Trang

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

07-02-2013 : THỨ NĂM TUẦN IV MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Năm 07/02/2013
Thứ Năm Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ
Mc 6,7-13


BÀI ĐỌC I: Dt 12, 18-19. 21-24
"Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống".

 Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
            Anh em thân mến, Không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Cảnh tượng thật hãi hùng, đến nỗi Môsê thốt lên: "Tôi đã kinh khiếp và run sợ". Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu Abel. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 9. 10-11.

Đáp: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài (c. 10).

1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu. - Đáp.
2) Núi Sion là cùng kiệt phương bắc, là thành trì của Đức Đại Đế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Ngài, tự chứng tỏ Ngài là an toàn chiến luỹ. - Đáp.
3) Chúng tôi đã nhìn thấy, như đã nghe kể lại, trong thành trì của Chúa thiên binh, trong thành trì của Thiên Chúa chúng tôi: Thiên Chúa kiên thủ thành đó tới muôn đời. - Đáp.
4) Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh. - Đáp.

 ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu sai các ông đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
            Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Sứ mệnh tông đồ

Một tôn giáo chỉ tồn tại, nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người gia nhập. Kitô giáo do Chúa Giêsu thiết lập cũng nằm trong diện đó. Dưới con mắt Chúa, mỗi linh hồn đều có giá trị như nhau và mỗi người đều được sai đi tìm những con chiên lạc và dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người, không phải để bị vất vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu vào kho lẫm. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến thế gian chính là đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Từ trước tới giờ, Ngài vẫn làm việc đó một mình, nhưng nay vì tính cách khẩn thiết của việc tông đồ, Ngài cần có những con người cộng tác: Mùa gặt bề bộn, mà thợ gặt thì ít. Sứ mệnh tông đồ từ nay được trao cho họ. Sứ mệnh đó thật cao cả và cấp bách, vì thế Chúa đòi hỏi nơi họ sự thoát ly trọn vẹn, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Ra đi một cách thảnh thơi, không bồn chồn, không bối rối, không bận tâm đến bị, đến tiền. Không những thế, họ còn phải hy sinh tất cả cho sứ mệnh, đo lường mọi sự theo lợi ích của Nước Thiên Chúa. Họ chấp nhận giao tiếp với thế gian nếu đó là cơ hội để phổ biến sứ điệp, họ không mưu cầu tư lợi, nhưng dũ bỏ hết những gì không liên quan đến sứ mệnh, chỉ như thế, họ mới có thể đạt tới trình độ siêu thoát và dễ dàng chinh phục các linh hồn về cho Nước Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng được kêu gọi vào sứ mệnh tông đồ, chúng ta có ý thức sứ mệnh cao cả ấy không? Các linh hồn được cứu rỗi hay bị luận phạt, một phần lớn tùy thuộc vào đời sống của chúng ta. Ðiều đó có thể làm chúng ta run sợ, nhưng nếu chúng ta nhiệt tâm mở rộng Nước Chúa nơi các tâm hồn, chúng ta sẽ được an tâm, không ai có thể trách chúng ta đã đùa giỡn với số phận đời đời của họ, và các linh hồn sẽ là triều thiên cho chúng ta trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.

Chúng ta hãy sống kết hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng ta càng có khả năng chu toàn bổn phận người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt tình cho Nước Chúa trị đến.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ - Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 4 TN, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Để một người có thể hy sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có ngày ra trường thành tài.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái nhắc nhở các tín hữu ngày được dự hội vui với Thiên Chúa, Đức Kitô, các thiên thần, các Tổ-phụ, và các Kitô hữu khác trong Thành Jerusalem trên trời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa 2 Giao Ước Cũ và Mới

1.1/ Giao Ước Cũ trên Núi Sinai: Tác-giả nhắc lại sự kiện Thiên Chúa gặp gỡ dân trên Núi Sinai (Exo 19:16-23) “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Moses phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!”
(1) Thiên Chúa tỏ uy quyền trên con người: Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người: Ngài qúa uy quyền và thánh thiện trong khi con người quá nhỏ bé, yếu đuối, và tội lỗi.
(2) Thiên Chúa cách biệt với con người: Ai nhìn thấy hay tới gần Thiên Chúa, kẻ đó sẽ phải chết. Ngài chỉ nói với con người qua người trung gian là Moses. Ngài đã trao cho con người Thập Giới và truyền phải thi hành.
(3) Thiên Chúa làm con người phải kinh hòang và sợ hãi: Họ không thể nhìn uy quyền của Thiên Chúa và nghe tiếng của Ngài.

1.2/ Giao Ước Mới trên Núi Sion: “Nhưng anh em đã tới Núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Jerusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng Vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.”
(1) Gia đình của Thiên Chúa là Thành Jerusalem trên trời: Núi Sion là kinh thành của Đức Đại Vương. Tác giả liệt kê các thành phần của gia đình Thiên Chúa:
- Các thiên thần: là những sứ giả của Thiên Chúa, đêm ngày họ không ngừng ca tụng vinh quang của Ngài.
- Các con đầu lòng của Thiên Chúa: là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Con đầu lòng là người được thừa hưởng gia tài của người cha. Thường thường, danh hiệu này dùng ở số ít để chỉ tước hiệu đặc biệt của Chúa Giêsu: Người là Trưởng Tử sinh ra trước mọi lòai thọ tạo (Col 1:15). Người là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu (Col 1:18). Tác giả dùng danh hiệu ở số nhiều, có thể để ám chỉ những người công chính của Cựu Ước mà tác giả đã đề cập đến trong chương 11, những người mà đã được thừa hưởng những lời hứa chúc lành (Heb 6:12).
- Các linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện: tất cả những người Kitô hữu khác.
(2) Thiên Chúa ở với con người: Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Ngài bắt đầu Giao Ước Mới và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa. Ngài vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh tòan hảo. Chính vì thế, Ngài làm cho mối liên hệ hai bên được tiến lại gần nhờ máu của Người đổ ra trên Thập Giá.
(3) Thiên Chúa yêu thương: Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con đổ máu để chuộc tội cho con người. Tác giả so sánh máu của Abel và máu của Chúa Giêsu. Máu của Abel kêu gọi sự báo thù (Gen 4:10); máu của Chúa Giêsu mang tha thứ mọi tội và mang con người tới Thiên Chúa (Heb 10:19). Sự hy sinh của Ngài là lý do tại sao con người được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với 2 lời truyền:

2.1/ Hành trang mang theo trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
            Có nhiều cách giải nghĩa lệnh truyền này của Chúa; nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các Tông-đồ phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới; và lời rao giảng không lệ thuộc vào vật chất sẽ hiệu quả hơn.

2.2/ Thái độ của người rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
            Cùng một lối giải thích như trên, người Tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người Tông-đồ nhắm đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong mùa gặt.

Những việc làm chính của các Tông-đồ:
(1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
(2) Trừ quỷ: Giúp con người thóat khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho ma quỉ, để sống đời sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi.
(3) Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.


ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta có một lý tưởng cao cả để theo đuổi là được đòan tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng.
- Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm mất tất cả.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


THỨ NĂM  TUẦN IV THƯỜNG NIÊN  
 Mc 6, 7- 13

1. Ghi nhớ: Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (Mc 6, 12 -13)
2. Suy niệm: Người Tông đồ là người được nhận sứ mạng từ Chúa Giêsu. Các ông cũng không phải là người trên mây trên gió nhưng các ông là con người của thực tại. Chúa Giêsu ban cho các ông quyền rao giảng lời Chúa. Những lời rao giảng ấy không phải là những lý thuyết suôn nhưng được minh chứng bằng những việc làm cụ thể là xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật. Người môn đệ của Chúa không phải là người vô cảm với nỗi đau của anh chị em đồng loại nhưng biết đem lời Chúa và hành động theo lời Chúa nhằm xoa dịu những đau khổ.
Người Kitô hữu cũng vậy, không phải chỉ sống cho thiên đàng mai sau, nhưng biết cùng nhau chia sẻ để vượt qua những thử thách trong đời sống, trần gian này là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Sống lời Chúa bằng việc sống trọn vẹn công việc hằng ngày.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đem đến ơn giải thoát cho chúng con, xin cho chúng con biết vượt qua những sợ hãi trong đời sống vì chúng con tin rằng Chúa luôn đồng hành với chúng con.
www.giaophanvinhlong.net
07/02/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,7-13

SỨ MẠNG RAO GIẢNG
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.(Mc 6,12)
Suy niệm: Qua Bí Tích Rửa tội, người Kitô hữu được lãnh nhận 3 chức vụ: Tư tế, Vương đế và Ngôn sứ. Do đó sứ mệnh Rao Giảng hay Truyền giáo làm nên bản chất của Kitô hữu. Họ hành động với lòng nhiệt thành các đặc sủng: giải phóng tâm hồn bị ràng buộc bởi tội ác – chữa lành bệnh tật thân xác - khơi dậy lòng sám hối – làm tăng trưởng Đức Tin và cải thiện đời sống. Bạn có tin rằng nếu mỗi Kitô hữu trung thành với sứ vụ Ngôn sứ của mình thì chẳng bao lâu Giáo Hội sẽ được phát triển và lớn mạnh không?
Bạn nghĩ sao về sứ mệnh mà bạn đã lãnh nhận ngày Bạn chịu ơn Bí tích Rửa Tội? Rao giảng Tin Mừng là gì, nếu chẳng phải là loan báo và làm chứng cho mọi biết người Chúa yêu thương họ ? Nhưng để cho lời chứng của chúng ta trở nên “khả tín” chính chúng ta phải sống và cảm nghiệm tình yêu đó trước đã! Miệng chỉ nói ra điều gì tràn đầy trong lòng.
Chia sẻ: Bạn muốn trở nên Tông đồ của Chúa không? Tông đồ không phải là một công chức chỉ làm việc theo giờ hành chánh mà là người tự nguyện lo cho việc Nước Trời vì Chúa đã nói: “Điều gì anh em đã nhận lãnh cách nhưng không thì phải trao ban lại cách nhưng không” (Mt 10,8).
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người bạn lương dân được ơn nhận biết Chúa và xin cho mình sẵn sàng làm chứng về Chúa cho người ấy.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin Ngài hãy mở tâm lòng khép kín của con ra! Ước chi tiếng kêu thảm thiết của Thánh Tông Đồ Phaolô vang vọng mãi trong tâm hồn con: “Khốn cho tôi, nếu tôi không Rao giảng Tin Mừng”!
www.5phutloichua.net

KHÔNG ĐƯỢC MANG GÌ.
Chẳng ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ. Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo hội đến phục vụ con người, luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.
Suy nim:

            Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng và trừ quỷ (Mc 3, 14-15). Bây giờ, sau một thời gian sống gần gũi bên Thầy, đã đến lúc họ được sai đi để làm những điều họ thấy Thầy làm: kêu gọi người ta hoán cải, trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh nhân (cc. 12-13). Các môn đệ trở nên cánh tay nối dài của Thầy. Họ được Thầy Giêsu tin tưởng cho chia sẻ cùng một sứ mạng.
            Các môn đệ mang gì khi lên đường? Một lệnh sai đi, một người bạn đồng hành, một quyền lực trên thần ô uế. Đức Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa. Tất cả hành trang chỉ có thế! Những thứ bị cấm mang khi đi đường là những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết: lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong. Như thế người được sai đi phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa lo liệu, và phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng tốt mỗi ngày của tha nhân. Nhẹ nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi. Siêu thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất. Người tông đồ cũng không dính bén đến cơ sở hay tiện nghi. Họ không tìm cách đổi chỗ ở để có chỗ tốt hơn (c. 10). Hơn nữa họ chấp nhận sự thất bại, sự từ chối không muốn đón tiếp (c.11), vì chính Thầy của họ cũng đã chịu cảnh ngộ tương tự ở quê nhà. Nhóm Mười Hai đã ra đi theo lệnh Thầy Giêsu và đã làm được những điều họ không dám mơ (cc. 12-13). Họ đã học được kinh nghiệm về tin tưởng, khó nghèo, siêu thoát.Họ đã thấy sức mạnh của Nước Trời đang thu hẹp lại mảnh đất của Satan. Họ đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân và người khao khát Tin Mừng.
            Giáo Hội mọi thời vẫn được nhắc nhở từ đoạn Lời Chúa trên đây. Chẳng ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ. Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo hội đến phục vụ con người, luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.
            Hôm nay Chúa cho phép tôi được mang gì  và cấm tôi mang gì?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đuờng nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm đuợc những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm đuợc viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đuờng, nhẹ nhàng và thanh thoát.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Nếp sống nghèo cần thiết
Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. (Mc. 6, 7-8)
Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Các ông đã được thấy Chúa làm, nghe Chúa nói, thì giờ đây đến lượt các ông nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày Lễ Hiện Xuống công việc này mới kết thúc – nhưng các ông đã có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.
Khi sai đi truyền giáo, Đức Giêsu đã dặn dò, chỉ thị cho các Tông đò nhiều điều. Chúng ta sẽ lưu ý hai sự kiện có ý nghĩa này: dặn dò sống khó nghèo và làm cho xong công việc.
Đừng mang theo gì cả
Chúa Giêsu căn dặn các Tông đồ không được mang theo gì cả; các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.
Tôi nghĩ: xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, là không khui và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình… Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng nhừng lời nói xuông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.
Một khía cạnh khác nữa của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ đón nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ!
Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta - thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất dấu trong những chiếc va-li của ta.
Làm cho xong công việc
Các Tông đồ đều là những người mới vào nghề; việc các ông làm chẳng phải là điều mắt thấy tai nghe: xức dầu cho vài người bệnh, săn sóc cho mấy bệnh nhân, úy lạo những người khốn khổ, thất vọng.
Có lẽ chúng ta quá tán dương việc các Tông đồ làm, nên đâm ra nhát sợ không có khả năng làm chứng như các ngài. Lần này, ta hãy cứ tạm biết rằng các ngài cũng đã chỉ làm những việc bình thường mà ta có thể làm được, và trước hết các ngài đã trở thành những bàn tay săn sóc, trước khi miệt mài với công việc rao giảng.
Lúc này đây, Chúa Giêsu đang bảo ta: “Nào con, ta đi làm việc thôi, và hãy làm với tinh thần đơn sơ mà can đảm!”.
www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai

7 THÁNG HAI

Tài Năng Của Người Nghệ Sĩ

Sau khi dẫn con cái It-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Mô-sê hoạch định chuyện dựng lều thánh – tức đền thờ lưu động đầu tiên của dân It-ra-en trong sa mạc. Ông ủy nhiệm công việc đó cho những người đầy “thần khí”. Và, sau khi đã gọi đích danh các nghệ nhân, Đức Chúa ban cho họ ơn khôn ngoan. Ngài ban cho họ những ơn mà họ cần để họ có khả năng vạch dự án và triển khai công việc dựng lều thánh (Xh 35, 30 – 35; 36, 1).

Như chúng ta có thể thấy trong chương trích dẫn trên của Sách Xuất Hành, cái mà ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật thánh vốn đã có những nguồn gốc rất rạng rỡ thuở xưa. Tận đáy lòng tôi, tôi muốn nói với các bạn là những nghệ sĩ rằng các bạn phải ý thức rằng tài năng nghệ thuật của mình là một món quà do Thiên Chúa ban tặng. Người nghệ sĩ phải tri ân Thiên Chúa và phải dấn thân trung thành theo tiếng gọi mà mình đã nhận lãnh. Người nghệ sĩ Kitô giáo có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình “thần khí” để chuyển hóa các tài năng tự nhiên thành hoa trái thiêng liêng, nhất là khi họ đảm nhận những công trình nghệ thuật tôn giáo và phụng vụ.

Trong ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu những đường nét trác tuyệt của các thánh đường thời Trung Cổ. Nếu đứng ngoài lãnh giới đức tin, chúng ta không thể cảm nhận đầy đủ cái tuyệt vời ấy. Có thể kể một số ví dụ, như các công trình của Giotto, Fra Angelico, Michelangelo, những vần thơ của Dante, những áng văn của Manzoni, những khúc nhạc của Pierluigi da Palestrina, vv…

Đành rằng tài năng của một nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác phẩm kiệt xuất không dính dáng gì đến niềm tín ngưỡng của mình; nhưng, nếu bên cạnh tài năng tự nhiên, người nghệ sĩ có thao thức muốn bộc lộ đức tin, cậy, mến của mình, thì với tác phẩm của mình, họ sẽ trở thành một sức khích lệ lớn lao cho người ta. Tác phẩm của họ sẽ chuyển tải các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 07-2 : (Dt 12,18-19.21-24; Mc 6, 7-13)


LỜI SUY NIỆM: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai từng hai người một, Người ban cho các ông quyền trừ quỷ, Người chỉ thị cho các ông không được đem gì khi đi đường” (Mc 6, 7-8a)

Các Tông Đồ sau một thời gian được ở với Chúa, được Chúa giáo huấn, giờ Chúa sai đi với những quyền trừ quỷ và những lời căn dăn ân cần của Chúa, các ông đã ra đi và đã thành công. Chúng ta cũng là những người đã được Chúa chọn, ban ơn Đức Tin, được sống trong giáo huấn Giáo Hội của Chúa dưới sự hiện diện của Ngài và ân ban của Thần khí, chúng ta đều đang được sai đi và chúng ta đang đến chính nơi môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc và học tập; chúng ta cũng phải biết phó thác mọi sự, trong tình yêu Quan Phòng của Chúa. Phải sống, làm việc, học tập một cách tích cực với tinh thần là người Ki-tô hữu, để những người chung quanh nhận ra, mà tôn vinh Thiên Chúa.

Mạnh Phương


07 Tháng Hai

Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi
Alfred Nobel


Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.

Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.

Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.

Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.

Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".

Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.

(Lẽ Sống)

Thứ Năm 7-2
Thánh Colette
(1381 - 1447)
Thánh Colette

T
hánh Colette không muốn được mọi người biết đến, nhưng trong khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, ngài đã gây được sự chú ý của rất nhiều người.
Thánh Colette là con của người thợ mộc tên DeBoilet ở Tu Viện Corby trong thành phố Picardi, nước Pháp. Ngài sinh ngày 13 tháng Giêng, khi rửa tội lấy tên là Nicolette, và thường được gọi là Colette. Năm mười bảy tuổi ngài mồ côi cha mẹ, và đã chia bớt di sản cho người nghèo. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và sống cô độc ở Corby trong một căn phòng mà lối mở ra thế giới bên ngoài chỉ là cánh cửa sổ sát vách với nhà thờ.
Sau bốn năm, với sự chấp thuận và khuyến khích của đức giáo hoàng, ngài từ bỏ cuộc sống cô độc, gia nhập dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và cải tổ dòng theo như quy tắc ban đầu của Thánh Clara. Bất kể sự chống đối dữ dội, ngài kiên trì theo đuổi ý định, thành lập mười bảy tu viện sống theo quy tắc này và cải tổ một vài tu viện cũ. Các nữ tu của ngài nổi tiếng là nghèo hèn -- họ từ chối bất cứ lợi tức nào -- và thường xuyên chay tịnh.
Thánh Colette nổi tiếng vì sự thánh thiện, sự xuất thần, và các lần thị kiến sự Thương Khó, và ngài đã tiên đoán đúng về cái chết của ngài trong tu viện ở Ghent, nước Bỉ.
Phong trào cải cách của thánh nữ đã lan tràn sang các quốc gia khác. Cho đến ngày nay, một nhánh của dòng Thánh Clara Nghèo Hèn thường được gọi là các nữ tu Colette. Thánh nữ được phong thánh năm 1807.
Lời Bàn
Thánh Colette bắt đầu cuộc cải cách trong thời kỳ Ðại Ly Giáo Tây Phương (1378-1417), là thời kỳ có đến ba giáo hoàng và bởi đó đã chia cắt Giáo Hội Tây Phương. Một cách tổng quát, Giáo Hội phải trả một giá rất đắt cho sự nhũng lạm của các giáo sĩ trong thế kỷ 15; lời cầu nguyện và sự hy sinh của Thánh Colette và các nữ tu của ngài có lẽ đã vơi bớt những khốn khó cho Giáo Hội trong thời gian ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, sự cải tổ của Thánh Colette cho thấy Giáo Hội luôn luôn cần theo sát Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong chúc thư tinh thần, Thánh Colette viết cho các nữ tu: "Chúng ta phải trung tín với những gì đã hứa. Nếu vì sự yếu đuối con người mà chúng ta sa ngã, một cách mau mắn chúng ta phải chỗi dậy luôn qua sự thành tâm sám hối, và chú ý đến một đời sống tốt lành, cũng như một cái chết thánh thiện. Xin Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Ðức Chúa Con qua sự thống khổ thánh thiện, và xin Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của bình an, nhân hậu và tình yêu, luôn tràn lấp chúng ta với ơn an ủi của các Ngài. Amen."
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét