Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

17-02-2013 (P I) : CHÚA NHẬT I MÙA CHAY năm C


CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY C
17/02/2013
(Phần I)


BÀI ĐỌC I: Đnl 26, 4-10
"Dân được chọn tuyên xưng đức tin".

 Trích sách Đệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: "Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ và bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con". Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 90, 1-2. 10-11. 12-13. 14-15

Đáp: Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân (x. c. 15b).

1) Bạn sống trong sự che chở của Đấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Đấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: Chúa là chiến luỹ, nơi con nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài.
2) Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén mảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa ra lệnh cho các Thiên Thần Ngài săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.
3) Chư vị đó bồng bế bạn trên tay, để bạn khỏi vấp chân vào đá. Trên mình hổ mang, rắn lục bạn bước đi, bạn đạp chân trên sư tử và giao long.
4) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân, Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người.

 BÀI ĐỌC II: Rm 10, 8-13
"Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gì? Lời ở kề trong miệng và trong lòng ngươi. Đó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. †Vì Thánh Kinh đã có nói: "Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn". Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đối với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ. Đó là lời Chúa.

 CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4,4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

 PHÚC ÂM: Lc 4, 1-13
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Gương Phấn Ðấu Trước Cơn Cám Dỗ

Mùa Chay đã khởi sự từ thứ Tư Lễ Tro. Nó chưa phải là mùa Thương Khó để chúng ta trực tiếp suy niệm về cuộc Tử Nạn sinh ơn Cứu Ðộ. Nó là đàng dẫn chúng ta tới chân cây Thánh Giá để được tái sinh, nhờ Máu hy tế và Nước Thánh Thần từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Không ai có thể đi vào con đường ấy nếu không học phấn đấu...
Ðó là lý do khiến phụng vụ hôm nay nhắc lại việc Chúa Giêsu bị cám dỗ nơi sa mạc. Chúng ta sẽ đọc lại việc ấy trong sách Tin Mừng theo thánh Luca. Rồi nhờ ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Giêsu, chúng ta sẽ xem kỹ lại bài Cựu Ước để thấy đây cũng còn là một gương phấn đấu rất hợp thời. Và chúng ta sẽ được khích lệ để thi hành các lời khuyên nhủ của thánh Phaolô trong bài Thánh Thư, mạnh mẽ đi tới ngày toàn thắng của lịch sử loài người.

 1. Trước Hết, Gương Chúa Giêsu Phấn Ðấu

Cũng như hai tác giả Mátthêu và Máccô, thánh Luca đã thuật lại việc Chúa Giêsu kháng cự với Satan nơi sa mạc. Bản văn của người có những nét khác với hai tác giả thánh sử kia và có dụng ý. Nhưng, những nét giống nhau giữa ba tác giả vẫn nhiều hơn và ý tưởng chung vẫn là một.
Cả ba đã đặt câu chuyện Chúa bị cám dỗ vào lúc trước khi Chúa ra đi giảng đạo. Câu chuyện xảy ra vào lúc bấy giờ hẳn phải có ý nghĩa. Nó báo trước cuộc đời công khai đầy phấn đấu cam go của Chúa Cứu Thế. Nhất là nó cho chúng ta thấy rõ chung cuộc Ðức Giêsu sẽ chiến thắng vinh hiển, vì ngay từ lúc khởi đầu, công cuộc cứu thế của Người đã làm cho Satan phải tháo lui.
Cả ba tác giả cũng đã mô tả cuộc đọ sức giữa Satan và Chúa Giêsu như là một cuộc vận dụng Lời Chúa. Satan biết Thánh Kinh. Nó dùng Lời Chúa để phục vụ tham vọng riêng của mình. Ðang khi ấy, Ðức Giêsu có lòng thành kính đối với Lời Chúa và chỉ muốn khiêm cung vâng lời Thiên Chúa mọi đàng. Người không giống như Adong biết luật Chúa mà vẫn phạm tội. Người cũng chẳng như dân Do Thái có Lời Chúa mà toàn làm những việc khác ý Chúa. Người cho chúng ta thấy: không sức mạnh nào xô ngã được kẻ nắm vững Lời Chúa.
Cả ba tác giả cũng đã đồng ý coi việc Satan đến cám dỗ Chúa Giêsu như là hậu quả của việc Người được Chúa Cha tuyên bố Người là Con Chí Ái của Ngài. Satan đã bắt đầu cám dỗ Người rằng: nếu ông là Con Thiên Chúa... Ðiều này khiến chúng ta có thể quả quyết, không thử thách nào không nhằm tiêu diệt vinh dự của chúng ta được làm con cái Chúa. Nhưng mọi sự cám dỗ đều bất lực đối với những ai được đầy Thánh Thần, như Ðức Giêsu đã được Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống trước khi vào sa mạc để chịu cám dỗ.
Tuy nhiên những nét chung và chính yếu trên đây đã được một tác giả các sách Tin Mừng trình bày với những nét riêng biệt và sắp đặt lại để phục vụ một số quan điểm riêng biệt. Ở đây chúng ta để ý đến một số nét độc đáo của tác giả Luca.
Người đã không tường thuật việc Chúa bị cám dỗ ngay sau khi Ngài chịu phép Rửa của Gioan ở sông Hòa Giang. Người đã cho xen kẻ vào giữa hai sự kiện lịch sử này một đoạn sách nói về gia phả của Ðức Giêsu. Người không muốn thiên hạ biết Ðức Giêsu về phương diện loài người trước khi Ngài là Con Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Phaolô, dù trước đây có ai biết Ðức Giêsu về phương diện loài người, thì họ cũng hãy làm như không biết để nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa đã, rồi hãy nhìn lại phương diện loài người ở nơi Ngài: bởi vì xác thịt nào có ăn thua gì, chỉ có thần khí là đáng kể. Thế nên Luca đã kể về gia phả của Ðức Giêsu sau khi Ngài đã được tuyên bố là Con Chí Ái của Thiên Chúa ở bờ sông Hòa Giang.
Và khi viết lại gia phả này, Luca đã không dừng lại ở Abraham, tức là ở dân tộc Do Thái... Người đã lần lên xa hơn để thấy Ðức Giêsu là người của tất cả loài người chứ không phải của riêng dân Do Thái. Và biết đâu khi nói Ðức Giêsu là con ông Adong trước khi Ngài bị Satan cám dỗ, Luca đã chẳng có ý nhắc nhở chúng ta về câu chuyện cám dỗ đã xảy ra trong vườn địa đàng? Và chiến thắng của Ngài trong câu chuyện này đã không "phục thù" cho tất cả loài người sao? Ít nhất khi nhấn mạnh việc Ðức Giêsu là Con Chí Ái của Thiên Chúa trước khi Ngài bị cám dỗ, Luca đã củng cố truyền thống của Phúc Âm hơn là đã tạo ra một nét nào khác biệt. Cả hai tác giả Mátthêu và Máccô cũng đã để cho Satan bắt đầu cám dỗ Chúa bằng câu: Nếu ông là Con Thiên Chúa...
Trong Mátthêu, Satan nói với Ðức Giêsu hãy "truyền cho các viên đá này biến thành các ổ bánh". Dường như tác giả chú trọng đến số nhiều để cám dỗ một người đang đói ăn và để khêu gợi lòng tham lam của loài người về vấn đề cơm áo. Theo Luca, Satan chỉ cám dỗ Chúa: truyền cho một viên đá này biến thành bánh mà thôi. Có lẽ Người chú trọng đến vấn đề quyền năng. Và như vậy Satan không muốn cám dỗ Chúa về vấn đề ăn uống, nhưng về việc dùng quyền năng, lạm dụng sứ mạng và ơn gọi của mình để phục vụ bản thân chứ không phải để làm theo ý Chúa. Thế nên, trong Luca, Chúa chỉ đáp vắn tắt rằng: "Người ta sống không chỉ nhờ bánh", đang khi trong Mátthêu, Ngài còn nói tiếp: "... nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa".
Rồi từ cám dỗ thứ hai trở đi, hai tác giả còn xa nhau hơn nữa, Luca đã đảo lộn thứ tự của Mátthêu. Cám dỗ thứ hai nơi Mátthêu trở thành cám dỗ thứ ba nơi Luca, vì tác giả này luôn muốn Ðức Giêsu đi dần tới Giêrusalem. người muốn nói rằng mọi việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu phải xảy ra tại thành thánh, và nếu có thể được tại Ðền Thờ nữa. Ở đây, trong ba cám dỗ, có một lấy đền thờ làm khung cảnh nên Luca phải lấy nó làm tuyệt đỉnh cho câu chuyện Người kể. Người đặt nó làm cám dỗ chót, đang khi trong Mátthêu nó là cám dỗ thứ nhì. Ðàng khác lấy Giêrusalem làm nơi "phân thắng bại" trong câu chuyện cám dỗ này, Luca muốn báo trước nơi mà Chúa Giêsu sẽ hoàn tất mầu nhiệm cứu thế trong việc tử nạn phục sinh.
Vậy cám dỗ thứ ba trong Mátthêu đã được Luca lấy làm cám dỗ thứ hai. Và viết lại cám dỗ này, Luca cũng muốn tỏ ra độc đáo. trong Mátthêu, Satan đưa Ðức Giêsu lên núi cao chót vót và chỉ cho Người thấy hết các nước thiên hạ cùng vinh quang của chúng ta mà nói với Ngài: "Tôi hiến cho Ngài hết mọi điều đó nếu Ngài phục mình bái lạy tôi". Tác giả dường như muốn gợi lại câu chuyện Môsê được Chúa đưa lên núi Nêbô để nhìn thấy Ðất Hứa ở đàng xa trước khi chết (Tl 34,1-4); và rõ ràng ông để ý đến "các sự vinh quang của thế gian".
Trong khi ấy, Luca chỉ nói Satan đem Ðức Giêsu lên cao; nhưng Người nhấn mạnh rằng "trong nháy mắt" nó chỉ cho Ngài thấy hết các nước thiên hạ. Hai điểm này làm cho bài của Luca không chân thực bằng bài của Mátthêu, nhưng siêu thực và hợp với một cám dỗ hơn. Nhất là ở đây Luca không chú ý đến "uy quyền" của Satan đối với các nước thiên hạ. Nó tự phụ có toàn quyền định đoạt về thế gian và muốn hiến cho ai tùy ý. Tác giả Gioan cũng có lần gọi Satan là thủ lãnh của thế gian và gọi chính trị thế giới hiện nay là "giờ" của nó. Nó muốn Ðức Giêsu về phe của nó và giữ thế gian này trong quyền hành của nó. Nhưng nó lầm. Ðức Giêsu đến để cứu thế, tức là để gỡ thế gian ra khỏi uy quyền của Satan, Ngài chỉ có thể nhận quyền bởi Thiên Chúa. Thế nên Ngài đã trả lời Satan: Ðã viết: Ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ lạy một mình Người.
Nhưng tên cám dỗ không chịu thua. Nó còn cố gắng một lần nữa. Và lần nữa nó cám dỗ Ðức Giêsu nghi ngờ chính Thiên Chúa. Ngài vẫn tựa vào Chúa thì nó cần phải làm cho Ngài hoài nghi chính sức mạnh Ngài nghĩ luôn luôn gìn giữ Ngài.
Do đó, nó đem Ngài đến Giêrusalem, nơi có đền thờ Chúa. Nó đặt Ngài trên thượng đỉnh đền thờ, để Ngài có cảm giác của thời kỳ cánh chung, lúc mà tất cả các tín đồ muốn nhìn thấy vị tiên tri nào quyền phép hơn hết. Và nó xúi Ngài gieo mình xuống đất vì đã viết rằng: Chúa sẽ ra lệnh cho các Thiên Thần... nâng người trên bàn tay kẻo ngươi lỡ vấp chân phải đá. Sau này, khi bị treo trên thập giá, Ðức Giêsu cũng sẽ phải nghe một lời thách thức tương tự: "Nếu ông là Kitô, hãy xuống khỏi Thập Giá... và hãy cứu mình và cứu chúng ta nữa". Và chính lúc ấy Ngài cũng cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng lập tức, Ngài đã phản ứng mạnh mẽ. Ngài không thể nào hồ nghi lòng tốt của Thiên Chúa Cha. Và Ngài bảo: Chớ có thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi.
Chúng ta có quyền kiên kết câu chuyện cám dỗ hôm nay với thử thách sau này đang chờ Ðức Giêsu ở trên cây thánh giá không? Câu kết bài tường thuật việc cám dỗ trong sách Luca đã trả lời cho chúng ta. Người viết: "Khi ma quỉ đã xong mọi chước cám dỗ, thì nó lìa bỏ Ngài mà đợi dịp". Dịp nào? Rồi đây trong cuộc đời công khai truyền giáo, Ðức Giêsu sẽ có nhiều dịp đụng độ với Satan, đặc biệt những khi Ngài chữa các kẻ bị ma quỉ ám. Nhưng dịp giáp mặt quyết liệt sẽ là cuộc khổ nạn và nơi thập giá. Chúng ta sẽ thấy Ngài đắc thắng vì hôm nay trong câu chuyện cám dỗ, Ngài đã chẳng chịu nhượng Satan một điểm nào.
Như vậy, bài tường thuật hôm nay như đã báo trước những gì sẽ xảy ra trong giờ phút quyết liệt của mầu nhiệm thập giá. Nó cũng mở màn cho cuộc đời hoạt động đầy gian khổ và phấn đấu của Ðức Giêsu.

Tác giả Luca còn nói rằng: Thánh Thần đã đưa Ngài vào sa mạc mà chịu cám dỗ bốn mươi ngày. Con số này gợi lại 40 năm dân Israen đi trong sa mạc để chịu thử thách. Họ đã bị cám dỗ nặng nề khi thiếu ăn (Xh 16) thiếu uống (Xh 17) và nhất là khi gặp gỡ tà giáo ở đất Canaan (Xh 23). Họ đã muốn của cải vật chất; họ đã phàn nàn muốn thử thách Chúa; họ thèm thờ bái ngẫu tượng. Lần nào Lời Chúa cũng căn dặn họ, đừng sống nguyên vì bánh (Tl 8,2-5); đừng hoài nghi uy quyền của Thiên Chúa (Tl 6,16) và nhất là luôn chỉ được thờ một mình Thiên Chúa mà thôi (Tl 6,13). Hôm nay Ðức Giêsu lập lại những lời Kinh Thánh này để xua đuổi ba cơn cám dỗ nặng nề mà con cái Israen đã vấp ngã. Phải chăng Ngài chẳng muốn gỡ lại cho loài người những lần thất bại này? Ngài đã làm lại cuộc hành trình vào Ðất Hứa của dân Do Thái mà toàn thắng Satan để cứu vớt những kẻ sa ngã trong Cựu Ước. Và đồng thời Ngài cũng muốn đảm bảo chiến thắng cho những ai sau này đi vào đường lối của Ngài ở trần gian này.
Bốn mươi ngày chịu thử thách của Ngài nơi sa mạc vì thế đã hướng về tương lai như muốn sửa chữa lại quá khứ. Và khi phụng vụ tổ chức mùa Chay trong thời gian 40 ngày thì hẳn cũng chỉ muốn chúng ta bắt chước gương phấn đấu của Chúa, để những tuần lễ mùa Chay không những đưa chúng ta đến mầu nhiệm thánh giá cứu độ mà còn thao luyện chúng ta cho tất cả cuộc đời trần gian. Chúng ta phải quý hóa thời gian này và phải luôn nhớ gương phấn đấu của Chúa để cùng Người chiến thắng mưu chước của Satan không ngớt muốn làm hư hỏng đời sống của chúng ta, cũng như nó đã không ngừng cám dỗ dân Cựu Ước. Bài sách Thứ Luật sau đây cho chúng ta thấy một khía cạnh của cuộc cám dỗ trường kỳ này.

 2. Một Cám Dỗ Triền Miên

Thoạt nghe, chúng ta không thấy đoạn văn Thứ Luật hôm nay nói lên một sự phấn đấu nào. Nhưng thật ra nó che dấu một ý chí kháng cự mãnh liệt.
Theo giả định, đây là những lời Môsê căn dặn con cái Israen trước khi vào Hứa Ðịa. Nhưng như cả quyển sách Thứ Luật, đây thật là những lời khôn ngoan đạo đức được đưa ra để khuyên dân sau nhiều năm và nhiều đời kinh nghiệm tại Ðất Hứa. Trước kia, Israen là dân du mục, nay đây mai đó nơi sa mạc. Họ được Chúa hứa ban một đất chảy sữa và mật để họ trồng cấy. Sự phồn thịnh nơi quê hương mới mẻ chẳng tùy thuộc ở mùa màng tốt tươi sao? Chính dân bản xứ, những người Canaan, đã ý thức điều này. Họ chẳng thờ thần nào khác ngoài Baals, là những thần của mầu mỡ và sinh sản. Nếu không được báo trước và đề phòng cẩn thận, chắc chắn con cái Israen khi đặt chân vào Ðất Mới cũng sẽ quỳ rạp xuống bái lạy Baals. Tôn giáo độc thân sẽ gặp khủng hoảng và người ta dần dần quên Giavê. Thấy trước hiểm nguy này, Môsê đã cảnh giác con cái Israen trong bài sách hôm nay. Và chúng ta phải đọc đoạn văn Thứ Luật này trong bối cảnh đó.
Môsê dạy con cái Israen, khi vào Ðất Hứa, lúc gặt hái xong, phải đem của đầu mùa mọi thứ hoa lợi đất ruộng đến điện thờ mà dâng lên cho Chúa. Và ở đó, họ phải nhớ và tuyên xưng rằng: Chính Chúa đã ban cho họ được đất chảy sữa và mật này để họ có được các thổ sản phong phú hôm nay. Thật vậy tổ phụ của họ xưa kia là một người Aram phiêu bạt không đất đai, không nhà cửa. Ông xuống Ai Cập và sinh con đàn cháu đống. Nhưng đám dân đông đảo này phải nô lệ người bản xứ và phải chịu trăm bề vất vả tủi nhục. Chính Giavê đã xót thương, ra tay hùng mạnh đưa họ ra khỏi nhà nô lệ và dẫn họ đến Ðất chảy sữa và mật này. Không có Người và không nhờ quyền năng của Người làm sao ngày nay họ có mùa màng tốt tươi? Nên không phải Baals mà Giavê, là Chúa của họ. Và họ phải thờ lạy Người. Họ phải dâng hoa màu và đất này cho Người chứ không phải cho Baals.
Lời của Môsê thật lý sự... nhưng khó giữ làm sao? Lịch sử Do Thái cho thấy con cái Israen luôn luôn thờ cúng Baals. Ðó là một cám dỗ triền miên. Họ chỉ muốn biết có thổ thần và quên Ðấng Thánh đã làm ra lịch sử cho họ. Loài người nói chung, không giống như họ sao? Loài người luôn chỉ ngưỡng mộ những nhân tố làm ra của cải và quên Ðấng sinh thành và cứu chuộc họ. Những lời của sách Thứ Luật luôn có giá trị thức thời. Và việc Môsê dạy con cái Israen phải làm khi sinh sống tại Hứa Ðịa cũng là việc mà phụng vụ của Hội Thánh ngày nay bảo chúng ta phải làm. Hằng ngày chúng ta mang bánh rượu đến dâng lên bàn thờ, đó là hoa màu ruộng đất và lao công của con người, nhưng để trở nên của ăn, của uống thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Và như vậy chúng ta có quan điểm của Chúa Giêsu Kitô. Người đã chống lại cơn cám dỗ thứ nhất khi lập lại lời sách Thứ Luật: con người không sống nguyên bằng bánh.
Tuy nhiên để có quan niệm ấy, người ta phải có niềm tin vào Thiên Chúa của lịch sử, như Môsê đã khuyên con cái Israen và như thánh Phaolô còn dạy chúng ta rõ ràng hơn nữa trong bài thư hôm nay.

 3. Một Niềm Tin Cứu Ðộ

Thánh Tông đồ đang bàn về ơn cứu độ, điều ước mong duy nhất của mọi người. Của cải, quyền bính và khả năng chỉ là phương tiện để con người được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không nằm trong phương tiện ấy. Satan đã làm vì tưởng rằng Ðức Giêsu cũng dễ lầm như nhiều người. Họ cứ tưởng hoặc có của, hoặc có quyền, hoặc có tài là được hạnh phúc. Nhưng không, hạnh phúc là khi được cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết.
Thế mà ơn cứu độ đã được hứa ban cho hết mọi người chẳng kỳ là Hy Lạp hay Do Thái, văn minh hay chậm tiến, ở nơi Ðức Kitô Chúa chúng ta. Người ta phải tuyên xưng Người trong tâm hồn và nơi miệng lưỡi, tức là trong tâm hồn và trong đời sống. Ai tin như vậy sẽ chẳng phải hổ ngươi trong ngày Chúa xét xử vì Người sẽ cứu họ và độ họ vào Nước Trời.
Chúng ta hết thảy đã có niềm tin như vậy, Hội Thánh thúc giục chúng ta nhóm lại niềm tin ấy trong mùa Chay này. Ðây là thời gian thuận lợi. Phụng vụ sẽ làm sống lại các mầu nhiệm cứu thế. Thiên Chúa sẽ ban ơn dồi dào. Chúng ta hãy tham dự mùa Chay của Hội Thánh. Thời gian 40 ngày này nhắc lại 40 ngày của Chúa Giêsu nơi sa mạc. Người đã phấn đấu để nêu gương cho chúng ta. Người sẽ đưa chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Người để chúng ta được cứu độ. Chúng ta hãy yêu mến Người, tuyên xưng Người trong tâm hồn và đời sống, bắt chước Người chỉ tin tưởng vào Chúa Cha và Lời Sách Thánh. Mọi mưu chước của kẻ thù loài người là Satan sẽ lại thua, nếu Chúa Giêsu luôn ngự nơi tâm hồn và trong đời sống của chúng ta.
Giờ đây Người đến nơi bàn thờ để gặp gỡ và đến ở với chúng ta. Chúng ta hãy sốt sắng đón nhận Người và sống với Người hằng ngày trong mùa Chay thánh này.

 (Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời Chúa Mỗi Ngày
CHỦ NHẬT I MÙA CHAY, NĂM C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Năm lời tuyên xưng quan trọng của người Kitô hữu

Con người bị bao vây bởi những sự giả trá của thế gian; chẳng hạn: gán những ơn lành được hưởng cho những thần do tay loài người dựng nên; hay cho con người có thể tự sống mà không cần đến Thiên Chúa, cha mẹ, hay những người chung quanh... Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho con người phải lầm lũi bước đi trong sự sai trá, Ngài ban cho con người có trí khôn để suy xét và một kho tàng vô tận của Kinh Thánh để con người biết nhận ra sự thật và tôn thờ Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải biết nhận ra các ơn lành đến từ Thiên Chúa và tuyên xưng Ngài cho xứng đáng. Trong Bài Đọc I, ông Moses truyền cho dân Do-thái phải khắc sâu trong lòng hai biến cố Thiên Chúa đã làm cho họ: xuất hành ra khỏi Ai-cập và dẫn đưa vào Đất Hứa; họ phải biết cảm tạ Thiên Chúa bằng cách dâng những lễ vật đầu mùa quí giá nhất cho Ngài. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma một điều quan trọng: để được Thiên Chúa đón nhận lời cầu xin, họ phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng Ngài nơi miệng lưỡi, chứ không phải chỉ là người Do-thái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy chúng ta ba bài học quan trọng qua ba lần chịu cám dỗ của Ngài: thứ nhất, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra; thứ hai, con người phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, chứ không phải bất cứ loài thọ tạo nào của Ngài dựng nên; sau cùng, con người không được quyền thử thách Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành cho con người.

1.1/ Nhớ lại quá khứ giúp con người biết sống hiện tại: Hai biến cố quan trọng trong lịch sử của người Do-thái là biến cố Xuất Hành và vào Đất Hứa.
(1) Biến cố Xuất Hành: Sau một thời gian sống bên Ai-cập từ thời của Giuse và các con ông Jacob, người Do-thái bị vua Pharaoh và các quần thần đối xử rất dã man như những nô lệ. Người Do-thái kêu cầu lên Thiên Chúa, và Ngài đã sai ông Moses và ông Aaron đến với dân chúng để đem họ ra khỏi đất Ai-cập. Để cho vua Pharaoh chịu phóng thích dân chúng, Thiên Chúa “đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” trên đất Ai-cập, trước khi nhà vua cho phép dân chúng ra đi.”
(2) Dẫn đưa dân vào Đất Hứa: Thiên Chúa không phải chỉ giúp cho dân chúng ra khỏi Ai-cập; nhưng còn chuẩn bị tâm hồn dân chúng 40 năm trong sa mạc trước khi đưa dân vào đất Cannan, vùng đất tràn trề sữa và mật, như Ngài đã hứa cùng các tổ phụ của họ. Trong suốt 40 năm, Ngài đã thử thách để thanh luyện dân chúng khỏi mọi khuynh hướng xấu: than trách, mê ăn uống, và thờ bụt thần.

1.2/ Biết đáp trả tình thương Thiên Chúa: Khởi đầu và kết thúc trình thuật hôm nay, ông Moses truyền cho dân chúng phải dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho họ; các tư tế sẽ nhận tất cả và đặt chúng trước bàn thờ của Thiên Chúa. Của đầu mùa từ con người cũng như từ đất đai là của hiếm quí, nhưng họ phải hy sinh dâng hiến cho Thiên Chúa; không phải vì Thiên Chúa có thể ăn những thứ họ dâng; nhưng để cho dân chúng nhận ra những gì Ngài đã làm cho họ và họ phải đáp trả công ơn của Ngài.

2/ Bài đọc II: Tất cả những ai tin và kêu cầu danh Đức Kitô sẽ không phải thất vọng.

2.1/ Lời Kinh Thánh giúp con người nhận ra sự thật và tin tưởng nơi Thiên Chúa: Trình thuật hôm nay tiếp tục những gì thánh Phaolô đã trình bày trong những chương trước về đề tài con người được nên công chính là do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngay trong câu đầu tiên, thánh Phaolô đã trình bày về việc làm sao con người có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.”
Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh hai điều trong câu này: thứ nhất, Thiên Chúa là tác nhân chính, Ngài đã đặt Lời vào trong con người; thứ hai, Phaolô chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc rao giảng để khơi dậy đức tin nơi người nghe. Phaolô trích dẫn Sách Đệ Nhị Luật 30:14 theo văn bản của MT. Có sự khác biệt giữa Bản Bảy Mươi và Bản MT: Bản Bảy Mươi có thêm câu “và ngay trên tay bạn;” có lẽ tác giả của Bản Bảy Mươi cũng muốn đến sự liên hệ giữa đức tin và hành động để biểu lộ đức tin. Theo Phaolô, con người phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng: Ngài đã được Thiên Chúa sai đến với con người để chịu chết và đã sống lại, thì mới được hưởng ơn cứu độ.

2.2/ Thiên Chúa thương xót tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài: Ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng cho tất cả những ai tin và kêu cầu danh của Ngài; chứ không phải chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái như nhiều người lầm tưởng. Phaolô trích dẫn các Sách Tiên Tri, Isaiah 28:16 trong câu 11, và Joel 2:32 trong câu 13, để nói lên sự thật này. Đây là điều hợp lý và chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người. Phaolô kết luận: “Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.”

3/ Phúc Âm: Bổn phận của con người với Thiên Chúa.

3.1/ Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu cũng bị chi phối bởi những ảnh hưởng của vật chất như trình thuật của Lucas mô tả: “Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.” Khi con người đói, họ cần được ăn, bấy giờ, quỷ đến và nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!" Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh."
- Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Quỉ thần biết Chúa Giêsu sẽ bắt đầu sứ vụ rao giảng để chinh phục con người về cho Thiên Chúa, nên qua cám dỗ này, quỉ thần muốn chỉ cho Chúa Giêsu cách chinh phục con người: họ sẽ theo ông nếu ông làm phép lạ cho họ có bánh ăn. Trong Tin Mừng Marcô, đã có hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ để nuôi dân chúng ăn: một lần 5,000 và một lần 4,000. Chúa Giêsu từ chối cách chinh phục con người bằng việc làm phép lạ; Ngài muốn chinh phục họ bằng việc rao giảng Tin Mừng và mặc khải về tình thương Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với dân chúng khi họ đi tìm Ngài: “Đừng làm việc cho những lương thực mau hư nát, nhưng cho lương thực mang lại cuộc sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các anh” (Jn 6:27).
- Cám dỗ cho con người: Cơm bánh là điều quỉ thần thường xuyên dùng để cám dỗ con người ở mọi nơi và mọi thời. Chúng rất thành công trong cám dỗ về cơm bánh, không phải chỉ với những người đói khát thiếu ăn; nhưng còn với tất cả mọi người. Vì lòng tham vô đáy, con người không chỉ bằng lòng với “lương thực hằng ngày;” nhưng còn lo sao để có “lương thực cả đời.” Để thỏa mãn lòng tham, con người dùng nhiều thời gian để làm lụng, và không còn thời gian cho việc học hỏi Lời Chúa hay lo lắng cho những thiếu thốn của linh hồn. Sở dĩ con người có thể nhận ra ngay những đói khát về phần xác, vì nó dày vò thân xác con người và đưa tới cái chết, nếu không được ăn uống. Họ không nhận ra những thiếu thốn về phần linh hồn vì nó không làm cho con người phải chết ngay; nhưng nó cứ từ từ đưa con người tới chỗ chết bằng những quyết định thiếu khôn ngoan. Lời của Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng: như thân xác cần của ăn thế nào, linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa như thế.

3.2/ Ngươi phải thờ phượng một Thiên Chúa: Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
- Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Ngoài cơm bánh, con người rất dễ bị rơi vào lòng ham muốn của cải, danh vọng, và uy quyền. Quỉ thần như ngầm bảo Chúa Giêsu trong cám dỗ này: Họ sẽ theo ông nếu ông thỏa mãn họ với danh vọng, chức quyền, và của cải thế gian. Trong Tin Mừng, ba lần Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp tới, ba lần các môn đệ đều chứng tỏ những gì quỉ thần muốn cám dỗ là điều con người ước mong; nhưng Chúa Giêsu kiên nhẫn dạy dỗ các môn đệ về việc từ bỏ, hy sinh phục vụ, và vác thánh giá theo Ngài.
- Chúng ta có thể nhận ra sự gian trá của quỉ thần trong cám dỗ thứ hai này, vì của cải thế gian không thuộc về quỉ thần, nhưng thuộc về một mình Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mọi sự cho loài người hưởng dùng khi họ còn sống trên thế gian. Con người chẳng mang được gì vào thế gian và cũng chẳng mang theo được gì khi từ giã cuộc đời. Quỉ thần biết lòng tham của con người muốn sở hữu nên hứa ban cho con người điều không thuộc về chúng. Trong thực tế, biết bao con người đã rơi vào bẫy giăng của chúng; họ chạy theo những lời hứa hão huyền và phù hoa của thế gian, mà quên đi Thiên Chúa, Đấng dựng nên tất cả.

3.3/ Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi: Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Jerusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."
- Cám dỗ cho Chúa Giêsu: Quỉ thần biết con người thích dễ dãi và chạy trốn đau khổ, nên như ngầm bảo Ngài: hãy chinh phục con người bằng việc làm phép lạ. Trong Tin Mừng, dân chúng chạy theo Chúa Giêsu để xin Ngài cất đi tất cả những đau khổ và bệnh tật. Ngài chữa lành rất nhiều người, nhưng là để khơi dậy niềm tin cho họ. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên Thập Giá, cám dỗ này được lặp lại trên miệng của những người Do-thái: Nếu ông thực sự là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập Giá để tôi và mọi người đều tin.
- Cám dỗ cho con người: Thiên Chúa có thể lấy đi mọi đau khổ của con người; nhưng nếu Ngài làm như thế, con người chẳng chứng tỏ được niềm tin cũng như sự tiến bộ. Thử thách và đau khổ là cơ hội cho con người luyện tập đức tin và chứng tỏ niềm tin vào Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta đang ở trong những ngày đầu của hành trình Mùa Chay. Mục đích của Mùa Chay là để huấn luyện con người có bản lĩnh để đương đầu với các chước cám dỗ của cuộc đời.
- Nếu chúng ta không biết lợi dụng thời gian của Mùa Chay để luyện tập, chúng ta sẽ không thể đối chọi những cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt luôn chờ đợi chúng ta rơi vào.

 Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
17 THÁNG HAI
Mùa Chay:
Tiếng Gọi Ăn Chay Và Cầu Nguyện
“Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo” (Ge 2, 13). Giáo Hội công bố mùa Chay bằng những lời kêu gọi ấy của ngôn sứ Giô-en. Vào thời ngôn sứ Giô-en, tiếng gọi ăn chay đã phải được kết hợp với lời cảnh giác: “Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo!”
Cũng thế, Đức Giêsu đã phải cảnh giác vào thời của Người: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Khi anh em cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Khi anh em ăn chay, chớ làm ra bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 1. 2. 5. 16).
Trong quá khứ, khi Giáo Hội công bố mùa Chay, Giáo Hội đã phải cảnh giác mọi người nên tránh thói ‘biểu diễn’ thuần túy, tránh giả hình trong việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Còn hiện nay, điều đáng báo động hàng đầu không hẳn là thói ‘biểu diễn’ ấy. Mối nguy thực sự hiện nay là ở chỗ tiếng gọi mùa Chay bị người ta bỏ hẳn ngoài tai. Đối với rất nhiều người hôm nay, tiếng gọi mùa Chay chỉ là “một tiếng kêu trong sa mạc” (Mc 1, 3). Họ không hưởng ứng tiếng gọi ấy.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật I Mùa Chay
Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2a).
Cuộc đời của con người luôn có cám dỗ, cám dỗ luôn bám sát từng giờ, từng giây, từng phút một, không có sự đứt đoạn. Muốn chiến thắng những cám dỗ, chỉ có một phương cách duy nhất của người Ki-tô hữu đó là luôn phải tỉnh thức. Chúng ta có phương thức này là nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu đã dạy dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần luôn hiện diện nơi mỗi người chúng ta. Trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu đã giúp cho chúng ta biết cách liên kết với nhau cầu xin với Thiên Chúa Cha khi đọc lên: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” Ước gì chúng ta tin vững điều này mà cầu xin cho nhau để chến thắng mọi cám dỗ.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
17 Tháng Hai
Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ
Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.
Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.
Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.
Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.
Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.
Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.
(Lẽ Sống)
Chúa Nhật 17-2

Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ

(thế kỷ 13)

C
ó thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Ðốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Ðiều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật. Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Ðức Giêsu chỉ là một thiên thần). Ðời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến một nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người nữa goá vợ.
Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Ða Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Ðức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.

Lời Bàn

Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay. Ðó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả phi tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Ðức Kitô.

Lời Trích

"Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Ðức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào sự vinh hiển tương lai... Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh về Ðời Sống Tu Trì, 25).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét