Thứ Hai
18/02/2013
Thứ Hai Tuần I Mùa
Chay Năm C
BÀI
ĐỌC I: Lv 19, 1-2. 11-18
"Hãy xét đoán
công minh đối với kẻ khác".
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy nói
cho toàn thể cộng đồng con cái Israel :
Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Các
ngươi đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng phỉnh gạt kẻ khác, đừng lấy danh Ta mà
thề dối, và đừng xúc phạm danh Thiên Chúa các ngươi. Ta là Chúa.
Các ngươi đừng nhục mạ kẻ khác và đừng hà hiếp
họ. Đừng giam tiền công lại cho đến ngày mai. Đừng nguyền rủa người điếc, đừng
đặt trước kẻ mù vật gì có thể làm cho nó vấp ngã; nhưng các ngươi hãy kính sợ
Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Ta là Chúa.
Đừng làm điều bất công, cũng đừng xét đoán bất
công. Đừng thiên tư kẻ nghèo, cũng đừng nể mặt người quyền thế. Hãy cứ công
minh mà xét đoán kẻ khác. Đừng lăng mạ, cũng đừng gièm pha kẻ khác. Đừng mưu
sát ai. Ta là Chúa.
Đừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn
bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Đừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời
mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình. Ta là
Chúa". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15
Đáp: Lạy
Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
1)
Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ
dốt. - Đáp.
2)
Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng
soi con mắt. - Đáp.
3)
Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật,
công minh hết thảy. - Đáp.
4)
Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên
nhan, lạy Chúa là Đá tảng, là Đấng Cứu Chuộc con. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 50, 12a và 14a
Ôi
lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn
cứu độ.
PHÚC ÂM: Mt 25, 31-46
"Những gì các
ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm
cho chính Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận,
Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước
mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên
thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những
người bên hữu rằng: 'Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần
gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì
xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách
lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các
ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'. Khi ấy người lành
đáp lại rằng: 'Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà
cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà
cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến
viếng Chúa đâu?' Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi
đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho
chính Ta'.
"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên
trái rằng: 'Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã
đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta
khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta
mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có
viếng thăm Ta!' Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: 'Lạy Chúa, có bao giờ chúng con
đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con
chẳng giúp đỡ Chúa đâu?' Khi ấy Người đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo cho các ngươi
biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của
Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào
chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn
thu". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Làm Cho Kẻ bé Mọn Là Làm Cho
Cha
Chắc
nhiều người trong chúng ta đã nghe nói về thánh Martin de Porres, Ngài xuất
thân từ gia đình gia đen, thuộc giai cấp nô lệ trong xã hội bên Tây Ban Nha, xứ
Panama vào cuối thế kỷ XVI. Thánh nhân đã được Ðức Gioan XXIII phong thánh năm
1962 và được đặt danh hiệu là: "Vị thánh tiền phong của công cuộc bác ái
xã hội". Thánh nhân đã có lòng yêu thương người từ nhỏ. Lợi dụng những lần
mẹ sai đi chợ mua đồ lặt vặt, Martin đã tằn tiện bớt tiền để còn dư đem biếu
cho những người mà cậu nghĩ là cùng khổ hơn. Khi biết thế, mẹ cậu tỏ vẽ khó
chịu và nhiều lần trách mắng, nhưng dần dần bà tỉnh ngộ đổi ác cảm thành thiện
cảm.
Năm
lên 22 tuổi, Martin xin vào làm việc như một gia nhân ở Dòng Ða Minh, nhưng Bề
Trên nhà dòng thấy chàng có nhiều nhân đức, nên sau một thời gian đã chọn chàng
làm trợ sĩ. Thầy Martin hết sức sống bác ái giữa cộng đoàn. Khi làm xong bổn
phận đối với cộng đoàn, thầy thường hay sang thăm bệnh nhân, nhưng có khi lại
đi lang thang ngoài đường để giúp những người nghèo khổ cô đơn.
Một
hôm đang lúc đi đường, thầy gặp một người quần áo rách tả tơi, mình đầy ung
nhọt hôi hám và mắc phải chứng bệnh đau nhức cùng cực. Thầy bèn cõng người ấy
về phòng riêng của mình trong tu viện, đặt nằm thoải mái trên giường, ra sức
tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống... Thầy chăm sóc bệnh nhân một cách tận tụy
như chăm sóc Chúa Giêsu.
Thấy
vậy, một tu sĩ tỏ dấu bất mãn và lên tiếng trách thầy: "Sao lại đưa đứa ăn
mày ghê tởm về phòng và lo lắng quá sức đàng hoàng như vậy?" Thầy Martin
ôn tồn đáp: "Thưa Thầy, tôi nghĩ việc thường người hoạn nạn còn quí gấp
vạn lần sự sách sẽ. Thầy nghĩ xem, giường chiếu tôi có dơ bẩn thì chỉ mất chút
xà bông là giặt sạch. Nhưng cả một suối nước mắt của nhân loại cũng không đủ để
rửa sạch mọi vết thương do xã hội bất công và ích kỷ gây ra".
Mẫu
gương bác ái và những lời nói của thầy Martin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ðức
cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tuận, tác giả tập sách "Ðường Hy
Vọng" đã giải bày nỗi suy tư của mình về đức bác ái như sau: "Ngày
tận thế, Chúa không xét con về những thành công vĩ đại, những vẻ vang danh dự ở
đời, Chúa Giêsu không dạy con người bằng tình cảm, mà Chúa dạy con yêu kẻ
nghịch con. Yêu là thành thực muốn sự lành cho họ và làm tất cả để họ được diễm
phúc. Ðiều đó đòi buộc con phải hoàn toàn quên mình. Nếu các công việc các con
thực hiện cho mình mà không phải vì Chúa, thì chỉ là những việc làm vô ích,
chẳng công ích gì".
Hãy
yêu thương nhau không bằng lời nói, mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng
tay mặt mà tay trái không biết. Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương
chúng con. Có loại bác ái ồn ào, đó là bác ái kể công. Bác ái kể công là bác ái
tìm cái vinh quang mau qua. Có loại bác ái yêu người, vì họ là hình ảnh của
Chúa Kitô. Ðó là bác ái cao thượng và siêu nhiên. Có loại bác ái theo ý riêng,
đó là bác ái độc tài, bác ái của nhãn hiệu, bác ái của giả hiệu.
Anh
chị em thân mến!
Yêu
mến anh chị em là dấu hiệu và là bằng chứng chúng ta sống tình yêu Chúa. Ai
không yêu mến anh chị em mình, khi chúng ta nhìn thấy được, thì làm sao có thể
yêu mến Chúa, Ðấng mà chúng ta không nhìn thấy. Thánh Gioan đã hỏi người con
tinh thần của mình như thế.
Lời
dạy của Chúa Giêsu được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp cho những
ai chú ý lắng nghe và đem ra thực hành, thì chắc chắn sẽ được tăng thêm lòng
mến mỗi ngày một hơn.
Thật
thế, ngày tận thế Chúa phán xét về đức bác ái, chứ không phải về các thành công
vĩ đại mà chúng ta làm được trước mặt người đời. Chúng ta đừng chờ đợi cho đến
ngày tận thế, cho đến lúc cuối đời rồi nước rút mới chạy đến với Chúa. Chúng ta
cũng đừng nói: "Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền".
Chỉ có tiền mới sống bác ái hay sao? Còn có bác ái của nụ cười, bác ái của sự
thông cảm, bác ái của viếng thăm, bác ái của cầu nguyện. Chúng ta cũng đừng để
đến gần chết mới làm hòa với nhau, mới phân phối của cải. Ðây chính là bác ái
chẳng đặng đừng, bác ái bất đắc dĩ, và chúng ta sẽ hối tiếc vì yêu thương quá
muộn.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con sống yêu Chúa và anh chị em một cách thiết thực hơn, cụ
thể trong cuộc sống hằng ngày. Xin thương giúp con nhìn thấy dung mạo của Chúa
nơi anh chị em, và yêu thương phục vụ họ hết lòng, phục vụ vì Chúa. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần I MC
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Yêu người là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con
người.
Con người hồi hộp và
lo sợ khi phải ra trước tòa án, vì không biết chánh án dựa vào đâu để xét xử.
Người Công Giáo sẽ không ngạc nhiên khi ra trước Tòa Phán Xét vì họ đã biết rõ
tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người: Những gì làm cho tha nhân là
làm cho Thiên Chúa. Thánh Martin de Tours có kinh nghiệm này rõ ràng ngay khi
còn đang sống. Khi thánh nhân gặp một người hành khất ăn xin dưới trời đông
tuyết giá, thánh nhân cố gắng lục lọi trong người xem có cái gì để cho. Sau khi
tìm mãi không được, thánh nhân quyết định lấy thanh gươm, xé chiếc áo chòang
đang mặc làm hai, khóac cho người hành khất một nửa, còn một nửa giữ cho mình.
Đêm đó, trong một thị kiến, thánh nhân thấy Đức Kitô khóac nửa chiếc áo chòang
và cười với ngài.
Các Bài Đọc hôm nay
đặt trọng tâm trong 2 giới răn: mến Chúa và yêu người. Trong Bài Đọc I, tác giả
Sách Levi kêu gọi mọi người phải nên thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh. Để nên
thánh, con người phải thực thi hai giới răn mến Chúa yêu người. Trong Phúc Âm,
Thánh Matthew tuyên bố rõ ràng tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người
là yêu thương tha nhân bằng hành động: điều gì con người làm cho tha nhân là
làm cho Chúa; điều gì con người từ chối không làm cho tha nhân là không làm cho
chính Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mến
Chúa và yêu người là con đường nên thánh.1.1/ Ơn gọi nên thánh là của tất cả mọi người: Đức Chúa phán với ông Moses rằng: "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái
1.2/ Làm sao để nên thánh? Như đã nói trên, giữ cẩn thận Lề Luật, nhất là hai Lề Luật: mến Chúa yêu người, sẽ giúp con người trở nên thánh thiện. Ngược lại, không giữ cẩn thận các Lề Luật, làm con người ra tội lỗi.
(1) Những điều không được làm: Tất cả các điều liệt kê hôm nay chỉ là làm cho rõ các điều răn trong Thập Giới được Thiên Chúa ban qua Moses:
- Điều răn thứ hai: Các ngươi không được lấy danh Ta mà thề gian:
làm thế là các ngươi xúc phạm đến danh Thiên Chúa của các ngươi.
- Điều răn thứ bảy: Chớ lấy của người. Các ngươi không được trộm
cắp, không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người
làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng.
- Điều răn thứ tám: không được nói dối, không được lừa gạt đồng
bào mình. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên
vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công
minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ,
không được ra toà đòi người đồng loại phải chết.
(2) Những điều
phải làm:
Để đơn giản hóa và dễ thi hành, Thập Giới được tóm trong hai:
- Điều răn thứ nhất: Phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi.
- Điều răn thứ hai: Phải yêu đồng loại như chính mình. Ngươi
không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân. Ngươi không
được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào,
như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán
hận những người thuộc về dân ngươi.
2/ Phúc Âm: Yêu
người là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét.
Đa số nhân lọai đều tin vào định luật nhân quả: Nếu chúng ta làm
ích lợi cho tha nhân, chúng ta sẽ được thưởng ở cả đời này và đời sau; nếu
chúng ta gây thiệt hại cho tha nhân, chúng ta sẽ phải lãnh nhận hình phạt ở cả
đời này và đời sau. Người Công Giáo chúng ta cũng tin như thế, và chương 25 của
Matthew củng cố niềm tin này. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: điều gì chúng
ta làm cho tha nhân là chúng ta làm cho Ngài; và điều gì chúng ta không làm cho
tha nhân là chúng ta không làm cho Ngài. Đây chính là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ
dùng để phán xét con người trong Ngày Chung Thẩm.
2.1/ Những gì ta
làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa:
- Chúa phán xét: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng
Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói,
các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi
đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã
thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."
- Người công chính thắc mắc: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy
Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà
tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau
yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?"
- Chúa cắt nghĩa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các
ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các
ngươi đã làm cho chính Ta vậy."
2.2/ Những gì ta
từ chối không giúp anh chị em là không giúp chính Chúa:
- Chúa phán xét: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà
vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta
đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho
mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."
- Kẻ ác nhân thưa lại: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy
Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà
không phục vụ Chúa đâu?"
- Chúa cắt nghĩa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các
ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi
đã không làm cho chính Ta vậy."
Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công
chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Mến Chúa và
yêu người qua hành động là con đường đơn giản để nên thánh.- Nếu chúng ta yêu tha nhân như chính mình và biểu tỏ tình yêu này trong mọi hành động, chúng ta sẽ không lo ngại khi ra trước Tòa Phán Xét.
- Lối sống ích kỷ của con người hiện đại là con đường chắc chắn đưa tới sự hủy diệt cả đời này và đời sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
18/02/13
THỨ HAI TUẦN 1 MC
Mt
25,31-46
LÀM
CHO CHÍNH CHÚA
“Khi Con Người đến
trong vinh quang của Người… Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người,
và Người sẽ tách biệt họ với nhau.” (Mt 25,12)
Suy niệm: Tin đồn thất thiệt về ngày tận thế
(21/12/2012) vừa qua đã làm không ít người cảm thấy lo lắng và bất an. Gõ “ngày tận thế” vào mục tìm kiếm trên mạng
Google, ta sẽ có được hàng triệu kết quả. Nhưng nếu tìm những từ đó ở mục tìm
kiếm của cuốn Kinh Thánh, thì ta sẽ tìm thấy một lộ trình rõ ràng. Đỉnh điểm
của ngày ấy là cuộc quang lâm của Con Người “để
phán xét kẻ sống và kẻ chết” (Kinh Tin Kính). Vị Thẩm phán sẽ tách
biệt hai nhóm người: được chúc phúc và bị
nguyền rủa. Cả hai nhóm đều bị xét xử dựa trên một tiêu chuẩn duy
nhất: đã làm hay không làm điều tốt lành cho những người lân cận, bởi vì đó là
đã làm hay không làm cho chính Chúa.
Mời Bạn: Đức Giêsu tiếp tục
đồng hóa mình với những anh chị em khốn khổ, nghèo hèn; và sự đồng hóa ấy sẽ
làm nhiều người bất ngờ. Vì thế, việc chuẩn bị cho ngày tận thế, không phải là
tìm nơi trú ẩn an toàn, tích trữ thật nhiều lương thực trong những ngày tăm
tối, nhưng từ bây giờ, hành trang cần chuẩn bị là đức tin và đức ái. “Đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa
thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành thân cận của chúng ta trên đường
đời” (Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Cửa Đức Tin, 14).
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhận ra Đức
Kitô nơi những người bất hạnh, nghèo khổ mình gặp gỡ mỗi ngày và luôn sẵn sàng
tìm mọi phương cách giúp đỡ họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con
đức tin mạnh mẽ để xác tín rằng mỗi khi con làm điều lành cho một người bé nhỏ,
là làm cho chính Chúa. Amen.
LÀM CHO CHÍNH TA
Chúng ta sẽ
bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu. Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở
nhà thương, nhà tù, nơi trại tị nạn, nơi gần một tỷ người bị đói trên thế
giới...
Suy niệm:
Thi hào
Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50, có
kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe. Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua
bước xuống. Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật
nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh. Người
hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu. Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một
hạt vàng rất nhỏ. Anh khóc vì tiếc mình đã
không cho ngài tất cả những gì mình có. Có khi
nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không? Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn
xin không?
Trên
chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling
ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,
Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được
một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto. “Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất
cả và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài
nơi những người nghèo nhất”. Chị đã viết như
thế, và chị còn giải thích thêm: “Thiên Chúa
gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu bằng cách phục vụ
Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.” Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở
khu ổ chuột. Chị đã cho Ngài tất cả và chị
không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.
Bài Tin
Mừng hôm nay hẳn đã chi phối đời của chân phước Têrêsa Calcutta. Bài này cũng hợp với Mùa Chay, mùa chia sẻ, mùa làm việc bác
ái. Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối
hiện diện khác của Đức Giêsu. Ngài không chỉ
hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội, mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần
truồng, đau yếu, ngồi tù. Khuôn mặt của Ngài
xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng, nhưng đầy nét đau
khổ, nhục nhằn, phiền muộn. Đức Giêsu ở đây
không phải là người ban phát đầy quyền năng, mà
là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một
trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài gọi những
người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài. Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ
chính Ngài. Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận
thế dựa trên tình yêu. Hôm nay ta có thể gặp
Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tị nạn, nơi gần một tỷ người
bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng. Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà
chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô
túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua
sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự
bất công
chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng
con. Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất
cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có
quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu
hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá
điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư
làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta
đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:
- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?
Thiên thần trả lời:
- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.
Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên của mình có trong sách không.
Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên ông.
Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng, ông nói với thiên thần:
- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên thần chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Tối hôm sau, thiên thần lại hiện ra và mở quyển sổ vàng cho vị tu sĩ xem, lần này ông thấy tên mình dẫn đầu danh sách những người yêu Chúa.
Sau khi vị tu sĩ gia qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi”.
Từ khởi đầu, dường như Thiên Chúa đã muốn tạo dựng cho con người một thiên đàng vĩnh cửu trên trần gian này. Trong cơn gió nhẹ của mỗi buổi chiều tà, Thiên Chúa đến truyện vãn với con người, đó là hình ảnh một hạnh phúc vô biên mà con người có thể hưởng nếu ngay từ trần gian này. Thế nhưng khi con người chối từ mối liên lạc với Thiên Chúa và chối bỏ chính mình, con người cũng đánh mât hạnh phúc ấy. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để tái lập thiên đàng tại thế ấy cho con người, Ngài nói với con người rằng con người sẽ có được thiên đàng ấy khi nó biết xây dựng sự hài hoà với Thiên Chúa và với con người. Và vì Thiên Chúa tự đồng hoá với con người, nên chính trong sự hài hoà với tha nhân, con người gặp gỡ Thiên Chúa và tìm lại được thiên đàng đã mất.
Có biết bao ý thức hệ và triết thuyết hứa hẹn cho con người một thiên đàng tại thế, nhưng thứ thiên đàng ấy đã khong bao giờ đền, mà thay vào đó chỉ là hoả ngục của hận thù và chết chóc mà thôi. Làm sao có thể xây dựng được thiên đàng khi người ta chối bỏ hay chà đạp tha nhân, làm sao có thiên đàng khi người ta lấy hận thù làm men cho xã hội. Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó là thiên đàng, nhưng ở đâu có tha nhân thì ở đó cũng có Thiên Chúa, bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi gặp gỡ với tha nhân, mỗi nghĩa cử làm cho tha nhân là một bước tiến vào thiên đàng ngay từ cuộc sống này.
Xin cho chúng ta cảm nếm được hạnh phúc đích thực khi phục vụ tha nhân, và xin cho chúng ta luôn ý thức tha nhân chính là nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
18 THÁNG HAI
Bạn Có Nghe Ngài Gõ Cửa?
“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2, 12). Đó là tiếng
gọi của Thiên Chúa cho riêng từng người trong Giáo Hội. Thiên Chúa kêu gọi mỗi
chúng ta trở về với Ngài. Đấy là sứ điệp của mọi mùa Chay. Đó là lý do tại sao
mùa Chay được gọi là một ‘nhịp mạnh’. Trong mùa này, hơn bất cứ lúc nào khác,
chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Ngài kêu gọi. Ngài gõ vào cánh cửa tâm hồn
ta.
Thiên Chúa muốn chiếm lấy chúng ta. Tình yêu của Ngài dành cho
chúng ta thật quá đỗi thâm trầm, vì Ngài biết từng người trong chúng ta đến tận
những đáy sâu thẳm nhất. Ngài biết rằng mãi mãi chúng ta còn khắc khoải bao lâu
chưa trở lại cùng Ngài. Vì thế, đây cũng là một tình yêu ‘hay ghen’(cf. Ge 2,
18). Tình yêu ‘hay ghen’ ấy của Thiên Chúa làm nên bầu khí của mùa Chay, từ Thứ
Tư Lễ Tro cho đến Tam Nhật Thánh.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 18-2
Lv 19,1-2.11-18; Mt 25, 31-46
LỜI SUY NIỆM: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các
thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân
thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau,
như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn
dê ở bên trái.” (Mt 25,31-33).
Chúa
Giêsu nói rõ cho chúng ta biết chính Ngài sẽ đến trong ngày sau hết với
đầy vinh quang, Ngài sẽ xét xử và phân loại con người theo tiêu chuẩn về cách
sống của từng người khi sống với nhau, có quan tâm đến nhu cầu sống như: cơm
ăn, áo mặc, nơi trú ngụ, và nhất là thăm viếng giúp đỡ nhau trong lúc bệnh tật
tù đày. Cần nhận ra những người chúng ta gặp, Họ đều là những người do Thiên
Chúa tạo dựng trong yêu thương và cứu độ. Trong mọi cách chúng ta cư xử với
người đồng loại thế nào thì phải biết: Chúa đang đồng hóa những người đó
chính là Ngài. Ước gì mỗi người Ki-tô hữu của chúng ta trong mọi công việc
chúng ta làm cho mình và tha nhân luôn là vì Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18
Tháng Hai
Hai Biển Hồ
Palestina có tới hai biển hồ... Hai biển hồ
này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là
một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có
thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi.
Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này... Chúa Giêsu đã gặp gỡ
với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi
thuyền xuyên qua biển hồ này.
Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết.
Ðúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ
này. Nước mặn đến nỗi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải.
Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.
Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận
nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ
Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh
để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của nó luôn luôn trong sạch và
mang lại sức sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con người.
Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan,
nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.
Thánh Phaolô đãghi lại lời vàng ngọc của
Chúa Giesu như sau: "Cho thì có phúc hơn nhận lãnh". Thật ra, càng
trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn.
Một
đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh
lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới
thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập
vui sướng...
Càng
trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi
lĩnh vức. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng
của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng. Thiên
Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và như
vậy, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực... Cũng như biển hồ Galilêa
tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung
quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt, cũng thế, sự sống chúng ta lãnh
nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho
người khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn và
chết dần chết mòn.
(Lẽ Sống)
Thứ Hai 18-2
Thánh Simêon
(c. 107)
Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở
Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát cho đến khi Hoàng Ðế Hadrian sau đó đã san bằng Giêrusalem.
Thánh Epiphanius và Eusebius kể rằng giáo hội ở đây đã phát triển cách đáng kể, và nhiều người Do Thái đã tòng giáo sau những phép lạ của các thánh. Khi Vespasian và Domitian ra lệnh tiêu diệt tất cả những ai thuộc dòng dõi Ðavít, Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Ðavít mà còn là một Kitô Hữu, và ngài đã bị đưa ra trước Atticus, quan tổng trấn Rôma. Ngài bị kết án tử hình và, sau khi bị tra tấn, ngài đã chết treo trên thập giá.
Mặc dù ngài thật cao tuổi - truyền thống nói rằng ngài sống đến 120 tuổi - nhưng sự can đảm chịu đựng tra tấn mà không chối bỏ đức tin của ngài đã khiến ngay cả Atticus cũng phải thán phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét