỌC I: Gn 3, 1-10
"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".

 Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (c. 19).

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Đáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Đáp.

 CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b

Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

 PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa". Đó là lời Chúa.
Giô-na rao giảng tại Ni-ni-vê


SUY NIỆM : Phép Lạ Của Tiên Tri Giona

 "Không ban cho dòng giống này một điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".

Khoảng 400 năm trước khi Ðấng Cứu Thế ra đời, Thiên Chúa Giavê đã gọi ông Giona cộng tác vào công trình cứu rỗi của Ngài, và mạc khải tình thương của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê đang sống xúc phạm đến Thiên Chúa. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo Lời Chúa truyền. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng rồi rao giảng rằng: "Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy". Dân thành tin tưởng nơi Chúa, họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Nhà vua còn ra sắc lệnh buộc mọi người phải ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, từ bỏ con đường tội lỗi và những điều bất chính.
Thiên Chúa thấy việc họ làm là từ bỏ đời sống xấu xa tội lỗi, nên đổi ý không phạt họ nữa. Giona tỏ vẻ bực tức trách Thiên Chúa không giữ lời hứa, và như thế làm cho ông bị mất mặt. Ông xin Thiên Chúa cho ông được chết đi còn hơn là thấy cảnh Ninivê ăn năn trở lại và được Thiên Chúa nhân từ yêu thương như trước.
Vì thế, Thiên Chúa đã phải thực hiện việc lạ là cho cây thầu dầu mọc lên che mát chỗ ngồi của tiên tri Giona. Rồi ngay ngày hôm sau, cho con sâu chích cây thầu dầu làm cho nó héo đi. Giona lại trách Chúa vì cây thầu dầu bị héo không còn bóng mát cho ông nữa. Thiên Chúa Giavê thức tỉnh Giona vơí những lời lẽ như sau: "Ngươi mủi lòng vì cây thầu dầu mà ngươi đã không phải khó nhọc để trồng nó. Còn Ta, Ta lại không mủi lòng cho dân thành Ninivê, trong đó có hơn hai vạn người hay sao?"
Thật ra, ông Giona không phải chỉ có thái độ trách Chúa, không chấp nhận việc hành xử nhân từ của Ngài, sau khi đã đến thành Ninivê mà thôi. Ông đã không tuân giữ Lời Chúa để đi đến thành Ninivê. Ông đã từ chối lời mời gọi lần thứ nhất, bỏ trốn xuống tàu đi Tasse thay vì đi Ninivê. Bảo táp nổi dậy và ông Giona trúng thăm phải bị ném xuống biển. Sau đó từ bụng cá lên bờ, ông Giona mới tuân hành lệnh Chúa đến Ninivê rao giảng điều Thiên Chúa muốn: "Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị thiên Chúa phá hủy".
Một sứ điệp bi thảm có vẻ hăm dọa mà tiên tri Giona không thích rao giảng. Ngày nay nếu chúng ta được kêu gọi làm như tiên tri Giona, chắc chắn chúng ta cũng không thích, và chúng ta thích lời nói vừa lòng kẻ khác để được đón tiếp sung sướng hơn là nói điều Chúa muốn, như tiên tri Giona phải nói cho dân thành Ninivê biết việc Thiên Chúa sắp phá hủy thành phố này.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã chia sẻ kinh nghiệm tu đức của mình như sau: "Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ".
Chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp cụ thể sửa lỗi nhau. Lời sửa lỗi có thể làm phiền người khác, và ta thường ngại ngùng không muốn nói. Chúng ta cần thực hiện việc sửa lỗi cho người khác với tinh thần nhân từ yêu thương, chứ không phải để trả thù, hạ nhục anh em xuống, để làm thỏa mãn tự ái ghen tương của mình.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu trong tập: "Nhật ký một tâm hồn" đã cho chúng ta một cách thức sửa lỗi thật tế nhị, đó là thánh nữ đã cầu nguyện thật nhiều để xin Chúa ban cho mình có một tinh thần vô cùng khiêm tốn, yêu thương như Chúa, trước khi thánh nữ mở miệng nói lời sửa lỗi một chị nữ tu khác.
Thánh Biển Ðức đã khoe với một Bề Trên tu viện như sau: "Khi sửa lỗi anh em, cần phải hành động một cách thận trọng, khôn ngoan, đừng làm thái quá để làm bể cái bình thủy tinh, vì chùi bụi quá mạnh". Hơn nữa, cần phải nghĩ đến mục đích của việc sửa lỗi. Ðó là làm cho bình thủy tinh được trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, có giá trị hơn. Trong việc sửa lỗi, tôi chỉ mong giúp anh em được trở nên tốt đẹp hơn mà thôi.
Hơn nữa, chúng ta cũng nên trách thái độ nhìn thấy cọng rác nơi mắt anh em, mà không thấy cây đà to lớn trong mắt mình. Chúa Giêsu đã cho một lời khuyên quí giá: "Con hãy cất đi cái đà trong mắt con trước, rồi con mới thấy rõ mà giúp anh em lấy cọng rác nơi mắt họ".
Ðời sống tốt lành nêu gương ngay chính bản thân, đó là bước đầu tiên để giúp anh em xung quanh được canh tân đời sống: "Yêu người không phải là vuốt ve, nuông chiều họ. Nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ". Môi trường đòi buộc con thinh lặng hoạt động. Con cứ thích nghi môi trường, và đi đến đâu con hãy gieo rắc tình thương yêu. Con sẽ ngạc nhiên vì một ngày kia nhìn lại những nơi con đã đi qua, hạt giống tình yêu đã nặng trĩu gấp trăm nơi tâm hồn những người Chúa quan phòng định cho con gặp trên đường hy vọng. Sự lầm lạc lớn nhất là không biết người khác là người đang mang Chúa Giêsu Kitô trong lòng, và có nhiều người đến tận thế mới vỡ lẽ.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con quả tim như Chúa, để con có thể giúp anh em tiến lên trên con đường trở về cùng Chúa. Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần I MC

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Ai cũng có thể ăn năn trở lại.

Mùa Chay là mùa của xám hối ăn năn. Biết bao nhiêu câu truyện của những người sống hoang đàng trở về với Chúa, giúp chúng ta hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, và trở về với Ngài. Ví dụ, không ai có cuộc đời ăn chơi trác táng như Augustine, đến nỗi mẹ ông đã phải khóc lóc van xin với thánh Ambrose để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo con mình trở lại. Một cuộc đời cuồng tín, đang trên đường bách hại các tín hữu như Phaolô, sau khi bị ngã ngựa, đã trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng hơn hết mọi người. Hay sự trở lại của người trộm lành trên Thập Giá: “Lạy Ngài, khi nào về vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng.” Những gương trở lại anh hùng này chứng minh cho chúng ta thấy: ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự trở lại của tòan thành Nineveh sau biến cố rao giảng của tiên-tri Jonah. Trong Bài Đọc I, Nineveh là một thành dân ngọai cực kỳ rộng lớn và rất tội lỗi. Tuy không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Jonah rao giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ;” cả thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi, và ăn năn xám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của Ngài trên thành, và xảy ra như thế. Trong Phúc Âm, thánh Luca cho một hình ảnh ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường những việc Ngài làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có thể tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự trở lại của dân thành Nineveh

1.1/ Thiên Chúa thương xót và cho dân thành cơ hội trở lại: NinevehBaghdad, Iraq, ngày nay. Trong thời của Jonah, đây là thành phố của Dân Ngọai, những người không phải Do-Thái và không tin Thiên Chúa. Không những thế, họ còn là kẻ thù của dân Do-Thái, vì đã mang quân đội phá bình địa Jerusalem, và bắt từ vua tới dân lưu đày qua Babylon. Đây chính là lý do tại sao tiên-tri Jonah bất tuân Thiên Chúa lần nhất không chịu qua Nineveh rao giảng. Tiên tri không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại tỏ lòng thương xót cho một thành Dân Ngọai và là kẻ thù không đội trời chung của Do-Thái. Ông không hiểu Thiên Chúa là Cha của mọi người: Do-Thái cũng như Dân Ngọai. Nếu Ngài là Cha, Ngài phải thương đồng đều tất cả các con: đứa ngoan ngõan cũng như đứa cứng đầu. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống” (Eze 33:11).

1.2/ Dân thành Nineveh tin vào Thiên Chúa: Tiên-tri mới chỉ rao giảng có một ngày, kết quả rao giảng được ghi lại như sau:
- Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
- Tin báo đến cho Vua Nineveh; Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
- Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của Đức Vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."

1.3/ Thiên Chúa không phạt dân thành nữa: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” Tác giả Sách Jonah không chú trọng đến thần học về các bản tính của Thiên Chúa, nên Bản Bảy Mươi dùng động từ “hối tiếc;” trong khi bản của Do-Thái dùng động từ ở thời thụ động (Niphal): Thiên Chúa động lòng thương và đình chỉ tai họa Ngài định giáng xuống trên họ. Điểm tác giả chú trọng tới là tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân khi họ biết ăn năn trở lại.

2/ Phúc Âm: Hậu quả phải chịu nếu không biết ăn năn trở lại.

2.1/ Niềm tin không chỉ dựa vào dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

2.2/ Niềm tin phải đặt căn bản trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng nghe Ngài!

2.3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Ai cũng có thể trở lại và ai cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.
- Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Vua Salomon và Nữ hoàng Sheba


THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY
Lc 11, 29 - 33
1. Ghi nhớ: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ...". (Lc 11, 29-32)
2. Suy niệm: Trong tâm tình mùa chay Hội Thánh luôn mời gọi mỗi người phải ăn chay, sám hối và tin vào Thiên Chúa Nhưng những người biệt phái hôm nay thì lại cứng lòng họ không chịu tin, họ đòi một điềm lạ để chứng minh cho họ.Thay vì hướng lòng về đức tin và sự thống hối thì họ lại cảm khoái trong việc sống đạo của họ với những thành kiến. Mặc dù Đưc Giê- su làm nhiều dấu lạ Người mặc khải qua lời nói, qua việc chữa bệnh, trừ qủy... Mỗi người chúng ta cũng phải tự đặt câu hỏi cho chính mình; trong mùa chay chúng ta đã ăn năn sám hối chưa ? Chúng ta có tin tưởng và nhận ra Thiên Chuá tình yêu đang mời gọi chúng ta trở về với Ngài chưa?
3. Sống Lời Chúa: Nhìn mỗi sự việc theo nhãn quang của đức tin
4. Cầu nguyên: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được mỗi sự kiện trong đời con là một dấu lạ Chúa làm. Để từ đó con có thể ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa mà không cần dấu lạ nào khác . Amen.

20/02/13 THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Lc 11,29-32

SÁM HỐI
“Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 9,32)
Suy niệm: Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài. Vị trí của dân thành Ninivê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ítraen, dân riêng của Chúa. Còn ngôn sứ Giôna dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Kitô: “Ở đây còn hơn ông Giona nữa.” Nếu như dân Ninivê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giona rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!
Mời Bạn: Công Đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676). Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện. Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giona mà dân Nivivê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giêsu, Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?
Chia sẻ : cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
Dấu lạ của Thiên Chúa
“Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập giá”. Thánh Phaolô, người tự xưng là Do Thái hơn cả người Do Thái đã nêu bật não trạng của dân tộc ngài.
Người Do Thái xưa kia luôn đòi các luật sĩ làm dấu lạ để minh chứng lời mình tuyên bố, và dĩ nhiên họ đời dấu lạ nơi những ai tự xưng mình là tiên tri.
Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chờ đợi này. Trong suốt giai đoạn hoạt động công khai, Ngài không chỉ bị thách đố làm dấu lạ, mà ngay khi giữ chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ rao giảng Tin mừng, Ngài đã bị cám dỗ thực hiện dấu lạ, như biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc thách đố này còn kéo dài cả khi Ngài bị đóng đinh Thập giá, lúc ấy Ngài bị thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập giá”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, những luật sĩ và biệt phái đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ không hẳn là những đối thủ của Ngài. Nhưng điều Ngài muốn họ phải tẩy sạch khỏi não trạng là những định kiến, qua đó họ vẽ sẵn một khuôn mặt, một hình ảnh Đấng Cứu Thế và họ đòi buộc Chúa Giêsu phải mang lấy và phải hành động rập theo khuôn mặt ấy. Nhưng ngược lại quan niệm của họ về một Đấng Cứu Thế oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm và tái lập một nước Do thái hùng mạnh, Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế qua một dấu lạ nhỏ bé khiêm tốn, yếu đuối: như tiên tri Giôna nằm trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất ba ngay ba đêm. Nhìn từ bên ngoài, đây là một dấu lạ thua thiệt, dấu hiệu của sự thất bại, nhưng Thiên Chúa đã dùng dấu hiệu đó để áp dụng định luật: nhu thắng cương, nhược thắng cường.
Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin vào sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của luật sĩ và biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn. Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng là phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
20 THÁNG HAI
Những Bã Phù Vân
Sứ điệp đầu tiên của mùa Chay – trong ngày Thứ Tư Lễ Tro – là một sứ điệp rất sâu sắc và quyết liệt: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro!”
Vậy, làm thế nào chúng ta có thể thực sự tìm thấy sự viên mãn? Làm thế nào người ta có thể hoàn thành chính mình trong cõi đời này khi mà mầm hủy diệt con người đã có sẵn đấy và thế giới được đặt dưới qui luật của sự chết? Con người kiếm tìm sự sống trong thế giới xung quanh mình, nhưng điểm đến của con người lại là thực tại sự chết!
Vâng, trong cuộc đời tạm bợ này, chúng ta có thể có một số niềm thỏa mãn ‘phù du’ nào đó. Những niềm thỏa mãn ấy không thể kéo dài. “Nguơi sẽ trở về tro bụi” – Thiên Chúa nói với con người như thế.
Chúng ta phải biết lắng đọng tâm hồn và nhìn vào trong thâm sâu hữu thể của mình. Và chúng ta sẽ nhận ra những mầm mống bất tử của chính mình. Chúng ta cũng sẽ nhận ra tính bèo bọt vô ích của những nỗ lực nơi mình nhằm tìm kiếm các thỏa mãn phù vân.
Và chính khi nhận thức được như vậy, chúng ta có thể bắt đầu hiểu ra tại sao Thiên Chúa mời gọi mình: “Hãy trở về với Ta!” Vâng, Ngài mời gọi chúng ta trở về với Ngài bằng cả tấm lòng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Gn 3, 1-10; Lc 11, 29-32

LỜI SUY NIỆM: Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào; ngoài dấu lạ ông Giôna.” (Lc 11,29).
Chúa Giêsu hiện diện, và sống giữa họ suốt ba năm, Ngài đã làm biết bao điều lạ, người què đi được, kẻ điếc được nghe, người mù trông thấy, người phung hủi được sạch, người chết sống lại. Nhưng với sự cố chấp của họ, họ vẫn không chịu tin Chúa Giêsu là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu. Họ vẫn đòi Chúa phải làm một dấu lạ. Chúa Giêsu đã cho đám đông biết sự hiện diện của Ngài đã là một dấu lạ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Bởi ai tin vào Danh của Ngài thì được cứu rỗi. Ước gì hôm nay mọi Ki-tô hữu đều cầm trong tay quyển Kinh Thánh đọc và chiêm niệm, đối chiếu với bản thân mình đã sống và tin như thế nào theo sự đòi hỏi của Lời Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
20 Tháng Hai
Giáo Ðường
Văn hào Aleksandr Solzenicyn đã ca tụng những ngôi giáo đường bằng những vần thơ như sau:
"Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hãy ẩn mình trong những dòng sông sâu, những ngôi giáo đường đẹp như những công chúa vận xiêm y rực rỡ.
Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.
Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.
Cha ông của chúng tôi đã để lại phần cao quý nhất cảu các ngài. Mãi mãi, tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này".
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.
Giáo đường là nhà của con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với hăng say và nhiệt thành hơn.
Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn đó, bấy lâu người Kitô vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.
(Lẽ Sống)

Thứ Tư 20-2

Chân Phước Jacinta and Francisco Marto

(1910-1920; 1908-1919)
Từ trái sang phải : Jacinta Marto, Lucia dos Santos, Francisco Marto

T
rong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.
Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Ngài cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi "để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh." Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.
Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.

Lời Bàn

Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi--tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời của Jacinta nói với Francisco ngay trước khi em từ trần, "Anh cho em gửi lời chào Chúa và Ðức Mẹ, và nói với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng mọi sự mà các Ngài muốn để hoán cải kẻ tội lỗi."
www.nguoitinhuu.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét