Trang

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Đức tính anh hùng của Đức Bênêđíctô XVI


Đức tính anh hùng của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An2/27/2013


“Tôi chỉ muốn có nhiều hơn để cho đi”, một linh mục cao niên Dòng Tên đã nói như thế tại một cuộc tụ tập của cộng đoàn vài ngày trước khi lên đường nhập viện dưỡng lão. Người ta dễ thấy việc Đức GH Bênêđíctô có cùng một tâm tư như thế trong những ngày cuối cùng tại chức. Thời gian để Đức HY Joseph Ratzinger làm Đức Thánh Cha đã tới lúc chấm dứt; ngài đã hoàn toàn đuối sức. Ấy thế nhưng đối với tôi, ngài sẽ luôn luôn là người anh hùng. Tôi không nói ngọt đâu, mà tôi cũng không mong mọi người có cùng một ấn tượng như tôi. Ít ai đoán được một ông già nhỏ bé, được bầu cách nay 8 năm, lại sẽ sống đúng như điều tôi vừa nói. Chính ngài có lẽ cũng không đoán được thế, nên đã cố ý chọn tên một vị giáo hoàng đã lui hẳn vào lịch sử tuy đã làm hết sức cho nền hòa bình của thế kỷ trước. Khi đảm nhiệm ngôi tòa Phêrô, Đức GH Bênêđíctô XVI nói với ta rằng Dân Chúa chúng ta nên chấp nhận con người mà ngài tự biết từ lâu chỉ là “một lao công tầm thường, khiêm hạ trong vườn nho Chúa”. Khi tuyên bố từ nhiệm, ngài xin người ta “tha thứ các thiếu sót” của mình. 

Nền văn hóa bình dân của ta đầy rẫy những ước nguyện công khai muốn có người anh hùng. Chứng cớ đọc thấy man vàn nơi các chính khách, nơi các vận động viên thể thao, nơi các siêu anh hùng trong các siêu phẩm điện ảnh. Siêu anh hùng thì chắc chắn không phải là Đức GH Bênêđíctô, vì làm gì có thứ siêu anh hùng ấy. Tuy nhiên, ngài không ngừng chỉ cho thấy Đấng Mêxia thực sự. Trong sự trung trinh của ngài, Đức GH Bênêđíctô nắm được yếu tính của đức anh hùng Kitô Giáo: khiêm hạ, âu yếm hy sinh trong việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô và Dân của Người. Bất chấp là linh mục, là giáo sư, là chuyên viên, là người bảo vệ tín lý Kitô Giáo hay là giáo hoàng, thừa tác vụ thông thái của Ratzinger cũng đều được đánh dấu bằng đức hào hiệp và ý nguyện đạt tới điều Thánh Inhã gọi là magis, “điều hơn nữa” dẫn tới thánh ý Thiên Chúa. Là một người nổi tiếng về đối thoại và thiện chí suốt cuộc đời, ngài cho ta thấy: đó không phải là những đức tính mềm yếu hay ủy mị, trái lại là những nhân đức mạnh mẽ. Chúng lên năng lực giúp ngài dám đương đầu với cả điều ngài gọi là “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” trong khi lên tiếng với một khả tín tính đến nỗi Thủ Tướng David Cameron của Vương Quốc Thống Nhất cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã khiến xứ sở ông “ngồi dậy và suy nghĩ”. 

Nhìn lại đời ngài, các đức tính ấy không phải chỉ là hồng ân ban cho chức vụ. Chúng là những đức tính từng do cố gắng mà có và được đem ra sống hàng bao thập niên trước khi ngài trở thành giáo hoàng. Là một học giả, Joseph Ratzinger từng nổi tiếng là người nhẫn nại, hiểu biết và cởi mở. Trong một cử chỉ thân hữu lâu đời, ngài vồn vã mời người vốn thách thức mình về thần học là Hans Küng tới Vatican. Ngài kêu gọi Dòng Tên lên “tuyến đầu” và quả quyết với các tu sĩ Dòng Tên đang dự Hội Nghị Toàn Thể lần thứ 35 vào ngày 21 tháng Hai năm 2008 rằng: “Giáo Hội cần anh em, trông cậy vào anh em và tiếp tục hướng về anh em trong tin cậy, đặc biệt để đạt tới những địa điểm thể lý và tâm linh mà người khác không đạt được hay khó khăn lắm mới đạt được”. Như tôi từng trả lời một số người từng bôi lọ Dòng Tên là bất trung: “Vâng, nhưng ít nhất Đức Giáo Hoàng cũng tin chúng tôi!”. 

Đời sống của Ratzinger được dành để theo đuổi và rành mạch hóa chân lý trong mọi sắc thái của nó. Ngài dám làm điều mà không vị giáo hoàng nào khác từng làm, là chịu phỏng vấn cho cuốn sách dài “Ánh Sáng Thế Gian”. Khi được tin về sự bộc trực của ngài, tôi nhớ một người bạn của tôi đã nhận định về “sự ngu đần” khi ngài bình luận về áo mưa ngừa thai. Việc đánh giá đạo đức học phức tạp trong tư cách giáo hoàng này thực ra rất nhất quán với con người lúc còn là một giáo sư trẻ tuổi, một con người không sợ phải nói sự thật trong yêu thương. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chỉ mỉm cười khi có ai đó cho ngài hay người ta đang lỗ mãng đối với các nhận định của ngài. Người anh hùng là người tự chủ đủ để không cho phép bất cứ sự thất thường hay ngu dốt nào của người khác tác động trên mình. Như một bậc thầy của tôi từng nhắc nhở, trong suốt cuộc đời của Ratzinger, gần như không một ai có thể nói rằng ngài đích thân đả kích họ. Với một lòng tự tin giống như “Đức Giáo Hoàng Gioan tốt lành”, ngài đã dẫn dắt Giáo Hội với sự khôn ngoan và dịu dàng. 

Ratzinger có đủ lý do để tự hào vì như Thánh Phaolô viết trong 1Cor 8:1, “kiến thức làm người ta tự hào”, nhưng thay vào đó, đời ngài chứng minh thực tại này: “tình yêu mới xây dựng”. Kiến thức là sức mạnh, cả hai đều được ngài sở hữu dư thừa. Ngài biểu lộ các khả thể anh hùng của sức mạnh khi được qui hướng về lợi lích của Giáo Hội. Các cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng tại nhiều quốc gia khác nhau quả là cảm động. Một nạn nhân hiện diện tại một trong các cuộc gặp gỡ tại Malta cho hay: Đức Giáo Hoàng đã “khóc” với họ tại đấy. 

Việc Ratzinger rời bỏ chức vụ của Phêrô đã thành toàn ơn gọi của ngài như là “đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa”. Xem ra tên lúc rửa tội của Đức GH Bênêđíctô quả là thích hợp. Thánh Giuse, Đấng Che Chở Giáo Hội hoàn vũ, là khuôn mặt anh hùng đã được trao phó cho việc chăm sóc Mẹ Diễm Phúc và Con Thiên Chúa. Nhưng đức anh hùng của Thánh Giuse vốn là một nhân đức giấu kín trong lịch sử; đời ngài là một đời thu nhỏ mình đến độ Thánh Kinh chẳng cho ta biết điều gì đã xẩy ra cho ngài sau biến cố lạc con ở Đền Thờ. 

Trong cuốn Linh Thao, Thánh Inhã tìm cách giúp người ta đáp trả “Lời Kêu Gọi của Đức Vua” sống dưới “Lá Cờ Chúa Kitô” tới độ bị bác bỏ và bước theo Thần Khí Thiên Chúa, Đấng sai ta đi làm mọi điều để Thiên Chúa được hiển vinh hơn. Ta sẽ làm tốt việc đó nếu biết chiêm niệm cuộc đời của Joseph Ratzinger và cầu nguyện cho ngài trong quãng đời cầu nguyện và hãm mình còn lại. Ngài không lạnh lùng sử dụng quyền lực, thứ hành động vốn có của những chính khách nổi tiếng như nhà độc tài Rôma Cincinnatus. Trái lại đây là điều Đức TGM Gomez của Los Angeles gọi là “hành động của một thánh nhân”. Joseph Ratzinger tiến hành công việc trong đức vâng lời đối với Đấng bị đóng đinh vào cây gỗ, chấp nhận sỉ nhục với Người và trong Người. Ngài chắc chắn nhớ rằng Giám Mục đầu tiên của Rôma vốn công khai bị đóng đinh ngược. Nhiều người nghĩ rằng sứ mệnh của Đức GH Bênêđíctô là một sứ mệnh thất bại. Các hoàn cảnh thời ngài làm giáo hoàng không phải là lý tưởng; nhiều mục tiêu trượt khỏi tay ngài. Ấy thế nhưng ta đừng quên rằng một Người khác về cuối đời cũng bị coi là thất bại như thế. Và không đầy tớ nào lớn hơn Chủ mình. 

Nhận định của người không Công Giáo 

Trên đây là các nhận định của Linh Mục John Roselle, S.J. trên tạp chí America, số ngày 26 tháng Hai, 2013. Điều đáng nói là nhiều người không Công Giáo cũng có cùng một nhận định như linh mục Roselle. Theo tin Zenit ngày 26 tháng Hai, Gaia, một tín hữu Chính Thống Giáo tại Moscow cho hay: “tôi cảm thấy một nỗi buồn và một cảm giác mất mát lớn lao. Tôi hy vọng rằng hành động này của Đức Bênêđíctô XVI sẽ là tấm gương yêu thương cho vị tân giáo hoàng, một tấm gương không hề sợ hy sinh”. Ali, một người Hồi Giáo Marốc, thì viết rằng: “Chúng ta đang mất một người hết lòng phục vụ hòa bình và hợp nhất thế giới”. Abdou, một người Hồi Giáo Algeria, cho hay: “Hành động quan trọng như thế này có tính độc đáo chưa từng có. Nó nên dùng làm điển hình cho toàn thể nhân loại”. Racim, cũng là người Hồi Giáo Algeria, phát biểu: “Tôi muốn cám ơn ngài về tất cả những gì ngài đã cống hiến. Tôi hy vọng vị giáo hoàng kế tiếp sẽ luôn có được quan điểm y hệt về tình huynh đệ, về sự cởi mở đối với các tín ngưỡng khác, để xây dựng một thế giới huynh đệ phổ quát”. Còn Metta, một phật tử Thái Lan , thì cho rằng “Được sống với anh chị em Công Giáo, tôi hiểu sâu xa rằng cốt yếu của thừa tác vụ này có tính thiêng liêng, nhưng cũng có rất nhiều khả năng và năng khiếu. Tôi sẽ hiện diện với ngài và các Kitô hữu khác bằng lời cầu nguyện. Tôi cũng cầu nguyện cho việc bầu cử vị giáo hoàng kế tiếp, để Giáo Hội tiếp tục phục vụ lợi ích của nhân loại”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét