Trang

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Tinh thần khó nghèo Phanxicô (II)


Tinh thần khó nghèo Phanxicô (II)


3. Tinh thần nghèo khó Phanxicô trong thế giới hôm nay

Mãi đến ngày hôm nay, Dòng Thánh Phanxicô vẫn luôn là một Dòng Tu lớn và quan trọng trong Giáo Hội. Tất cả những nam nữ Tu Sĩ trên khắp thế giới tự nhận mình sống theo Tu Luật thánh Phanxicô Khó Khăn được chia ra ba ngành khác nhau:

Ngành thứ nhất là các tu sĩ Phanxicô (Franziskaner), tiếng La-tinh là Ordo Fratrum Minorum, viết tắt là OFM; người ta có thể nói ngành này là Dòng Phanxicô chính thống và nguyên thủy. Trên thực tế, vì hoàn cảnh xã hội và tâm lý con người ngày đã hoàn toàn thay đổi, nên lý tưởng sống nghèo khó tuyệt căn và sống đời hành khất như thánh Phanxicô đã sống xưa là một điều bất khả, nhưng vì tinh thần nghèo khó, các Tu Sĩ Dòng Phanxicô chọn cho mình một cuộc sống tương đương với mức độ cuộc sống đại đa số dân chúng thuộc tầng lớp bình dân nghèo đói sống chung quanh họ.

Ngành thứ hai là các tu sĩ Phanxicô Cải Cách (Kapuzianer), tiếng La-tinh là Ordo Fratrum Minorum Capuccinorum, viết tắt là OFMcap. Các Tu Sĩ thuộc hai ngành này đều mặc áo màu nâu;

Ngành thứ ba được gọi là Minoriten hay Konventualen, trong các vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp người ta gọi các Tu Sĩ Phanxicô ngành thứ ba này là Cordeliers, viết tắt là OFMconv.(33) Các Tu Sĩ Phanxicô ngành này mặc áo màu đen và thắt dây lưng trắng.

Ngành Nữ Phanxicô hay cũng được gọi là Dòng Thánh Clara. Đây là một Dòng Tu giành cho phái nữ hoàn toàn sống theo lý tưởng nghèo khó của thánh Phanxicô, được chính thánh Phanxicô và người em họ của ngài là thánh nữ Clara(34) lập nên để tạo điều kiện cho tất cả những người phụ nữ muốn dâng mình cho Chúa sống theo lý tưởng nghèo khó Phanxicô.

Ngoài những cộng đoàn nam nữ Tu Sĩ Phanxicô chính thức, trực tiếp sống theo Tu Luật thánh Phanxicô như trên, trong Giáo Hội còn có nhiều Dòng Tu nam nữ khác cũng phần nào đó sống dựa theo tinh thần khó nghèo Phanxicô và cũng tự gọi mình là tu sĩ Dòng Ba Phanxicô. Nhưng không chỉ các nam nữ trong các Tu Viện, mà còn có hàng triệu người giáo dân sống bậc vợ chồng khắp nơi trên thế giới cũng muốn noi theo gương sống thánh thiện, nghèo khó và từ bỏ của Thánh Phanxicô.

Điều đó đã mặc nhiên khẳng định rằng, đời sống thánh thiện sâu xa và tinh thần nghèo khó tuyệt căn của thánh Phanxicô Assisi đã ảnh hưởng sâu đậm trong lòng người, đã cuốn hút các tâm hồn hướng thiện và biết quay trở về với Chúa, và qua đó đã góp phần xây dựng Giáo Hội và mang lại cho xã hội một bầu không khí sống chung hài hoà và huynh đệ hơn. Bởi vậy, nhà độc tài vô thần Stalin đã phải thú nhận: “Thế giới này chỉ cần có mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì đã đủ để thay đổi được bộ mặt của mình.”

Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu “Hội Dòng Ba Phanxicô” hay “Hội Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế Việt Nam”, tức những nam nữ giáo dân sống bậc vợ chồng giữa lòng đời, nhưng lại muốn thánh hóa cuộc sống của mình qua việc thực hành theo tinh thần ba lời khấn dòng, nhất là tinh thần khó nghèo Phanxicô.

4. Dòng Ba Phanxicô hay Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế Việt Nam


Ở Việt Nam đặc biệt có những giáo dân Công Giáo cũng lập gia đình, sống và sinh hoạt bình thường như tất cả mọi tín hữu khác trong các Xứ Đạo, nhưng họ lại muốn sống theo tinh thần ba lời khấn dòng nói chung và tinh thần lời khấn khó nghèo của thánh Phanxicô nói riêng. Những người giáo dân nam nữ đạo đức này được tổ chức thành Hội Dòng Ba Phanxicô hay cũng được gọi là Hội các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế.

Có lẽ đối với những người chưa quen biết tổ chức và đời sống của Hội các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế (35) hay Hội Dòng Ba Phanxicô, sẽ rất ngạc nhiên và thắc mắc tự hỏi: Những người sống trong bậc vợ chồng thì làm sao còn có thể sống tinh thần ba lời khấn dòng được nữa? Đó là một thắc mắc rất hợp lý. Một điều chắc chắn không ai có thể phủ nhận được, đó là những người giáo dân sống bậc vợ chồng thì tất nhiên không thể sống ba lời khấn dòng một cách chặt chẽ như các Tu Sĩ nam nữ trong các Tu Viện được. Nhưng tinh thần ba lời khấn dòng ấy thì họ chẳng những hoàn toàn có thể sống và thực hành theo, mà còn là một điều phù hợp với thánh ý Chúa được biểu lộ rõ ràng trong Mười Điều Răn của Người.

a) Tinh thần đức vâng lời: Để sống tinh thần đức vâng lời trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế sẽ cùng với người bạn đời của mình, đã được Thiên Chúa liên kết qua Bí tích Hôn Nhân, họ ý thức được rằng họ – chồng cũng như vợ – không còn là hai nữa, nhưng đã trở thành một thân xác trong tình yêu thương chân thành. Vì thế, họ không còn tự ý quyết đoán hay định đoạt bất cứ điều gì trong cuộc sống riêng cũng như trong cuộc sống gia đình, nhưng họ cùng đem ra bàn bạc với nhau, cùng tham khảo ý kiến của nhau trong tình yêu thương và tôn trọng nhau chân thành, và cùng quyết định. Còn đối với con cái, họ không coi chúng như sở hữu của mình để muốn đối xử với chúng thế nào tùy ý, nhưng là ơn lành Chúa ban và là những cá nhân cũng mang trên mình hình ảnh của Chúa như họ vậy. Vì thế, họ dạy dỗ con cái với sự kính sợ Chúa, với tình yêu và sự tôn trọng nhân vị của con cái. Tuyệt đối họ không sử dụng cách giáo dục con cái bằng bạo lực, chửi bới hay nhiếc mắng hầu để trút đổ lên đầu con cái những bực tức giận dữ của mình. Nhất là họ dạy con cái không chỉ bằng lời nói suông, nhưng trước hết bằng cuộc sống gương mẫu cụ thể của mình trong mọi lãnh vực: Từ đời sống đức tin, đời sống luân lý đến đời sống xã hội, v.v.., theo gương thánh nữ Monica, người mẹ nhân hậu và thánh thiện của thánh Augustinô.

b) Tinh thần khiết tịnh: Qua Bí tích Hôn Nhân, Thiên Chúa đã không chỉ liên kết thể xác họ nên một, nhưng cả tinh thần, ý nghĩ và các ham muốn tự nhiên nữa. Tinh thần lời khấn khiết tịnh giúp họ chống lại những cám dỗ lăng loàn của thể xác, chống lại những ham muốn và đòi hỏi bất chính của thể xác. Nhờ có tinh thần khiết tịnh của lời khấn dòng, các Anh Chị Em Phan Sinh sẽ luôn luôn trung thành và yêu thương vợ/chồng của mình, chứ không còn ham muốn tìm kiếm „của lạ“ hay không còn viển vông „đứng núi này trông núi nọ“. Nói cách khác, sự ý thức và xác tín sống theo tinh thần khiết tịnh của lời khấn dòng đã giúp cho các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế biết tự chủ và kiềm chế được các ý nghĩ, hành động và lời nói của mình, để không làm tổn thương đến đời sống hôn nhân của mình. Đồng thời cũng giúp họ không coi người bạn đời như đối tượng để thỏa mãn những đòi hỏi tính dục của mình, nhưng là yêu thương và tôn trọng lẫn nhau và cùng giúp nhau thêm lòng yêu mến Chúa và đồng loại hơn. Nói tắt, tinh thần lời khấn khiết tịnh giúp họ trung thành hoàn toàn với nhau trong đời sống hạnh phúc lứa đôi như Chúa muốn.

c) Tinh thần khó nghèo: Đặc biệt nhất là tinh thần lời khấn khó nghèo Phanxicô, một điểm đụng chạm trực tiếp tới cuộc sống thực tế nhiều nhất. Khi sống trong bậc giáo dân ở giữa lòng đời, các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế vẫn sống và sinh hoạt trong các lãnh vực bình thường như tất cả mọi người bình thường khác, nhưng với tinh thần khó nghèo Phanxicô họ lại sống và sinh hoạt một cách không bình thường. Nói cách khác, dù phải sinh nhai kiếm sống bằng tất cả mọi nghề nghiệp thuộc mọi lãnh vực và dù phải tranh đấu vật lộn với mọi khó khăn trắc trở của cuộc sống như mọi người khác, nhưng tinh thần lời khấn khó nghèo Phanxicô là ánh sáng chiếu soi và hướng dẫn họ tranh đấu và vật lộn với cuộc sống một cách hợp lý, đầy tin tưởng và nhân hậu, đúng theo tinh thần bác ái Kitô giáo, giúp cho họ sinh nhai kiếm sống đúng với luật công bằng và nhân ái của Phúc Âm. Nói một cách cụ thể, tinh thần khó nghèo Phanxicô hướng dẫn các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế biết làm ăn sinh sống một cách lương thiện: Không tham lam hay chiếm đoạt của cải thuộc người khác, không lừa đảo phỉnh gạt, không mánh khóe gian manh một cách bất công trong khi hành nghề kiếm sống; những gì họ có được phải tuyệt đối là của lương thiện. Tiếp đến, với tinh thần khó nghèo Phanxicô, các Anh Chị Em Phan Sinh không coi các của cải của gia đình họ là của riêng một cá nhân, dù chính cá nhân ấy đã trực tiếp tạo nên chúng đi nữa, nhưng là của cải chung của mọi thành viên trong gia đình: Chồng, vợ, và con cái. Và cũng chính tinh thần khó nghèo ấy giúp họ biết tự chủ, biết tự kiềm chế và hành động khiêm tốn trong cuộc sống và cũng như trong các cách cư xử, nghĩa là khi giàu có không khoe khoang, tự cao tự đại, khinh người hay ích kỷ, nhưng giàu lòng từ thiện và biết quảng đại chia sẻ với các anh chị em đồng loại đang trong cơn túng cực, theo gương thánh Phanxicô xưa, vì họ luôn xác tín được rằng mọi của cải họ có được đều là của Chúa, còn họ chỉ là người quản lý các của cải ấy mà thôi; còn khi chẳng may phải thất thế và thua thiệt hay mất mát trong quá trình làm ăn và phải sống thiếu thốn, nghèo khổ, thì luôn biết vui vẻ chấp nhận để học hỏi thêm kinh nghiệm, nhất là biết tín thác vào sự an bài đầy tình thương của Chúa và nỗ lực vượt ra khỏi cơn thử thách để tiến lên, chứ không tuyệt vọng, ngã lòng hay buông xuôi và không phàn nàn hay oán trách bất cứ ai, và tuyệt đối không đành tâm làm những chuyện xằng bậy bất chính. Vì hơn ai hết, họ luôn ý thức được lời dạy của cổ nhân: „Đói cho sạch, rách cho thơm“. Ở điểm này, chính Đức Khổng Tử cũng đã chí lý dạy: „Quân tử cố cùng“: Người hiền đức trong cảnh cùng khốn vẫn giữ mình lương thiện; chỉ có: „Tiểu nhân cùng tư lạm hỹ“: kẻ tiểu nhân thì khi gặp cơn khốn cùng là làm những chuyện xằng bậy.(36)

Để giúp nhau sống và thực hành tinh thần ba lời khấn dòng trên, nhất là tinh thần khó nghèo Phanxicô, Hội Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế đã có một Nội Quy khá chặt chẽ, nhưng hợp lý, phù hợp với cuộc sống giáo dân trong bậc gia đình, như:

• Các giờ chầu Thánh Thể,

• Các giờ kinh nhất định tại các gia đình với những lời kinh riêng và những bài hướng dẫn suy gẫm sâu xa.

• Các cuộc hội thảo định kỳ về các chủ đề nhất định.

• Học hỏi Kinh Thánh.

• Gặp gỡ, thăm viếng, an ủi và động viên nhau trong cuộc sống đời thường cũng như trong cuộc sống đức tin với tinh thần huynh đệ chân thành theo gương thánh Phanxicô.

Nhưng dĩ nhiên, Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế không chỉ dừng lại trong các sinh hoạt tinh thần mang tích cách nội bộ như trên, nhưng họ còn phụ trách những công tác tông đồ giáo dân, thực thi các việc từ thiện bác ái. Họ chia nhau đi thăm viếng các gia đình nghèo khổ, các người già cả, neo đơn hay đau ốm trong các thôn xóm, và dù chính họ cũng là những người nghèo, họ còn tìm cách giúp đỡ cả về mặt vật chất cho những người đang trong cảnh quá túng thiếu, theo khả năng kinh tế hạn hẹp của họ.


Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1963-2013) Hội Dòng Ba Phanxicô hay Hội các Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế của giáo xứ Tân Bình, trước hết, tôi xin thành thật chia vui với tất cả mọi thành viên của quý Hội và cầu chúc ơn Chúa, sự thánh thiện, ý chí nên thánh qua việc thực thi tinh thần ba lời khấn dòng theo gương thánh tổ phụ Phanxicô; và tiếp đến, tôi cũng xin chúc mừng Giáo xứ Tân Bình đã vinh dự có được Hội Dòng Ba Phanxicô ngay giữa lòng Giáo xứ, một Hội Đoàn thánh thiện và năng động trong mọi sinh hoạt tông đồ của Giáo xứ. Và chớ gì tất cả chỉ vì: „Ad majorem Dei gloriam“: Để làm sáng danh Thiên Chúa hơn!

_________________________

Chú thích:

33.Các Tu Sĩ thuộc ngành Cordeliers là những Tu Sĩ Phanxicô, một đàng chủ trương rằng cộng đoàn Tu Viện được phép có của cải và bất động sản, đàng khác họ lại chủ trương là các Tu Sĩ phải giữ nghiêm ngặt đời sống khó nghèo, đúng với quan điểm của Đấng Sáng Lập. Vì thế năm 1517 các Tu Sĩ này đã tách ra sống riêng và lập nên ngành thứ ba này, và đã được Đức Thánh Cha Leo X chấp nhận.

34.Thánh Clara Assisi, tên thật là Chiara dei Scifi, được sinh ra vào khoảng năm 1193 tại Assisi cũng trong một gia đình quý tộc giàu sang, và năm 1211 Chiara đã sốt sắng xin sống theo lý tưởng từ bỏ và nghèo khó của thánh Phanxicô. Năm 1253 Clara qua đời và hai năm sau đó Đức Thánh Cha Alexandre IV phong bà lên bậc hiển thánh.

35.Tên Phan Sinh là từ được phát âm trại ra từ Phanxicô.

36.Sách Luận Ngữ: Thuật-Nhi, VII.

Lm.Gioan Bosco Nguyễn hữu Thy – vietcatholic.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét