Trang

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

08-02-2013 : THỨ SÁU TUẦN IV MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Sáu 08/02/2013
Thứ Sáu Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ
Mc 6,14-29


BÀI ĐỌC I: Dt 13, 1-8
"Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn như thế".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
            Anh em thân mến, tình bác ái huynh đệ phải tồn tại trong anh em. Anh em đừng lãng quên việc cho khách đỗ nhà: vì khi làm như vậy, có kẻ không ngờ mình đã đón tiếp các thiên thần. Anh em hãy nhớ đến những tù nhân như chính anh em bị tù đày chung với họ, và hãy nhớ đến những kẻ đau khổ, vì chính anh em cũng đang ở trong thân xác như họ. Mọi người phải tôn trọng hôn nhân, hãy giữ phòng the cho tinh khiết, vì Thiên Chúa sẽ đoán phạt các người tà dâm và ngoại tình. Trong nếp sống, anh em đừng tham lam; hãy bằng lòng với những gì đang có, vì Chúa đã phán: "Ta sẽ không để mặc ngươi và không bỏ rơi ngươi đâu", đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà thưa rằng: "Chúa là Đấng phù trợ tôi, tôi chẳng sợ người đời làm gì được tôi". Anh em hãy nhớ đến các vị lãnh đạo anh em, là những người đã rao giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem đời họ kết thúc ra sao mà noi gương đức tin của họ. Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay, và cho đến muôn đời vẫn như thế. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 26, 1. 3. 5. 8b-9abc

Đáp: Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi (c. 1a).
1) Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Đáp.
2) Nếu thiên hạ đồn binh hạ trại để hại tôi, lòng tôi sẽ không kinh hãi, nếu thiên hạ gây chiến với tôi, tôi vẫn tự tin. - Đáp.
3) Vì ngày tai hoạ, Chúa sẽ che chở tôi trong nhà Chúa, Chúa sẽ giấu tôi trong nơi kín đáo ở Đền Người, trên tảng đá vững chắc Người sẽ cất nhắc tôi lên. - Đáp.
4) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ. Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con. - Đáp.

 ALLELUIA: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 14-29
"Đó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
            Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng"; kẻ thì bảo: "Đó là Êlia"; kẻ khác lại rằng: "Đó là một tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói: "Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại". Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Sự bất tử của thánh nhân

            Những bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái tin rằng vị tiên tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất nhắc về Trời; khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng ngài đang sống lại trong con người Chúa Giêsu.
            Có lẽ để xóa tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng chi tiết cuộc xử trảm Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy Giả đã thực sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc lên trời như Êlia.
            Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
            Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa Sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:
            "Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây liên kết với Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Người mãi mãi".
            Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ - Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 4 TN, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Con người cần trung thành sống theo sự thật.

            Đối với những người không có đức tin nơi Thiên Chúa, họ không tin có sự thật tuyệt đối, và hầu hết mọi sự thật đều có giá trị tương đối – chỉ đúng trong một thời gian và hòan cảnh nào đó thôi. Vì thế, họ quan niệm, để có thể bảo đảm thành công trong cuộc đời, con người cần phải biết sống theo thời; chẳng hạn sống như các câu tục ngữ dạy: “Gặp thời thế thế thời phải thế!” hay “gió chiều nào che chiều đó!”
            Nhưng đối với những người có đức tin, Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời; và thành công trong cuộc đời này không bảo đảm sự thành công trong cuộc đời mai sau. Vì thế, nếu muốn đạt được cuộc đời mai sau, con người không thể sống theo thời, mà phải sống theo sự thật.

            Các Bải Đọc hôm nay đưa ra những mẫu người sống theo 2 lối sống khác nhau. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái khuyên các tín hữu phải sống theo sự thật, tức là sống theo những gì Thiên Chúa dạy. Lý do là vì Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, con người được bảo đảm cuộc sống mai sau. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật hậu quả của những con người không sống theo sự thật mà chỉ muốn làm vui lòng người khác như Vua Herode, Bà Hòang Herodia, và Salome, con gái của Bà; trong khi Gioan Tẩy Giả sẵn sàng chịu cầm tù và chết cho sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.

Sau khi đã chứng minh Chúa Giêsu, Vị Trung Gian của Giao Ước Mới, đã lấy máu mình mà rửa sạch tội lỗi của con người, và đem lại Ơn Cứu Độ cho con người, tác giả khuyên các Kitô hữu phải giữ 7 điều sau đây:
(1) Bác ái huynh đệ: “Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ.” Đây là một trong hai giới răn căn bản nhất của Đạo Công Giáo: “Mến Chúa yêu người.” Thánh Gioan nêu lý do tại sao giới răn này cần thiết: người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau.
(2) Tinh thần hiếu khách: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã sai các thiên thần đến loan tin vui cho con người: cho Abraham và Sarah (Gen 18), cho cha mẹ của Samson (Judg 13), và cho Tobit (Tob 3:17)
(3) An ủi kẻ ưu phiền: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ; anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ, chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể.” Đạo lý này trùng hợp với thần học về thân thể của Thánh Phaolô.
(4) Trong sạch, khiết tịnh: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình.” Lý do tại sao phải sống khiết tịnh vì chỉ có những ai có lòng trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa.
(5) Trung thành tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi! đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” Nếu Thiên Chúa đã sẵn sàng hy sinh Người Con Một cho con người, hỏi còn điều gì quí giá hơn Người Con này? Thiên Chúa không ban của cải dư đầy vì nó gây nhiều thiệt hại hơn là lợi ích.
(6) Theo gương anh hùng của người xưa: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ.” Người Công Giáo không thiếu những gương sáng để noi theo: trước hết và trên hết là gương Đức Kitô, sau đó đến các Tổ-phụ, Tiên-tri, rồi đến gương các thánh nam nữ ở mọi thời, sau cùng gương cha mẹ và các cha xứ, các thầy, các sơ, những người sống gần gũi trong thời chúng ta.
(7) Đừng sống theo những ngụy thuyết của thế gian: Sự thật không thay đổi: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.”

2/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chết làm chứng cho sự thật.

2.1/ Rau nào sâu nấy: Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của Jerusalem, Doris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmomean. Lọan luân xảy ra khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện lọan luân khác nữa là Salome, người con gái của Bà Herodias trong trình thuật hôm nay, lại kết hôn với Philip, con của Bà Cleopatra.

2.2/ Các thái độ sống khác nhau trong cuộc đời:
(1) Vua Herode Antipas: thừa hưởng một nếp sống hoang dâm và ác độc của vua cha, ông cũng không sống theo lập trường rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do là vì vua đã lấy bà Herodia, vợ của người anh là Philíp; và Gioan đã công khai chỉ trích nhà vua. Thái độ không lập trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy, vua Herode biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”
            Sự tình xảy ra là khi nhà vua mở một bữa tiệc thết đãi quan khách tại Galilee, con gái bà Herodia, Salome, vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." Được sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.
(2) Bà Herodia và Salome: sống và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của cô con gái: "Con nên xin gì đây?" Bà đã lạnh lùng trả lời: "Đầu Gioan Tẩy Giả." Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm."
(3) Gioan Tẩy Giả: sống và làm chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu cầu vật chất, danh vọng, chức quyền; nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn năn xám hối.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải trung thành sống theo sự thật, vì một cuộc sống theo thời sẽ không đưa chúng ta tới đích điểm của cuộc đời.
- Chúng ta sẽ phải trả giá đắt để sống theo sự thật, nhưng sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, và sẽ giúp chúng ta đòan tụ với Thiên Chúa và các chứng nhân của sự thật.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


THỨ SÁU  TUẦN IV THƯỜNG NIÊN 
Mc 6, 14- 29

1. Ghi nhớ: Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: "Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy! " (Lc 6, 16)

2. Suy niệm: Chúa Giêsu khi về lại làng Nagiareth, Người là một dấu hỏi cho những người thân thuộc. Hôm nay, qua sự đồn đãi của dân chúng, Chúa Giêsu là một câu hỏi lớn cho chính Hêrôđê. Theo tác giả Maccô, thì ai ai cũng nghĩ rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ, hay là một ngôn sứ sống lại, ngay cả Hêrôđê cũng nghĩ thế. Một câu hỏi làm cho người ta suy nghĩ, không biết có mang lại một điều gì lợi ích cho người ta không nhưng không ai nghĩ rằng Chúa Giêsu là một người xấu. Thiết nghĩ, từ một suy nghĩ tốt đến việc đón nhận không cách xa nhau mấy, trừ khi người ta cố tình từ chối sự thật.

Người Kitô hữu ở giữa xã hội trần thế là một câu hỏi cho người đương thời. Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai đã là một câu hỏi cho những người thời ấy: những người này là ai mà họ yêu thương nhau đến như vậy. Người tín hữu ngày nay phải trở thành dấu chỉ tình yêu giữa lòng xã hội

3. Sống Lời Chúa: Sống chứng nhân giữa lòng xã hội

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống hết mình cho tình yêu cho dù người ta không đón nhận. xin cho chúng con dám sống như Chúa mà không tính toán thiệt hơn
www.giaophanvinhlong.net

08/02/13 THỨ SÁU TUẦN 4 TN
Th. Giôsêphin Bakhita, trinh nữ
Mc 6,14-29

ẤN TƯỢNG VỀ GIOAN TẨY GIẢ
Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói :"Đó là ông Gioan Tẩy giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông." Kẻ khác nói :"Đó là ông Ê-li-a." Kẻ khác nữa lại nói :"Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ." Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói :"Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy." (Mc 6,16)
Suy niệm: Gioan Tẩy giả đã chết, nhưng ấn tượng về ông vẫn còn sâu đậm. Ông trở nên “vấn đề” cho nhiều người, thậm chí trở thành “nỗi ám ảnh” của vua Hêrôđê, đâu có phải vì Gioan làm phép lạ hấp dẫn hay ý tưởng của ông thâm sâu, cách rao giảng hùng hồn. Đơn giản chỉ vì Gioan có cuộc sống phù hợp với lời mình rao giảng. Kêu gọi người ta ăn năn sám hối, ông đã vào sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng. Kêu gọi người ta tin vào Đấng là Chiên Thiên Chúa, ông đã dám hy sinh mạng sống để nói lên sự thật, lên án tội lỗi. Đời sống và lời ông rao giảng phù hợp khiến mọi người thấy ông nên giống Đấng ông đi mở lối dọn đường.
Mời Bạn: Đời sống gương lành của bạn có thể làm sáng đức tin của bạn và lời bạn rao giảng. Nhưng có khi nào bạn nhận thấy cách sống của bạn làm lời bạn nói thiếu sức thuyết phục chưa?
Chia sẻ: Để rao giảng Tin Mừng cách thuyết phục, người trẻ cần có một cách thức làm chứng thật rõ nét, mạnh mẽ thể hiện qua nếp sống của mình. Cách thức làm chứng của bạn là gì?
Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi có nói gì, làm gì chưa đúng với Tin Mừng, với lời tôi tuyên xưng hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một khi đã xưng mình là Kitô hữu biết sống đúng với những điều mình tuyên xưng.
www.5phutloichua.net

VÌ ĐÃ TRÓT THỀ
Như mọi con người khác ở trên đời, con người của Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt. Vấn đề là ông ta sẽ ngả theo cái nào.
Suy nim:

            Như mọi con người khác ở trên đời, con người của Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt. Vấn đề là ông ta sẽ ngả theo cái nào. Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông. Hêrôđê đã bảo vệ che chở cho Gioan và thich nghe ông nói, dù những điều đó làm Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20). Nhưng Hêrôđê cũng là người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục, chỉ vì Gioan dám nói: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.” Rõ ràng cái ác trong Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt. Hêrôđê thuộc loại người “nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,  nhưng không đâm rễ, mà là những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17). Chính vì thế khi gặp thử thách thì ông vấp ngã ngay.
            Hêrôđê còn quỵ ngã một lần nữa nặng hơn. Ngày sinh nhật của ông cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ. Khi con gái bà Hêrôđia biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người,  Hêrôđê đã lỡ thề hứa một điều thiếu khôn ngoan, trước mặt bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê:
“Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23). Không biết lúc đó Hêrôđê đã say chưa,  nhưng chắc chắn nhà vua đã quên một điều quan trọng. Ông quên mình chỉ là một tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1), nên ông không có quyền cho đất hay chia đất. Bà Hêrôđia đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan. Bà nói với cô con gái xin đầu Gioan Tẩy giả (c. 24). Hẳn điều này là một bất ngờ lớn đối với Hêrôđê . Lập tức ông bị đặt vào thế giằng co xâu xé. Một mặt ông hết sức đau buồn vì quý mạng sống của Gioan. Mặt khác ông lại không muốn thất hứa với cô bé, một lời hứa đã trót nói ra công khai trước mặt quan khách dự tiệc. Hêrôđê có dám chịu đánh mất chút danh dự của mình không khi khiêm tốn xin rút lại lời thề hứa vội vàng, bồng bột? Ông có dám nhận mình đã sai và chịu mất mặt không? Tiếc quá ! Hêrôđê đã không có được can đảm này. Như người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22), Hêrôđê cũng sẽ buồn suốt đời vì cái chết do ông gây ra. Như Hêrôđê, sau này Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu. Ông cũng phạm đúng tội của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15),  coi ghế ngồi của mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.
Cầu nguyn:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
(R. Tagore - Ðỗ Khánh Hoan dịch)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tấn tuồng của con người

Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gia-an Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc. 6, 14-16)
Cái chết của thánh Gioan Baotixita là một trong những trang bi thảm nhất của Phúc âm vì những hoàn cảnh éo le đã xui nên. Những tâm tình hắc ám nhất của nhân loại đều thấy cùng gặp gỡ nhau ở đây: một người có ý định sát nhân, đúng hơn lại muốn để cho người khác can tội vì muốn bảo toàn danh dự mình hoặc khỏi mất thanh danh đối với những khách dự tiệc có lẽ đang say xỉn; một cô gái nhảy đùa giỡn với mạng sống con người với tư thế ung dung như cô đang chơi trò giật dây con rối vậy. Đó là một trong những trang bi đát nhất của tất cả tấn tuồng của con người từ đó để lộ ra lẫn lộn tất cả sự hèn nhát, nhân nhượng, mưu mô, thù oán, say sưa và tàn bạo hầu làm nên cái mà Mauriac gọi là uẩn khúc nham hiểm của loài rắn độc.
Tính nhu nhược của Hêrôđê là đầu mối cho tất cả sự việc này. Từ khi nghe lời Hêrôđia xúi xiểm tống giam Gioan Tẩy giả cho đến khi bị mắc kẹt trước các khách dự tiệc, không thể rút lại mà không phơi trần một sự yếu hèn hơn, Hêrôđê sẽ vẫn là một con người bị người khác vận dụng và sẵn sàng nhượng bộ tất cả với điều kiện là “giữ được thể diện” cho mình. Ông sẽ chẳng coi chi những tâm tình vị nể và cảm phục ông Gioan, người mà tự thâm tâm ông vẫn thích nghe.
Sau đó ít lâu, một tấn tuồng khác gần tương tự sẽ còn làm nổi bật tính nhu nhược này của con người. Tại pháp đình, trước đám đông người Do thái bị các trưởng tế xúi giục hò hét, Philatô sẽ rửa tay tỏ ra vô can trong cái chết của Đức Kitô, mặc dầu ông không tìm được chứng cớ nào để kết án tử Người.
Thiết lập một danh sách liệt kê những biến cố đại loại như trên, thiết tưởng không phải là chuyện khó làm. Những vụ giết người và phản bội thường có nguồn gốc là một lô những nhu nhược, hèn nhát, yên lặng đắc tội…Những người có quyền, có địa vị mà nhu nhược thường bao che cho những kẻ quỷ quyệt để chúng hưởng lợi. Quả thực, ít có những người có sự thật và biết tôn trọng sự thật đến cùng, một sự thật ngoan cường.
Còn chúng ta, chính chúng ta thường tỏ ra khôn khéo hơn trong vai những người mềm yếu và nhu nhược khi chúng ta diễn lại tấn tuồng trên đây của con người.
www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai

8 THÁNG HAI

Nghệ Thuật Giúp Di Dưỡng Tâm Linh

            Các nghệ sĩ là những người đóng góp rất lớn cho nhân loại. Lao động của họ hậu thuẫn một cách đầy hiệu năng cho sự cứu độ của con người – bởi vì họ giúp bồi bổ cảm thức tâm linh của người ta. Khi người ta chiêm ngắm nghệ thuật và vẻ đẹp của nghệ thuật, người ta đắm mình trong nguồn cảm hứng. Cảm thức tâm linh của người ta được thăng hoa. Người ta như chạm được sức hút của cõi tinh thần thuần túy. Người ta như thoáng bắt gặp Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và cứu cánh của mọi sắc dạng tinh thần.
            Ý thức sâu sắc về điều này, Giáo Hội “luôn luôn đề cao nghệ thuật và luôn luôn tìm tòi sự phục vụ cao quí của nghệ thuật… Giáo Hội vẫn thu dụng các loại hình nghệ thuật qua mọi thời. Thật vậy, dọc theo bao thế kỷ, Giáo Hội đã vun đắp nên một kho tàng nghệ thuật rất đáng trân trọng bảo tồn” (PV 43).
            Cũng vậy, nghệ thuật thời đại chúng ta hôm nay – của mọi dân tộc – vẫn tìm thấy khung trời mênh mông để thể hiện chính mình giữa lòng Giáo Hội, miễn là qui hướng phục vụ Thiên Chúa với niềm tôn kính xứng hợp.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08-2

Thánh Hiêrônimô Êmilianô,
Thánh Jôsêphina Bakhita, trinh nữ

Dt 13, 1-8; Mc 6, 14-29


LỜI SUY NIỆM: Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: ‘Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trổi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ, kẻ khác nữa nói: ‘Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ” (Mc 6, 14-15)

Vào Thời Chúa Giêsu từ vua Hêrôđê cho đến người dân mặc dầu Chúa Giêsu đang sống với họ, thế mà người ta không thấy khuôn mặt thật, con người thật của Ngài. Trong đời sống của chúng ta cũng chẳng khác chi những người lúc bấy giờ khi nhìn người anh chị em của mình đang cùng sống gần bên hoặc chung quanh. Chúng ta thường nhìn với nhãn quan và suy nghĩ của riêng mình để rồi kết luận một cách sai lạc. Chúng ta phải nhìn mọi người cũng như chính mình: luôn là hình ảnh của Thiên Chúa và được Chúa Giêsu đổ máu ra để cứu chuộc, để biết cầu nguyện, giúp  nhau cùng nên thánh ngay giữa đời này.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 08-02

Thánh HIÊRÔNIMÔ EMILIANÔ
Linh Mục, (1481-1537)


            Cộng hoà Venitia lâm chiến với các vương quốc. Xuất thân từ một gia đình quí tộc. Hêronimô Emilianô nhập ngũ từ hồi niên thiếu. Phục vụ cho quê hương từ hồi 15 tuổi, Ngài sống cuộc đời phóng túng trong quân ngũ, cũng như tỏ ra rất can trường.
            Vì vậy mà Ngài được nắm quyền chỉ huy cứ điểm Castelneve trên núi Trêvis. Pháo đài bị chiếm và Hêronimô bị bắt tù. Bị xiềng cổ, tay, chân vào một quả cầu bằng thạch cao để hết trốn thoát nổi. Ngài phải nằm bẹp trong nhà giam. Trong cơn thất vọng tột cùng, đức tin thời còn trẻ trung chỗi dậy như một ánh sáng và như lời quở trách... Cuộc đời Kitô hữu tồi tệ vẽ ra trước mắt. Hêronimô nhận biết mình đã phản nghịch Chúa cách nặng nề.
            Ngài tự nghĩ lại mình không đáng chịu nỗi bất hạnh này sao ? Khi ấy với trọn tâm hồn, Ngài nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria và khấn hứa nếu được giải thoát Ngài sẽ đi chân không tới viếng đền Đức Bà Trêvisa và lôi kéo khách hành hương tới đó. Và Ngài đã được giải thoát cách lạ lùng. Đức Trinh nữ Trêvisa trở thành Bà Chúa của Ngài. Trên bàn thờ Đức Mẹ Ngài đặt xiềng xích và treo quả thạch cao để phổ biến lòng nhân hậu của mẹ đối với mình.
            Trở lại Venitia, Hêronimô là một anh hùng và được lãnh nhận những vinh dự của quê hương. Nhưng Ngài không quên rằng: chính vì một sứ mệnh đối với Tin Mừng mà Ngài được gỡ khỏi cảnh tù đày. Hết rồi cuộc sống sáng tươi và phân tán, từ nay Ngài sẽ sống đời bác ái cao độ và thành quả của Ngài sẽ dẫn về cho Chúa những người nghèo, các em bị bỏ rơi, lang thang, nhơ bẩn, những kẻ không biết rằng mình có linh hồn.
            Hêronimô trở thành cha của chúng. Ngài đi học để chịu chức linh mục. Năm (1518) 37 tuổi Ngài thụ phong linh mục, hiến mình làm việc bác ái, chia sẻ mọi lợi quyền cho người nghèo khó. Khi nạn đói, Ngài bán hết đồ đạc trong gia đình để phân phát cho họ. Ngài thuê nhà để qui tụ các trẻ em không nơi cư ngụ, nuôi dưỡng giáo dục và chuẩn bị cho chúng thành những công nhân Kitô hữu biết hòa trọn niềm vui tôn giáo. Chẳng hạn vào những ngày lễ, người ta thấy chúng mặc đồ trắng, từng đoàn đắt nhau đi viếng các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các công trường. Dân chúng mừng rỡ góp phần trợ giúp công cuộc cảm kích này.
            Chân phước Gaelan và Phêrê Caraffa, người sẽ trở thành Đức Thánh Cha Phaolô IV đã đến Venitia. Lòng bác ái của Hêronimô làm cho các Ngài thán phục, vị tông đồ khi đã thiết lập xong công việc bác ái của mình sẽ đi lập nhiều nhà thương và các cô nhi vịên mồ côi ở những thành phố khác. Nơi nào Ngài nghĩ rằng không ai biết mình thì Ngài hoà mình hoàn toàn vào các đám dân nghèo, sống của bố thí và như họ dịu dàng truyền bá Phúc âm cho họ, Ngài cũng tìm chỗ nương thân cho các thiếu nữ không nơi nương tựa bị đe dọa thất thân.
            Trẻ em cũng trở thành những trợ giúp đáng giá cho Ngài. Ngài dạy dỗ chúng và khiến chúng thành giảng viên giáo lý cho các trẻ em khác. Ngài còn săn sóc cho thân thể chúng nữa, lau gội những mái đầu bị trứng tóc như một người mẹ. Người ta cũng thấy Ngài gặt lúa với các nông dân, vừa làm vừa nói với họ những truyện trên trời. Rồi thánh nhân lui về một cái hang trong núi nhiều ngày đêm, để thờ lạy Chúa trong việc cầu nguyện, chay tịnh và sám hối.
            Một nạn dịch xảy ra tàn phá xứ sở. Hêronimô Emilianô chạy ngược xuôi săn sóc bệnh nhân, vác người chết đi chôn. Nhiều khía cạnh anh hùng trong đời sống bác ái của thánh nhân đã ảnh hưởng tới hàng giáo sĩ và các giáo dân. Ngài lập một hội dòng để dạy dỗ trẻ em và các linh mục tương lai. Cộng đoàn đầu tiên được Ngài thành lập tại Somasca. Ngài sẽ thiết lập cả trăm học viện, đại học và chủng viện.
            Đức Piô XI đã đặt thánh Hêronimô Emilianô làm thánh bảo trợ các trẻ em bị bỏ rơi.

(Daminhvn.net)

++++++++++++++++++

08 Tháng Hai

Sống Lạc Quan


            Năm 1989,một cuộc thi toán quốc tế đã được tổ chức cho các thiếu nhi 13 tuổi thuộc sáu quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đó cho thấy giỏi toán nhất là các em Ðại Hàn, kế đó là các em Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ailen, Canada và đội sổ là các thiếu nhi Hoa Kỳ.
            Song song với cuộc thi toán ấy, người ta cũng làm một cuộc thăm dò với chính các thiếu nhi cũng thuộc lứa tuổi ấy. Người ta đặt một câu khẳng định như sau: "Tôi là người giỏi toán". Kết quả cuộc thăm dò cho thấy lạc quan nhất là các trẻ em Hoa Kỳ và bi quan nhất lại chính là các em Ðại Hàn. Gần 70% các em Hoa Kỳ tự nhận mình là giỏi toán trong khi đó chỉ có khoảng 20% các em Ðại Hàn tự nhận mình có thực tài.
            Qua cuộc thi toán và thăm dò trên đây, người ta thấy rằng có thể các thiếu nhi Hoa Kỳ không phải là những trẻ em giỏi toán, nhưng chúng đã tiếp thu rất kỹ bài học về tính lạc quan do các thầy cô không ngừng giảng dạy tại trường. Nhiều nhà giáo dục người Mỹ muốn chứng minh rằng nghiện ngập, chửa hoang, bỏ học và hầu hết các tệ đoan xã hội khác đều có thể được giảm bớt nếu con người biết sống lạc quan, nghĩa là biết tự nhận và cảm thấy mình là những con người tốt.
            Lạc quan là đức tính cơ bản nhất để thành công trong cuộc sống. Có tin tưởng nơi chính mình, có tin đời, có tín nhiệm nơi người khác, người ta mới dám bắt tay vào việc. Ngay cả khi gặp thất bại, thử thách, người lạc quan cũng không lùi bước, bỏ cuộc.
            Trong cuộc sống đức tin, lạc quan là một trong những nhân đức quan trọng nhất. Người tín hữu lạc quan là người luôn đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người tín hữu lạc quan là người không bao giờ thất vọng về chính mình. Người tín hữu lạc quan cũng là người không bao giờ thất vọng về người khác.
            Ðá tảng để người tín hữu xây dựng sự lạc quan của chính mình là Tình Yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán, đo lường và sự tưởng tượng của con người, một tình yêu thủy chung.
            Tình yêu ấy nói với con người rằng, không có một con người nào đốn mạt, yếu hèn, xấu xa đến nỗi Thiên Chúa đành phải bó tay.
            Tình yêu ấy nói với con người rằng, nơi nào có tội lỗi và phản bội càng nhiều, thì nơi đó ân phúc được thi ân dồi dào hơn.
            Tình yêu ấy nói với con người rằng, đau khổ, cái chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu của vinh quang, của sự sống. Tình yêu ấy mạnh hơn sự chết, tình yêu ấy không bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng.

(Lẽ Sống)
Thứ Sáu 8-2

Thánh Josephine Bakhita

(k. 1868-1947)

T
hánh Josephine Bakhita sinh ở Sudan, được coi là người nô lệ Phi Châu đầu tiên được Giáo Hội phong thánh. Vào lúc 10 tuổi, ngài bị bắt cóc bởi bọn buôn nô lệ và được đặt tên là "Bakhita," hoặc "đứa may mắn." Bị buôn đi bán lại ở các thị trường El Obeid và Khartoum, Bakhita phải trải qua đủ loại đau khổ về tinh thần, tâm lý và thể xác vì thân phận nô lệ. Khi lần sau cùng cô được bán cho ông Callisto Legnani, vị lãnh sự Ý thực tâm muốn giải thoát cô, thì cuộc đời cô mới thực sự thay đổi.
Khi vị lãnh sự trở về Ý vì lý do chính trị thì Bakhita cũng xin tháp tùng gia đình ông. Mặc dù sau đó cô tiếp tục làm công cho một gia đình khác, cuộc đời Bakhita ở Ý là một cuộc đời hạnh phúc. Cô được đối xử tử tế và được tôn trọng.
Cô cũng làm quen với các nữ tu dòng Bác Ái Canossa ở Venice; chính họ là những người đã nói với cô về Thiên Chúa là Ðấng mà tự nhiên cô bị thu hút đến với Người. Sau nhiều tháng học hỏi, cô được tháp nhập vào Giáo Hội qua các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Rước Lễ. Cô lấy tên mới là Josephine để đánh dấu một cuộc đời mới trong Ðức Kitô.
Vài năm sau Josephine gia nhập tu viện Bác Ái Canossa ở Venice. Trong 50 năm tiếp đó, cô là một nữ tu nổi tiếng về đạo đức và công việc bác ái. Trong suốt cuộc đời tu trì, sơ Josephine đảm trách các công việc rất tầm thường nhưng cần thiết cho nhà dòng -- nấu ăn, may vá, giữ cửa tu viện ở Schio, gần Padua. Thái độ hiền lành, hòa nhã và giọng nói êm ả của sơ là sự an ủi cho những người nghèo và người đau khổ thường đến với nhà dòng xin giúp đỡ.
Mặc dù tuổi tác đem lại sức khỏe yếu kém, sơ Josephine vẫn là một nhân chứng của hy vọng và thiện tâm. Trong những giờ phút cuối đời, dường như sơ sống lại những ngày kinh hoàng của đời nô lệ. Người ta nghe sơ rên rỉ nói người y tá rằng "Làm ơn nới lỏng cái xích sắt ấy một chút... nó nặng quá!"
Sơ được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1992. Vào năm kế đó, khi Ðức Thánh Cha thực hiện cuộc tông du sang Phi Châu, mẹ bề trên dòng Canossa đã dâng lên ngài các di tích của Chân Phước Josephine. Trong bài giảng, đức giáo hoàng nói: "Hãy vui lên, hỡi tất cả Phi Châu! Bakhita đã trở lại với ngươi: ngài là con gái của Sudan, bị bán làm nô lệ như một món hàng, tuy thế ngài vẫn tự do: tự do của các thánh."
Vào tháng Mười 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.
Lời Trích:
"Khi nhìn thấy mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú, tôi tự nhủ, 'Ai có thể là Chủ Nhân của những vật mỹ miều ấy?' Tôi vô cùng khát khao để thấy Người, để biết Người và để thần phục Người." (Chân Phước Josephine Bakhita).
www.nguoitinhuu.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét