Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

10-02-2013 : (P II) CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN năm C


(P II)Chúa Nhật 10/02/2013
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN NĂM C


10/02/13 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C
Mồng Một Tết Quý Tỵ. Cầu bình an năm mới 
Mt 6,25-34

ĐIỀU CẦN TÌM KIẾM
"Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Ngưới sẽ thêm cho." (Mt 6,33)
Suy niệm: Ngày tết trẻ em vui vẻ tung tăng trong bộ đồ mới, nhưng không biết bao nhiêu người lớn lại lo lắng tự hỏi: tôi phải làm gì để sang năm mới tôi và gia đình tôi được hơn năm cũ? Kinh tế càng suy thoái, người ta càng lo lắng. “Lo lắng,” căn bệnh thường đi đôi với phận người, lo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ vật chất cho tới tinh thần, lo cả những chuyện không đâu: Một mình lo bảy lo ba; lo cau trổ muộn, lo già hết duyên. Quanh năm suốt tháng lắng lo đủ chuyện, chẳng mấy khi thấy được niềm vui và bình an thư thái trong cuộc đời. Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng một tết để cầu bình an cho năm mới. Bình an thật cao quý, bởi thế trong ngày tết người ta thường chúc cho nhau nhiều điều tốt lành, và cũng không quên cầu chúc cho nhau được bình an.
Mời Bạn: “Lo liệu” thì nên, “lo lắng” thì đừng. Người giàu tinh thần phó thác sẽ biết khôn ngoan lo liệu, mà chẳng bận tâm lo lắng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh những chú chim tung bay trên trời, những đoá hoa xinh tươi ngoài đồng để nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương chăm sóc chúng ta là thụ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Thế nên chúng ta hãy bình tâm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết, còn những sự khác Ngài sẽ ban cho.
Sống Lời Chúa: Tạ ơn Chúa về mỗi ngày và xin cho được ơn bình an là đủ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thời gian là ân huệ của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng thời gian trong năm mới này để xây dựng sự bình an và tìm kiếm Nước Thiên Chúa cùng sự công chính của Ngài.
www.5phutloichua.net

TỪ NAY ANH SẼ BẮT NGƯỜI
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể đổi. Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Suy nim:

            Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng. Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình. Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,là những con cá quẫy đuôi trong lưới, là gia đình cần phải chăm nom. Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả. Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy, nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra, và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới, một đại dương bao la hơn nhiều, một gia đình rộng lớn hơn vạn bội. Chỉ Chúa mới có thể làm trái tim ông say mê một Ai khác, yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
            Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên. Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy. Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá, Simon có nhiều lý do để khước từ. Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác, hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơi. Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu, Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30). Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39). Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ. Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi, và nhận ra Ðấng ở gần bên. Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”
            Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối. Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh. Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người. Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.
 Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa, để cho Chúa tự do lôi kéo mình. Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến. Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá, ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
            Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể đổi.
Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Cầu nguyn:
            Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.  Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
            Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.  Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.
            Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm.An-tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.


"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".

Đào tạo tông đồ

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về mẻ cá lạ lùng mà Phêrô và các bạn được chứng kiến. Đây khám phá chỉ đơn thuần là một phép lạ lớn lao cho ta ngưỡng phục quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng qua dấu lạ này, Chúa Giêsu còn muốn mời gọi ta ra khơi truyền giáo. Và qua tiến trình của phép lạ, Chúa Giêsu đã áp dụng một chương trình đào tạo các môn đệ, đặc biệt là Phêrô, người đứng đầu các môn đệ. Chương trình đào tạo này gồm 4 điểm.
Điểm thứ nhất: cảm nghiệm về sự nghèo nàn của bản thân. Phêrô và các bạn đang giặt lưới. Các ông mệt mỏi sau một đêm thức trắng vật lộn với biển khơi. Tâm trạng các ông chán nản sau thất bại chua cay não nề. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu lại bảo các ông ra khơi. Ra tận chỗ nước sâu. Nước sâu là chỗ nguy hiểm. Nước sâu là chỗ Phêrô gặp thất bại. Chúa Giêsu muốn Phêrô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của bản thân. Chúa Giêsu muốn Phêrô nhìn rõ những thất bại để ông biết khiêm nhường. Khiêm nhường là bài học đầu tiên Chúa Giêsu muốn gửi đến các môn đệ của Người.
Điểm thứ hai: cảm nghiệm về sự cao cả của Thiên Chúa. Người tông đồ phải làm chứng về Thiên Chúa. Muốn làm chứng phải có kinh nghiệm. Ai chưa từng gặp được Thiên Chúa, chưa từng tiếp xúc với Người thì không thể làm chứng về Người. Trong những trường hợp đặc biệt, Thiên Chúa thường chủ động tỏ mình ra. Chúa tỏ mình cho Môsê trong bụi gai cháy đỏ. Chúa tỏ mình ra cho thánh Phaolô qua làn ánh sáng chói lọi trên đường đi Đa mát. Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho Phêrô qua mẻ lưới lạ lùng. Lập tức Phêrô nhận biết sự cao cả, sự thánh thiện của Chúa. Sợ hãi vì thấy mình tội lỗi, Phêrô vội quỳ xuống xin Chúa rời xa. Phêrô đã sống bên cạnh Chúa. Ông đã được tiếp xúc với Chúa. Ông đã cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả của Chúa. Sau này ông đi rao giảng chỉ là để kể lại những gì ông đã mắt thấy tai nghe.
Điểm thứ ba trong chương trình đào tạo môn đệ của Chúa đó là sự vâng lời tuyệt đối. Phêrô hẳn là rất ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bảo ông ra khơi đánh cá, lại còn chỉ rõ nơi thả lưới. Không ngạc nhiên sao được khi Phêrô là người miền biển trong khi Chúa Giêsu là người miền núi. Phêrô làm nghề chài lưới lâu năm kinh nghiệm trong khi Chúa Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc. Thế mà khi Chúa Giêsu bảo ông thả lưới bên phải thuyền, ông đã tăm tắp làm theo. Phêrô đã vâng lời tuyệt đối. Phêrô đã học được thái độ vâng lời của người môn đệ. Ông đã thành công. Ông đã thấy kết quả rõ ràng. Và Chúa đã đặt ông làm tông đồ trưởng.
Điểm sau cùng mà Chúa muốn người môn đệ phải có đó là sẵn sàng ra đi. Ra đi là một thái độ liều lĩnh. Vì vượt qua những khoảng không gian vật lý cheo leo. Ra khơi là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp.
Vượt qua những khoảng không gian vật lý đã khó. Vượt qua những khoảng không gian tâm lý còn khó hơn. Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh. Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ. Lên đường truyền giáo là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ lưới cá để chài người.
Nhưng khó nhất chính là ra khỏi chính mình. Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ được những thói tật xưa cũ thì người ta vẫn còn ở khởi điểm. Muốn lên đường người môn đệ phải ra khỏi tính tự ái tự mãn của mình. Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi. Ra khỏi những ảo tưởng viễn vông. Ra khỏi những ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Khi đã từ bỏ tất cả, người môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn. Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác hoàn toàn vào Đấng kêu gọi ta. Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng sai ta.
Mỗi người được Chúa huấn luyện. Bao lâu ta chưa cảm nghiệm được sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả cũng như tình yêu của Thiên Chúa, chưa có niềm vâng phục tuyệt đối, chưa ra đi trong tự do và khó nghèo, ta vẫn chưa thực sự trở thành môn đệ của Chúa. Chưa được đào tạo kỹ lưỡng mà đã làm việc thì phần thành công chắc chắn sẽ ít hơn phần thất bại.
Lạy Chúa, xin hãy dạy bảo con theo đường lối của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có tuyệt đối vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh không?
2. Bạn có cảm nghiệm về sự vô tài bất lực của mình không?
3. Bạn đã ra đi khỏi chính mình chưa?
4. Bạn có cảm thấy Chúa có chương trình đào tạo mình không?
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

10-2
Thánh Scholastica
(480 - 542?)

A
nh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Ðức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.
Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời."
Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng từ giã cõi đời.
Lời Bàn
Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
Lời Trích
"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Ðức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).
www.nguoitinhuu.com

Lectio: Chúa Nhật V Thường Niên (C)

Chúa Nhật, 10 Tháng 2, 2013
Niềm tin vào lời Chúa Giêsu cuộc lưới cá kỳ diệu
Việc kêu gọi các môn đệ tiên khởi
Lc 5:1-11


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, giờ đây Lời của Cha đã đến!  Nó đã xuất hiện như mặt trời sau đêm tăm tối, trống vắng và cô quạnh.  Do đó, khi Lời Chúa không hiện diện, con luôn biết.  Xin hãy ban cho con làn gió biển nhẹ nhàng của Chúa Thánh Thần và xin hãy dẫn dắt, đi với con hướng về Đức Kitô, Lời hằng sống của Chúa mà con ước ao lắng nghe.  Con sẽ không rời khỏi bờ biển này, nơi Người giảng dạy và nói chuyện, mà con sẽ ở đây cho đến khi nào Người đem con đi với Người.  Sau đó, con sẽ đi theo Người đến bất cứ nơi nào Người đưa con đi.
 2.  Bài Đọc
 a)  Đặt bài Tin Mừng trong bối cảnh của nó:
Đoạn Tin Mừng này, tràn đầy với xúc cảm thần học, tại ngay tâm điểm của cuộc hành trình đức tin và sự gặp gỡ với Đức Giêsu, Đấng dẫn dắt chúng ta từ bị tật điếc trở lại với có khả năng thính giác, từ căn bệnh tê liệt nhất đến việc chữa lành cứu độ để chúng ta có thể giúp đỡ anh chị em chúng ta cùng tái sinh với chúng ta.  Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc rao giảng của mình trong hội đường tại Nagiarét, đem ý nghĩa và ánh sáng soi đến những lời trong sách Ngũ Thư (4:16).  Người đã chiến thắng tội lỗi (4:31-37) và bệnh tật (4:38-41), Người đã xua đuổi những điều ấy khỏi trái tim loài người và loan báo quyền lực thiêng liêng đã sai Người đến với chúng ta và bằng những gì Người thay đổi, đến được khắp mọi ngõ ngách của trái đất.  Tại điểm này, chúng ta nghe thấy câu trả lời chính là sự khởi đầu của những gì tiếp theo sau, đó là, trung thành với đức tin.  Tại thời điểm này, Giáo Hội và dân riêng mới được khai sinh, những người có thể nghe thấy và trả lời với câu xin vâng.  
 b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 5:1-3:  Chúa Giêsu bên bờ hồ Giênêsarét và trước mặt Người là đám đông dân chúng, mong muốn lắng nghe Lời Chúa.  Người xuống một chiếc thuyền và đẩy ra khỏi bờ một chút.  Như thày dạy và người hướng dẫn, Chúa ngồi trên nước và dạy bảo họ, và từ đó người ban ơn cứu độ cho những ai lắng nghe và đón nhận Lời Chúa.
Lc 5:4-6:  Chúa Giêsu bảo một số người đi thả lưới và ông Phêrô tin tưởng Người, tin vào Lời của Thầy.  Trong đức tin, ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới.  Bởi vì đức tin của ông, ông đã bắt được rất nhiều cá, đó là phép lạ.  
Lc 5:7:  Gặp gỡ Đức Giêsu không bao giờ là chuyện bí mật.  Cuộc gặp gỡ luôn dẫn đến việc thông tri, chia sẻ.  Thật vậy, món quà quá to lớn và không thể giữ riêng cho một người.  Ông Phêrô phải gọi các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến và món quà được tăng gấp đôi và phát triển liên tục.
Lc 5:8-11:  Phêrô sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu, ngưỡng mộ Người và nhận ra tội lỗi của mình, sự hư không của mình, nhưng Chúa Giêsu bảo ông bằng với cùng uy quyền mà rất nhiều biển cả đã vâng phục lời Người trong suốt Kinh Thánh:  “Đừng sợ!”  Thiên Chúa tỏ mình ra và trở thành bạn đồng hành của loài người.  Phêrô nhận lãnh sứ vụ chinh phục người ta, các anh chị em của ông, từ các vùng biển của thế gian và của tội lỗi, cũng giống như ông đã được chinh phục.  Ông bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cá và đi theo Chúa Giêsu, cùng với các bạn của ông. 

c) Tin Mừng:

1 Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. 2 Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. 3 Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. 4 Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá". 5 Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". 6 Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. 7 Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
8 Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". 9 Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; 10 cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". 11 Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
 Trong giây phút thinh lặng và chỉ riêng mình tôi để tôi có thể ở lại cùng với Người, tôi đi xa bờ một chút, vào vùng nước sâu và, phó thác vào Chúa, tôi thả lưới xuống nước và chờ đợi...
 4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
 Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
 a)  “Người ngồi xuống và giảng dạy dân chúng từ thuyền”.  Chúa Giêsu bước xuống thuyền, ngồi xuống ở giữa chúng ta, thậm chí Người còn chạm vào trái đất của chúng ta và từ hành tinh nhỏ bé này, Người ban lời giảng dạy, Lời cứu độ của Người.  Chúa Giêsu ban cho tôi thời gian, không gian, hoàn toàn sẵn lòng để gặp gỡ Người và biết Người, nhưng tôi có biết cách để dừng chân, ở lại, bén rễ trong Người và trước mặt Người không?
 b)  “Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút”.  Lời yêu cầu của Chúa thì từ từ, thực sự, sau lần xa bờ lần đầu tiên này, Người yêu cầu ông đưa thuyền ra chỗ nước sâu.  “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu!”:  một lời mời được gửi đến mọi người.  Tôi có đức tin, sự tín thác và tin tưởng vào Người để thả lỏng những băn khoăn của tôi không?  Tôi có nhìn vào bản thân mình một cách chân thành và nghiêm túc không?  Kho tàng của cuộc đời tôi nằm ở đâu?
 c)  “Tôi sẽ thả lưới.”  Phêrô cho chúng ta một gương sáng tuyệt vời của niềm tin vào Lời của Chúa Giêsu.  Trong đoạn Tin Mừng này, động từ “thả lưới” xuất hiện hai lần:  lần thứ nhất nói về những tấm lưới và lần thứ hai nói với chính Phêrô.  Ý nghĩa thì rất rõ ràng:  trước mặt Chúa, chúng ta có thể thả lỏng toàn thể con người chúng ta.  Chúng ta bỏ xuống, nhưng Người thu nhặt, luôn luôn với một lòng trung thành tuyệt đối và không sai lầm.  Hôm nay, tôi có cảm thấy như muốn đem cuộc đời mình, y như thế này, và đặt nó xuống dưới chân Chúa Giêsu, trong Người, để cho Người, một lần nữa, có thể nhặt tôi lên, chữa lành và cứu rỗi tôi, làm cho tôi trở nên một con người mới không?
 d)  “Họ làm hiệu cho các đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh”.  Một lần nữa, Phêrô trở thành một người hướng dẫn trên cuộc hành trình của tôi và chỉ cho tôi làm thế nào trở nên cởi mở với người khác, chia sẻ, bởi vì người ta không thể sống cô lập và khép kin bên trong Giáo Hội.  Chúng ta được sai đi:  “Hãy đi gặp anh em Thầy và báo cho họ biết” (Ga 20:17).  Liệu tôi có thể chèo thuyền của tôi đến gần thuyền của những người khác không?  Tôi có thể chia sẻ với anh chị em mình món quà và sự phong phú mà Chúa đã ban cho tôi giữ hộ không?
  
 5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc
 v  Biển cả và chủ đề cuộc xuất hành:
Chúa Giêsu đang đứng bên bờ biển.  Người đứng trên thủy triều đen tối, đe dọa và vô tri của biển cả và cuộc sống.  Người đứng trước đám đông dân chúng đang tụ tập, sẵn lòng lắng nghe và sẵn sàng lên đường cho cuộc hành trình, Người là vị mục tử tốt lành với cây trượng bằng Lời của Người.  Người muốn đưa chúng ta băng qua các biển hồ và đại dương của thế gian này, trên cuộc hành trình của sự cứu rỗi, đem chúng ta đến trước mặt Người, như đã xảy ra ở Biển Đỏ (Xh 14:21-23) và bên bờ sông Giođan (Ga 3:14-17).  Ngay cả biển cát trong sa mạc cũng bị khắc phục bởi quyền năng của Lời Người và mở ra, trở nên một khu vườn, lối đi và bằng phẳng (Is 43:16-21) cho những ai quyết định đi trên cuộc hành trình trở về với Thiên Chúa và để cho Người hướng dẫn họ.  Trong những câu này của đoạn Tin Mừng, một lần nữa Chúa chuẩn bị cho chúng ta một phép lạ vĩ đại của cuộc xuất hành, của việc thoát ra khỏi bóng tối của cái chết, nhờ vào sự cứu chuộc để đến đồng cỏ xanh ngát của tình bạn với Người và lắng nghe tiếng Người.  Tất cả đã sẵn sàng:  tên của chúng ta đã được gọi với tình yêu vô biên của Đấng chăn chiên tốt lành, Đấng biết chúng ta từ muôn thuở và hướng dẫn chúng ta đến muôn đời, sẽ không bao giờ để cho chúng rời khỏi tay Người. 

v  Lắng nghe trong đức tin dẫn đến sự vâng phục:
Đoạn văn này trích từ Tin Mừng Luca là lần thứ hai liên quan đến cuộc hành trình vinh quang mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta.  Đám đông dân chúng vây chung quanh Đức Giêsu, thúc giục bởi lòng ước muốn được “nghe thấy Lời Chúa”; đây là câu trả lời cho lời mời gọi liên tục của Chúa Cha, mà chúng ta thấy khắp trong Kinh Thánh:  “Nghe đây, hỡi Israel!” (Đnl 6:4), hay là “Ôi dân Ta nếu mà đã chịu nghe lời Ta!” (Tv 81:14).  Như thể là đám đông đang nói:  “Vâng, tôi sẽ lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 85:9).  Tuy nhiên, hình thức lắng nghe được đề cập đến và được đề nghị là sự lắng nghe hoàn toàn, không phải là sự lắng nghe hời hợt; nó là sự lắng nghe sống động và cho đi sự sống, không phải sự chết; nó là sự lắng nghe của đức tin, không phải của sự nghi ngờ và cứng lòng.  Nó là sự lắng nghe và nói:  “Xin vâng, lạy Chúa, vì lời Chúa mà con sẽ thả lưới”.  Lời kêu gọi được nói với chúng ta bây giờ là lời kêu gọi đến với đức tin, đến lòng tín thác nơi Người và trong mỗi lời phán ra từ môi miệng Người, chắc chắn rằng bất cứ điều gì Người nói sẽ trở thành sự thật.  Như Thiên Chúa đã nói với ông Abraham:  “Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa không?” (St 18:14) hay nói với tiên tri Giêrêmia:  “Đối với Ta, hỏi có điều gì là không thể làm được chăng?” (Gr 32:27); cũng như với ông Giacaria 8:6.  Hay là như đã được nói với Đức Maria:  “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37) và bà đã đáp lại:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.  Đó là điểm mà chúng ta phải đạt được; như Đức Maria, như ông Phêrô.  Chúng ta không thể chỉ là người lắng nghe, nếu không, chúng ta sẽ lừa dối chính mình, như thánh Giacôbê đã nói (1:19-25); chúng ta sẽ tiếp tục bị lừa dối bởi sự lãng quên và chúng ta sẽ lạc mất.  Lời Chúa phải được thực hiện, được đem ra thi hành, được làm cho đến cùng.  Điều cần hiểu rõ là sự hủy hoại của người nghe Lời Chúa nhưng lại không đem ra thực hành; chúng ta phải đào cho sâu và xây nền móng nhà trên đá, có nghĩa là, đức tin trong sự thực hành (xem Lc 6:46-49).
 v  Thả lưới cá là sứ vụ của Giáo Hội
Lòng trung thành lắng nghe và đức tin dẫn đến sứ vụ, có nghĩa là, để tham gia vào xã hội mà Chúa Giêsu thành lập cho việc phát triển Nước Trời.  Trong đoạn Tin Mừng này, có vẻ như là Luca muốn trình bày về Giáo Hội sống trong kinh nghiệm thời kỳ hậu phục sinh của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã sống lại.  Trong thực tế, chúng ta lưu ý rằng nhiều ám chỉ về đoạn văn này trong Tin Mừng Ga 21:1-8.  Chúa Giêsu chọn một chiếc thuyền và chọn ông Phêrô, và từ chiếc thuyền, Người kêu gọi các đàn ông và phụ nữ, các con trai, con gái tiếp tục sứ vụ của Người.  Chúng ta lưu ý rằng động từ “đẩy thuyền ra chỗ nước sâu” ở thể số ít, hàm ý rằng ông Phêrô là người được giao nhiệm vụ hướng dẫn, nhưng hành động lưới cá lại ở thể số nhiều:  “hãy thả lưới xuống”, nói đến tất cả những ai muốn tham gia và tuân hành trong sứ vụ.  Sứ vụ và công việc chung này của tất cả mọi người thì đẹp đẽ và sáng ngời, nó là niềm hân hoan!  Đó là sứ vụ tông đồ, bắt đầu ngay từ bây giờ, trong sự vâng phục Lời Chúa và sẽ đạt được đến nơi sâu xa, thậm chí đến tận cùng trái đất (xem Mt 28:19; Cv 1:8; Mc 16:15; 13:10; Lc 24:45-48).
Thật là thú vị khi lưu ý đến từ ngữ mà Luca dùng để chỉ ra sứ vụ được Chúa Giêsu trao cho Phêrô, và cho tất cả chúng ta, khi Người nói:  “Đừng sợ hãi, từ nay con sẽ là kẻ lưới người ta”.  Ở đây chúng ta thấy từ ngữ được dùng trong Tin Mừng Mátthêu 4:18 trở đi, và trong Máccô 1:16 hoặc thậm chí trong đoạn Tin Mừng này ở câu 2, không đơn giản chỉ là lưới cá; ở đây chúng ta thấy có một chữ mới, chỉ xuất hiện có hai lần trong toàn bộ Tân Ước và bắt nguồn từ động từ “nắm bắt”, trong ý nghĩa “bắt sống và giữ cho sống sót”.  Thật vậy, việc lưới người của Chúa, thả lưới xuống biển của trần gian để ban cho người ta sự Sống, để tách rời họ khỏi vực thẳm và đem họ trở lại với cuộc sống đích thực.  Phêrô và những người khác, chúng ta và các bạn thuyền chài của chúng ta trong thế giới này, có thể tiếp tục, nếu chúng ta muốn, bất cứ nơi nào chúng ta đến, sứ vụ tuyệt vời của Người được sai đi bởi Chúa Cha “để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:10). 
 6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 66
Bài thánh ca chúc tụng Chúa
Đấng đã mở tâm hồn chúng ta với đức tin.

Đáp ca:  Dũng lực tôi và bài ca của tôi là Chúa; Người đã cứu chuộc tôi!

 Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,
đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh!
Hãy thưa cùng Thiên Chúa:
"Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!
Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm.

Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh."
Đến mà xem công trình của Thiên Chúa:
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ!
Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền,
và dân Người đi bộ qua sông;
việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ.
 Nào chúc tụng Chúa Trời chúng ta, muôn dân hỡi,
trổi vang lên lời tán dương Người,
Người là Đấng bảo toàn mạng sống
và giữ gìn ta khỏi lỡ bước sa chân.
Vâng lạy Chúa, Ngài đã từng thử thách,
luyện chúng con như luyện bạc trong lò,
đã để cho rơi vào cạm bẫy,
gánh nặng nề chồng chất cả trên vai,
mặc thiên hạ cỡi lên đầu lên cổ.
Cơn nước lửa, chúng con từng gặp bao lần,
nhưng Ngài đã cứu thoát, đem ra chỗ thảnh thơi.
 Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
Vừa mở miệng kêu lên cùng Chúa,
tấc lưỡi tán dương, tôi đã sẵn sàng.
Điều gian ác, nếu lòng này ấp ủ,
chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu.
Thế mà Thiên Chúa đã nghe rồi, để tâm đến lời tôi cầu nguyện.
Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.


7.  Lời Nguyện Kết
 Lạy Chúa, Chúa đã mở ra biển cả và đã đến với con; Chúa phân rẽ ban đêm và bắt đầu một ngày mới trong đời con!  Chúa đã nói Lời Chúa với con và làm con xúc động; Chúa đã khiến con xuống thuyền với Chúa và mang con ra chỗ nước sâu.  Lạy Chúa, Chúa đã làm những việc tuyệt vời!  Con xưng tụng Chúa, con chúc tụng và tạ ơn Người, trong Lời Chúa, trong Đức Giêsu, Con Chúa và trong Chúa Thánh Thần.  Người luôn đem con ra chỗ nước sâu với Chúa, trong Chúa và Chúa trong con, để con có thể thả xuống nhiều lưới của yêu thương, của tình bằng hữu, chia sẻ và tìm kiến thánh nhan Chúa và Nước Chúa trên trái đất này.  Lạy Chúa, con biết con là kẻ tội lỗi!  Nhưng cũng vì điều này, con xin cảm tạ Chúa, vì Chúa đã không đến để kêu gọi những người công chính mà những kẻ tội lỗi; con nghe thấy tiếng Chúa và con đi theo Người.  Lạy Cha, này con đây, con xin bỏ lại tất cả mọi thứ và đi theo Người…
www.dongcatminh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét